Thứ Năm, 11 tháng 2, 2016

KON TUM - VẦNG TRĂNG ĐẦU THÁNG





           Đầu tiên là hoa hồng. Trong khi ở Pleiku thời ấy duy nhất có nhà anh Sơn trồng hoa để bán, chủ yếu là đồng tiền, huệ, glay ơn và hoa thọ, hoa hồng rất ít, chị Hà, một phụ nữ Hà Nội, vợ ông Trịnh Kim Sung trưởng ty Văn hóa Thông tin muốn có ít bông trưng phòng khách ngày tết là phải đặt trước mà cũng phải độn thêm đồng tiền mới đủ lọ, thì khi lên Kon Tum tôi gặp rất nhiều hoa hồng trong các vườn nhà dân.

          Là nhà thơ, tôi cũng có dăm ba bài về Kon Tum, nhưng cho đến giờ, tôi vẫn thấy bài thơ hay nhất về Kon Tum là bài của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Ngay năm 1981, khi lên nhận công tác ở Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai – Kon Tum, tôi được giao biên tập số tạp chí Văn Nghệ Gia Lai Kon Tum xuân ấy, và tôi đã đọc, chọn in bài này. Đấy là bài thơ anh Hảo viết trong một chuyến lên Kon Tum trước đấy một thời gian, mở đầu bằng một hình  ảnh rất đẹp “Sông Đăk Bla như một tiếng tù và/ Thổi qua lòng xanh thị xã/ Một thoáng đồng bằng trong phố xá/ Kon Tum, vầng trăng đầu tháng mọc bên em... Anh xin làm mùa hạ giữa cao nguyên/ làm ngọn gió ném qua đường bụi đỏ/ tiếng ve lang thang trong mơ hồ phố nhỏ/ những mái nhà dìu dặt ở sau cây”... Duyên nợ của tôi với Kon Tum là từ bài thơ của Trần Mạnh Hảo ấy. Đọc xong cứ ngơ ngẩn, và tưởng tượng, và ao ước... Dẫu Pleiku lên Kon Tum chỉ năm chục cây số, nhưng hồi ấy để lên được đấy là cả vấn đề. Nên phải cả nửa năm sau, tức chừng giữa năm 1982 tôi mới đặt chân đến đất Kon Tum, chính xác là thị xã Kon Tum khi ấy.

          Cũng như khi xung phong lên Pleiku nhận công tác là bởi bị ám ảnh bài thơ của Vũ Hữu Định được Phạm Duy phổ nhạc, khi lên Kon Tum tôi bị hớp hồn bởi bài thơ của anh Hảo. Và tôi đã nhận được ở Kon Tum nhiều hơn những gì tôi tưởng.

          Đầu tiên là hoa hồng. Trong khi ở Pleiku thời ấy duy nhất có nhà anh Sơn trồng hoa để bán, chủ yếu là đồng tiền, huệ, glay ơn và hoa thọ, hoa hồng rất ít, chị Hà, một phụ nữ Hà Nội, vợ ông Trịnh Kim Sung trưởng ty Văn hóa Thông tin muốn có ít bông trưng phòng khách ngày tết là phải đặt trước mà cũng phải độn thêm đồng tiền mới đủ lọ, thì khi lên Kon Tum tôi gặp rất nhiều hoa hồng trong các vườn nhà dân. Tôi bị kiến trúc Kon Tum thời ấy quyến rũ, dù vẫn còn rất hoang sơ. Cùng xuất phát điểm là bước ra từ chiến tranh, nếu ở Pleiku là các dãy gia binh với tôn, táp lô, những hàng rào kẽm gai vân vân thì Kon Tum vẫn duyên dáng với những dãy nhà cổ, có hiên, ngói vẩy, có vườn với những con đường nhỏ, cứ như hun hút dẫn du khách lạc vào đâu đó đầy những bất ngờ. Con gái Kon Tum cũng rất đẹp. Hồi ấy tôi độc thân nên có lẽ nhận xét này là khá chính xác. Những đôi mắt con gái rất buồn ám ảnh tôi suốt buổi chiều bên sông Đăk Bla dù hồi ấy nó mới chỉ là... sông chứ chưa như bây giờ, sông trở thành một phần của Kon Tum, thở hơi thở Kon Tum, hát tiếng hát Kon Tum, hiển hiện một gương mặt Kon Tum mới với tất cả chiều sâu, bề rộng và là tấm gương phản chiếu những gì Kon Tum đang có, để, mai sau, trong ký ức của mình, bất cứ ai đã từng qua đây, dù nhanh dù lâu, đều có thể soi mình vào đấy, gặp lại mình, gặp lại một thời, gặp lại dư ba của quá khứ dội không ngừng vào thời gian, như một vết khắc, một dấu ấn không phai mờ trong dĩ vãng và cả hiện tại. Sau mới phát hiện ra, con gái theo đạo thường có những đôi mắt đẹp và buồn như thế. Đã thế lại da trắng, lại tóc dài, lại dáng đi rất thư thả với lanh canh tiếng guốc giữa thời thóc cao gạo kém, đói dài đói rạc... Tôi nhớ có lần mình đã ngồi lặng nghe một cô gái chơi đàn Piano ngay ở một ngôi nhà đầy hoa, thứ rất hiếm ở Gia Lai Kon Tum hồi ấy, nhất lại là con gái chơi. Cái buổi chiều Piano ấy ám ảnh tôi tới tận bây giờ. Những âm thanh thánh thót, buồn mà vang. Nắng mang mang và ngôi nhà thờ trầm mặc...

Nhà thờ gỗ Kon tum, ảnh Nhà cháu

          Và những người bạn. Họ rất thi sĩ, yêu văn nghệ. Có thể ngồi với nhau cả buổi, một cây đàn, những chai rượu, đĩa mồi đạm bạc. Ngoài kia là cuộc sống gào thét, trong này thời gian ngưng đọng, những ý tưởng chợt lóe, những suy nghĩ rời rạc, những khát vọng, những ước mơ... họ lặng lẽ thả tình yêu mảnh đất này vào các tác phẩm họ ấp ủ. Giờ những người ngày xưa ấy đã vãn gần hết. Một số đã từ bỏ cuộc sống này khi còn rất trẻ để phiêu du ở một miền khác, cái miền ai cũng biết nhưng rồi không ai hình dung nổi nó như thế nào, như các nhạc sĩ Ngọc Minh, Đặng Cường, Phạm Cao Đạt... một số chuyển đến những nơi rất xa lập nghiệp như các anh Huỳnh Ngọc Sơn, Trần Trọng Hoàng, Trần Duy Phiên... Từ họ tôi mới được biết ở Kon Tum có một lớp công chúng văn học nghệ thuật rất tuyệt vời. Hồi ấy chúng tôi hay kéo nhau từ Pleiku lên Kon Tum tổ chức những đêm thơ nhạc. Kon Tum khi ấy dù là một trong 2 thị xã của tỉnh, nhưng nó vẫn là phận... đàn em vì không phải thủ phủ, nhưng công chúng của những đêm thơ nhạc ở Kon Tum thì luôn hơn đứt ở Pleiku. Đông đã đành, mà lại rất nghiêm ngắn trật tự, đúng nghĩa là đến để thưởng thức, để đồng hành chứ không phải a dua, thấy đông đông thì vào. Tôi nhớ hồi ấy có một cái nhà, hình như là nhà văn hóa của phường, có cây đa rất to, ngồi trên sân thượng ấy, bóng đa lòa xòa, ánh đèn chỗ tối chỗ sáng, không khí cứ như lên đồng... Hồi ấy tôi đã viết những câu thơ như thế này: sương phố mỏng con đường khuya thao thức/ chập chờn thu mùa lảng tảng bên thềm/ như thấm được một Kon Tum huyền bí/ cổ tích rêu ngờm ngợp mắt mơ vàng.../ có chút gì ngẩn ngơ như bến vắng/ sông Đăk La ngái ngủ khoả chân trần/ gùi qua phố bỗng nồng nàn thổ cẩm/ mắt giao mùa thăm thẳm ngực trinh nguyên...(Chợt thu với Kon Tum)

Nhớ một chiều chạng vạng nào đó, sau một ngày lội rã rời đến mấy làng loanh quanh thị xã Kon Tum, chúng tôi ghé vào một ngôi làng rìa thị xã. “Chúng tôi” ở đây gồm nhà văn Nguyên Ngọc, đạo diễn Lê Đức Tiến và mấy anh kỹ thuật viên của đoàn làm phim “Đất nước đứng lên”, tất nhiên tôi là người dẫn đường. Không vào trung tâm làng, chúng tôi vào giọt nước. Rất đông bà con đang tắm, một cảnh vô cùng quen và bình thường của mọi ngôi làng Tây Nguyên. Những bà mẹ, những cô gái, những đứa trẻ con... chỉ khác ngày xưa là giờ họ tắm mà vẫn... mặc áo. Tôi đang lơ đãng ngó ra xung quanh thì thấy ông Lê Đức Tiến kéo anh quay phim lại chỉ trỏ thầm thì. Rồi mọi ống kính quay phim, máy ảnh tập trung vào một cô gái, mà tôi thấy bình thường như mọi cô gái khác. Té ra con mắt đạo diễn có khác. Cô gái ấy là H’Panh, sau này vào vai H’Liêu, vợ ông Núp nổi tiếng một thời. Phút lóe sáng để một cô gái bình thường, lẫn giữa đám đông, trở thành “minh tinh màn bạc”, rồi sau này dù có trắc trở này nọ, nhưng rõ ràng là đã có sự đổi đời ở cô, có sự đánh đổi, có sự hy sinh và có cả những may mắn để, như câu chuyện cổ tích, con vịt trở thành thiên nga, dù thiên nga sau này cũng vẫn chịu bao nhiêu đớn đau trắc trở...

Nhà cháu nhìn nhà thờ gỗ Kon tum từ một góc khác

          Từ thị xã Kon Tum, tôi đã đi đến những nơi xa nhất của tỉnh cực bắc Tây Nguyên này, cái thời để đến được đấy là khó như... lên giời, như Đăk Glei, Kon Plong... Tôi nhớ những địa danh mình đã qua như Tu Mơ Rông, Đăk Tơ Kan, Dục Nhầy, Dục Nông, Đăk Glong... nhớ những con đường cheo leo chênh vênh bên vực bên núi, nhớ cái dốc cao khi vào huyện Kon Plong, xe U oát mà nửa dốc phải xuống xe... đẩy... Nhớ lần đầu tiên từ thị trấn Đăk Glei đi bộ vào đồn biên phòng mà giờ không nhớ tên nữa, giữa đường gặp một cái lớp học với hai cô giáo. Lớp ở giữa rừng, cách đều các làng vì không làng nào chịu để lớp đóng ở làng khác, thế là đành dung hòa bằng cách đặt lớp ở khoảng giữa các làng. Tức là các cô giáo sau giờ lên lớp lại thui thủi hai người giữa rừng, hồi này còn rất già, nên gặp chúng tôi các cô mừng đến như thế nào. Các cô kể ở đây lâu lâu mới gặp các anh bộ đội biên phòng từ đồn ra huyện là được nói tiếng Kinh. Đoạn này là đúng giữa đường từ đồn ra huyện và ngược lại. Một tháng một lần các cô thay nhau ra huyện nhận tiêu chuẩn các loại, và đấy là những ngày hội dù thị trấn Đăk Glei thời  ấy cũng rất hoang vu, cả thị trấn có đúng một quán bún gạo đỏ bán buổi sáng. Cách đây mấy tháng, trên báo Khám Phá tôi đã viết lại chuyện này, và ban biên tập báo ấy định sẽ làm một cuộc tìm lại về ngôi trường ấy, cùng các mạnh thường quân, để tìm lại các cô giáo, xem có giúp gì được trường không? Nhưng ý định đã bất thành vì sau khi báo đăng, tôi cũng đã thông báo trên blog và facebook cá nhân, nhưng có vẻ như không ai còn nhớ các cô với cái lớp chơ vơ giữa rừng ấy nữa, cái nơi mà khi chia tay, không chỉ các cô rơm rớm nước mắt, mà đàn ông như chúng tôi cũng nghẹn ngào...

          Là tôi cứ lan man nhớ về ngày xưa ấy, chứ Kon Tum giờ đã khác đến không thể nhận ra. Lên lại Đăk Glei năm kia để cùng báo Mực tím làm phim về “Rừng xà nu” tôi đã lạc đường. Về lại Măng Đen cũng thế. Giờ nơi ấy là một khu du lịch nổi tiếng, hồi chúng tôi lên, những cây thông đang được trồng. Có hẳn một lâm trường chuyên trồng thông...

Tôi cứ hình dung, dẫu cũng là người tứ chiếng tụ đến, nhưng thành phố Kon Tum luôn có một sức mạnh riêng, có một thứ bí ẩn tâm thế riêng, của truyền thống, của những thứ rất cá biệt, rất Kon Tum, không dễ lý giải, như một mặc định, như ma lực, để dẫu ai đến đây, dù hơn trăm năm hay mới vài ba tháng, cũng đều phải tuân theo, một cách tự nguyện, cái phong cách Kon Tum, văn hóa Kon Tum, nền nếp Kon Tum. Và lại ước, một năm nào đó, được ăn một cái tết ở Kon Tum. Nhưng dẫu chưa được ăn tết ở đấy thì nỗi nhớ của tôi cũng vẫn không bao giờ nguôi: rồi có thể mai này nhiều điều sẽ khác/ nắng không vàng và thông chẳng còn reo/ nhưng vẫn nhớ một Bana lãng mạn...
                                                       


         

Không có nhận xét nào: