Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

TÁM MƯƠI VẠN NĂM TRƯỚC, TỔ TIÊN TA VÀ SÔNG BA…



            Nhớ vài tháng trước, tôi xuống An Khê công tác, có ngồi với Nguyễn Thanh Lịch, bí thư thị xã An Khê. Đây là bí thư nữ đầu tiên và cũng là người trẻ nhất từ xưa tới nay giữ chức này ở An Khê. Trong câu chuyện, chị rất phấn khởi khi An Khê phát hiện được di chỉ này. Cái mảnh đất cong như chiếc võng với 2 đầu võng là 2 con đèo nổi tiếng Mang Yang và An Khê, nối 2 tỉnh Gia Lai với Bình Định chỉ giàu… truyền thống chứ rất ít tài nguyên. Nhưng chả phải ngẫu nhiên mà tổ tiên chúng ta lại chọn nơi đây làm chốn lưu thân những ngày cổ xưa ấy. Có thể sau sự kiện này, du lịch sẽ phát triển ở đây. Thì ra nước ngoài đấy, người ta tổ chức cho mình đi mỏi chân mờ mắt, chỉ để xem một cái di chỉ mà nếu so với Rộc Tưng này, chỉ như muỗi với… đại bàng…



Một di chỉ khảo cổ mới được phát hiện, khai quật và tổ chức hội thảo quốc tế làm ngạc nhiên nhiều người, nhất là giới nghiên cứu khảo cổ thế giới. Di chỉ ấy ở Rộc Tưng, thị xã An khê, Gia Lai. Tại đây người ta phát hiện ra rằng, người tiền sử đã từng xuất hiện ở đây chừng 80 vạn năm trước, ở cái lúc mà các ông Vượn, tổ của tổ chúng ta, bắt đầu đứng thẳng. Điều này khẳng định có một sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam và ghi nhận sự xuất hiện của con người tối cổ.

Phát hiện này đã làm thay đổi quan niệm của một số học giả không thừa nhận có một giai đoạn sơ kỳ đồ đá cũ ở khu vực Đông Nam Á, coi đây chỉ là khu vực của sự bảo thủ và trì trệ.

An Khê lâu nay nổi tiếng với di tích Tây Sơn thượng đạo, là nơi nhà Tây Sơn chọn làm chỗ lập căn cứ, luyện quân khởi nghĩa. Các di tích vẫn được giữ gìn dù thời gian đã tàn phá rất nhiều. Những là đồng cô Hầu, vườn cam Bùi Thị Xuân, núi ông Nhạc vân vân. Nó cũng gắn với mối tình Kinh Thượng giữa Nguyễn Nhạc và Yă Đố, chính là cô Hầu, người lo toàn bộ việc lương cho cuộc khởi nghĩa…

Mới đây An Khê cũng nổi tiếng với việc sông Ba, con sông như lời ông Núp trong tác phẩm “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, là từng có cá sấu, ngừng chảy, hay chính xác là không còn nước để chảy. Khô hạn hoàn toàn. Lý do không phải do Yàng, do giời, mà do… thủy điện. Để làm thủy điện An Khê Ka Nak người ta đã làm một việc “chưa nơi nào trên thế giới làm” là lấy nước sông Ba chạy tuốc bin rồi nắn dòng cho nước ấy chảy xuống sông Côn thay vì trả lại nước cho sông Ba. Vụ này như quả bom nổ ở quốc hội khóa trước khi ông phó đoàn đại biểu quốc hội Gia Lai phát biểu rằng đây là việc làm ngược, là “sai lầm thế kỷ”. Và ngay ở cuộc họp quốc hội tuần trước, một nữ đại biểu quốc hội người Jrai lại nhắc lại.

Và giờ, chắc chắn nó sẽ tiếp tục nổi tiếng với sự kiện Rộc Tưng.

Nhớ vài tháng trước, tôi xuống An Khê công tác, có ngồi với Nguyễn Thanh Lịch, bí thư thị xã An Khê. Đây là bí thư nữ đầu tiên và cũng là người trẻ nhất từ xưa tới nay giữ chức này ở An Khê. Trong câu chuyện, chị rất phấn khởi khi An Khê phát hiện được di chỉ này. Cái mảnh đất cong như chiếc võng với 2 đầu võng là 2 con đèo nổi tiếng Mang Yang và An Khê, nối 2 tỉnh Gia Lai với Bình Định chỉ giàu… truyền thống chứ rất ít tài nguyên. Nhưng chả phải ngẫu nhiên mà tổ tiên chúng ta lại chọn nơi đây làm chốn lưu thân những ngày cổ xưa ấy. Có thể sau sự kiện này, du lịch sẽ phát triển ở đây. Thì ra nước ngoài đấy, người ta tổ chức cho mình đi mỏi chân mờ mắt, chỉ để xem một cái di chỉ mà nếu so với Rộc Tưng này, chỉ như muỗi với… đại bàng…

Bây giờ vẫn có người hỏi, sao An Khê lại thuộc Gia Lai mà lại không phải là Bình Định. Hỏi thế tức là cũng sẽ hỏi được rằng sao An Khê lại thuộc Bình Định mà lại không phải là Gia Lai nếu như An Khê thuộc Bình Định. Thế tức là nó ở cái thế 50/50, nửa cao nguyên nửa đồng bằng. Tôi đã có nguyên ngày lội trong các làng, xã của An Khê. Dù là thị xã nhưng nó vẫn mang dáng dấp rất rõ của 2 vùng đất mà nó đặc trưng: Làng Bahnar và làng cổ Bình Định. Bahnar thì không nói, bởi họ là chủ nhân lâu đời của vùng đất này, còn Bình Định, họ là những người theo nhà Tây Sơn lên đây từ thời ấy, đến nay cũng đã hơn trăm năm, những ngôi làng đã trở thành làng cổ…

Và như mọi cư dân khác, khi tìm đất sống, họ thường bám theo các con sông. Ở đây là sông Ba. Và các nền văn minh lớn trên thế giới đều gắn với các dòng sông. Nước ngoài là văn minh sông Hằng, văn minh sông Nin, văn minh Hoàng Hà vân vân, và ở Việt Nam là văn minh Đông Sơn gắn với sông Hồng, văn minh thời đại kim khí ở vùng sông Đồng Nai…

Sông Ba An Khê không chỉ gắn với các dấu tích văn hóa thời tiền sử, mà như đã nói, còn là khu vực căn cứ địa quan trọng trong thời Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, là căn cứ địa của nhà Tam Kiệt Tây Sơn, từ đây họ đã tiến quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh, lập nên một thời đại Tây Sơn hiển hách trong lịch sử với vai trò to lớn của người anh hùng áo vải: Nguyễn Huệ Quang Trung. 

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 6 năm 2014, triển khai đề tài cấp viện của viện hàn lâm KHXH Việt Nam: Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai, các chuyên gia khảo cổ học đã phát hiện 5 di tích thời đại đá cũ ở An Khê. Năm 2015 di tích Gò Đá được khai quật lần thứ nhất. Năm 2016 mở rộng ra di tích Rộc Tưng với sự tham gia của các nnà khoa học Nga thuộc viện Khảo cổ học- dân tộc học Novosibirsk, viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa liên bang Nga.

Ban đầu phát hiện 5 địa điểm sơ kỳ đá cũ. Sau đó lên 21 điểm, trong đó có 2 địa điểm đã khai quật, Rộc Tưng tập trung cao nhất.

Tại Rộc Tưng người ta đã tìm thấy 46 hiện vật đá gồm 1 công cụ ghè hết một mặt, 7 công cụ mũi nhọn, 2 công cụ cạo cắt, 1 công cụ chặt thô, 18 mảnh cuội có dấu gia công, 4 mảnh tước và 13 hạch đá vân vân…

Bước đầu các nhà khoa học đánh giá, đây là các di tích cư trú và là nơi chế tác công cụ đá của người nguyên thủy. Di tồn văn hóa duy nhất còn lại trong tầng văn hóa là công cụ đá do con người chế tác và sử dụng. Di tồn tự nhiên đáng chú ý và có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định niên đại của các di tồn văn hóa ở đây là các mảnh tectit rơi từ ngoài hành tinh vào trái đất. Hiện chưa tìm thấy di cốt người cũng như di tích động thực vật vì các di tích phân bố ở ngoài trời nên các vật chất hữu cơ qua quá trình lâu dài đã bị phân hủy. Thực ra, là người thường thì ai cũng sẽ nghĩ chả cần vạn năm, chỉ trăm năm thôi, vật đổi sao dời như thế thì làm sao mà tìm được di cốt, huống gì đây là đến 80 vạn năm. Nhưng với các nhà khảo cổ, những người bắt đất đá xưng tên tuổi lai lịch, thì không điều gì là không thể, nên họ vẫn đang kiên nhẫn tìm.

Theo các nhà khảo cổ tại cuộc hội thảo thì đáng chú ý nhất trong các sưu tập công cụ đá ở đây là các công cụ ghè hai mặt (biface) và đặc biệt là những chiếc rìu tay (handaxe) được gia công với trình độ kỹ thuật và thẩm mỹ cao mang đặc trưng tiêu biểu của rìu tay giai đoạn tối cổ của nhân loại- kiểu rìu tay Acheulean của sơ kỳ thời đại đá cũ trên thế giới…

Các phát hiện di tích sơ kỳ đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Ba là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây trên dưới 80 vạn năm. Đây, cho đến giờ, tạm được coi là, mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy nên nữ bí thư xinh đẹp của thị xã An Khê mừng là rất có lý do, và là lý do hết sức chính đáng.

Lâu nay, do chưa có các tài liệu khảo cổ học chứng minh, nên đã có những quan điểm đối lập văn hóa giữa phương đông và phương tây, trong đó, gần như khẳng định rằng, rìu tay chỉ xuất hiện sớm ở phương tây, thể hiện cho sự tiến bộ, năng động của con người phương ấy, còn phương đông bảo lưu lâu dài công cụ cuội ghè đẽo thô sơ dạng chopper, thể hiện cho khu vực bảo thủ, trì trệ, lạc hậu và hầu như không có đóng góp gì cho nhân loại. Những phát hiện ghè 2 mặt và rìu tay ở An Khê lần này sẽ bổ sung tư liệu mới vào bản đồ phân bố sự xuất hiện và tiến hóa của loài người, và tất nhiên, nó bác bỏ quan điểm sai trái là chỉ phương tây mới phát triển còn phương đông lạc hậu bảo thủ và trì trệ…

Theo PGS TS Nguyễn Khắc Sử thì những phát hiện kỹ nghệ đá cũ ở An Khê đã làm thay đổi nhận thức chung về lịch sử vùng đất này, cũng như những hình dung xưa nay về đời sống của tổ tiên chúng ta. Con người xuất hiện lúc nào thì lịch sử được bắt đầu từ đó. Lâu nay chúng ta lấy thời điểm xuất hiện người đứng thẳng ở Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) cách đây 0,5 triệu năm làm mốc mở đầu cho lịch sử Việt Nam, thì nay, với phát hiện di tích đá cũ An Khê, chúng ta có thêm cơ sở kéo dài hơn lịch sử Việt Nam về phía trước. Và như vậy, vùng thượng lưu sông Ba được ghi dấu vào bản đồ thế giới, là một trong những nơi lưu giữ dấu tích văn hóa tổ tiên của loài người- Người đứng thẳng (Homo erectus), chủ nhân của kỹ nghệ An Khê rìu tay, mũi nhọn, tam diện…

Gần nửa thế kỷ nay, phần lớn ý kiến cho rằng, con người đầu tiên được hình thành ở Châu Phi, rồi từ đó di chuyển sang Châu Âu rồi mới Châu Á đem theo kỹ nghệ ghè hai mặt với những chiếc rìu tay. Nhưng giờ, với sự kiện khảo cổ An Khê, sẽ phải xem xét lại giả thuyết về quá trình tiến hóa từ người đứng thẳng sang người khôn ngoan trên các châu lục khác nhau, thời gian khác nhau…

Là người ngoại đạo nhưng tôi cũng đã có dịp đi thăm một số di chỉ xuất hiện của loài người ở Việt Nam và vài nơi trên thế giới. Ở Việt Nam tôi đã đến hang đá Ngườm ở Thái Nguyên, đến núi Đọ Thanh Hóa, đến Lung Leng, Biển Hồ, Trà Dôm… và giờ thì se sẽ bước trên di tích An Khê. Nhiều lần qua lại An Khê, nhưng lần này, và từ nay về sau, bước chân của tôi sẽ khác, chắc chắn sẽ khác, như tôi đã rón rén thế nào khi bước vào hang đá Ngườm, cũng là nơi xuất hiện rất sớm của người Việt cổ…

Chỉ tiếc, sông Ba đã cạn kiệt nước, không còn nước cho dân sinh hoạt, cũng như món cá đá nổi tiếng ở đây, giờ vắng bóng trong bữa ăn của người An Khê và vùng phụ cận. Nói dại, lỡ các cụ, một hôm nào đó, xuất hiện trở lại, có khi lại phải chọn một nơi khác mà cư ngụ…