Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

CHUYỆN NGẬP KHÔNG CỦA RIÊNG AI



Quảng Bình, Hà Tĩnh, cả miền Trung đang ngập. Ngập do giời, tất nhiên, nhưng té ra, sau giời là con người, chính con người là thủ phạm. Tôi đã gai người khi nghe cái trả lời ráo hoảnh của ông giám đốc thủy điện Hố Hô khi nói rằng ông đã cho xả lũ "đúng quy trình", rằng là ông không có trách nhiệm thông tin (việc xả lũ) với huyện, kể cả chủ tịch huyện, và với dân, hàng vạn dân, hàng nghìn gia đình... Và tôi cũng rơm rớm nước mắt khi nhìn cái ảnh con bò được (bị) treo mũi lên để nó còn có thể thở mà may ra sống sót khi toàn thân nó đã chìm nghỉm dưới nước...



Báo Gia Lai ngày 29/9 thông tin, công trình thoát nước đường Âu Cơ làm ngập nhà dân. Ông Thành là một trong những nạn nhân của vụ này. Không chỉ ngập nhà, vườn nhà ông cũng bị ngập sâu khiến cây trái bị chết.

Những ngày này Pleiku đang có những trận mưa rất to vào buổi chiều, và vì thế, rất nhiều đoạn đường, kể cả những đoạn đường trung tâm, bị ngập nước, rất lâu thoát, xe và người lội bì bũm...

Ở thành phố Hồ Chí Minh thì cũng liên tục được “lên sóng” vì nước ngập.

Trước hết phải nói ngay là, triều cường là một “thuộc tính” của TP HCM và một số tỉnh miền Tây. Lần đầu tiên tôi biết thế nào là triều cường là lần tôi về Long An cùng nhà văn Nguyễn Đức Thọ chơi với nhà thơ Đinh Thị Thu Vân. Khi rẽ vào ngõ nhà chị Vân tôi đã vô cùng lạ lẫm chứng kiến triều cường ở Long An, nước cứ lừ lừ dâng lên, lấp xấp mặt phố. Đến khi quay về thì tôi lại gặp ở Sài Gòn, triều cường cũng lừ đừ lên, từ nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hay dùng là nước “lé đé” dềnh dang khắp mặt đường...

Nhưng nó chả ảnh hưởng gì đến đời sống của con người cả, hay chính xác là họ quen rồi, họ sống chung với triều cường, thích nghi với nó, “hòa nhập” với nó. Chiều chiều vẫn tụ tập nhập khi nước lé đé dưới chân.

Khi có điều kiện mua nhà ở thành phố, con gái tôi cố chọn nơi mà không bị nước ngập, xa lạ với triều cường. Và nó đã chọn được khu ưng ý. Tưởng thế là ổn rồi, té ra không phải.

Mấy năm nay, mà nhất là mấy ngày vừa rồi, 2 trận lụt ghê gớm đổ vào nội đô Sài Gòn trong khi thành phố đã bỏ ra hàng nghìn tỉ lo chống ngập. Người dân Sài Gòn từ chỗ đang ung dung sống chung với ngập lụt giờ bỗng phát hoảng, bỗng thấy có một cái gì đấy bất thường trong hành xử với ngạp lụt, khi mà tiền đổ ra càng nhiều thì lụt lại càng lớn, từ chỗ lé đé mấp mé vỉa hè đến mức con đường thành những dòng sông, đến mức bắt lươn ngay trong hành lang bệnh viện, đến mức xe máy trôi vù vù trên đường giữa dòng lũ xiết. Đến mức này thì không còn là triều cường nữa, mà là lũ, thậm chí lũ ống, bởi nó cuốn trôi được cả những cái xe máy to kềnh càng kia...

Từ chỗ toàn thành phố có nhiều điểm ngập lụt, giờ, sau bao năm loay hoay chống chọi, đổ tiền vào khắc phục, đổ chất xám vào nghiên cứu, tiền, đến mức người ta hình dung nếu chỉ cần chồng nó lên cũng có thể chặn được một đoạn ngập, thì toàn thành phố chỉ còn một điểm ngập duy nhất, ấy là... toàn thành phố.

Tất nhiên người ta nhìn ra ngay căn nguyên của vấn đề. Ấy là quy hoạch. Không chỉ là quy hoạch chống lụt, mà là quy hoạch taonf thành phố. Khi mà các khu nhà cao tầng mọc lên liên tiếp, khi mà cư dân đổ về càng nhiều, khi mà kênh rạch bị san lấp vân vân, thì không có đường cho nước thoát. Không ngập lụt mới lạ.

Và, đây không chỉ là “Vấn nạn” của Thành phố Hồ Chí Minh, mà hầu như của cả nước.

Sự phát triển đô thị vô tội vạ, quy hoạch thiếu tầm nhìn, thiếu sự bao quát, sự tăng dân số cơ học  quá nóng, và cả ý thức của thị dân nữa, gây ra những thảm cảnh ấy.

Rất nhiều người mang danh thị dân, tức là những người sống ở đô thị, nhưng lại mang ý thức nông dân, họ mang lối sống, văn hóa, cách hành xử, ứng xử... của anh nông dân, bát ngát ruộng vườn, vào thành phố, và họ biến thành phố, những cái nhà be bé, những con đường chật chội, những khu dân cư đông đúc... thành mảnh vườn, khoảnh sân nhà họ. Họ bạ đâu vất đấy, thích đâu đổ rác đấy, chen từng gang tay đất, bất kể đấy là cống thoát hay bờ kênh...

Nơi tôi ở, khi người ta thiết kế để bán đất cho dân làm nhà theo dạng nhà ống, chiều rộng 4,5 mét, dài 17 mét, cũng không hề có đường thoát nước. Thế là nước sinh hoạt thì xuống hầm rút, tất nhiên, còn nước mưa tự nhiên thì thích chỗ nào chảy vào chỗ ấy, còn không thì... chui ngược vào nhà. Và không chỉ có thành phố tôi đang sống mới có chuyện ấy.

Nó là tầm nhìn ngắn hạn của những người quy hoạch. Một thành phố được quy hoạch mà không chú ý đến đường nước thải, đến nơi xử lý rác chẳng hạn, thì chẳng mấy chốc anh phải cáo chung cho thành phố ấy, hoặc là anh biến cư dân thành phố ấy thành... chuột. Ví von thế bởi tôi rất ấn tượng với cái ảnh một con chuột lút thút ướt bám một cách vô vọng trên mấy ô sắt lưới B40 trong mấy ngày lụt vừa qua ở thành phố Hồ Chí Minh được share ầm ầm trên mạng. Trông nó vừa hài hước vừa chua xót, vừa nhẫn nhịn vừa đau đớn, vừa bẩn vừa thương...

Tất nhiên là những người có trách nhiệm lại tiếp tục đề ra các phương án chống ngập. Nhiều phương án, nhiều sáng kiến các loại các kiểu được đưa ra. Nhưng có vẻ như, diện tích ngập, trữ lượng ngập, tần suất ngập... cứ năm sau cao hơn năm trước khiến cho không chỉ nhân dân, mà chính những người có trách nhiệm cũng hoang mang tự hỏi: Thế tóm lại là có chống ngập lụt được không?

Hôm qua tôi đọc được một ý kiến của một người sống ngay trong vùng ngập lụt giữa thành phố Sài Gòn rằng là, phải nghiên cứu để sống chung với ngập lụt thôi. Ừ nhỉ, có khi lại cũng là một ý kiến hay. Tại sao ta không biến ngay cái sự khốn khổ vì ngập lụt ấy thành niềm vui nhỉ, như bắt lươn bắt cá ngay trên đường, trong phòng ngủ, giữa sảnh khách sạn nhỉ. Tại sao không tổ chức tour du lịch chèo thuyền giữa phố nhỉ? Rồi dạy bơi. Mọi người thấy thế nào chứ, tôi thì tôi rất thú cái clip một anh nhạc sĩ ở Sài Gòn dạy bơi ngay giữa phòng khách nhà anh ấy...

Không có nhận xét nào: