Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

SÔNG HẰNG, HAI MẶT...

 Sáng sớm hôm ở Varanasi, như hàng vạn du khách khác ở thành phố nổi tiếng này mỗi đêm, từ 4 giờ sáng chúng tôi cũng ra sông Hằng để đón mặt trời lên. Hàng vạn người đã đen đặc khúc sông ấy, và nó... bẩn kinh khủng. Ai quỳ cứ quỳ, ai tắm cứ tắm, ai... vệ sinh ngay ở bờ sông cứ tự nhiên. Đi lại trên bến sông ấy là cả một “cuộc chiến đấu” bởi không khéo sẽ giẫm phải “mìn” ngay, chuyện khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam khoảng những năm 60 thế kỷ trước, nhưng giờ hết rồi. 
 
         Sông Hằng từ lâu được ví như con sông Mẹ, không chỉ đối với người dân Ấn Độ, mà có thể nói, là đối với cả thế giới. Đấy là con sông huyền thoại đến nỗi rất nhiều người mơ ước được một lần trong đời đến tắm ở sông Hằng. Đấy là con sông dài 2.510 ki lô mét bắt nguồn từ dãy Hymalaya, chảy theo hướng đông nam qua Bangladesh rồi đổ vào vịnh Bengal. Là một trong những khu vực phì nhiêu và có mật độ dân số cao nhất thế giới, với lưu vực rộng 907.000 km2. Nó là con sông vô cùng linh thiêng với những người theo Ấn Độ giáo, và nó là nguồn sống của hàng chục triệu người Ấn Độ sống dọc theo nó.

          Tôi đã từng được cử làm trưởng đoàn nhà Văn Việt Nam sang Ấn Độ dự liên hoan thơ quốc tế ở Kolkata, và cũng như mọi con dân yêu các nền văn minh trên thế giới này, sau những ngày liên hoan thơ, chúng tôi bỏ tiền túi đi phượt, cái đích là sông Hằng, con sông mà ở Việt Nam ai ham đọc sách đều nhớ đến một tên sách nổi tiếng “Sông Hằng mẹ tôi” xuất bản từ khá lâu rồi.

          Lần sang Ấn Độ ấy, tôi đã chứng kiến 2 mặt của sông Hằng.

       Mặt chính là sự thành kính, thiêng liêng của con sông mẹ. Những buổi sáng ở thành phố Varanasi, hàng ngàn người quỳ cầu nguyện, sau đấy xuống tắm, như một nghi lễ thiêng liêng bắt đầu ngày mới, như sự gột rửa cả tinh thần và thể xác. Theo tín ngưỡng Hidu, tắm trên sông Hằng được xem là gột rửa mọi tội lỗi, và nước sông Hằng được sử dụng trong mọi nghi lễ thờ cúng. Nhiều người coi việc uống được nước sông Hằng trước khi từ giã cõi trần là một ân huệ, một sự may mắn thiêng liêng hiếm có. Tôi chứng kiến rất nhiều người, cả khách du lịch Châu Âu, thành kính quỳ chắp tay trên các bậc đá trước con sông huyền thoại, hướng về phía mặt trời, mắt nhắm nghiền cầu nguyện. Ở Việt Nam tôi biết có nhiều tour đi sông Hằng, và ai may mắn có điều kiện để đi, khi về thể nào cũng có một lọ nước sông Hằng, tặng bạn bè, tự chữa bệnh cho mình, để trong nhà như một vật thiêng... đủ lý do để khệ nệ mang về. Nhiều người chưa có điều kiện đi thì ước ao một lần được tắm trên con sông huyền thoại ấy, rồi có chết cũng thỏa.

          Nhưng mặt sau của nó, cũng “nổi tiếng” không kém, ấy là sự ô nhiễm, đến khủng khiếp, đến rợn người.

          Một đêm nào đó, trăng vằng vặc ở làng Bhojwan Tika Bigha, Bodhgaya, bang Bihar, khuya không ngủ được, tôi cứ trằn trọc nằm nghe tiếng chó tru. Tiếng chó rất lạ, gần gần như hồi nhỏ tôi thi thoảng được nghe ở nơi sơ tán và được các cụ bảo là chó sủa ma. Hôm sau đi dọc triền sông thì biết con sông này là thượng nguồn của sông Hằng, và ở đây có phong tục hỏa táng. Mỗi người chết được chính phủ bán rẻ 280 kg củi để thiêu. Và, có người đã hết củi nhưng vẫn chưa cháy hết, hoặc có nhà tiết kiệm giữ lại củi để nấu, thì người ta vùi phần chưa cháy hết xuống cát. Mùa nước cạn, chó ra moi xương lên ăn. Và cái tiếng chó tru khủng khiếp kia là xuất phát từ việc chó ăn thịt người...

          Sáng sớm hôm ở Varanasi, như hàng vạn du khách khác ở thành phố nổi tiếng này mỗi đêm, từ 4 giờ sáng chúng tôi cũng ra sông Hằng để đón mặt trời lên. Hàng vạn người đã đen đặc khúc sông ấy, và nó... bẩn kinh khủng. Ai quỳ cứ quỳ, ai tắm cứ tắm, ai... vệ sinh ngay ở bờ sông cứ tự nhiên. Đi lại trên bến sông ấy là cả một “cuộc chiến đấu” bởi không khéo sẽ giẫm phải “mìn” ngay, chuyện khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam khoảng những năm 60 thế kỷ trước, nhưng giờ hết rồi. Chúng tôi thuê một cái thuyền đi dọc sông, và được hẹn rất kỹ rằng, đến lò thiêu người không được chụp ảnh. Để thuê thuyền cũng có cò, cũng có rất nhiều người bán hàng rong nhảy lên thuyền “hành nghề”, mà 2 thứ được mời chào và bán nhiều nhất là chim bồ câu để phóng sinh và hoa để thả xuống sông.

          Trời ạ, cái lò thiêu người chết tềnh hênh ngay bên bờ con sông lừng danh này, những xác người được đặt trên cáng xếp hàng lũ lượt ngay trước mắt chúng tôi. Và theo người lái thuyền cho biết thì tro cốt ngay sau hỏa thiêu sẽ được thả xuống sông. Nhưng vấn đề là, không phải ai cũng thiêu hết. Ở đây lò thiêu nhưng thiêu bằng củi, nên chuyện ống xương chân tay, cả sọ nữa... chưa cháy hết là bình thường. Chúng được tống hết xuống sông, trước mắt hàng ngàn người, hàng ngày như thế, như một việc rất đỗi bình thường...

          Người ta thống kê sông Hằng xếp thứ 5 trên thế giới về mức độ ô nhiễm năm 2007. Thành phố Varanasi mà tôi ngủ một đêm ở đấy có 1 triệu dân, mỗi ngày thải ra cống rãnh 200 triệu lít nước thải, và phần lớn nó... xuống sông Hằng. Sông Hằng đoạn qua thành phố này là nơi được coi là linh thiêng và là bến chính của sông Hằng. Tôi đã trải qua sông Hằng như thế, giữa 2 bờ, 2 mặt đối lập, linh thiêng, thần bí và ô nhiễm, trụi trần...

          Và vì thế, trong tôi, sông Hằng vừa kỳ bí, thần thánh, vừa trần trụi như chính một nhà thơ Ấn Độ nói với tôi: Chúng tôi đang chiến đấu rất quyết liệt để bảo vệ dòng sông mẹ của chúng tôi...
       
                                                            
         




1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ôi ! Kinh khủng quá Bác hè, thế thì ở Việt Nam sướng quá .