Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

HUẾ CHI LẠ, MẮC MỚ CHI MÀ BẮT PHẢI NHỚ




Cuối năm dương lịch vừa qua, lớp Văn K1 Đại học tổng hợp Huế chúng tôi họp mặt kỷ niệm 40 năm vào trường.

Chao ơi là đủ thứ chuyện dồn nén suốt 40 năm mới bật ra, mà xúc động, mà rưng rưng, mà hưng phấn, khiến những mái đầu bạc (vì không nhuộm), những mái đầu đen (dứt khoát là đã nhuộm) cứ ngúc ngắc liên tục, cứ nhấp nhổm liên tục. Có những nụ cười, tràng cười bất tận, và cả những khoảnh khắc ắng lặng. Có nước mắt rơi, có những vòng ôm như vừa qua… mười tám…

Ai cũng nhớ Huế. Ai cũng thừa nhận Huế là nơi đã biến họ, từ những đứa trẻ lơ ngơ mới tốt nghiệp phổ thông trung học, cái thời đang gọi là cấp 3, ngờ nghệch và nhút nhát chứ chưa khôn và biết nhiều như học sinh bây giờ, trở thành những sinh viên Văn khoa đầy kiêu hãnh, và để rồi trở thành “ông nọ bà kia” như bây giờ.

Huế nổi tiếng là thành phố học trò, tức có cả học sinh và sinh viên. Trước đấy, dân Quảng cơm nắm cơm đùm ra Huế học nhưng đầy… tự ti với câu thơ “học trò xứ Quảng ra thi/ thấy cô gái Huế bỏ đi không đành”, có anh nghĩ mãi theo phong cách hay cãi bèn sửa lại “Mấy” chứ không phải thấy. Chả biết ứng được tí nào không, nhưng thấy gái Huế vào Đà Nẵng, lai giọng Quảng nhưng vẫn rất Huế, nghe ngọt ngào hơn giọng Huế gin, rất nhiều, trong khi đàn ông con trai (không phải sinh viên) nói tiếng Quảng ở Huế rất ít, tức là họ không “đất lành chim đậu” mà về quê, mang theo… “mấy cô gái Huế”.

Huế bây giờ là thành phố du lịch, nhưng trước đấy, nó là thành phố sinh viên như đã nói. Đã nghèo, đã đói, lại chứa trong mình đến mấy trường đại học cấp quốc gia, khu vực, tức là sinh viên các nơi đổ về học, từ Hà Nội vào, từ Nha Trang ra, Tây Nguyên xuống…, Huế san sẻ để nuôi sinh viên, và khi tốt nghiệp họ về quê, mang theo nỗi nhớ Huế, ân tình Huế, những rung động đầu đời từ Huế, ký ức Huế, hoài vọng Huế…

Họ nhớ gì?

Đầu tiên là những đêm cư xá. Cư xá 27 Nguyễn Huệ thời ấy mới làm, lứa chúng tôi là được ở đầu tiên. Ngoan hiền, phá phách, nền nếp, hư hao, nghiêm cẩn, xuệch xoạc, chỉn chu, lơ đãng, an toàn, bất an… tất cả tập trung ở đấy. Đời sống cư xá sinh động đến mức nhiều bạn nhà ở Huế hoặc các huyện lân cận cũng tìm cách để vào cư xá ở. Những đêm thơ sinh viên Văn khoa, những buổi chiều một chàng Hot Man nào đó ôm ghi ta mắt mơ màng nhìn lên trời, lắc lắc mái đầu nhiều tóc, cặp kính cận loang loáng, cặp chân rung rung, tiếng đàn phiêu như gió, gặp nỗi niềm những kẻ xa nhà đang tự mình cô đơn. Chao ơi là dấm dứt. Các phòng nữ đồng loạt mở hết cửa, những đôi tai, cặp mắt hướng hết về đấy. Những trái tim thổn thức, những liên tưởng mơ hồ, cả  những khao khát, tưởng tượng… tiếng đàn cứ thế bồng bềnh chiều cư xá…

Rồi những cái quán xung quanh cư xá.

Các cô các chị có tên cả, nhưng cánh sinh viên lếu láo cứ gọi chung là… bà bóp. Thì cũng nuôi nhau cả thôi. Những người có nhà phía trước cổng cư xá thì mở quán, bán những thứ chỉ sinh viên mới “thời” được, như bánh mì, bột lọc, sắn, khoai luộc, nước đá, kem chuối… Và sinh viên thì nhờ những quán ấy mà qua cơn đói. Những cuốn vở, những bộ quần áo, những tem những phiếu, những lạng đường, thậm chí cả tuýp thuốc đánh răng… đều có thể dùng để… gán nợ. Mỗi người đều có một trang hết sức trịnh trọng trong cuốn sổ nợ quăn qoeo của chủ quán. Nó giúp cho rất nhiều anh giải quyết khâu oai, thậm chí vượt lên khâu oai, biến giấc mơ thành hiện thực, là tán đổ bạn gái bằng những que kem, củ sắn… ký nợ. Nhiều mối tình kem sắn ấy đã tồn tại đến bây giờ, gặp nhau nhắc lại cứ cười phe phe như chưa từng như thế…

Những mối tình sinh viên, trải dài từ sân bóng rổ, sân bóng đá, đến sông An Cựu, qua cầu Kho Rèn, về cung An Định, kéo tới cửa hàng Nam Sông Hương và sang hơn xíu, bờ sông Hương, giờ là chỗ phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu. Vài tay vừa liều mạng vừa lãng mạn thì lên đồi Thiên An, xuống Đập Đá. Hôm nào có ai mời được “ai” đi chơi là cả phòng, thậm chí vài phòng, nháo nhác. Ấy là xúm vào giúp nhau. Ai có dép cho mượn dép, ai có áo cho mượn áo, ai có quần cho mượn quần, ai có bút đẹp cũng cho mượn (để găm lên túi tăng phần oai), hình như tiền thì… ít cho mượn hơn. Có hề chi, lại ra “bà bóp” phía trước. Dăm cuốn vở, cái phiếu vải, thậm chí là… thẻ sinh viên, thế là đủ tiền đưa nàng vào… quán. Hãi nhất là định mời nàng ly chè, nàng lại thỏ thẻ: em… ăn bún. Mời nước chanh, nàng nũng nịu: Sô đa hột gà kia (hối ấy là món cao cấp). Bảo đảm ngồi bên nàng mà hồn phách trên mây, mọi rung động, mọi cảm xúc chỉ tập trung để nghĩ cách khi đứng lên làm sao vẫn hùng dũng để nàng không biết mình không đủ tiền mà chủ quán vẫn tươi cười cho về?

Những người không có “ai” ấy để hẹn hò thì lên thư viện. Trời ơi, đấy cũng là một thế giới sinh viên, cần cù siêng năng có, ngồi nhìn ngó linh tinh có, ngấm ngầm chọn nhan sắc cũng có, khoe mẽ cũng không loại trừ. Nên có anh nọ người Quảng, ra đường bao giờ cũng mặc cái áo trắng mỏng, cái thẻ sinh viên bỏ trong túi áo, nổi bần bật để dẫu ai có lơ đãng nhất cũng phải nhìn thấy. Chưa hết, ghi đông xe đạp đè nghiến một cuốn từ điển tiếng Nga dày cộp được một tay kẹp vào đấy, bìa nắn nót dòng chữ rất to nữa: университет Hue. Có anh bạn bảo nó: Mày cần gì phải thế, chỉ cần cất giọng Quảng lên là mọi người biết mày sinh viên rồi. Dân Quảng ra đây là chỉ để học đại học thôi chứ có làm gì khác đâu?

Hồi ấy, tết lại là những ngày Huế buồn, bởi hàng vạn sinh viên về quê ăn tết. Thành phố trở lại tĩnh lặng trầm mặc như nó vốn có. Nhưng vẫn thấy thiếu thứ gì? Thì ra là, đời sống sinh viên đã là một phần của đời sống Huế. Vắng nó, Huế vừa nhẹ nhõm, nhưng lại cũng triu trĩu một nỗi gì, thiêu thiếu một thứ gì?…

Huế gieo thương gieo nhớ cho bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ, bởi có những cặp trở thành vợ chồng từ những ngày học chung ở Huế, về quê làm việc, rồi con họ lại ra Huế học, rồi lại “ăn chè” với ai đấy, rồi lại đưa nhau về quê, và đã sắp đến thế hệ thứ 3 như thế. Lớp tôi, cặp vợ chồng Đặng Xuân Thu, Thu Hiền ở VTV Đà Nẵng, vợ chồng Lê Minh Hùng, Tổng biên tập báo Công an Đà Nẵng và Nguyễn Kim Tuyết là như thế, và giờ con họ đang sinh ra thế hệ thứ 3 cũng đang mơ ước vượt đèo làm sinh viên Huế. Người “trong đèo” ở lại nhận Huế làm quê rất ít, số bạn bè tôi có thể đếm trên đầu ngón tay như Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong, Lê Phương, Trần Trung Hỉ…

Hầu như ở tất cả các tỉnh, đặc biệt là Miền Trung Tây Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh đều có các ban liên lạc hoặc hội cựu sinh viên Huế ở đấy, hàng năm đều tổ chức gặp mặt. Ở những cuộc ấy, tất cả những gì sâu xa nhất, bí mật nhất của thời sinh viên đều được “khai” ra. Sau những tếu táo, sau những nghịch ngợm, sau cả những việc có thể gọi là tày trời hồi ấy, còn lại vẫn là những xanh tươi, những trĩu lòng với Huế. Có người khẳng định, giờ hầu như tỉnh nào cũng đều đã có trường đại học, nhưng nếu đi học lại, vẫn chọn Huế để về. Vâng, để về. Thế tức là, những người đã có những tháng năm làm học trò trên đất Huế đều đã coi Huế là nhà, họ đi xa, nhưng có dịp là trở về. Cái tính cách Huế đã ăn sâu vào họ, dẫu họ chỉ ở Huế có 4 hoặc nhiều nhất là 6 năm, tính cách ấy là, người Huế đi đâu thì đi, làm gì thì làm, ở bất cứ phương trời nào, đều đau đáu mỗi năm một lần trở về. Với Huế, với quê hương, với ông bà tổ tiên, với những điều vừa linh thiêng vừa giản dị không cắt nghĩa được. Những cựu sinh viên Huế giờ cũng luôn đau đáu như thế. Còn có thể là còn trở về, trước khi quá muộn.

Huế chi lạ, chả có chi mà bắt phải nhớ. Chả níu kéo chi mà luôn bắt phải trở về...


Không có nhận xét nào: