Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

CHUYỆN VUI NGÀY THƠ


Nhiều nơi tổ chức ngày thơ như lễ hội, thậm chí có cả chục cơ quan cùng xúm vào tổ chức, cờ quạt giăng bát ngát, trống chiêng liên hồi, quần là áo lượt, quạt, nón, tứ thân rờm rợp, mắt môi nồng nàn sắc lẻm dao cau, nồng nã son phấn... Có nơi lại tổ chức như... một cuộc họp, thậm chí là họp... bí mật, vài chục anh làm thơ ngồi với nhau, mỗi anh đọc một bài, rồi về. Có nơi tổ chức hoành tráng ở quảng trường, ở sân vận động, ở khuôn viên bảo tàng hàng mấy héc ta, có nơi lại kéo nhau về... xã đọc thơ cho nhân dân lao động nghe...
----------------

          Năm 2003 thì Hội Nhà Văn Việt Nam, sau khi được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, đã lấy ngày nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) là ngày thơ Việt Nam, được tổ chức trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước bởi Hội Nhà Văn Việt Nam và các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, nhưng thực ra trước đó hàng chục năm, có 2 tỉnh đã tổ chức ngày thơ rất đều đặn là Phú Yên và Quảng Ninh. Ngày thơ Quảng Ninh được tổ chức vào ngày 29-3 hàng năm, là ngày vua Lê Thánh Tông cho khắc bài thơ nổi tiếng của ông lên vách núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ ngày nay). Còn ngày thơ Phú Yên xuất xứ từ thư viện xã Hải Phú thị xã Tuy Hòa thời còn tỉnh Phú Khánh. Ngay từ năm 1980, giữa lúc đất nước còn khó khăn mọi bề mà có một “Hội những người yêu sách” ở xã Hải Phú đề nghị thư viện tỉnh tổ chức một đêm thơ vào đúng rằm tháng giêng, để rồi từ đấy nó trở thành ngày thơ truyền thống của Phú Yên, mở đầu cho ngày thơ cả nước. Có khác là sau đấy, khi chia tỉnh, thì địa điểm không còn là ở thư viện Hải Phú nữa, mà chuyển lên ngọn núi Nhạn có chiều cao 64 mét so với mực nước biển nhưng lại ở giữa lòng thành phố.

          Tôi đã được dự ngày thơ ở cả 2 tỉnh này, phải nói là không khí rất tuyệt vời, đến mức phải tự hỏi, tóm lại là dân ta yêu thơ thật hay là vì cái gì? Là bởi, thú thật là, trong ấy, rất nhiều bài thơ nhưng chưa phải thơ, rất nhiều những điều còn băn khoăn lắm, thế nhưng dân ta cứ ào ào đổ đi xem...



          Sau khi Hội Nhà Văn Việt Nam chính thức thông báo lấy ngày rằm tháng giêng là ngày thơ của toàn quốc thì thơ cũng bắt đầu nở rộ, và rồi sau đấy, một loạt ngành nghệ thuật khác cũng có ngày của mình, như ngày sân khấu, ngày nhiếp ảnh, ngày Mỹ thuật vân vân, chỉ duy các ông bà Lý luận phê bình và văn xuôi là chưa có ngày.

          Nhưng vài năm đầu thì được, sau này thì các “vấn đề” nó lại cứ nảy ra thành “vấn đề”.

          Bởi nếu chỉ thế thì nó đơn điệu quá, nhất là ở các tỉnh. Có nhõn mấy mống làm thơ với nhau, năm nào cũng bày ra, rồi cũng lại chỉ đến thế, đứng lên ngồi xuống, MC nói những lời có cánh, đọc thơ, vỗ tay, xin cám ơn, xuống...

          Ngay ở Văn Miếu, hùng mạnh thế, thiêng liêng thế, mọi nhẽ thế, nhưng chả năm nào không có điều tiếng.

            Mấy ông văn xuôi thi thoảng phát biểu phát mà sâu cay phết, ví như một nhà văn viết trên fb, nước người ta, toàn Lý Bạch, Đỗ Phủ, toàn Exenhin, Puskin... mà người ta chưa phóng thơ vào vũ trụ, chỉ phóng... tàu vũ trụ thôi, còn nước ta, chưa phóng được tàu thì phóng thơ lên giời... Nguyên văn đây ạ:  “TA TỰ HÀO BAY LÊN ÔI VIỆT NAM!!! Tự hào quá đi chứ vì Việt Nam là đất nước đầu tiên phóng được... thơ lên giời. Trong khi đó, Nga, Mĩ, Trung Quốc và thậm chí là cả chú Kim Giang Ủn Triều Tiên hiện giờ vẫn cứ loay hoay thả... tàu vũ trụ lên không gian. Mấy nước ấy quả là... tiểu quốc thơ, chỉ lìu tìu mấy thi sĩ cấp phường S.Puskin, X.Exenhin, Đỗ Phủ, Lý Bạch, Trần Tử Ngang, Thôi Hiệu, W.Whitman... Họ mặc cảm thân phận nên không dám phóng thơ là phải. Phóng lên để mà thành... rác vũ trụ à! Các chú còn phấn đấu mướt mới bằng bọn anh, nhá!”...

Là mấy gã ấy cứ... ghen tị mà nói thế, chứ cứ vào cuộc đi rồi biết.

          Đã làm thơ thì chả ai thua ai, tại sao anh này được đọc mà anh kia không được đọc. Cho nên dù cái anh tổ chức ấy, có hứa là sẽ cố gắng trình cho người người nghe/ xem những bài thơ hay nhất, chỉ lấy chất lượng làm thước đo duy nhất thôi, thì cũng đừng tin là anh ta có thần kinh thép hay trái tim băng giá mà vượt qua được những mè nheo thường nhật. Phút cuối vẫn có những bài thơ mà người tổ chức cho là không hay lọt vào, bằng rất nhiều con đường, nhiều cách...

          Nhưng dù sao thì, đọc đấy nó bay ngay đấy, có khi người đi dự những đêm/ ngày thơ ấy, người ta cũng chả nghe ông nhà thơ hay những người trình bày thơ ấy ngâm gì, đọc gì. Điều này tôi đã được trải nghiệm ở chính Văn miếu linh thiêng kia, ai đọc cứ đọc, còn nghe là chuyện của... người ngồi (hoặc đi lang thang ở) dưới. Vậy nên khối anh thơ dở còn trà trộn được, thêm nữa bài thơ dở vào cái miệng cô diễn viên xinh đẹp lại có giọng ngâm như mía lùi nữa thì thôi rồi, nghe nhóa nhòa hết, thổn thức hết.

          Đến khi Hội Nhà Văn, vâng, bao giờ cũng là từ Hội Nhà Văn, có sáng kiến chọn ra những câu thơ hay kim cổ để thả lên giời thì bắt đầu có vấn đề. Ấy là đã in ra, lưu lại, dù là lưu chốc lát rồi thả lên giời, thì người ta vẫn có cách để “vĩnh hằng hóa” những câu thơ hay ấy. Thế là thi thoảng... cãi nhau, rằng thì là tại sao câu ấy hay mà câu kia lại không hay, tại sao câu ấy được lên giời mà câu kia lại ở mặt đất... Tôi thì đồ rằng, những người tuyển chọn, họ đều có cái lý của họ khi họ chọn những câu thơ hay để dâng Ngọc Hoàng, còn những người không thấy hay là bởi tại họ... không biết thẩm thơ, mà bây giờ nhiều người còn hay dùng từ “quần chúng nông nổi”, đơn giản thế thôi... Ví như cho đến giờ những câu sau đây vẫn còn vương vất trong cái trường thẩm mỹ của một số người: “Đêm ôm  vợ thấy lòng giật thót/ Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ”, hoặc là “Lên cao càng thấy trời cao/ Khổ đau mới biết đồng bào khổ đau”... Đại loại thế. Tôi vẫn tin là, những người chọn có lý khi họ cho đấy là hay, còn tại sao dân chúng bảo nó không hay thì tại là do... lỗi của dân chúng.

          Nói là từ Hội Nhà Văn là bởi sau đấy cũng có nhiều địa phương bắt chước, cũng chọn những câu hay, bài hay, thôi thì không thả lên giời thì in Poster, hoặc viết lên đâu đấy, có thể là cả thúng mủng giần sàng, có thể là lá chuối lá đa, có thể là bình vò chai lọ... trưng bày. Và cái sự chọn nó lại cũng gian nan khổ ải vô cùng. Bởi cái lý chỉ là, tại sao người ấy được lên Poster mà tôi thì không cũng đủ để những người tuyển chọn bối rối đau khổ rồi. Anh thả cửa thì bị phê là không biết chọn, làm tầm thường hóa thơ, làm thơ mất giá (thực sự thì thơ có giá hay không cũng chưa ai biết tường tận trừ bác Hữu Loan bán được bản quyền bài thơ “Màu tím hoa sim” được 100 triệu từ dạo nào?), nhưng khăng khăng chọn kỹ, khắt khe thì lại bị cho là độc đoán, cửa quyền, anh quyền gì mà dám phán thơ tôi dở, mà dám không chọn thơ tôi...

          Năm nào thì sau khi tổ chức ngày thơ xong đều có tiếng này tiếng kia. Thì cũng đúng thôi, làm dâu trăm họ mà. Ngay thành phố Hồ Chí Minh oai hùng thế, mà ngay năm nay thôi, có cái “Vách thơ trẻ” cũng có khối điều ra tiếng vào.



          Nhiều nơi tổ chức ngày thơ như lễ hội, thậm chí có cả chục cơ quan cùng xúm vào tổ chức, cờ quạt giăng bát ngát, trống chiêng liên hồi, quần là áo lượt, quạt, nón, tứ thân rờm rợp, mắt môi nồng nàn sắc lẻm dao cau, nồng nã son phấn... Có nơi lại tổ chức như... một cuộc họp, thậm chí là họp... bí mật, vài chục anh làm thơ ngồi với nhau, mỗi anh đọc một bài, rồi về. Có nơi tổ chức hoành tráng ở quảng trường, ở sân vận động, ở khuôn viên bảo tàng hàng mấy héc ta, có nơi lại kéo nhau về... xã đọc thơ cho nhân dân lao động nghe. Nhưng phần lớn là dựa vào lực lượng học sinh và quân đội.  Vào hẳn trường tổ chức, học sinh xếp hàng từng khối từng lớp, đố thoát nhé. Phối hợp với các đơn vị quân đội cũng thế. Đúng giờ xếp hàng rầm rập bước vào hội trường. Nghiêm nghỉ báo cáo quân số, xong lại tất cả nghiêm, đằng sau quay, bước đều bước. Rầm rập về lại doanh trại.

          Tôi cũng là người hay phải/ được tổ chức các ngày thơ. Quan điểm của tôi là tôn trọng người nghe, không cưỡng ép, nên chỉ thông báo, mời chứ không bắt buộc đến nghe. Thế mà ơn giời, cũng chưa năm nào đến nỗi... ế. Như năm nay, tại Gia Lai tổ chức 2 đêm. Đêm đầu tiên tại một khách sạn. Khách sạn này có cái tầng 4 rất rộng làm nhà hàng cà phê. Phối hợp với họ làm tại đấy. Có giấy mời và có thông báo trên... phây búc. Ai đến nghe/ xem đều được đón tiếp chu đáo, ai uống nước thì trả tiền, giá tiền như ngày thường, nhà hàng không phụ thu, không uống thì vẫn được tươi cười niềm nở đón tiếp, có nước trà phục vụ miễn phí. Và hàng trăm người đến ngồi nghe/ xem đều kêu nước uống rất lịch sự. Đêm sau làm ngay ở một góc quảng trường, nơi nhiều ông đi qua bà đi lại, thì không mời mà chỉ thông báo trên bandron và cũng phây búc. Thế mà cũng đông phết. Thuê 100 cái ghế để đấy, ngồi hết ghế mà vẫn còn rất nhiều người đứng xung quanh, thậm chí đứng rất xa để nghe. Được hai phần ba chương trình nhìn xuống thấy người đến đông hơn người về thế là thở hắt ra vì... mừng...

          Cũng có mấy năm, chúng tôi về huyện, rủ huyện tổ chức. Bày ra trò là huyện tổ chức gây quỹ khuyến học hoặc người nghèo hoặc gì gì đó... chủ tịch huyện ký giấy mời các... doanh nghiệp trong địa phương. Chúng tôi đọc thơ xong thì huyện đứng ra phát động gây quỹ, thế mà cũng có vài trăm triệu cho các loại quỹ ấy. Tất nhiên đấy là tiền không được đụng tới, chúng tôi ăn nhẹ một bữa rồi lại về ngay trong đêm, có khi một hai giờ sáng mới về đến nhà, nhưng vui vì thấy thơ có ích, ít nhất là chục anh nhà thơ mà kiếm được mấy trăm triệu cho huyện. Nhưng mấy năm nay thì thấy... hơi tội cho các doanh nghiệp ở các cơ sở ấy, nó như là... trấn lột họ, mà kinh tế thì suy thoái, thế là bỏ không làm nữa, nhưng nhiều nơi đang khen là chúng tôi... năng động, cần phát huy. Liệu hồn đấy các doanh nghiệp nhé, sẽ có nhiều đêm thơ ngày thơ gây quỹ đấy...

          Kết thúc đêm thơ thứ 2 vừa rồi ở quảng trường Pleiku, với tư cách người dẫn chương trình, tôi hẹn gặp lại bà con vào ngày thơ sang năm. Chả hiểu bà con có vui mừng thật không mà họ vỗ tay cật lực lắm...
                                                                
         

Không có nhận xét nào: