Khoảng năm 82 - 83 chi đó của thế kỷ trước, trong một đêm diễn của thầy trò nhạc viện Hà Nội tại Nhà văn hóa trung tâm, giờ là trụ sở của Nhà hát ca múa nhạc Đam San, nhạc sĩ Đinh Quang Hợp, giảng viên của trường, ra sân khấu giới thiệu một giọng ca nguyên là sinh viên nhạc viện, giờ đang công tác ở Gia Lai, một giọng ca theo nhạc sĩ Đinh Quang Hợp là khá đặc biệt, và học viện tự hào vì có sinh viên như thế này từng học tại trường. Người ông giới thiệu là bà H’ben, khi ấy đang là hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên, trực thuộc Bộ Văn hóa Thông tin.
Khi ấy tôi lên nhận công tác tại Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum được hơn năm. Sau này trường mới được giao về tỉnh, chứ hồi ấy thuộc bộ, đóng ở khu vực ngoài cầu số 3, rất heo hút, bây giờ sầm uất.
Tôi quen với chị từ đấy.
Đấy là một người đàn bà rất kỳ lạ.
Xinh đẹp, hát hay, chị từng là vợ anh hùng Núp. Cặp trai tài gái sắc này một thời là hình mẫu của gia đình hạnh phúc ở Hà Nội. Nhưng chả biết thế nào, chả thể nói trước điều gì. Họ đứt gánh. Ông Núp về lại Tây Nguyên hoạt động và “nối dây” với bà Ch’rơ là em ruột nhân vật Liêu trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Ai đọc Đất nước đứng lên rồi thì biết, Liêu đã chết trước khi ông Núp ra Bắc. Khi tập kết ông Núp cõng theo cậu bé Hrúp là con chung của hai người. Và cũng ít người biết rằng, trước khi tập kết, dòng họ đã trao vòng nối dây cho ông Núp với em ruột bà Liêu là Ch’rơ khi ấy mới mười mấy tuổi.
H’ben ở lại Hà Nội. Và một chàng trai Hà Nội là nghệ sĩ Violon tài hoa đẹp trai đã cảm bà. Họ nên vợ nên chồng và sau 1975 cùng đưa nhau vào Gia Lai Kon Tum, chị làm hiệu trưởng, anh làm giám đốc nhà văn hóa tỉnh.
Đấy là thời kỳ đẹp nhất của mối tình vừa lãng mạn vừa ngọt ngào nhưng cũng không phải là bằng phẳng bởi đấy là thời kỳ cả nước cực kỳ khó khăn, anh chị nuôi hai người con, một con chung và một con của chị với ông Núp. Người con này bị tật bẩm sinh.
Về hưu, cái tình yêu Bahnar từ chị truyền sang anh tự lúc nào nên cả hai ông bà chọn đất Kông Chro quê chị để về. Họ làm nhà ở rìa thị trấn, bên bờ sông, ngôi nhà nhỏ, rất nhỏ, yên ổn ở đấy, bình an và hạnh phúc.
Từ trước đấy, bên cạnh việc giảng dạy, hát (mỗi khi có dịp), quản lý, chị còn rất miệt mài sưu tầm dân ca Tây Nguyên, nhất là Bahnar. Có đến mấy tập bản thảo chị đã dồn lại, để đấy. Cả băng cát sét nữa. Nhiều phim tài liệu đã làm về chị.
Rồi anh bị tai biến, chị lại phải làm cây gậy chống cho anh, chính xác là cái... xe, chiều chiều đẩy anh, chàng trai Hà Nội giờ đã là một ông già Bahnar chính hiệu, đi quanh làng. Vẫn hạnh phúc như thế, lặng lẽ như thế, hết mình với chồng con với công việc như thế, không một lời kêu ca kể lể, mỗi khi có đàn em về thăm là lại vui như tết...
Rồi anh mất, chị làm ma chay rất cẩn thận, để anh an nghỉ vĩnh viễn ngay ở làng.
Và giờ, đến chị.
Nhớ có lần một tờ báo, sau khi nghe tôi kể về hoàn cảnh của chị, đã có ý định vận động làm cho chị một ngôi nhà ngay tại nơi ngôi nhà cũ của chị. Ngôi nhà ban đầu ấy, nó bé tới mức mà cái lần tôi với anh Vũ Ngọc Bình, khi ấy là giám đốc sở Văn hóa, vào thăm, anh Bình phải thốt lên thế thì ai nằm ai ngồi. Công việc đang tiến triển, đã có cuộc ngồi lại giữa báo và ông Phan Xuân Vũ, giám đốc sở Văn hóa thể thao du lịch để bàn. Nhưng rồi lại không thành. Cũng có một phần do tôi. Báo ấy đề nghị tôi viết một bài về chị, để ngoài phần của báo, sẽ xin tài trợ thêm. Nhưng chị không đồng ý viết, chị bảo, như thế được rồi, chị thấy yên ổn là được. Đấy là cách nghĩ của chị, biết làm thế nào?
Chị là một người Bahnar điển hình.
Tây Nguyên có nhiều dân tộc, thoạt nhìn tưởng giống nhau, nhưng quan sát kỹ, sẽ thấy từng dân tộc có những tính cách riêng. Người Bahnar theo nhận thức của tôi thường dịu dàng, lặng lẽ, nhân hậu, giản dị và lãng mạn. Ghép vào chị H’ben, tôi thấy tính cách này khá rõ.
Đấy là người phụ nữ tận cùng lãng mạn. Lãng mạn cả khi khổ nhất. Vượt lên tất cả, sự lãng mạn khiến tâm hồn con người nhẹ bỗng, khiến mọi thứ vướng víu ở đời như bụi như không khí, chỉ còn lại một tâm hồn trong veo, thuần khiết và nhân hậu.
Sau khi đào tạo chính quy ra hàng ngàn học sinh, giờ công tác ở khắp nước, về hưu chị dạy dân ca cho dân làng. Sưu tầm và dạy, chị thổi hồn Bahnar vào chính người Bahnar, và không chỉ Bahnar, vào cả Tây Nguyên.
Lứa nghệ sĩ và trí thức người Tây Nguyên sau 1975 từ Miền Bắc trở về Gia Lai Kon Tum ngày càng xa vắng. Họa sĩ Xu Man, nghệ sĩ nhân dân Y Brơm, Nghệ sĩ Y Dơn, biên đạo múa Y Vin, nhà nghiên cứu Rơ Ma Del... đã thành người thiên cổ. Giờ đến chị. Đấy là lứa nghệ sĩ, trí thức được đào tạo rất cơ bản ở miền Bắc thời chiến tranh. Bản thân chị đã từng đi nhiều nước biểu diễn, cùng những giọng ca Tây Nguyên lừng danh một thời Măng Thị Hội, Kim Nhớ... Nhưng đi đâu thì đi, làm gì thì làm, chị vẫn là, vẫn trở về là một phụ nữ Bahnar, người Bahnar nhất trong những người Bahnar, Bahnar đến tận cùng, và vì thế chị cũng được yêu thương tới tận cùng.
4 giờ chiều nay chị mất tại nhà ở huyện Kông Chro, rất xa nhưng tin cũng rất nhanh. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ, một người thân thiết với chị vừa đăng tin chị mất trên facebook của anh, hàng trăm người đã vào chia buồn. Nhà văn Trung Trung Đỉnh than: “Thật đau buồn khi Gia Lai mất chị rồi! Chúng em mất chị rồi chị ơi!” - Lời này có thể thay cho chúng ta.
Vĩnh biệt chị, nghệ sĩ người Bahnar H’ben.
Đêm 29/11/2017
Sau khi viết xong bài này cho báo Gia Lai thì tôi và anh Nguyễn Quang Tuệ chạy xuống Kon Chro viếng chị. Tuệ cầm theo cả xấp phong bì bạn bè khắp nơi gửi viếng chị, nhà văn Nguyên Ngọc nhờ làm vòng hoa. Gần 300 cây số cả đi và về trong chiều. Xuống mới biết, Kiên, người con tàn tật của chị Ben và ông Núp lâu nay được bệnh viện Phong Quy Hòa nuôi, hôm qua cũng mới được bệnh viện chở về chịu tang mẹ. Anh biết, thi thoảng lại khóc nấc lên. Một chị hàng xóm đút bún cho anh ăn. Thăng (con trai anh Thịn và chị Ben) cũng tỉnh, vừa bị gãy chân. Cảm động nhất là vợ sau của Thăng (li dị rồi) từ Sài Gòn cũng vừa về, về phát là xông ra chợ mua bánh mì cho dân làng ăn. Chuyện nhà này dài lắm, và... nhiều chuyện lắm, kể không hết đâu. Dân làng đến ngồi hết phía sau, đập heo uống rượu. Phía trước là tang lễ nhà nước, phía sau là dân làng. Tôi thì, buổi trưa có anh bạn từ Hà Nội vào kêu đi ăn, đã kịp dăm ống bia rồi, xuống vòng ra phía sau, bà con kêu phép lép, thì phép lép, thế là năm bảy can nữa ahuhu...
Thăng (mặc áo tang) con anh Thịnh chị Ben |
con chị Ben và anh hùng Núp |
Dân làng bảo, để đỡ tốn kém, chỉ đập một heo thôi |
2 nhận xét:
Những người một thời cứ lần lượt ra đi
Ngậm ngùi chia tay đâu biết nói gì !
Rất ý nghĩa!!
Bài viết hay, cảm ơn tác giả!
___________________________________
Hidden hotel Da nang
Khách sạn Hidden đà nẵng
Chudu43 Booking43
Đăng nhận xét