Hôm
qua, đang chạy trên đường Hùng Vương, đoạn qua phở Hoàng, tôi đã phải phanh kít
xe lại trước một hình ảnh đẹp: Một chị phụ nữ đang tưới hoa. Là cái gốc cây đô
thị trước cửa nhà chị có một ô trống, chị đã trồng hoa vào đấy và tưới hàng
ngày. Kịp vớ cái máy ảnh chụp lúc chị vừa xong việc và quay lưng đi.
Thực
ra thì, đấy là một việc hết sức bình thường, nhưng chả hiểu sao lại khiến tôi
xúc động đến thế.
Có
lẽ tại tôi đã từng sống ở Pleiku từ cái thời cả thành phố có mỗi một mình anh
Sơn có một mảnh vườn trồng hoa kinh doanh ở khu vườn ông Hai cũ, và cũng bán được
rất ít. Bởi hầu như có miếng đất trống nào, thậm chí đất không trống, người ta
cũng biến thành đất trống, để trồng... rau lang, su su vừa ăn vừa nuôi... lợn.
Hoa là thứ thời ấy người ta coi là xa xỉ, là vô bổ, chỉ tết mới mua, và là mua
hoa... thọ để chưng bàn thờ.
Cũng
có lẽ tại tôi đã nhiều lần đề xuất rằng, thành phố Pleiku ấy, nên
khuyến khích, thậm chí là bắt buộc, mỗi nhà khi làm nhà nên chừa một ô để trồng
hoa. Cái ô ấy có thể là rất nhỏ, ở ban công, ở cửa sổ, thậm chí là treo lơ lửng
trên tường, đủ để đặt ít nhất một chậu hoa.
Thôi
thì không được bằng Đà Lạt, thì nó cũng có những mảng xanh, những mảng hoa cho
thành phố đỡ khô cằn. Cứ hình dung đi, các nhà mặt tiền, dẫu là nhà ống 4 hoặc
5 mét ngang nhân 15 m chiều dài như “đặc trưng nhà ống” của chúng ta hôm nay,
nhà ai cũng có một ô hoa như thế, đẹp biết bao nhiêu, dịu dàng biết bao nhiêu,
lãng mạn biết bao nhiêu, đáng yêu biết bao nhiêu...
Singapore,
đất nước rất nhỏ, nhà cao tầng san sát, nhưng người ta tận dụng mọi nơi mọi chỗ
để có thể trồng hoa, trồng cây, thậm chí có cả công viên hoa quốc gia. Còn nhà
thì, lơ lửng giữa trời thế, vẫn rười rượi xanh, vì tất cả các ban công, các cửa
sổ đều có hoa hoặc cây xanh.
Thời
đói kém chỉ lo miếng ăn qua rồi, giờ là lúc đã có thể quan tâm đến cái đẹp.
Xong phần dạ dày có thể nhớ đến trái tim. Là tôi ví von hoa mỹ thế, bởi thấy
bây giờ các shop hoa ở Pleiku khá nhiều. Ngay ở chợ, ngoài hoa cúng cũng có khá
nhiều hoa cao cấp được bày bán. Lại vẫn nhớ cái thời xa xưa ấy, khi anh Sơn, một
người yêu hoa và trồng hoa bán, muốn trồng hoa cao cấp thì cũng chỉ đến vài luống
hồng, còn lại là hoa đồng tiền, cúc, Glayon,... tết muốn mua chục hoa hồng cắm
phải đặt trước cả tháng. Đấy là một người tàn tật, mất cả hai chân đến đầu gối,
nhưng yêu hoa và am hiểu hoa, người đầu tiên ươm được giống đào Bắc ở Pleiku.
Giờ thì nhan nhản rồi, cả hoa đào và các loại hoa quý từ các nơi khác được trồng
ở Pleiku, nhưng cái thời đầu tiên ấy, nước phải quay từ giếng hàng ba bốn chục
mét để tưới, thì thấy cái công lao, cái ý chí và cả tình yêu với hoa của người
đàn ông ấy nó mãnh liệt và quyết liệt đến thế nào?
Tôi
cũng từng mơ ước, ở những tiểu đảo, những bùng binh, có chỗ để người ta thả ở đấy,
hờ hững ở đấy, như vô tình, dăm khóm dã quỳ. Đà Lạt đã làm được hai việc, một
là chọn Dã quỳ là hoa đặc trưng của họ, và 2 là, cải tạo được giống dã quỳ thấp
hơn, nhỏ hơn, phù hợp với đô thị. Giờ càng ngày dã quỳ càng bị đẩy lùi, càng
ngày càng thoi thóp loi nhoi trong núi xa. Nên có những buổi chiều cuối tuần,
tôi thơ thẩn ở vài con đường nhỏ, những con hẻm nhỏ, chưa kịp bê tông hết, còn
sót lại những bờ rào có đất đỏ. Ở đấy, những cây dã quỳ loi nhoi thắc thỏm nhô
lên. Và lạ, nó đẹp một cách rỡ ràng trong những buổi chiều cuối năm ràn rạt
gió. Cứ tưởng dã quỳ chỉ đẹp khi nó rờm rợp từng thảm trập trùng trong chiều,
trong nắng, trong gió, trong bazan. Té ra, vào lúc dồn nén nhất, hiếm hoi nhất,
cảm giác mất mát nhiều nhất, ta vẫn nhận ra, cái dáng lắt lay, mảnh mai, đơn lẻ,
cô đơn của dã quỳ có vẻ đẹp riêng của nó.
Trong
ngôi nhà ống nhỏ của tôi ở một con hẻm của Pleiku, có một cái giếng trời. Trên ấy,
tôi treo lan. Cái cảm giác treo được những giò lan ở giữa căn nhà ống nó sướng
đến vô cùng, thỏa mãn đến vô cùng và cũng hạnh phúc đến vô cùng. Bàn viết của
tôi, dẫu ở nơi sâu nhất của ngôi nhà, nhưng nó lại có cái cửa sổ hướng ra cái
giếng trời ấy. Mới nghiệm ra, hạnh phúc nhiều khi rất nhỏ nhoi, nó chỉ là một
giò lan treo lơ lửng ở nơi tưởng như không treo được, nhưng trái tim, khối óc
và bàn tay tài hoa của kiến trúc sư đã biến nó thành nơi đẹp nhất của ngôi nhà.
Từ
ngôi nhà nhỏ, ước mơ cả một thành phố hoa và xanh. Có ai cấm tôi mơ nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét