Ma lai thì đồng
bào Gia Lai hầu hết đều có chung quan niệm cho rằng đấy là một loại
“hồn ma ác độc” xâm nhập vào cơ thể sống của một người, mượn
hình hài người sống để tồn tại. Ban ngày đi làm ăn như người
bình thường, nhưng khi đêm đến ma lai tự tách đầu khỏi thân xác
thực tại, rút ruột đi ăn thịt, ăn nội tạng người khác, hoặc ăn
xác chết. Khi làng có chim lợn, cú mèo kêu thì đồng bào cho rằng đó là
ma lai đang cưỡi chim lợn, cú mèo đi lượm ăn các loại xác thối,
bắt “hồn vía” những người đau yếu và trẻ con, do đó trong buôn,
làng ắt có người chết. Thống kê cũng cho thấy thời gian gần đây tình
trạng ma lai không còn xảy ra ở các buôn làng Tây Nguyên nữa, có chăng
còn một ít người già nghĩ về nó.
-----------
I: Những câu chuyện đau lòng:
Có 3 vấn nạn đang gây hãi hùng ở Gia Lai, tuy rành mạch là 3, nhưng lại gắn bó với nhau, có những nguyên nhân gần gần giống nhau, và đều đang... chưa lý giải được, đấy là ma lai, thư và tự tử.
Gần 40 năm sống ở Gia Lai, cũng chịu khó lăn lộn, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết đau lòng, cực kỳ phi lý và cũng cực kỳ... ngẫu hứng.
Cái chết tự tử đầu tiên tôi chứng kiến là ở làng Tơ Tung, xã Nam, lúc ấy thuộc huyện An Khê, giờ là K’bang. Hồi ấy tôi vừa chân ướt chân ráo lên Tây Nguyên, tham gia ngay vào đoàn điền dã, sưu tầm văn hóa dân gian do giáo sư Tô Ngọc Thanh dẫn đầu. Ở làng ấy được mấy ngày, thì một chạng vạng chiều, mặt trời bầm như máu, bồng thấy dân làng xôn xao hú hét. Theo chân dân làng chạy ra ngôi nhà sàn nhỏ bên bờ suối, tôi chứng kiến người đàn ông tự tử. Đây là ngôi làng toàn người Bahnar. Số là hôm ấy làng săn được con nai, và theo tục lệ, từ trẻ sơ sinh đến cụ già sắp chết đều được chia phần, đều nhau, kể cả khách là chúng tôi. Trong khi mọi nhà đang nổi lửa “xử” phần thịt của mình thì người đàn ông này cảm thấy phần thịt của mình có vẻ ít hơn của nhà khác (điều này rất dễ xảy ra, nhưng không phải là do kỳ thị hay coi thường như anh này nghĩ, mà di chia bằng tay, hàng mấy chục phần, thì chuyện không đều nhau là có thể hiểu được), thế là anh này lẳng lặng lấy dây thắt cổ vì thấy mình không được tôn trọng, lẽ công bằng không được thực thi trong cộng động làng. Cái chết ấy cứ ám ảnh tôi mãi trong suốt những năm sau này khi nghiên cứu tìm hiểu về đời sống đồng bào Tây Nguyên. Âm thầm và lặng lẽ, họ tự xử khi thấy mình bị tổn thương, bị coi thường.
Mới nhất, cái chết của cháu Ksor Sôn ở xã Ia Der, huyện Ia Grai mà báo chí vừa ồn lên cũng thế. Một số người chưa hiểu rõ đầu đuôi đã cho rằng cháu chết vì không có áo mới đi học. Chúng tôi đã về tận nơi và thấy rằng chi tiết áo mới là không đúng. Mà cái chết của cháu có thể, nó nằm ở phần “những số liệu hãi hùng” mà chúng tôi sẽ công bố ở phần 2 của bài viết này.
Cũng như thế, ma lai hiện đang là nỗi ám ảnh ở các buôn làng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng. Lần ấy, cách đây hơn hai chục năm, tôi đang đi công tác ở huyện (giờ là thị xã) Ayun Pa. Đột nhiên tin cấp báo về, ở làng ấy đang có ma lai, người ta sắp xử. Thế là rùng rùng các ban ngành xuất trận. Công an, tất nhiên, văn hóa, tất nhiên, dân vận, mặt trận, cũng đương nhiên... rồi phụ nữ, thanh niên, nông dân, huyện ủy, ủy ban... đến mấy xe U oát nhao xuống. Tất nhiên tôi cũng leo lên một cái xe như thế, dù nó đã chứa đến mười mấy người.
Xe lao thẳng ra một con suối, ở đấy cuộc xử ma lai đang chuẩn bị bắt đầu.
Thường thì dân làng (thực chất là từ một ông thầy cúng ất ơ nào đó, nhưng rất có uy tín với dân làng, cũng có thể là từ già làng hoặc một nhóm các già) có 2 cách xử lý ma lai, một là đổ chì kiểm chứng: Những ai bị quy là ma lai hoặc bị dân làng nghi về một vấn đề gì đấy (trộm cắp, nói dối... chẳng hạn) đều bị thử bằng hình thức đổ chì. Chì được nấu lỏng, xong đổ vào lòng bàn tay nạn nhân, nếu chì không ăn thủng tay hoặc nạn nhân không thấy nóng, tức là nạn nhân vô tội. Cách thứ hai cũng kinh hoàng không kém là...lặn nước, thường xảy ra ở những cuộc tranh chấp tay đôi. Hai người trong cuộc cùng lặn xuống nước, ai ngoi lên trước là thua cuộc. Thường thì cả kẻ thua lẫn người thắng đều... tiêu đời. Vì ngoi lên trước thì làng giết, còn nằm lại thì Hà Bá ru...
Hôm ấy ở huyện Ayun Pa, Gia Lai, phải rất dằng dai, rất mất công sức, những người xuống giải quyết đông hơn dân làng, cuối cùng người ta đã xử lý như sau: Đồng ý với cách đổ chì, nhưng trước khi đổ vào nạn nhân,đề nghị đổ vào già làng và thầy cúng trước. Tất nhiên là các vị rụt tay lại. Nhưng quả là không phải bao giờ cũng sẵn có cán bộ để can thiệp ngay như hôm ấy, và đây cũng là cách xử lấy dã man trị dã man mà thôi.
Ma lai thường đi kèm với thuốc thư, mà cả 2 thứ này thì đều là loại u u minh minh, chả ai tường tận, toàn là đồn thổi, nhưng thiệt hại gây ra là rất lớn. Nó không chỉ thiệt hại về người, tài sản, của cải vật chất, mà nguy hiểm hơn, nó gây những tâm lý bất ổn trong cộng đồng dân cư, trong xã hội. Từng có người đột nhiên nổi hứng, tuyên bố mình có... thuốc thư, muốn ai chết là thư người ấy.
Năm ngoái ở huyện Krông Pa có một vụ giết người rất dã man vì “thuốc thư”. Hai người đàn ông tên là Ksor Cheo và Nay Loang đã giết chết ông Kpă Phu chỉ vì sợ ông Phu có thuốc thư hại mình nên ra tay giết ông Phu trước. May là trước đó Cheo còn về nhà ông Phu định giết cả nhà ông nhưng không thành, chỉ làm bị thương vài người. Vụ này làm chấn động dư luận ở huyện Krông Pa và vùng lân cận khiến ban tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai phải tổ chức ngay một đoàn công tác xuống thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa tìm hiểu sự việc và tìm giải pháp xóa bỏ thuốc thư, ma lai...
Có anh chàng láu cá, tuyên bố mình có thuốc thư, và bắt phụ nữ trong làng phải cho y... ngủ thì y tha, không thì y thư cho chết. Thế mà khá nhiều phụ nữ vì sợ bị thư đã phải chấp nhận yêu cầu bệnh hoạn của y. Tất nhiên sau đấy sự việc cũng bị lộ và chính quyền lại phải... bảo vệ người đàn ông láu cá này không thì chồng của các bà kia xơi tái y ngay...
Các ban ngành của tỉnh Gia Lai đã phải vào cuộc quyết liệt. Cụ thể là ban Tuyên giáo Gia Lai lập hẳn một chuyên đề nghiên cứu, xuống các huyện ăn dầm nằm dề, vừa cùng với cơ sở giải quyết các vụ việc cụ thể, vừa nghiên cứu, tổng hợp ngõ hầu tìm ra nguyên nhân để có những đối sách thích hợp. Nhưng có vẻ, nguyên nhân vẫn rất mịt mờ, vẫn thăm thẳm như những ngọn rừng hãn hữu còn sót lại ở nơi từng mệnh danh là đại ngàn này. Có lần tôi hỏi mấy già làng rằng, có khi nào là do rừng càng ngày càng trụi đi, khiến môi trường sống của người Tây Nguyên thay đổi đến khốc liệt, con người cảm thấy bơ vơ, thấy thiếu tự tin khi hòa nhập đời sống thị thành. Từ là những chủ nhân của rừng, của mảnh đất họ đã sống ổn định cả hàng ngàn đời nay, giờ họ trở thành khách lạ, trở thành người làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Họ ngơ ngác, lạc lõng trước tốc độ phát triển rất nóng, rất ào ạt, rất cưỡng chế quy luật tự nhiên, khiến chính thiên nhiên cũng nổi giận, và con người thì vô cùng bất an. Sự bất an ấy khiến họ rất dễ manh động, rất dễ làm những việc thiếu suy nghĩ? Bởi khi đã chọn đến cái chết, con người đã bị bế tắc cùng cực rồi, đã thấy chết là hơn hẳn sống rồi, dù cuộc sống luôn luôn kỳ diệu, luôn luôn mang lại hạnh phúc bất ngờ cho con người. Nhưng đến lúc con người thấy chết cũng mới gì hơn sống nữa, họ đã phải chọn cái chết để làm con đường sống của mình thì rõ ràng, họ đã bế tắc cùng cực rồi...
II.Những số liệu hãi hùng:
Theo thống kế chưa đầy đủ, số người chết do tự tử ở Gia Lai từ 2005 đến nay là 901 người; trong đó huyện Phú Thiện 228 người, Kbang 219 người; Kông Chro 119 người, Đức Cơ 96 người; Ia Grai 67 người; Đak Đoa 44 người; Krông Pa 39 người; thành phố Pleiku 36 người; Chư Prông 32 người; thị xã Ayun Pa 18 người và huyện Chư Pah 03 người (các huyện không có nạn tự tử gồm: Thị xã An Khê, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Pưh, Chư Sê và Ia Pa.
- Các địa phương đáng quan tâm gồm: Huyện Kông Chro; Kbang; Chư Pah và Phú Thiện có số lượng người tự tử rất đông. Riêng huyện Kông Chro, ngoài uống rượu làm mất kiểm soát khi có chút mâu thuẫn với nhau thì tự tìm đến cái chết, đã có nhiều người tìm đến cái chết không rõ nguồn cơn, lý do hoặc chỉ vì lý do hết sức đơn giản như mâu thuẫn gia đình, ốm đau không có điều kiện chữa bệnh, ai đó vu oan trộm cắp hoặc đòi cha mẹ mua sắm điện thoại, xe máy đẹp để trưng diện bạn bè nhưng không được đáp ứng nên tự tử để giải thoát. Cụ thể, cuối tháng 10-2015, người làng Kpiêu nhận tin dữ, Ông Đinh Văn Duếch sau khi uống rượu say đã xảy ra mâu thuẫn với vợ. Vì tự ái, ông Duếch đã tìm đến cái chết ngay tại nhà. Bà Đinh Thị Drép – Làng Kpiêu, huyện Kông Chro, Gia Lai nhớ con mà nói: Từ ngày nó chết tôi nhớ nó lắm, làm cái gì cũng nhớ nó, chỉ vì giận câu nói của tôi mà nó tìm đến cái chết.
Tại huyện Kbang, những năm 1980 trở về trước không hiểu vì lý do gì mà nhiều thanh niên trong một xã lại có phong trào lấy dải băng vải đỏ quấn cổ, khi phát hiện chính quyền thấy lạ và tìm hiểu mới biết có 19 thanh niên dân tộc Bahnar đăng ký để chết; có những trường hợp xảy ra hết sức đau thương trong một gia đình có 04 người đều chết bằng tự tử, chỉ vì người con út buồn bực chuyện gì đó không rõ nguồn cơn rồi tự tử chết tại kho lúa, sau đó là người chị, mẹ, cha cứ cách nhau hai tháng tự tử chết cũng tại kho lúa; có những trường hợp do trình độ học vấn thấp khi sử dụng thuốc trừ sâu trên hoa màu, sau thời gian ngắn thấy sâu không chết nên uống thử và kết cục tự mình rước cái chết oan uổng vào thân.
Đặc biệt, theo thống kê, người Bahnar tự tử nhiều hơn hẳn người Jrai. Cháu Ksor Sôn mới tự tử đây có một nửa dòng máu là người Bahnar.
Về thuốc thư, thống kê từ những năm 1980 đến nay toàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 138 vụ gây rối, đập phá liên quan đến “Thuốc thư”, làm 15 người chết, cụ thể như ở huyện Kông Chro có 09 người chết (trong đó năm 1980 đánh chết 06 người trong 01 gia đình tại làng Chơ Ghur, xã Bơ Tó, huyện Ia Pa ngày nay, tháng 6 năm 1986 xảy ra vụ đánh chết 02 người trong 01 gia đình và năm 2014 tại làng Quel, xã Sró đánh chết 01 người); Krông Pa năm 2015 đánh chết 01 người; Chư Sê 02 người (năm 2007 đánh chết 01 người, năm 2013 đánh chết 01 người); Mang Yang năm 2007 đánh chết 03 người; Ia Grai cuối năm 2014 đánh chết 01 người.
Ma lai thì đồng bào Gia Lai hầu hết đều có chung quan niệm cho rằng đấy là một loại “hồn ma ác độc” xâm nhập vào cơ thể sống của một người, mượn hình hài người sống để tồn tại. Ban ngày đi làm ăn như người bình thường, nhưng khi đêm đến ma lai tự tách đầu khỏi thân xác thực tại, rút ruột đi ăn thịt, ăn nội tạng người khác, hoặc ăn xác chết. Khi làng có chim lợn, cú mèo kêu thì đồng bào cho rằng đó là ma lai đang cưỡi chim lợn, cú mèo đi lượm ăn các loại xác thối, bắt “hồn vía” những người đau yếu và trẻ con, do đó trong buôn, làng ắt có người chết. Thống kê cũng cho thấy thời gian gần đây tình trạng ma lai không còn xảy ra ở các buôn làng Tây Nguyên nữa, có chăng còn một ít người già nghĩ về nó.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa sự “hiểu biết” từ nhỏ của tôi đối với ma lai và ma lai thực sự bây giờ ấy là hồi nhỏ thì nghe nói ma lai có khả năng hút máu người. Người bị ma lai hút máu cứ thế hết máu mà chết, và ma lai tồn tại được bởi nó được hút máu người như một loại thức ăn của nó. Còn trong sự thực hôm nay thì ma lai không hút máu ai cả, nó chỉ thư cho chết. Nhưng thuốc thư là gì và thư như thế nào thì cũng chỉ... nghe đồn, cũng chỉ do các ông thầy cúng hoặc già làng, thậm chí do chính... ma lai, tưởng tượng ra, nói phao ra thế và rồi náo loạn cả làng lên...
Đa phần các ý kiến của những người có trách nhiệm bây giờ cho rằng, ma lai, thuốc thư là hệ quả của việc thiếu hiểu biết, và cách hữu hiệu nhất là nâng cao trình độ hiểu biết cho bà con. Nghe cũng có lý, nhưng hình như vẫn chưa đủ. Ngay người Kinh chúng ta, rất nhiều người bằng cấp đầy mình, nhưng mê tín một cách rất hoang đường. Cũng xem ngày tốt ngày xấu, cũng cúng bái lễ tạ rất rình rang công phu, nhiều việc không thể lý giải được, họ đặt hết niềm tin vào đấng siêu nhiên bí ẩn nào đấy, và vì thế, càng ngày các lễ hội tâm linh càng phát triển, đền chùa miếu mạo càng mọc lên dày đặc, các ông đồng bà cốt xuất hiện ngày càng nhiều (kể cả nhiều người tự xưng là nhà ngoại cảm, có thể nói chuyện được với người cõi âm, có người đã chết hàng mấy trăm năm), có khi chả vì lý do gì. Và cũng không phải không có những người tổ chức kinh doanh, và kinh doanh rất thành công, sự “mù quáng” này...
Và việc lợi dụng hiện tượng ma lai trong cộng đồng bà con dân tộc Tây Nguyên cũng là sự đáng báo động. Có khi chỉ vì ghét nhau mà đổ cho người ấy người kia là ma lai rồi kéo cả làng đến giết cả nhà người ta. Những cái chết bất ngờ, những hạn hán dịch bệnh, cả hỏa hoạn, lũ lụt... đều là cái cớ cho ma lai xuất hiện...
III. Chả lẽ không có giải pháp gì sao?
Ngay khi có vụ cháu Ksor Sôn tự tử, một số báo và trang cá nhân khẳng định cháu tự tử là do không có áo mới đi học và do mặc cảm nhà quá nghèo, tôi đã viết trên trang cá nhân và trên một tờ báo là không phải thế. Và thế là nhận một trận... mưa gạch, cho rằng tôi che giấu sự thật, rằng cháu bé không tự tử vì không có áo mới đi học thì là vì gì? Tôi, người đã xuống tận nhà cháu, chứng minh rằng, cháu không chỉ có cái áo 130 ngàn mà đến mấy trăm ngàn, đã may nhưng chưa xong, chỉ hai ba hôm nữa là xong, và hôm ấy cũng chưa phải là khai giảng để phải diện áo mới, và cháu cũng biết là nhà cháu đã may áo cho cháu, và nhà cháu cũng không phải là nghèo nhất làng. Nếu so với các gia đình ở thành phố, so với các bạn có smartphone để lướt web đọc tin, lên phây tự sướng... thì quả là nhà cháu rất nghèo, nhưng ở làng thì còn nhiều nhà nghèo hơn thế nữa. Và nữa, tin là anh trai của cháu cũng đã tự tử trước đấy cũng là tin... vịt. Người tự tử trước đấy chỉ là bà con xa của cháu, và cũng ở một địa phương khác, ở thành phố Pleiku chứ không phải ở huyện Ia Grai.
Nhưng chỉ là một nhà thơ, nhà báo, bảo tôi lý giải nguyên nhân cái chết của cháu thì tôi... chịu. Nhưng ngay lúc ấy tôi đã liên hệ đến những cái chết tự tử hàng loạt ở Gia Lai từ trước đấy mà ngay các ngành chức năng cũng chưa lý giải ra.
Nếu bảo tại dân trí cũng không phải, bởi hàng ngày, đây đó, ta vẫn đọc trên báo những vụ tự tử của người Kinh, những người ở thành phố, chắc chắn là dân trí không đến nỗi nào. Mới nhất là việc các chiến sĩ cảnh sát giao thông cứu một chị phụ nữ nhảy cầu tự tử vì... cãi nhau với chồng. Mới hơn nữa là anh tài tắc xi tự tử ở Đông Anh mà phóng viên đến làm tin bị ăn đòn đang nóng trên báo. Còn nhiều vụ tự tử không lý giải được, hoặc lý giải mù mờ khác nữa, tôi cho rằng không hẳn là do dân trí.
Do nghèo đói. Cũng có thể là một trong những lý do, nhưng vẫn có những hoàn cảnh hết sức đáng thương, hết sức bí bách, nhưng họ vẫn kiên trì sống, vẫn ngạo nghễ sống, vươn lên để sống, dù sống rất khổ, rất vất vả, thậm chí tủi nhục. Chỉ cần xem trên truyền hình, chương trình “lục lạc vàng” chẳng hạn, thì hoàn cảnh nào cũng làm ta rơi nước mắt, hay vào bệnh viện, khoa ung bướu chẳng hạn, không khóc trước mặt họ thì ta cũng dấm dứt suốt ngày khi ra khỏi đấy. Nhưng họ vẫn sống, kiên cường sống, nhẫn nại sống, sống cho đến ngày cuối cùng, giờ cuối cùng...
Thì tôi phải bám vào các cơ quan chức năng vậy.Theo ban Tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai, cơ quan đã tiến hành theo dõi, tìm hiểu, nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm qua để báo cáo thường vụ Tỉnh ủy có quyết sách giải quyết việc này, thì trong những năm tới, Gia Lai vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, các làng đồng bào dân tộc phát triển chưa kịp trong khi sự phát triển của nền kinh tế, xã hội ngày càng cao, sẽ làm cho tỷ lệ đói nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số có xu gia hướng tăng do khả năng tiếp thu, sáng tạo cách làm ăn mới, hiệu quả còn nhiều hạn chế; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; thời tiết không thuận lợi; là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xấu kích lợi dụng phong tục tập quán, nhận thức hạn chế về cuộc sống, quan niệm lạc hậu như: vấn đề “Thuốc thư” và vấn nạn tự tử nhằm trục lợi tại các buôn, làng đồng bào Jrai, Bahnar, nếu không được phát hiện sớm và giải quyết không tốt sẽ dẫn đến những xung đột bạo lực gây hậu quả hết sức nặng nề cho xã hội. Đối tượng xấu tập trung lừa mị để trục lợi là người già, phụ nữ, thanh niên không được học hành, những người ít có điều kiện tiếp xúc với xã hội văn minh tiến bộ trong đồng bào Jrai, Bahnar.
Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Ban tuyên giáo Gia Lai, những người vừa qua đã trực tiếp xuống các điểm nóng nắm tình hình và đang hoàn thiện báo cáo để gửi thường trực tỉnh ủy tìm ra cách xử lý triệt để những vấn đề trên. Ông Trần Đình Hiệp, phó ban thường trực và ông Nguyễn Quang Cường, trưởng phòng tuyên truyền của ban cho biết một số giải pháp dự định ban sẽ báo cáo thường trực tỉnh ủy như sau:
Các cấp ủy Đảng, nhất là cấp xã chỉ đạo các cấp, các ngành trực thuộc thẩm quyền không nhắc lại vấn đề “Ma lai” trong quá trình tuyên truyền ở cơ sở; chỉ nhắc nhở cá biệt ở những cơ sở còn người tin vào có “Ma lai” nhất là tại các huyện Kông Chro, Đak Đoa, Mang Yang, Chư Pah, Chư Prông bằng các hình thức tiếp xúc trực tiếp đối tượng nhằm tránh kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự khu dân cư. Cũng như thế, cần đưa tiêu chí nếu có trường hợp gây rối do “Thuốc thư” và để xảy ra vụ tự tử trên địa bàn thì không bình xét thi đua cuối năm, người đứng đầu cấp ủy xã, bí thư chi bộ phải bị kỷ luật, thường xuyên cắt cử cán bộ xuống các buôn, làng tiếp xúc ngươời dân, nắm bắt đối tượng nghi vấn để tham mưu cấp ủy cho chủ trương, giải pháp tuyên truyền giúp dân nhận thức rõ những hậu quả nghiêm trọng do quan niệm có “Thuốc thư” gây ra. Cần có chính sách giảm bớt những khó khăn nhằm ngăn chặn nạn tự tử, tăng cường thông tin tuyên truyền các vụ việc liên quan đến tự tử, phân tích, giải thích để người dân thấy rõ những tai hại, hậu quả để lại cho người thân và gia đình... vân vân...
Ban tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai cũng kiến nghị Thường vụ tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác phòng, chống gây rối do “Thuốc thư” và ngăn chặn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai.
Mới đây nhất, chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có công văn gửi các cơ quan chức năng khẳng định cháu Ksor Sôn tự tử chết không phải do không có áo mặc đi học như một số báo đã thông tin trước đó. Việc này một mặt bạch hóa một vụ tự tử cụ thể, nhưng mặt khác, cũng thấy rõ, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân đích thực cái chất của cháu cũng như hàng trăm trường hợp trước đó, khiến cho tự tử trở thành “dịch”, khiến đời sống xã hội xôn xao và các cơ quan chức năng đau đầu...
Đời sống, có những việc ta có thể lý giải ngay được, nhưng cũng có những việc hết sức mù mờ. Chuyện tự tử hàng loạt ở Gia Lai là một trong những việc mù mờ như thế. Dẫu sao ta cũng vẫn hy vọng, những cái chết đáng thương như của cháu học sinh Ksor Sôn sẽ không còn nữa, để chúng ta có thể thanh thản sống, dẫu cuộc sống này nhiều lúc chưa cho ta thanh thản...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét