Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

CHUYỆN VỀ CÔ GIÁO MẦM NON




           Cái số thế nào, gần hai chục năm nay, nhà tôi được ở đối diện một trường mầm non. Tôi chứng kiến từ ngày nó đặt viên gạch đầu tiên trên miếng đất trống đến lúc nó trở thành trường đạt chuẩn quốc gia. Và điều thú vị là, có một số cô đã từng dạy con tôi, giờ lại tiếp tục là cô giáo của cháu ngoại tôi.
Học sinh lớp Mầm 2


           Thì nó cũng như mọi ngôi trường trên đất nước ta, cũng đủ hỉ nộ ái ố, duy một điều, chưa bao giờ trong gần hai chục năm qua tôi thấy có phụ huynh nào đến trường to tiếng, trong khi trên báo chí, thi thoảng lại thấy nơi này nơi kia, phụ huynh tố cô giáo đánh học sinh, nhập thực phẩm bẩn, đóng các loại phí cao hơn quy định, phụ huynh tẩn cô giáo, và cô giáo đôi khi cũng... ngứa mồm với phụ huynh...


           Nhưng chứng kiến rất nhiều cảnh cảm động.


           Ấy là một cô giáo dạy con gái tôi, cả 2 đứa luôn, thời cả xã hội đi xe đạp, tất nhiên cô cũng đi xe đạp. Giờ 90 phần trăm dân ta đi xe máy, mà toàn xe máy xịn, 9 phần trăm đi ô tô, chỉ một phần trăm đi xe đạp, cô vẫn ở trong tốp 1 phần trăm ấy, kẽo kịt hàng ngày, từ cổng trường lên đường đôi là con dốc, ngày nào cũng gò lưng dắt xe lên.


           Ấy là theo quy định thì 6h30 trường bắt đầu đón học sinh. Để có thể 6h30 đón học sinh thì 6 giờ các cô đã đến trường. Để 6 giờ có thể đến trường thì thường các cô phải dậy từ 4 giờ, cũng phải lo cho con cái như mọi bà mẹ khác rồi tất tả đến trường đón trò. Nhưng từ 6 giờ, thậm chí sớm hơn, đã có phụ huynh mang con tới rồi. Thường thì các cháu tự tha thẩn chơi ở sân trường với... bác bảo vệ, đợi 6h 30 cô tới đưa vào lớp, nhưng  cũng nhiều cô, chịu khó đến từ 6 giờ, sau khi biết lịch của mẹ cháu, để đón cháu. Tôi cũng từng chứng kiến có bà mẹ, cách đây mấy năm rồi, cứ 5h30 lúc tôi dậy đi bộ, là chở 2 đứa con cùng mấy bì rau, chắc chị này bán rau ở chợ, đi lấy hàng rồi tranh thủ chở con đến trường. 2 đứa rất ngoan, mẹ thả cách cổng trường một đoạn, chị lũn cũn dắt em vào cổng trường, ngồi ngay cái gờ xi măng mở gói xôi 2 chị em ăn chung, trong khi con nhà khác, tuổi ấy, mẹ tay bưng bát cháo tay cầm thìa, bố cầm cái vung với cái môi chạy đằng trước vừa chạy vừa gõ môi vào mâm phành phành phành, bà chạy bên cạnh vỗ tay, vỗ cả đùi khi tay mỏi, ông bế lúp xúp vừa nựng vừa hát, đứa bé lúc cười khành khạch lúc nhèo nhẹo như mèo ốm, cả tiếng đồng hồ chưa xong bữa sáng.


           Cũng đi làm như người ta, nhưng toàn phải đi sớm về muộn. Có mấy cô trẻ cũng diện lắm, váy giày cao gót túi đeo hông rất oách, nhưng đến nơi việc đầu tiên là... thay đồ, mặc đồng phục của trường, là quần thun áo cũng thun. Bởi một ngày lao động quần quật, lao động đúng nghĩa, bắt đầu.


           Một anh bạn tôi, có con nhỏ đi học, sau mươi ngày đưa đón con đã rút ra như sau:


“1. Trẻ đến lớp đang còn bệu bạo nước mắt ngắn nước mắt dài, cô phải dịu dàng ân cần dỗ dành cho trẻ nín. Mà mỗi lớp vài chục, mỗi cô phải dỗ ít nhất một chục trẻ. Cô là nhà tâm lý học trẻ em.


2. Đón xong cô cho ăn sáng, bạn nào từng cho trẻ ăn, chỉ một đứa thôi, là biết khó khăn thế nào. Giả sử mỗi bát cháo cô múc đút 50 lần thì hết, mỗi cô cho 15 cháu ăn, ngày 2-3 lần thì tay cô cử động trên dưới hai mươi ngàn lần/ ngày, ngang với công nhân nhà máy dệt, miệng nói ‘ăn đi” số lần tương tự chắc hơn số từ anh Lại Văn Sâm nói mỗi ngày. Chưa kể nhiều bạn đang ăn thì: cô ơi con ị...


3. Cháu lên đủ cô còn phải chấm cơm, báo nhà bếp, cuối tháng lại phải giải đáp thắc mắc của một số phụ huynh về việc thiếu dư, không khớp với nhà bếp … Phụ huynh nào chậm nộp tiền cho bé cũng tới lượt cô phải nhắc. Nên cô phải kiêm luôn nghề kế toán tổng hợp, trong đó có món khó nhằn là kế toán công nợ. Món chết notron nhiều nhất là phải giải thích: thu cái gì, thu bao nhiêu, tại sao blabla…


4. Cháu hắt hơi sổ mũi thì cô phải làm y tá.


5. Cháu trêu nhau cô phải làm quan tòa.


6. Lớp nào có cháu khó bảo, cô phải làm diễn viên vai phản diện.


7. Trưa cháu ngủ cô phải vác giường vào, cháu ngủ dậy cô vác giường ra: nghề khuân vác. Mỗi ngày vác đống giường này ra vào không phải chuyện giỡn chơi đâu.


8. Cháu ị tè ra, lớp bẩn hàng ngày: cô làm lao công.


9. Cháu chưa nhập trường, cô phải vào trang trí các chủ đề trong năm, làm mới, sửa chữa đồ dùng dạy học: cô là thợ mộc, cô là họa sỹ, cô là nghệ sỹ tạo hình. Cô cũng phải làm các thể loại giáo án nữa...


10. Trường tổ chức văn nghệ chào mừng các thể loại sự kiện: cô làm diễn viên múa, diễn viên kịch. Cô làm biên đạo múa và huấn luyện viên cho lớp luôn. Cô cũng phải làm chuyên gia trang điểm và nhà tạo mẫu tóc cho cháu và cho cả cô.


11. Tới tiết dạy, cô phải làm ca sỹ, giáo viên văn, giáo viên toán.


12. Gặp mấy nhóc mau nước mắt như con mình thì lại phải vào vai mẹ hiền nói nó mới nghe.


13. Trường tổ chức học nghiệp vụ, học chính trị … các cô phải làm học sinh đi học, làm thí sinh đi thi.


14. Phụ huynh nhờ cô làm sinh nhật cho cháu: cô làm nhà tổ chức sự kiện kiêm chụp hình viên, hoạt náo viên.


15. Phụ huynh nào hay chữ, quen biết rộng lúc buồn ý không nói chuyện của lớp, chuyện của trường với cô mà đem phàn nàn với lãnh đạo: cô phải đi giải trình.


16. Cháu nào thấp còi hay suy dinh dưỡng hoặc béo phì, cô còn có trách nhiệm làm nhà dinh dưỡng học.


17. Tối về nhà cô cũng phải làm con gái, làm vợ, làm mẹ.”...


Lâu nay, quả là trong ngạch giáo dục, các cô giáo mầm non “được” ở ngạch thấp nhất, ít được quan tâm so với giáo viên dạy chữ từ cấp 1 đến cấp 3. Mà cũng đúng thật, lương thấp, thời gian lao động nhiều, vất vả, gọi là giáo viên nhưng thực chất là... Ô Sin cho lũ trẻ, việc gì cũng làm. Xin lỗi, chỉ nguyên việc rửa đít đổ bô cho chúng khi ị xong cũng đủ... bỏ cơm rồi, chưa kể dăm đứa ị đùn phải giặt quần đầy phân nữa. Nói cho công bằng, con mình, cháu mình, mình không thấy ghê khi làm những việc ấy, chứ chả bà con anh em gì, nếu không có tình yêu thương các cháu như con, thì cũng đến bỏ cơm thật. Tôi cứ nhớ hình ảnh hồi nhỏ, ở cái lớp mẫu giáo của cơ quan mẹ tôi, mỗi lần tụi lít nhít ị tập thể xong, cô bắt tất cả cùng... chổng mông, rồi cô dội nước, lấy chân, ngón cái ấy, rửa đít cho từng đứa, mỗi đợt dăm đứa. Còn ở nhà quê thì... cậu vàng làm rất tốt việc này, cả dọn phân lẫn rửa đít, nên ở nông thôn một thời, tỉ lệ trẻ bị chó cắn nhầm chim rất nhiều. Giờ các lớp mẫu giáo phổ cập khắp nơi, các cô được đào tạo bài bản, để vừa làm bảo mẫu, Ô Sin, vừa làm cô, dạy từ múa hát đến nặn tô vẽ rồi cả chữ sơ khai đến uốn nắn cách sống, tư duy của giai đoạn rất quan trọng của trẻ.


Thế mà nào đã yên. Thi thoảng lại có chuyện này chuyện kia xảy ra. Một cô bạn tôi một hôm khoe: từ hồi về hưu toàn nằm xem... ti vi. Tưởng nhàn tản thế nào, nâng cao dân trí thế nào, té ra bạn ấy nằm xem màn hình nối với camera từ trường mẫu giáo nơi cháu ngoại bạn ấy học. Quan sát chăm chú từng li từng tí, săm soi từng chi tiết cháu làm gì, nheo mắt ra làm sao, hắt hơi thế nào, gọi cô ơi mấy lần mà cô không thưa? Hơi tí là nhảy dựng lên, là điện thoại ngay cho cô giáo, từ nhắc nhở đến chất vấn. Nặng hơn chút là sầm sầm lao xe tới, nhẹ thì vào phòng cô hiệu trưởng... báo cáo, nặng hơn thì la làng từ cổng la vào. Tôi bảo, một lớp chỉ cần 3 phụ huynh như bà thì... toi cái trường ấy. Cười hề hề, cháu mình mà, cục vàng cục kim cương của mình mà, có phải cháu ông đâu mà ông xót?


Thế mà lại cũng có cái tréo nghoe. Không phải bây giờ, khi bộ trưởng giáo dục chỉ mới vừa có ý định bỏ biên chế ngành giáo dục đã bị phản ứng ầm ầm, mà là từ rất lâu rồi, cũng được đào tạo cơ bản từ các trường sư phạm như nhau, thì các cô mầm non là người “xông vào” cơ chế thị trường trước tiên, ấy là đi dạy không biên chế, đi dạy dân nuôi, đi dạy lấy lúa, lấy ngô khoai lang... Ở các trường như trường trước nhà tôi còn đỡ, chứ các lớp vùng sâu vùng xa, khổ trăm bề, nhưng quả là, các cô mầm non vẫn là điểm sáng của những vùng ấy.


Ngay hệ thống trường, thì trường mầm non cũng “xã hội hóa” trước các hệ trường khác, ấy là các trường mầm non tư thục. Giờ thì nhiều lắm rồi, chứ hồi đầu, khi tất cả hệ thống giáo dục chỉ có mỗi trường công, chưa có trường tư như Lương Thế Vinh đình đám của thầy Văn Như Cương, thì rất nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo tư nhân đã xuất hiện và đảm nhiệm một phần khó khăn với hệ thống trường công.


Cô bạn vợ tôi cũng vừa mở một trường mầm non. Khá hiện đại, sắm những gì tốt nhất, mới nhất hiện nay. Tuyển cô giáo cũng khắt khe như thi viên chức giáo dục. Và cũng khá đông cháu học. Giờ, người ta không chú ý lắm đến trường công trường tư nữa, mà chú ý đến chất lượng, đến sự thuận tiện. Ai đáp ứng được người ấy thu hút học sinh. Nhưng là nói thế, chứ các trường công vẫn là ưu tiên một của phụ huynh, bởi điều đầu tiên là nó rẻ hơn. Mỗi kỳ đầu năm tuyển sinh là ban giám hiệu hết sức vất vả trong việc nhận cháu, nhà tôi, nói thật, có đến mấy cháu con của bạn bè gửi... hộ khẩu.


Một cô hiệu trưởng mầm non tư thục nói với tôi, em trả lương chừng ấy (đâu từ 3 đến 4 triệu), tôi ngạc nhiên ít thế á? Thế là được rồi anh, các cô còn có thu nhập thêm? Ngạc nhiên tiếp: Có thu nhập thêm được á? có anh ạ, là tết, 20/11, 8/3... phụ huynh thường có quà cho cô. Nhớ hồi con tôi còn nhỏ, cái trường cũng sát nhà tập thể tôi ở, sau ngày 20/11 các cô ngồi chia... mì chính. Ngày ấy phụ huynh hay tặng các cô gói mì chính. Dồn đống lại rồi hôm sau trải tờ báo hoặc tấm nilon ra, đổ hết ra đấy rồi lấy thìa xúc chia đều... Giờ quy ra... phong bì. Trong các loại phong bì, tôi cho những cái phong bì mỏng phụ huynh tặng cô giáo mầm non là xứng phong bì nhất. Nó cao cả thân thương nhân văn ý nghĩa hơn rất nhiều những loại phong bì lại quả, phong bì đi đêm nhan nhản hiện nay. Nhưng không phải ai cũng có, nơi nào cũng có... nó còn tùy vào... may rủi!



                                                               

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Sâu sắc và thấu đáo. Tôi cũng đang trông cháu ngoại 4 tuổi, nên rất cảm thông chia sẻ. Chẳng hạn, 5 giờ sáng dậy nấu cơm. 5 rưỡi khua cháu dậy vệ sinh và ăn sáng để 7 giờ kém xe trường mầm non đến đón... Nhà thơ Văn Công Hùng quả là sống gần dân và hiểu dân.