Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

LẠI MỘT CÂU CHUYỆN VỀ NHÀ RÔNG




          Nhà rông là một “đặc sản” xuất hiện nhiều ở các buôn làng đồng bào sống ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, từ lâu đã được coi như là biểu tượng của Tây Nguyên. Nó mang nhiều ý nghĩa trong đời sống đồng bào nơi đây, vừa là vật chất vừa là tinh thần, vừa là quyền uy của làng vừa là thần quyền. Từng dân tộc có kiểu làm nhà rông khác nhau dù mới nhìn chúng ta tưởng là chúng giống nhau. Nhà rông nhỏ và thấp nhất là của người Giẻ Triêng, trong khi nhà rông của người Xê Đăng lại vút cao uy vũ. Người Gia Rai (Jrai) thanh thoát như lưỡi rìu dựng ngược vào trời xanh (Có một số ý kiến cho rằng người Jrai không có nhà rông, mà vùng nào sát với người Bahnar thì ảnh hưởng của người Jrai thôi), thì của người Ba Na (Bahnar) lại mềm mại như con gà mẹ đứng giữa đàn gà con là các nhà sàn xung quanh… Và cũng không hiểu tại sao mà nhà rông giờ chỉ còn ở các dân tộc ở phía bắc Tây Nguyên, từ Gia Lai trở ra đến các dân tộc ven dãy Trường Sơn… chứ vào phía nam Tây Nguyên, từ Đăk Lăk trở vào với các dân tộc Mơ Nông, Ê Đê… thì nhà rông không còn mà bà con dùng nhà dài, và tất nhiên ý nghĩa cộng đồng của nó không giống như nhà rông. Hiện nay mật độ nhà rông dày hơn ở các dân tộc Bahnar, Xê Đăng, Jẻ Triêng... và K’tu ở Quảng Nam. Có giả thiết cho là ngày xưa tất cả các tộc người ở vùng Trường Sơn Tây Nguyên này đều có nhà rông? nhưng từ dăm bảy chục năm trở lại đây, nhà rông đang dần vắng bóng ở các tộc người phía Nam Tây Nguyên và cả Jrai ở Gia Lai.

Về mặt nào đó, nhà rông như đình làng của người Việt, nó gắn với đời sống nương rẫy. Về vật chất nó biểu hiện sự hùng mạnh của làng, nhà rông càng to thì làng ấy càng mạnh và sung túc. Về tinh thần nó là nơi linh thiêng, bởi người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh, nhà rông cao thế, to thế… là nơi các vị thần về trú ngụ, là nơi trung gian giữa người và Yang, vì thế, tất cả các hoạt động tâm linh của dân làng đều diễn ra ở nhà rông. Trong bất cứ nhà rông nào đều phải có nơi để vật thiêng. Trên nóc các nhà rông đều phải trang trí rất đẹp với các hoa văn, họa tiết mô phỏng hỉnh mặt trời, rau dớn vân vân…

          Vậy nên tối mùng 1/3/2016, trong chương trình “Ai là triệu phú” trên VTV3, có một câu hỏi có vẻ như chưa ổn. Câu ấy là: Nhà rông thể hiện nét đặc sắc trong kiến trúc của đồng bào dân tộc nào sau đây:  A Gia Rai, B Ê Đê, C Cơ Tu và D Chăm. Câu này theo tôi có ít nhất phải có 2 đáp án trả lời đúng, là Gia Rai và Cơ Tu. Người chơi đã chọn đáp án B (Ê Đê), bị sai theo đáp án, và anh Lại Văn Sâm đưa ra đáp án đúng là A (Gia Rai). 

          Nhà rông nói nôm na là nhà sinh hoạt cộng đồng của làng người Trường Sơn Tây Nguyên, thường thì mỗi làng có một cái. Trong 4 dân tộc được nêu trong câu hỏi, thì người Ê Đê có nhà dài, đây không phải là nhà sinh hoạt cộng đồng, mà là nhà ở. Người Ê Đê (nói riêng) và Tây Nguyên (nói chung) theo chế độ mẫu hệ, nhà dài là cách để bảo vệ chế độ ấy, khi con gái bắt chồng về, sinh con cái... thì nối thêm nhà ra để ở chung..., còn người K’tu có nhà Gươl. 

          Sẽ có người thắc mắc là, ở đây đang nói về nhà Rông chứ có nói gì đến nhà Gươl của người Cơ Tu đâu?

          Xin thưa bản thân cái từ nhà Rông ấy nó cũng là tiếng Bahnar đấy ạ. Người Bahnar gọi là Hnam Rong- Hnam là Nhà. Còn người Jrai gọi khác kia, là Sang Rung, hoặc Sang Klong- Sang cũng là nhà. Người Kinh chúng ta, để cho dễ, gộp hết vào gọi là nhà Rông cho tiện. Cũng y như một thời chúng ta gộp hết H’ri, Khan, Hơ a mon... thành một món gọi là Trường ca, rồi giờ gộp thêm phát nữa thành... sử thi. Vậy thì nếu bắt bẻ là ở đây đang nói về nhà rông kia, thì đáp án Gia Rai cũng không đúng, bởi người Jrai gọi là Rung hoặc Klong.

            Hôm qua ngay khi chương trình phát sóng, tôi có viết mấy dòng trên facebook: “Hết biết. Với câu hỏi như trong hình, mình biết thế nào cũng có chuyện vui nên chộp ngay, người chơi chọn là Ê Đê còn anh Lại Văn Sâm nói A, tức Jrai, thế cái nhà Gươl (Rông) Kơ Tu nó là cái gì hả các bác VTV3... Mà thực ra, từ lâu rồi, hầu như người Jrai đã không xài nhà rông nữa, chủ yếu còn ở vùng Bắc Tây Nguyên thôi...”. Ngay sau đấy, tiến sĩ Trần Tấn Vịnh, một chuyên gia về Tây Nguyên, hiện đang dạy văn hóa học tại trường đại học Quảng Nam, vào comment, cho rằng: “Nhà rông là tên gọi chung để chỉ loại hình kiến trúc cộng đồng của các dân tộc vùng Trường Sơn- Tây Nguyên: nhà làng truyền thống. Hiện tại, người Cơ Tu còn nhiều nhất, sau đó là Xơ Đăng, Giẻ Triêng, Bana”. Và không chỉ anh Vịnh, rất nhiều người đã vào comment ở status này.

          Vấn đề là, cũng phải nói cho rõ, là người chơi bị chấm trả lời sai là không oan. Bởi như đã nói, người Ê Đê không có nhà rông, chỉ có nhà dài, mà nhà dài thì như đã nói, nó là nhà ở là chính chứ ít nơi dùng sinh hoạt cộng đồng.

                                             


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nếu vậy cái sai ALTP không phải ở chỗ đáp án mà ở chỗ ALTP VI PHẠM luật chơi : 4 đáp án trả lờì phải theo luật 1 ĐÚNG + 3 SAI