Trước
tiên phải nói ngay rằng, chuyện bác sĩ hành bệnh nhân, nhận phong bì, tiêu cực
trong quá trình khám chữa bệnh vân vân... là có, thậm chí có thời quen thuộc y
như việc cảnh sát giao thông “kiểm tra giấy” trên đường, khiến người dân bức
xúc, thậm chí là phẫn nộ. Mẹ tôi hồi 80 tuổi từng bị gãy chân trên đường từ Huế
ra Bắc thăm bà con, đưa vào một bệnh viện tỉnh có người nhà là bác sĩ và cũng
có phong bì nữa, khi về Huế kiểm tra lại thì 2 khúc xương chân chìa ra 2 nơi,
phải đập ra bó lại.
Nhưng
mặt nào đó, việc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân “tinh tướng” cũng lại là những
điều rất buồn cười, dễ gây ức chế cho đội ngũ y bác sĩ. Nặng thì tát tai đá đít
bác sĩ, thậm chí đến một chủ tịch phường lớn ở thành phố Vinh, Nghệ An còn vác
ghế định... “ngồi” bác sĩ nữa.
Còn
cảnh tượng hay xảy ra là như thế này, khi đưa bệnh nhân vào, người nhà bệnh
nhân thường... chỉ huy bác sĩ, ví dụ: Chụp phim chưa, phải chụp MRI chứ? Siêu
âm ngay, siêu âm màu mới bảo đảm. Bác sĩ Q đâu, sao không gọi bác sĩ Q (trong
khi bác sĩ A đang khám cho bệnh nhân), chuyển sang bệnh viện B thôi, ở đây kém lắm, không chữa được đâu, vân vân và vân
vân..., cư oang oang ngay lúc bác sĩ đang cấp cứu cho người nhà mình.
Tôi
cho đấy là một dạng bạo hành bác sĩ.
Bây
giờ còn nạn bạo hành bằng... clip và ảnh.
Nhớ
năm kia năm kìa, một bác sĩ khi khám bệnh, vô tình đặt một chân lên giường bệnh
nhân, lọt vào một tấm ảnh, và thế là gạch đá tơi bời.
Mới
nhất, một tiến sĩ bác sĩ mắt cũng thành “diễn viên” bất đắc dĩ khi lọt vào một
clip.
Dù
rất dị ứng với những loại clip như thế, nhưng tôi đã rất chịu khó ngồi xem hết
clip này. Và thấy là rất... dở khóc dở cười. Hai vợ chồng đưa con từ tỉnh lên
viện mắt khám. Vợ đưa con vào khám xong ra bảo chồng là bác sĩ chỉ dùng tay vạch
mắt ra xem chứ chả máy móc gì? Thế là chồng vào chất vấn bác sĩ như... hỏi cung
tội phạm, rằng tại sao có máy móc mà không dùng để khám cho con anh ta lại chỉ
dùng tay vạch vạch ra. Bác sĩ đã giải thích rằng, một là bệnh con anh ta là cận
thị, phải uống thuốc rồi năm hôm sau đến khám lại, thứ 2 là nếu không đồng ý
thì chị cho hội chẩn, chứ cận thì không cần máy móc gì. (Thực ra các điều dưỡng
đã thực hiện các công đoạn kiểm tra, ở đây bác sĩ đóng vai trò kết luận). Clip
tung lên mạng thì nảy ra vấn đề thứ 2, khi trao đổi với người nhà bệnh nhân,
bác sĩ đã... co chân lên ghế.
Tôi
cũng là người rất dị ứng với những người ngồi co chân lên ghế, đấy nó như là
tàn dư của thói quen ngồi phản, ngồi ghế thấp trên nền nhà tranh ngày xưa. Đi
ăn sáng mà gặp bác nào co chân, thậm chí cả 2 chân, ngồi xổm lên ghế để ăn, tôi
rất ấm ức. Nhưng ấm ức để bụng chứ làm gì nhau, bởi có ai cấm được ngồi như thế
đâu. Nó là thói quen, không thuộc hành vi cấm, mà là khía cạnh văn hóa, thái độ
lịch sự ở chỗ đông người. Rõ ràng ở đây, vị bác sĩ đã không lịch sự khi tiếp
chuyện người nhà bệnh nhân. Có thể là thói quen của chị ấy, cũng có thể là do mệt
mỏi quá (bệnh viện Việt Nam quá tải thì ai cũng biết), nhưng để đề nghị kỷ luật
vì hành vi ấy thì hình như là, nó không thỏa đáng tí nào.
Ở
đây, người nhà cháu bé, khi cố tình quay clip rồi tung lên mạng, rõ ràng là đã
làm một việc không đàng hoàng. Bởi tôi thấy chị bác sĩ đã giải thích khá rõ,
nhưng gia đình, có thể là cố chấp, hoặc là sính máy móc như ta từng sính hàng
ngoại, cương quyết phải khám cho cháu bằng máy. Và đã làm cái việc chả tử tế gì
là quay trộm rồi tung lên mạng.
Phía
ngành, bị áp lực và chạy theo... dư luận nên đã đình chỉ bác sĩ để viết tường
trình. Thực ra việc cho một ai đó nghỉ việc chuyên môn chỉ để tập trung giải
trình một việc gì đó nó cũng bình thường. Nhưng cái không bình thường, là người
ta đã hiểu đấy là một hình thức kỷ luật, và dùng nó để hạ nhiệt, như một
cách... hy sinh.
Mặt
khác, rất nhiều người, có cả báo chí, ngay lập tức đã chia sẻ clip, coi đấy như
một bằng chứng của... trọng tội, bao nhiêu gạch đá, bao nhiêu rủa xả... đổ lên
đầu vị bác sĩ chỉ còn 4 năm nữa là về hưu kia?
Không
ai cho rằng việc ngồi co chân lên ghế là đẹp, là lịch sự, thậm chí là coi trọng
người đối thoại. Nhưng nâng nó lên thành một hành vi đạo đức, thành một sự việc
nghiêm trọng của y đức thì hình như cũng đã quá đà. Trong cuộc sống cần có sự
thông cảm, tha thứ. Trong đời thế nào cũng có lúc chúng ta vô tình ho không kịp
lấy tay che miệng, thậm chí ho văng cả nước miếng, ta thấy, nhiều người thấy, nhưng
phần lớn là... coi như không thấy, bởi ta hiểu đấy là hành vi không cố ý, hành
vi nhất thời. Tôi nghĩ cô bác sĩ kia cũng vậy. Đành rằng, mình làm thì mình nhận,
cô bác sĩ cũng công nhận việc mình gác chân là không đẹp. Cũng như trước đấy, một
bác sĩ ở bệnh viện Hòa Bình đã bị bắt giam vì liên quan đến việc chạy thận làm
chết mấy người. Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan công an sau đấy đã cho anh bác
sĩ này tại ngoại. Áp lực công việc, áp lực trách nhiệm, cả những trách nhiệm có
vẻ như vô hình ngoài công việc cụ thể của mình nhiều khi khiến con người trở
nên vô thức trong những khoảnh khắc nhất định.
Ngành
nào cũng quan trọng, cũng liên quan mật thiết đến đời sống con người, nhưng có
vẻ 2 ngành Y và Giáo dục mật thiết hơn, nên được dư luận xã hội quan tâm nhiều hơn. Song quan tâm không có nghĩa là nhất
cử nhất động đều được... clip hóa, ảnh hóa mà không tôn trọng nghề nghiệp và cả
đời sống người khác. Nghĩ cho cùng, tất cả chúng ta đều muốn xã hội, cuộc sống
tốt hơn lên, nhưng cái cách có thể khác nhau. Và cái cách bêu riếu nhau bằng
clip, bằng ảnh một cách lấy được, cố chấp, bằng mọi giá... nó hình như không
nhân văn lắm...
1 nhận xét:
Y Tế và Giáo dục sắp sửa thành Giáo tế và Ý giục!
Đăng nhận xét