Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

TÂY NGUYÊN VÀ LỄ HỘI

Mùa này đang lễ hội, chả cứ Tây Nguyên lễ hội mà cả nước lễ hội. Nhà cháu góp cho báo QĐND cuối tuần bài này, để cùng... lễ hội...
--------------



          Như một mặc định, giờ cứ nói tới Tây Nguyên là người ta nhớ ngay tới lễ hội, cứ như là dân Tây Nguyên suốt ngày chỉ có lễ hội. Thậm chí có những cách hiểu rất sai lầm như gọi “Lễ hội cồng chiêng”, “Lễ hội đâm trâu”, “Lễ hội rượu cần” vân vân mà không hiểu rằng Cồng chiêng, đâm trâu, rượu cần... chỉ là những thành tố của lễ hội, bản thân nó quyết không phải và không thể là lễ hội.

          Người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh, tức mọi thứ đều có thần (Yang) nhập vào, và như mọi cộng đồng người trên trái đất này, họ thờ và cúng các vị thần ấy. Và vì điều kiện địa lý ảnh hưởng đến khí hậu, mỗi năm chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô, công việc sản xuất của họ cũng phụ thuộc vào đấy. Vào mùa khô thì phát rẫy xong đốt rẫy, mùa khô thì trồng tỉa. Thời gian rỗi, thường vào sau tết nguyên đán của người Kinh, họ tổ chức cúng Yang, Pơ thi... thành một chuỗi liên hoàn, ta thấy có vẻ như họ có “mùa lễ hội”.

          Bản thân người Tây Nguyên cũng gọi tháng này là tháng Ning Nơng, tức là tháng nghỉ ngơi, tháng không phải đụng đến công việc, có người gọi là mùa ăn năm uống tháng...

          Đấy có thể coi là thời gian khí hậu đẹp nhất ở Tây Nguyên. Mùa khô, lạnh, trời cao trăng sáng, không gian thoáng đãng, vạn vật bung nở...

          Cũng như người Kinh, một hoạt động nghi lễ bao giờ cũng có 2 phần, phần lễ và phần hội. Lễ do các thầy cúng, già làng, người có uy tín trong làng đảm nhiệm, còn hội là của tất cả dân làng, nhất là thanh niên, diễn ra ngay sau đó.

          Người Tây Nguyên có rất nhiều lễ hội, ở đây chỉ xin đề cập đến 3 lễ hội mà người viết có dịp chứng kiến.

          Lễ cơm mới. Người Bahnar gọi là Sa Mơk. Lễ này cũng gần giống lễ cơm mới của người Kinh, để cám ơn thần lúa và các loại giàng đã cho mùa màng tươi tốt. Thường các làng tổ chức vào một ngày. Nhà ai cũng nấu một cơm to, có làng làm cả cốm. Sau nghi lễ cúng thì thanh niên nam nữ đánh chiêng và múa đi vào từng nhà. Tại nhà, chủ nhà đứng sẵn đón mọi người rồi bốc cơm đang nóng trong nồi đút cho từng người, đổ rượu (cần) cho từng người, cứ thế tuần tự nhà này đến nhà khác, điểm đến cuối cùng là nhà rông.

          Cúng bến nước: Trước khi cúng bến nước, người ta dọn vệ sinh, phát cây xung quanh khu vực bến nước, dọn sạch đường đi xuống bến nước và làm thịt một con heo. Tại điểm cúng người ta mang đến rượu pha tiết heo, các bộ phận của heo mỗi thứ một tí, một khiên, một dáo, rất đông các thiếu nữ xinh đẹp mặc áo váy mới đeo gùi đựng các quả bầu đứng dưới vòi nước. Khoa Pin ea làm lễ phía trên đầu nguồn. Ông khấn đại ý: Thưa Yàng, hôm nay làng cúng bến nước, có tí rượu, tí thịt mong Yàng nhận để luôn luôn có nước trong mát chảy ra cho dân làng dùng. Vẫn biết có trời là có nước, có đất là có nước, nhưng phải có Yàng đồng ý thì nước mới chảy, mới mát, mới trong, dân làng sẽ không ai dám xúc phạm, làm ô uế nguồn nước...

          Sau đó Khoa pin ea cùng trợ tế cầm khiên giáo và bưng đồ lễ về nhà Khoa pin ea, các thiếu nữ đồng loạt lấy nước đầy bầu theo hàng một đi sau, cùng về nhà  Khoa pin ea. Tại đây một lễ tương tự được diễn ra, sau đó mọi người ăn thịt, uống rượu, vui chơi đánh chiêng múa hát.

          Ngày nay ở buôn Tring nhiều người đã dùng nước giếng (đào hoặc khoan), nhưng tục cúng bến nước vẫn được coi trọng như một nghi lễ thiêng liêng trong cộng đồng. Chính vì thế mà tình làng nghĩa xóm được thắt chặt và ý thức của từng cá nhân  trong việc bảo vệ và phục tùng cộng đồng luôn được đề cao, lưu giữ. Ngoài yếu tố tín ngưỡng, các già làng coi đây  như một cách giáo dục thanh thiếu niên hữu hiệu nhất. Người viết bài này đã dự một lễî cúng bến nước như thế vào ngày 25/11 vừa qua tại buôn Tring và càng thấy vai trò của nó trong việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc bên cạnh dòng chảy của nền văn hóa mới hôm nay.Tất  nhiên chúng ta không khuyến khích việc cúng bái mang tính chất mê tín dị đoan, nhưng rõ ràng việc duy trì một số phong tục đẹp trong dân gian, mang yếu tố văn hóa,giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia phong, khuôn phép cộng đồng, ứng xử lễ phép với thiên nhiên, với môi trường, với họ hàng xóm mạc... là vô cùng cần thiết và có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, lưu giữ nền văn hóa truyền thống.

          Pơ thi: Đây là một lễ hội lớn của người Tây Nguyên. Nó không chỉ đơn thuần là việc chấm dứt sự sống của một con người cụ thể. Nó là ân nghĩa, là văn hóa, là cách người sống tri ân người quá cố, gửi gắm tâm tình vào người quá cố, biểu hiện sự thủy chung giữa con người với con người, níu kéo kỷ niệm, thời gian, đầy tính nhân văn trong hành vi ứng xử tốt đẹp của con người...

          Và vì thế mà người Tây Nguyên quan niệm chết nhưng chưa phải chết. Chết mới chỉ là sang một cõi tạm, như một sự nghỉ ngơi sau những tháng ngày bon chen chật vật trên cõi đời này, thanh thản và vô lo. Và vì thế mà người sống phải chia của cho người chết. Chia rất công bằng và chi li. Ngoài thông thường là gùi, bầu, chiêng, quần áo... chúng tôi còn chứng kiến có cả những chiếc xe đạp, tivi, radio... Tất cả được làm hỏng, đục thủng đi để phân biệt. Và vì thế mà hàng ngày người sống vẫn mang cơm ra bón cho người chết qua một cái lỗ thông hơi khi chôn người ta cố tình để lại. Bón cơm và tâm sự với người chết, kể hết với người chết những gì xảy ra trong ngày, tâm sự và sẻ chia, giãi bày và an ủi...

          Cứ thế vài ba năm thì mới pơ thi. Lễ bỏ mả, người Kinh gọi nôm na thế. Nó không chỉ là bỏ mả, nó là một lễ hội rất lớn, rất quan trọng, rất ý nghĩa và rất công phu hoành tráng... và vẫn còn phía sau đấy những nỗi niềm, những điều quyến luyến, những ân nghĩa không thể rạch ròi ly biệt... và vì thế mà có tượng mồ.

          Tượng mồ nó không chỉ là... tượng mồ, là khúc gỗ được nghệ nhân dân gian chỉ dùng rựa và rìu, không dùng thứ nào khác, "đẽo đi những chỗ thừa", mà nó còn là một thế giới tâm linh đầy bí ẩn, chứa trong đấy nhiều điều mà những người hiện đại hôm nay chưa giải mã được. Tượng mồ sẽ thay người sống đi với người chết, mãi mãi, lúc này mới chính thức là mãi mãi, vào thế giới của A Tâu, của cõi Mang lung, cõi ma. Thế nên nó mang toàn bộ tâm tư tình cảm, toàn bộ nỗi nhớ thương, toàn bộ khắc khoải đau buồn, toàn bộ những gì mà lúc sống người sống và người chết chưa nói được với nhau...

          Bao giờ tượng mồ đứng đủ bốn mặt nhà mồ thì lễ pơ thi bắt đầu.

          Ngày xưa pơ thi đã từng kéo dài hàng tháng, tiêu tốn hàng trăm con bò, hàng ngàn ghè rượu, ăn và uống, múa và chiêng, say và nghỉ, tình tứ và thiêng liêng, khuôn phép và xao động... nó là lễ hội của cả vùng chứ không chỉ của một nhà, một làng. Ngày xưa đồng bào chôn chung, nên bỏ một mả là bỏ nhiều người. Càng nhiều người thì pơ thi càng to. Người ta vui vì sau một thời gian cõi tạm, hôm nay chính thức người chết về cõi Yang. Thời gian đủ để nỗi đau buồn lênh loang phai nhạt, hôm nay là ngày người sống vui với người sống. Thêm nữa đồng bào thường sống biệt lập trong rừng, đây là dịp để các làng giao lưu, nhất là thanh niên. Thường thì gia chủ chỉ chuẩn bị "phần cứng", còn rượu và chiêng, và các nghệ nhân chiêng- những chàng trai đẹp nhất, bụng thon ngực nở, cùng đội xoang là những cô gái đẹp và khéo nhất làng, sẽ là "đại sứ" của làng mình đi giao lưu. Và những dư vị tình yêu sẽ nảy nở từ đây, những đầu mày cuối mắt sẽ lưu luyến từ đây, dù theo quy ước mẫu hệ, các cô gái có trách nhiệm "bắt" các chàng trai làm chồng. Sự sống bắt nguồn từ nơi cái chết được tiễn đưa, tình yêu nảy nở nơi cuối cùng của sự sống, tôi liên tưởng đến một ứng xử luân hồi đầy duy vật trong cái lễ trọng này... 

          Giờ thì người ta đã rút gọn, pơ thi chỉ còn trong một ngày, và cũng chỉ gói gọn trong gia đình. Nhưng như đã nói, nó không chỉ là pơ thi, nó là một phong tục đẹp, có điều để nó đẹp thì cần phải biết cách giữ vệ sinh ăn uống. Vì ăn uống ngay tại khu nhà mồ trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm nên nhiều vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra...
   




Nhà cháu lười lục ảnh trong ổ cứng, hầu các cụ mấy cái ảnh cũ đang có trong máy tính thôi ạ
                                                               

Không có nhận xét nào: