Trong những việc tiêu cực mà đảng và nhà nước ta đang quyết liệt truy quét, bên cạnh tham ô, tham nhũng, làm trái, hối lộ vân vân thì lãng phí cũng là một việc rất đáng phải báo động. Nó cũng gây thất thoát kinh khủng, cũng là mảnh đất màu mỡ cho các tệ nạn khác có cơ phát triển, nó làm cho lòng tin của dân giảm sút, ngân khố quốc gia hao hụt, và thói vô trách nhiệm, vô cảm phát triển…
Lướt qua một vài tờ báo trong thời gian vài ngày, ở một khu vực nhỏ là Tây Nguyên ta thấy những con số, những sự việc khủng khiếp như thế này:
Trong tổng số hơn 11 tỷ đồng sai phạm bị phát hiện, văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai đã chi đến... 2,5 tỉ đồng tiền mua hàng hóa (bia, trà, cà phê, sữa, bánh kẹo, hoa...) không đúng quy định, hồ sơ thanh toán không minh bạch. Tất nhiên ai cũng hiểu, không phải cán bộ văn phòng nào cũng có thể xơ múi đến số tiền này, nó chỉ tập trung ở chánh văn phòng và kế toán.
Theo kết quả khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh này đang thừa 315 phòng học tại điểm trường ở các thôn, làng; trong đó 183 phòng học hư hỏng và 132 phòng học đã được chuyển mục đích, công năng sử dụng hoặc chuyển giao cho xã quản lý. Qua khảo sát thực tế, nhiều phòng học chất lượng vẫn còn tốt nhưng các trường không có nhu cầu sử dụng; nhiều phòng học đã bàn giao cho xã quản lý nhưng địa phương cũng không có nhu cầu.
Theo thống kê, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động, gây lãng phí. Trong khi đó, người dân nhiều nơi đang đối mặt với cảnh thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân, xuất phát chủ yếu từ việc đầu tư xây dựng tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu đội ngũ quản lý vận hành. Nhiều công trình xây dựng ở những nơi chưa có điện lưới quốc gia, thiếu kinh phí để duy tu bảo dưỡng. Nhiều công trình xuống cấp chỉ vì cảnh “cha chung không ai khóc”!
Công trình nước sạch ở buôn Ngôm (xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được xây dựng năm 2006 với kinh phí 284 triệu đồng. Dù công trình nằm trong khuôn viên Trường mầm non Chư Drăng nhưng giáo viên và học sinh trong trường không thể sử dụng nguồn nước này vì đã ngừng hoạt động. Để có nước dùng, cô và trò trường này phải xin bơm nước từ nhà dân.
Cách công trình này chừng gần 3km, cũng thuộc địa bàn xã Chư Drăng, là công trình nước sinh hoạt ở buôn Liêng. Được đầu tư lên đến hơn 1,5 tỷ đồng, chính thức đưa vào sử dụng vào năm 2009, công trình được kỳ vọng sẽ đem nguồn nước sạch phục vụ nhu cầu cho khoảng 200 hộ dân. Tuy nhiên, sử dụng chưa được bao lâu thì công trình cũng rơi vào tình trạng “đắp chiếu”. Bên ngoài cửa khóa im ỉm, dàn cây leo mọc kín tường rào. Bên trong khuôn viên là nơi chăn thả 6 con dê, lợn. Nhiều thiết bị phục vụ cho công trình bị hoen rỉ.
Hiện nay, quốc lộ 19 dài hơn 200km, nối liền từ biên giới cửa khẩu Lệ Thanh đến TP Quy Nhơn (Camphuchia - Gia Lai - Bình Định) đang bị xuống cấp nghiêm trọng.
Theo quan sát, tuyến quốc lộ này có rất nhiều đoạn, mặt đường bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.Trong đó, có gần 20 điểm đang được Công ty Quản lý và xây dựng đường bộ tỉnh Gia Lai dựng biển cảnh báo, tổ chức tu sửa, vá víu tạm bợ.
Vân vân, tôi lọc ngay trên vài tờ báo vừa phát hành có ngay trên bàn của tôi, chiều nay.
Và đấy mới chỉ là ngẫu nhiên, nhưng chỉ trong một phạm vi nhỏ đã thế, rộng ra cả nước, thấy nó kinh khủng như thế nào?
Ví dụ, biên chế hiện nay vô cùng cồng kềnh là sự lãng phí hết sức kinh khủng. Các cuộc lễ lạt, kỷ niệm, quà tặng, các dịp đầy năm đầy tháng. Ngay cái công trình rất lớn mà mọi người hàng ngày đều thấy là đường sắt Cát Linh Hà Đông, ngoài việc đội vốn thì nó đang kéo dài thời gian lê thê cũng là một dạng lãng phí. Metro Bến Thành – Suối Tiên, dự án nhà máy Đạm Ninh Bình, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An), dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ… vân vân là những dự án, những công trình lãng phí đang được dư luận hết sức quan tâm…
Không thể khác, lãng phí cũng phải được coi là tội ác, phải được trừng phạt tương đương với các tội nghiêm trọng khác. Ngay trong vụ việc liên quan đến ông Đinh La Thăng, thì số tiền lãng phí nếu tách bạch ra thì cũng rất khủng khiếp. Nó là những công trình ngàn tỉ đắp chiếu, là những vốn tính bằng đô, rất nhiều đô, đổ xuống biển rồi không thu lại được.
Đã qua rồi cái thời muốn làm gì thì lấy ý chí để làm. Bây giờ, muốn làm gì phải tính toán rất kỹ để mỗi đồng vốn bỏ ra phải thu về lợi nhuận, nhất là những đồng tiền lo cho dân vùng sâu vùng xa. Cái tư tưởng tiền chùa đã khiến những người có quyền chi tiền vung tay quá trán, hay như các cụ ngày xưa hay nói: Vén tay áo xô đốt nhà táng giấy.
Về những làng vùng sâu ở Tây Nguyên thấy những cái bể nước rất lớn xiêu vẹo lở lói bên đường không một giọt nước cùng hệ thống phụ kiện tiền tỉ bỏ không, thấy những khu nhà định cư chơ vơ bỏ thì thương mà vương thì tội mới thấy cái sự lãng phí nó xói mòn lòng tin con người đến như thế nào. Những bể nước, những ngôi nhà, lớp học… ấy chính là hiện thân của nhà nước đến với dân nghèo, thế mà làm lấy được rồi bỏ không thế, thì làm sao mà dân tin được?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét