Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn mới ra tập 2 của tiểu thuyết "Vỡ Vụn" với tên gọi là "Cuộc vuông tròn". Yêu và quý blog VCH, bác gửi sách tặng và gửi kèm bài viết của nhà văn lừng danh Ma Văn Kháng. Nguyễn Bắc Sơn là nhà văn viết rất khỏe và sách nào cũng hừng hực lửa, cả lửa chiến đấu và lửa... giường chiếu. Tôi có gọi điện cám ơn ông đã tặng sách và hỏi thăm sức khỏe ông, ông bảo ông yếu rồi. Tôi bảo một người viết mà vẫn còn những trang làm tình nóng bỏng đến thế, say sưa đến thế, hấp dẫn hồi hộp thế... thì chưa già được, ai cho phép già, he he...
Trân trọng giới thiệu bài giới thiệu của nhà văn Ma Văn Kháng về tiểu thuyết này...
CUỘC VUÔNG TRÒN
TÍNH LÀM SAO ĐÂY
TÍNH LÀM SAO ĐÂY
Nhà văn Ma Văn Kháng
1/ Điều dễ nhận ra nhất, sau khi gấp lại cuốn tiểu thuyết mới này của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn là, muốn hay không, người đọc cũng bị đẩy đến tình thế phải đối diện trực tiếp với cuộc sống ngày hôm nay. Cuộc sống ngày hôm nay, hiểu theo nghĩa rộng. Cuộc sống ngày hôm nay với bao trăn trở, bức bối. Cuộc sống ngày hôm nay, một phức điệu.
Cuộc sống ngày hôm nay đang nhất quyết bác bỏ lối suy nghĩ giản đơn, một chiều vốn là cách tư duy nằm trong dòng ý thức hệ truyền thống. Thay vào đó là lối đánh giá nhiều chiều, thậm chí trái chiều, theo nhiều thang giá trị khác nhau.
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi. Câu trả lời thật không dễ dàng chi (Nguyễn Trọng Tạo). Quả thật là không dễ dàng gì để xác định chuẩn trước những biến động đến chóng mặt của cuộc sống ngày hôm nay. Hôm qua mới đưa vào sử dụng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ô tô chạy 120 km/h thoải mái. Hôm nay người ta đã bàn đến việc chuẩn bị cho đường cao tốc máy bay ở trên không. Trên bình diện kinh tế - xã hội, hôm qua, kinh tế quốc doanh còn giữ vai trò chủ đạo. Hôm nay thành phần kinh tế tư nhân đã trỗi dậy đứng ngang hàng với người anh kinh tế quốc doanh và được công nhận là một động lực phát triển vô cùng quan trọng. Lao động thủ công, cơ bắp đã được thay thế bằng máy móc, tự động hóa, số hóa. Vừa say sưa với công nghệ hiện đại người ta đã nhận ra ngay rằng, nó đã tỏ ra lạc hậu so với công nghệ cao. Tư duy cảm tính duy ý chí đã được thay thế bằng tư duy lý tính, tức tư duy logic và rồi tư duy logic cũng không mấy quan trọng và hữu hiệu bằng tư duy trừu tượng. Đã có cái truyền thống giờ đây lại có cái phi truyền thống mà xem ra đó mới là cái hữu lý, mặc dầu là nhiều khi thấy nó kỳ quặc và khó hiểu.
Trong bối cảnh ấy, Chính, nhân vật mang chủ đề của bộ tiểu thuyết 2 tập liên hoàn (Vỡ vụn xuất bản 2015 và bây giờ là Cuộc vuông tròn) đã xuất hiện và thật tình là rất thoải mái và tự do trổ tài cao đàm khoát luận một cách rất đáng nể vì và trân trọng. Thôi thì còn sự kiện gì mà trong cuộc họp mặt có tính chất nội bộ gia đình này (gia đình ông già Sơn La, cựu Chủ tịch, cựu Bí thư tỉnh ủy và vợ chồng con - Nguyễn Chí Thành, bí thư kiêm chủ tịch tỉnh đương nhiệm) mà không được đưa ra trao đổi, bàn bạc, giảng giải, khám phá, hay nói một cách chính xác hơn, là được Chính trong tư cách một người đọc nhiều, chịu đào sâu tư duy đóng vai phát ngôn viên duy nhất.
Chiến trường Syria nóng bỏng, nỗi khắc khoải của nhân loại. Cuộc tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968, bản anh hùng ca. Câu chuyện khởi nghiệp còn đang nóng hôi hổi trên mặt báo… Tất cả đều được đào xới trong tinh thần cố gắng đi đến tận cùng của sự thật, trong một cái nhìn khoa học, không khoan nhượng, táo bạo, dũng cảm và minh triết của Chính - một giảng viên đại học, một người ngoài đảng, nhưng được ông cụ cựu tù Sơn La kính trọng, coi như một đảng viên ngoài đảng.
Tất nhiên, Chính đã gây sốc cho không ít cử tọa. Ông Quy Trình - Bia Cổ Rụt và Người mỏng toàn diện là hai nhân vật, hai cái biểu trưng cho sự trì trệ cũ kỹ, ù lì của ngày hôm nay. Và câu chuyện nhờ đó vừa sát sạt với hiện thực hôm nay vừa tăng thêm sức hấp dẫn do liên tục gây ra các cuộc tranh biện.
Những cuộc tranh biện, lý sự chen lẫn với những câu chuyện sinh động, dí dỏm cũng chính là nơi thể hiện tính cách các nhân vật. Chính: vốn hiểu biết sâu rộng, khả năng ứng phó của một chuyên gia về nhiều mặt. Thành: sự chân thành học hỏi, thông mình, sắc sảo. Ông già Sơn La: thâm trầm sâu sắc. Cạnh đó là cái rỗng tuếch đa ngôn, chỉ chăm chăm chọc ngoáy của Người mỏng toàn diện, cái cao ngạo hợm hĩnh đến lố bịch của nhân vật Bia Cổ Rụt - Ông Quy Trình.
Câu chuyện của Chính và mấy vị chức sắc cũ mới trong gia đình Thành kéo dài đến gần trăm trang vậy mà đọc vẫn không nản. Có nhẽ đó là tài năng của một nhà văn - nhà tiểu thuyết chính trị/ thế sự/ thời cuộc đã từng được thể hiện trong các tiểu thuyết Lửa đắng và Gã Tép Riu - hai tác phẩm đều được dư luận ngợi khen - của ông. Vẫn là cái lối kể chuyện tỉ mẩn, kỳ khu đến độ quái kiệt vào từng ngóc ngách bí ẩn của cuộc sống và sức liên tưởng dồi dào trên cơ sở một hiểu biết sâu rộng và đến nơi đến chốn của nhà văn.
2/ Nhưng tiểu thuyết Cuộc vuông tròn đâu có phải chỉ là một tiểu thuyết luận đề về xã hội, tuy nó chứa đựng những yếu tố đó một cách giản dị và khá tự nhiên. Nói cách khác, phần tranh biện kể trên, ngoài thông điệp chính trị ra, nó còn có nhiệm vụ cho ta biết: Chính là ai trong câu chuyện này. Một câu chuyện tình. Nó là, vốn là, chính là một câu chuyện tình ướt át và lâm ly. Tên cuốn sách nói rõ điều ấy. Trăm năm tính cuộc vuông tròn. Tính làm sao đây? Vì câu chuyện tình này dắt dây từ cuốn Vỡ vụn vốn rắc rối, chứ đâu có đơn giản. Chính và Thu, vợ ông là một cặp phạm trù chứa đầy mâu thuẫn, một cuộc xung khắc khó hòa giải về nhân cách, tư cách và chính kiến, nhất là chính kiến. Trong hoàn cảnh ấy, Chính có một tình yêu ngoài luồng với Thảo tuy là ngẫu sự nhưng được nhà văn lý giải như một sự hóa giải nghe chừng là hợp lý. Giờ, sự hóa giải nghe chừng là hợp lý đó đã đi đến một bước ngoặt mới: Con trai của tình yêu ngoài luồng ấy là Đại đã lớn, nó đòi hỏi phải có sự săn sóc, sự gần gũi thường xuyên của một người bố. Và Thảo, người đàn bà đã yêu Chính hết lòng, không thể kéo dài mãi cuộc sống đơn thân, trái với quy luật tự nhiên, giới tính, sự hài hòa của âm dương. Thảo cần có một gia đình toàn vẹn, một người đàn ông.
Chính hiện lên ở trong các cuộc tranh luận rõ là tài ba lỗi lạc về phương diện chính trị - xã hội học, một chính nhân quân tử nữa trong cuộc sống thường ngày, đang đứng trước hai người đàn bà. Một người vợ có tư cách pháp nhân. Một người đàn bà đòi hỏi quyền sống với hạnh phúc lứa đôi. Một người đàn bà không đem lại hạnh phúc cho mình nhưng có vị thế hợp pháp. Một người phụ nữ đem lại niềm vui sống cho mình nhưng không được sự công nhận của pháp quyền. Một tình thế vô cùng khó xử. Rất khó xử! Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng. Vì ngay từ khi sa vào một cuộc tình với Thảo dù là rất đẹp, nhưng là một con người tử tế, có lương tâm, Chính vẫn thấy day dứt vì nhận ra mình đã không làm trọn đạo làm chồng, đạo làm thầy, dù là trên thực tế trong suốt chiều dài mấy chục năm sống chung và người vợ không tâm đầu ý hợp này nọ, nay hai người đã li thân, chỉ còn là góp gạo thổi cơm chung.
May thay, trong tình huống cấn cái ấy, Chuyên, con gái lớn của Chính và Thu, một phụ nữ không may mắc phải căn bệnh vô sinh bẩm sinh, đã xuất hiện sau mấy năm ở nước ngoài trở về.
Hiểu rõ bố, hiểu rõ mẹ hơn ai hết. Sau rất nhiều đắn đo suy nghĩ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với Thảo, người tình của bố, biết bố từ trong thâm tâm là người rất có trách nhiệm với mẹ, thì cô đã công khai ủng hộ bố, một sự hiểu biết thấu đáo, một cách xử sự mang tính nhân văn, bằng cách khéo léo xếp sắp để bố có thêm cơ hội sống với mẹ con Thảo-Đại. Phải biết thương mình hơn. Cho cả mẹ con Thảo nữa. Không thể để mẹ con cô ấy sống đơn thân được. Nó trái với luật đời. Cu Đại càng cần bố hơn. Nếu không, bố sẽ ân hận đấy. Đó là lời Chuyên nói với bố Chính trong Chương cuối: Cuộc vuông tròn.
Cái méo mó đã được bàn tay nhân thế tài tình nhào nặn lại thành hình hài vuông vức tròn trặn. Cuộc sống dù bức bách khúc mắc đến thế nào thì cũng có thể mở ra một lối thoát. Đó là cái ưu thế, niềm an ủi con người khốn khó, cái làm cho con người đau khổ tin yêu vào cuộc đời hơn, chỉ có được ở trong văn chương! Đấy cũng là cái lý thú, cái đặc sắc của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trong cuốn tiểu thuyết này, một vấn đề nóng bỏng của xã hội mà trong Lửa đắng tác giả đã đề cập đến như một lát cắt ngang.
Nguyễn Bắc Sơn, nhà văn của thể loại tiểu thuyết luận đề đang trên đà sung sức. Liên tiếp mấy năm gần đây, sau Luật đời và cha con là Lửa đắng, Gã Tép Riu, Vỡ vụn và bây giờ là Cuộc vuông tròn. Nguyễn Bắc Sơn thành công trong nhiều sáng tác của mình còn nhờ ở sự vận dụng ngôn ngữ khá linh hoạt và chuyên nghiệp của ông. Thông thạo thứ ngôn ngữ chính luận có bài bản, tinh tế, chuẩn xác, ông lại khéo kết hợp với lối nói khẩu ngữ dân gian hóm hỉnh, nghịch ngợm đời thường, một phẩm chất không phải nhà văn nào cũng có.
4/11/2016 M.V.K
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét