Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

BÁN TỰ VI SƯ…




Dân tộc ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thầy đứng thứ 2 trong xã hội. Quan niệm “quân sư phụ” dẫu là của Khổng Tử nhưng đã từ ngàn năm nay dân ta vẫn lấy đấy làm phương châm hành xử. Và quả thật, trong đời sống đã có những tấm gương thầy giáo lừng danh mà hầu như nhắc tới tên ai cũng biết. Đấy là Chu Văn An, thầy của các thầy với tấm gương tiết tháo và sự minh triết trong cả nghề và đời. Là Nguyễn Đình Chiểu “chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, là Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp vân vân. Và mới nhất, đám tang nhà giáo Văn Như Cương với rất đông người đưa, có nhiều người chưa hề học ông nhưng vẫn coi ông là thầy, nghe tin ông mất, dẫu ở rất xa cũng đã về viếng ông. Đám tang của ông có nước mắt và nụ cười, có xót xa đau đớn nhưng cũng đầy tự hào hãnh diện…

Thầy, từ xửa xưa đã là hiện thân của sự trong sạch, tiết tháo, là hình mẫu của những con người ưu thời mẫn thế, là tinh hoa của xã hội, vừa truyền dạy vừa tiên tri đời sống.

Cũng dân ta, từ xa xưa đã truyền nhau một triết lý, có thể nói là hết sức nhân văn, ấy là “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy mà nửa chữ cũng là thầy. Một sự kính trọng thầy, kính trọng chữ không thể đẹp hơn.

Thầy, không chỉ là người đứng trên bục giảng.

Ở một nghĩa rộng nhất, thầy là tấm gương sống, là sự tích tụ văn hóa, tri thức của nhân loại, của cộng đồng, và tỏa tri thức ấy cho cộng đồng, trở thành mẫu mực của cộng đồng.

Mấy hôm nay cư dân mạng và cả ngoài đời “phát sốt” với hình ảnh thầy hiệu trưởng trường PTTH Việt Đức, Hà Nội, đứng ở cổng trường đón và tiễn học trò. Tôi đã rưng rưng khi xem đi xem lại hình ảnh ấy. Ở đâu đấy còn điều này điều kia, nhưng ở cổng trường này, chỉ thấy sự chan hòa, ấm áp, nhưng cũng rất chỉn chu và minh bạch.

Nhưng cũng không phải tất cả đều yên bình, êm thắm như cổng trường Việt Đức nói trên.

Mới nhất một phụ huynh xông vào trường đấm cô giáo, cả thầy hiệu trưởng và bạn học của con tại trường dù cháu này mới học lớp 4 khiến tất cả phải nhập viện. Những phụ huynh “cá biệt” này chắc chắn sẽ cho ra đời những học sinh cá biệt, loại như cũng một cậu học sinh lớp 12 vừa đánh chết bạn cùng trường.

Nhưng hàng vạn giáo viên vùng cao vẫn đang cắm bản, hàng ngày truyền thụ kiến thức, kiến thức chứ không chỉ chữ, cho biết bao học trò vùng sâu vùng xa.

Mai Thanh Hải là phóng viên báo Thanh Niên, anh gắn liền với hải quân, biên phòng và giáo dục vùng cao. Đọc và xem những bức ảnh của Hải trên facebook của anh nhiều người không cầm được nước mắt.

Ấy là những cô giáo, rất xinh, và trẻ, hàng tháng đi bộ vào lớp, vào điểm trường với học trò. Khi biết có những manh mối có thể giúp học trò, các cô viết thư, nhắn tin, gọi điện thoại nhờ giúp đỡ. Có những cái ảnh các cô chụp cơ sở trường lớp và học trò bằng điện thoại, xong gửi cho Hải, treo điện thoại cả tiếng đồng hồ trên cây, ảnh mới đi được. Gửi để “nhân chứng vật chứng” làm tin. Có cô chồng (bộ đội biên phòng) ở cách 100 cây, con (còn rất nhỏ) ở với ông bà cách 50 cây. Mỗi khi đoàn tụ là vợ và chồng cùng hẹn nhau lao về chỗ con, gặp nhau vài chục tiếng đồng hồ rồi lại mỗi người mỗi ngả. Mà để về được đấy thì phải đi bộ hơn chục cây đường rừng xuống xã, lấy xe máy gửi ở đấy rồi phóng về. Thế mà khi gặp nhà báo, chả nhờ gì cho mình, chỉ xin cho học trò, từ bể nước, ti vi đến sách vở. Hải trở thành người “đi xin” vĩ đại. Anh xin tủ lạnh, tông đơ cắt tóc, đến gà, vịt… cho bộ đội ngoài đảo, đến xin bảng, sách, ti vi, đồ dùng học tập, và cả tiền cho học trò vùng cao.

Theo dõi thông tin của chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam cũng vậy. Bao nhiêu cảnh đời, bao nhiêu số phận học trò hiện ra. Nhưng phía sau những cuộc đời, những số phận học trò nghèo ấy là tấm lòng các thầy cô giáo. Nhiều lúc cứ rưng rưng nghĩ, sao đến bây giờ rồi mà vẫn còn nhiều thầy cô giáo khổ đến thế. Nhưng họ lại không thấy mình khổ, chỉ thấy học sinh khổ. Mỗi khi đoàn “Cơm có thịt” lên với học trò thì các thầy cô là người vui nhất. Họ lội bộ, đi bằng tất cả các phương tiện có thể ra đón đoàn, rồi mang vác, rồi tíu tít như… nhà có khách. Sau đấy cặm cui chăm lo cho học trò và chụp ảnh, tính toán… gửi báo cáo cho chương trình. Rất nhiều thầy cô giáo đã mười mấy năm lăn lộn với học trò vùng cao như thế, quên cả tuổi xuân, quên cả gia đình, thấy học trò thêm được bát  cơm, thêm được miếng thịt là mừng như các bà mẹ thành phố bây giờ ép con ăn thêm được thìa cháo buổi sáng.

Ngay Gia Lai nơi tôi sống, dẫu có thể chưa khổ như một số thầy cô giáo ở các trường vùng núi phía bắc, nhưng tôi biết, có những cô giáo, ngày nào cũng xe máy mấy chục cây số đi dạy, trang phục đi đường là… áo mưa và ủng. Mùa mưa thì lầy lội, mùa khô thì bụi, mùa nào cũng gắn với… áo mưa. Họ gắn bó với trường, với học trò năm này qua năm khác. Có cô giáo dạy hội họa, trường cách nhà 47 cây số, ngày nào vào điểm trường làng thì 55 cây. Cứ 4 giờ sáng là dậy, lọ mọ chuẩn bị cho mình cho con, rồi phóng xe ra đường khi đèn thành phố còn sáng. Cô nói với tôi, nhiều lúc muốn bỏ nhưng rồi lại thương và nhớ học trò. Té ra cái chuyện thương học trò là có thật chứ không phải là chuyện nói cho vui của một vài giáo viên thích oánh học trò hoặc bắt học thêm để lấy tiền. Cô này còn kể, đi dạy vẽ nhưng học trò không có gì hết, cô phải mang của nhà cho chúng, từ bút, giấy, màu… Dù thú thật là đã dạy như thế 8 năm rồi mà vẫn chưa  quen, nhưng cô cũng bảo, sẽ quen chứ không bỏ việc. Không phải vì lương, mà vì học trò, thế thôi…

Trước cửa nhà tôi ở trung tâm thành phố Pleiku là một cái trường mẫu giáo. 6h30 sáng các cô đã có mặt để đón cháu, cũng giờ ấy trẻ con nhà khác đang còn ườn trên giường, giỗ bằng chết mới dậy. Các cô đa phần cũng có con đang tuổi ấy. Chiều thì 17h30 vẫn còn mẹ tới đón cháu, có mẹ tận 18 giờ mới tới, và các cô cũng vẫn vui vẻ chờ. Độc thân thì không sao, đằng này, các cô cũng có con như thế. Đi chăm con người, con mình thì phải trăm phương nghìn cách để vận dụng, tất nhiên rồi cũng xong cả, nhưng cứ xót xót thế nào?

Đời một con người, không biết phải/ được qua tay bao nhiêu thầy. Học chữ trong trường, học sống ngoài đời, học đủ mọi kỹ năng sống… để thành một con người hoàn thiện. Có lúc này mình làm thầy thì cũng có lúc làm trò. Cứ thế, như một vòng quay bất tận, thầy luôn hiện hữu trong đời sống chúng ta và trong xã hội. Bán tự vi sư, thử thống kê xem, trong đời mỗi người chúng ta chịu ơn biết bao người thầy?

Tôi may mắn trong cuộc đời mình đã được học với những thầy cô hết sức tuyệt vời. Giờ tôi vẫn còn nhớ mồn một ông thầy già mẹ gửi tôi vào học vỡ lòng ở một ngôi làng ven sông Mã nơi sơ tán. Ông dạy kiểu đồ nho, chúng tôi ngồi xếp bằng, ông oai vệ ngồi trên sập với cây roi. Những chữ đầu đời tôi học cùng… roi như thế. Giờ động tí là bố mẹ nhảy cẫng lên quay clip các loại, la lối các kiểu. Tất nhiên bạo hành học trò là phải lên án, nhưng cưng chúng như cưng trứng thì cũng phải xem lại, như một bà mẹ kiên nhẫn đứng quay clip ông con mình cao to lừng lững khiêng cái bàn rồi tung lên mạng cho rằng sao không thuê mà bắt học trò làm, học trò đến lớp là để học chứ có phải để khiêng bàn đâu. Mẫu giáo tôi học với cô Hào ở thị xã Thanh Hóa. Tôi từng trở lại thăm cô, và may mắn, cô vẫn nhận ra tôi khi tôi giới thiệu. Hồi ấy cô là giáo viên của cái nhóm mẫu giáo do cơ quan mẹ tôi tổ chức. Cô được chọn dạy chỉ bởi cô múa giỏi hát hay. Lớp một lớp hai học dưới hầm với cô Gái, đi học xách theo cái đèn Hoa kỳ bỏ trong cái ống luồng đục một phía lấy ánh sáng vì hầm rất tối. Lớp ba với cô Lài, lớp 4 với thầy Thuế. Tôi vẫn nhớ như in mỗi thầy cô. Và giờ, 2 cô giáo mà tôi vẫn thường xuyên liên lạc là cô Quyền và cô Quy cùng dạy văn tôi ở cấp 2 Triệu Lộc Thanh Hóa. Các thầy cô thời ấy đúng là những người mẹ thứ 2 của chúng tôi, dẫu chúng tôi vẫn luôn luôn là loại… thứ 3 như bao đời nay vẫn thế.

Chỉ có bọn vô ơn, bọn thất nhân tâm mới phản bội, quay lưng lại với thầy của mình, dù thầy chỉ “bán tự”. Cũng như thế, lưu manh hết cỡ, khốn nạn hết cỡ, mới có thể hành hung giáo viên, nhất là khi người ấy đang dạy con mình…

Cũng không nên chỉ 20/11 mới tri ân các thầy cô giáo…

Kỷ niệm 20/11 ở một trường mẫu giáo biên giới, nơi các cô đón cháu lúc 1h sáng và trả cháu vào 8h tối

Cu này học trò mình, mới gặp hôm kia ở làng Stơr, xã Tơ Tung, giờ phụ trách khu lưu niệm cụ Núp



2 nhận xét:

TNC nói...

Có fb nên không biết Blog của bác có ít người đọc đi không. Nhưng em vẫn đọc đều, mỗi tội lười nhận xét thôi ạ.

Văn Công Hùng nói...

Vẫn đông đấy, hihi, thank nhé.