Sáng nay đi ăn sáng, tôi gặp giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Gia Lai trong quán phở. Anh cũng ăn sáng để đi công tác, chào nhau, anh níu tôi lại nói: Sắp có lễ hội hoa dã quỳ đấy, ông về chuẩn bị ngâm mấy chục lít rượu đi rồi đón bạn bè khắp nơi về... ngắm hoa.
Chiều vừa họp báo vừa lướt báo thì thấy cái tin anh nói được cụ thể hóa thế này: trong ba ngày cuối tháng 11 này, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp tổ chức lễ hội dã quỳ.
Trước đó cũng có rất nhiều bạn bè tôi nhắn tin hỏi thời gian dã quỳ nở để lên chơi và ngắm hoa. Các ông bà, toàn loại đã thành danh của một lớp Văn đại học Tổng hợp Hà Nội cũng dự định tổ chức cuộc gặp mặt nhân 40 năm ra trường tại Pleiku để kết hợp ngắm dã quỳ và ôn... chuyện cũ.
Dã quỳ đã trở thành một biểu tượng của cái đẹp, của Tây Nguyên, của an bình thanh nhã, của khát vọng tự do, của thanh cao của nghị lực, của một cái gì đấy vừa thiêng liêng vừa gần gũi...
Và như thế, rõ ràng người dân ở đây đang sống trên một mỏ... vàng, cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đời viết của mình, tôi cũng có mấy chục năm miệt mài ca ngợi dã quỳ, từ ngày nó còn rờm rợp chen chúc khắp mọi ngả đường Tây Nguyên. Từ ngày người ta coi nó như cỏ rác, ăn đất, tranh đất với người, và người ta ra sức chặt bỏ để lấy đất trồng cây lương thực, cây công nghiệp. Người ta coi dã quỳ như một loại ăn hại, là thứ cần vất bỏ, càng triệt để, kỹ càng, càng tốt.
Giờ dã quỳ hiếm, hiếm lắm rồi, thì nó lại được quan tâm, được nhắc đến, được tổ chức lễ hội riêng, như một nguồn tài nguyên du lịch để khai thác du lịch, tức nó trở thành sản phẩm du lịch.
Nhưng cũng không phải nhiều người biết điều này: Dã quỳ không phải và không chỉ Tây Nguyên mới có. Mà nó có ở khắp nơi trên đất nước ta. Hồi nhỏ tôi ở miền Bắc, và lá dã quỳ được các bà mẹ sử dụng làm một việc rất tốt, ấy là... tắm ghẻ cho trẻ con. Rồi có phong trào làm phân xanh từ lá dã quỳ. Các con đường Tây Bắc, Việt Bắc cũng ngờm ngợp dã quỳ như thế, nó khiến những con đèo đến rợn người phía ấy thêm heo hút, thêm đìu hiu, ít người thời ấy nhận ra vẻ đẹp của nó. Mới nhất, là dân phượt đang đổ đến Ba Vì, Hà Nội ngắm dã quỳ, và tôi nhìn qua ảnh thì nó cực đẹp.
Nhưng hình như, chỉ đến Tây Nguyên thì dã quỳ nó mới là... dã quỳ. Và cũng như vậy, nếu lại tiếp tục so sánh, thì dã quỳ ở Chư Đăng Ya hình như nó mới mỡ màng nhất, mới tràn hết cái sắc vàng trời cho đến thổn thức, đến rợn ngợp, đến huy hoàng, đến vô ngôn, đến tê người, tóm lại, nó mới... dã quỳ nhất.
Hình như bởi tại nó được chắt ra từ những lớp bụi nham thạch triệu năm núi lửa, từ những cơn quặn thắt hoài thai, từ những rùng mình đất động, từ những cuộc tạo sơn thương hải tang điền vĩ đại, nên nó ngậm hết trong mình những gì đau đớn nhất, bi tráng nhất, tận cùng nhất, nhưng lại cũng hân hoan nhất, tở mở nhất, tráng lệ nhất, để nó thành dã quỳ, loài hoa dại giờ đã... hết dại, đường hoàng vươn mình vào lễ hội.
Cái tên dã quỳ cũng vậy. Nó đơn giản chỉ là quỳ, hoa quỳ, rồi quỳ dại. Nhưng tôi thích và chỉ gọi là dã quỳ, hình như có chút gì bí ẩn ở đây, có chút xa vắng, chút hoang mang, chút diệu vợi nhưng lại vẫn rỡ ràng hiện hữu, vẫn ngút ngát phiêu bạt mà lại gụi gần sẻ chia và ấm cúng dẫu nó chỉ tưng bừng giữa mùa khô, rất lạnh và nhiều gió.
Nhớ những lần đi điền dã về làng hồi đầu những năm 80 thế kỷ trước, giữa miên man dã quỳ, nắng và gió cứ rừng rực, chúng tôi lầm lũi đi, vừa đói vừa... sợ. Sợ Fulro và sợ... cọp.
Fulro thì đương nhiên rồi, thời ấy Fulro là nỗi ám ảnh của cán bộ, nhất là người Kinh xuống làng. Thực ra, về mặt nào đấy, họ, Fulro ấy, cũng là những người dân hiền lành ta gặp trên đường kia, họ cười khi thấy ta chào, bắt tay khi ta chìa tay ra và thân thiện khi ta mời họ điếu thuốc. Nhưng đến lúc nào đấy, thuận tiện, họ lại là... Fulro. Rất nhiều cán bộ người Kinh chúng tôi thời ấy đã gặp Fulro như thế, chiến tuyến rất mong manh, thậm chí xóa nhòa, nên việc sau này ta xóa sổ được lực lượng này cũng là một thành công rất lớn. Thế mà giữa dằng dặc những con đường đất đỏ, lầm bụi và dã quỳ ấy, thi thoảng gặp một người đàn ông, da đen, tóc xoăn tít, cởi trần, đóng khố, dao rựa vác trên vai, miệng ngậm tẩu, mặt rất bí hiểm, vía lên mây là còn nhẹ.
Hồi tôi mới lên, còn nghe đồn, đồn thôi chứ chả biết có thật không, là có một chị cán bộ đi từ huyện lên tỉnh họp. Xe đạp một mình. Đường đất đỏ và dã quỳ, đi miết đi miết không thấy chị về, đi tìm thì thấy còn chiếc xe đạp và những dấu chân hổ to như bát úp. Thì cứ đồn thế, hồi ấy thông tin đâu đã như bây giờ, điện thoại Smartphone không, facebook không, báo điện tử không, báo giấy thì cả tuần mới tới, mọi tin đồn rơi vào... nỗi sợ mơ hồ.
Nhưng một lần đi từ xã biên giới Ia Mơ về huyện Chư Prông trên chiếc xe Uoát của chị chủ tịch huyện chở tới 15 người, tôi đã tận mắt thấy chúa sơn lâm oai dũng đứng giữa đường trong sắc chiều chạng vạng. Cú ấy đi ô tô chứ đi bộ hoặc xe đạp, xe máy là chết chắc. Anh lái xe rút khẩu AK luôn cài bên hông xe thò ra kính nổ một loạt, con hổ lững thững lướt ngang đường, hầu như không một mảy may giật mình, đẹp như một vệt màu của anh họa sĩ tài ba lướt tranh thủy mặc. Hồi ấy trên các xe ô tô chở lãnh đạo, tài xế thường được mang theo AK nên mới có chuyện tôi chứng kiến cả loạt AK nổ vang mà con hổ chỉ lững thững lướt như một vệt nắng như thế. Tôi nhớ, phía con hổ lướt tới, cỏ lau và dã quỳ xao xác. Màu vàng của hổ và hoa dã quỳ tiệp nhau khiến chỉ tích tắc chả thấy con hổ đâu nữa, dù nó lướt rất chậm và nhẹ. Té ra, ở tình thế, trạng huống nào, hổ vẫn xứng danh chúa sơn lâm, đẹp, hùng vĩ, kiêu ngạo và... thướt tha.
Rồi xã hội phát triển. Đường nhựa, xi măng thay đường đất. Tấc đất tấc vàng, dã quỳ trở thành một thứ ngáng trở sự phát triển. Đất hoang được tận dụng từng xăng ti mét để xây dựng, để trồng cây, làm trang trại... Đến rừng cũng còn “được” chặt đi để trồng sắn, cao su, cà phê, thì dã quỳ bị triệt hạ là điều đương nhiên. Tít tắp núi xa cũng chả còn cái dáng vàng lắt lay mà kiêu hãnh thân quen nữa. Nó đột ngột biến mất như một lẽ đương nhiên trong sự thờ ơ của nhiều người.
Nhưng với một số người, ban đầu có người coi họ là điên rồ, là dở người, nó vẫn là một thứ ký ức tươi đẹp. Thế là lần về, tìm về những vùng xa, những ngõ nhỏ, những hẻm, những hóc, những miếng đất đầu thừa đuôi thẹo chả để làm gì và chả thể làm gì. Dã quỳ vẫn lắt lay ở đấy. Và lạ, có vẻ như nó lại có vẻ đẹp riêng. Cô đơn lẻ loi, thậm chí là mỏng manh, yếu đuối cũng có lý của nó chứ không cứ bầy đàn, ngờm ngợp, vàng rực cả thảo nguyên...
Và người ta phát hiện ra miệng núi lửa Chư Đăng Ya.
Đấy là một cái miệng núi lửa khổng lồ. Cao nguyên Pleiku nằm trên hàng trăm miệng núi lửa lớn nhỏ, trong đấy lớn nhất là Biển Hồ (Tơ Noeng) và núi Hàm Rồng (Chư Hdrung) là 2 miệng núi lửa nhưng một cái là hồ một cái là núi. Có giả thiết cho rằng, một cú tạo sơn nào đó, mẹ đất cựa mình, và bốc nguyên Biển Hồ đặt vào Hàm Rồng theo hướng chính Bắc Nam, nên giờ nếu bê cái núi Hàm Rồng kia đặt lại được vào Biển Hồ thì nó sẽ khít lịt(!). Chư Đăng Ya cũng là một miệng núi lửa lớn, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách Pleiku chỉ mươi cây số. Chư Đăng Ya theo tiếng J’rai có nghĩa là củ gừng, có thể nó có hình dáng như thế chăng? Đấy là một thung lũng xung quanh bao bọc bởi núi. Nham thạch nghìn độ từ hàng triệu năm như có vẻ vẫn còn công dụng bồi đắp đến giờ, nên cây gì mọc lên từ đây cũng tươi tốt khác thường. Dã quỳ cũng thế. Là cây thì to mập cao lút đầu người, là lá thì mướt xanh đầy đặn cứng cáp. Và hoa thì vàng tận cùng, như là vàng để rồi mà chết. Vàng mướt mát, vàng rừng rực, vàng mê mải, vàng hồn nhiên, rút ruột vàng, rút ruột tươi, rút ruột rờ rỡ để mà đối sắc với cái màu xanh vời vợi của trời Cao nguyên mùa khô, hòa sắc với màu đỏ đất ba zan, khoe sắc với những thảm mây trắng bồng bềnh vừa trôi vừa đậu nhởn nhơ và tán sắc với cái đương thì của những ngày gió cả, gió lồng lộn giao hoan với từng cánh hoa vàng, với cả thảm vàng sẵn sàng ngả ra ràm rạp để hân hoan giữa nắng giữa đất, giữa trời và giữa gió, cuộc giao hoan tưởng như ngẫu nhiên nhưng lại là sự chờ đợi và chuẩn bị tự bao giờ, để khi ập vào nhau, nó hết sức dữ dội nhưng lại không thô bạo như bão như lũ, mà dâng hiến cho con người những cảm xúc ngơ ngẩn đến tuyệt vời, bởi nó đẹp đến không tưởng, đến vô ngôn. Rất nhiều chữ, nhiều màu, nhiều góc máy, bố cục... của các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh... đã tả đã ghi đã chiêm nghiệm điều ấy, nhưng hình như chưa bao giờ, chưa thể chạm tới cái điều vừa giản dị vừa thiêng liêng, vừa tự nhiên vừa ngẫu hứng, vừa như là không thể nhưng đã là có thể... của cuộc hòa sắc vĩ đại, cuộc ù ập khoáng đạt mà lại vẫn giữ gìn của dã quỳ, gió, nắng và ba zan này...
Đà Lạt đã chọn hoa dã quỳ làm biểu tượng, và họ đã có những nghiên cứu bước đầu để cải tạo dã quỳ cho nó thấp hơn ngõ hầu có thể thích hợp khi trồng trong phố. Tôi vẫn mê, ngày nào đó, ở các bùng binh trong phố, có những rặng dã quỳ. Bờ rào cũng thế, tại sao không?
Còn bây giờ thì, tôi cũng hồi hộp chờ lễ hội dã quỳ Chư Đăng Ya xem nó như thế nào? Thành công hay không không phải bởi dã quỳ, mà do các nhà tổ chức, bởi chả tổ chức gì thì hàng năm, hàng ngàn người từ khắp nơi đã đổ về đấy để ngắm, chụp ảnh, đi giữa bạt ngàn dã quỳ để nghe những nỗi niềm tưởng rất gần bỗng bất ngờ thăm thẳm...
1 nhận xét:
Đọc bài ni của bác thấy yêu Tây Nguyên hơn. Thật tiếc em chỉ mới một vài lần ghé qua.
Đăng nhận xét