Chưa kể lì xì cho con người ta xong thì... chờ
người ta lì xì cho con mình, thấy ít hơn là... không vui. Cả trẻ con cũng biết
thắc mắc: mẹ ơi sao mẹ lì xì 100 mà cô ấy chỉ lì xì lại 50... Và ngay cả các
ngân hàng cũng vào cuộc, cứ giáp tết là phát hành tiền mới để phục vụ cho việc
lì xì...
Hồi nhỏ tôi nhớ hầu như trẻ con
đứa nào cũng có một cái ống nứa (hoặc tre) còn nguyên 2 đầu mắt, cưa xéo một
nhát ở một phía dài cỡ hơn đốt ngón tay, nhét đồng tiền xu vào đấy, như kiểu
trẻ con nuôi lợn đất/ nhựa bây giờ. Tiền xu ấy là tiền được mừng tuổi trong
tết, cũng có đứa để dành để dụm cả năm, tết bổ ra mua sắm quần áo, hoặc sau hè
bổ ra mua sách vở để học, hoặc làm những việc lớn hơn, như ra phố chơi một
chuyến...
Nhưng
những cái ống ấy còn là một thứ đạo cụ để đêm 30 đi... chúc tết.
Chừng
mươi mười lăm đứa, láu tháu lít nhít bằng nhau, mũi dãi lòng thòng vì lạnh, cả
trai cả gái, nhưng trai thường đông hơn, mỗi đứa một cái ống bên trong có xu
như thế, lượng xu trong ống nhiều ít tùy gia cảnh từng đứa, ít thì kêu to nhiều thì kêu bé, kéo nhau đi
thành hàng một, đứa đi đầu cầm đèn dầu hoặc đuốc. Cứ thế vừa đi vừa hát vừa lắc ống cho nó kêu
vang lừng lên hòa với tiếng đồng dao:
Xúc xắc xúc xẻ
Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa cho chúng tôi vào
Bước lên giường cao: Có đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp: Có đôi rồng chầu
Bước ra đằng sau: Có nhà ngói lợp
Ngựa ông còn buộc
Voi ông còn cầm
Ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ
Vợ ông sinh đẻ
Những con tốt lành
Những con như tranh
Những con như đối...
Và phần lớn các nhà lại lấy tiền xu ra
mừng tuôi cho trẻ con, những đồng xu có giá trị rất bé, nhưng so với thời ấy
vẫn có thể mua kẹo bi, kẹo vừng, kẹo dồi, mua kem, cộng nhiều lên còn mua sách
vở được.
Những đồng xu thời thơ bé ấy đã theo
tôi suốt những tháng ngày sau này. Chúng tôi ở trong khu tập thể, tối 30 hay đi
loanh quanh trong mấy dãy nhà của các cô chú trong cơ quan chứ không vào trong
làng vì bố mẹ cấm, phải sau mùng một mới được vào. Thế nhưng cũng có năm tôi
vẫn lọt vào làng và cùng đi chúc tết xúc xắc xúc xẻ với lũ bạn học, và có năm
thì tôi rủ chúng vào khu tập thể đi cùng chúng tôi. Xu thời ấy có lỗ tròn, tôi
nhớ có đồng 1 xu, 2 xu, 5 xu, chứ không như những đồng tiền kẽm sau này không
có lỗ cất rất nặng túi dù có xu giá trị lên tới 5 ngàn đồng (Sai lầm nhất của
người nghĩ ra tiền kẽm sau này là họ đã không chế ra cái... ba lô để đựng nên
nó chết yểu). Thời trước đấy thì là đồng chinh
bằng đồng, cũng có lỗ vuông ở giữa. Các bà các chị thường luồn vào dây
rồi cột quanh cạp váy, khi đi nó kêu leng keng như xà tích. Trẻ con thì cũng
cột dây rồi đeo vào cổ trước khi ngồi tỉ mẩn đút chúng vào ống nứa. Đeo ở cổ
thì còn có thể suy suyển, tí táu tí mẻ làm việc này việc kia, chứ đã cho vào
ống nứa là coi như xong, chỉ khi nào chẻ ra mới được tơ hào đến. Mà thường thì
phải có lý do mới được chẻ, bởi dẫu là ống nứa của mình nhưng bố mẹ vẫn kiểm
soát. Có lần tôi nhớ, cần mấy xu làm gì đấy, anh em tôi ngồi hì hục cả buổi
để... khều ra một đồng xu, mà rồi cuối cùng là... chịu.
Sáng mùng một thì bao giờ trẻ con cũng
vòng tay trước người lớn để nhận mừng tuổi. Cũng vẫn bằng tiền xu. Một số cẩn
thận đút ngay vào ống nứa, số rểnh rảng hơn thì luồn dây đeo vào cổ. Để làm gì,
không phải mua ăn, vì tết dẫu khổ mấy thì cũng có bữa no, mà để... đánh đáo. Trẻ
con hồi ấy rất mê đánh đáo. Đút vào ống nứa là không thể nào lôi ra đánh đáo
được nữa, nên đeo ở cổ là thượng sách. Cuối tết thì tổng kết, cũng có khi cổ
chỉ còn... sợi dây.
Cũng sáng mùng một, những người lớn
tuổi trong gia đình như ông bà bố mẹ được mời ngồi nghiêm ngắn lên ghế, rồi con
cháu (tất nhiên đã lớn rồi, đã tự lập rồi) chúc tết và sau đấy mừng tuổi các
cụ. Mừng tuổi người lớn hơn thì thường không được bằng xu, mà phải bằng những
tờ tiền giấy mới, phẳng phiu, sạch sẽ. Phong bì màu đỏ là sau này do người Tàu
nhập vào chứ ngày xưa, nghe các cụ kể là , hai tay kính cẩn đưa trực tiếp, hoặc
đặt vào đĩa, các cụ nhận như một sự ban lộc lại cho con cháu. Và con cháu mừng
tuổi là thể hiện tấm lòng chứ không phải mang tiền ra đọ như hiện nay... Lì xì
hay mừng tuổi đúng nghĩa chỉ là để chúc mang lại may mắn đầu năm chứ hoàn toàn
không phải là cách để... tăng thu nhập.
Sau này thì từ lì xì xuất hiện. Nó là
một từ gốc Tàu, nhưng lại du nhập vào nước ta từ phía Nam dù phía Bắc gần Tàu
hơn. Có người quan niệm, lì xì là dành cho việc người lớn lì xì trẻ con, còn
người nhỏ thì dùng từ mừng tuổi hoặc mừng thọ người lớn. Nhưng thực ra, lì xì
tiếng Quảng Đông có nghĩa là lợi tức lợi tài chi đó, nó cũng nghĩa như mừng
tuổi, nhưng nghe có vẻ... dân dã hơn, không trịnh trọng như mừng tuổi hay mừng
thọ, và cũng thấy rõ chất... tiền bạc hơn.
Hiện nay cái phong tục xúc xắc xúc xẻ
hoàn toàn mất bóng, kể cả ở những làng xa nhất, được bảo tồn kỹ nhất, bảo thủ
nhất. Không những thế, giờ người ta đánh tráo lung tung khái niệm lì xì và mừng
tuổi, thi nhau mang tiền ra... đè nhau. Người ta móc ví ra lì xì người già, bố
mẹ sếp, và mừng tuổi mấy đứa lít nhít con cháu sếp, toàn tờ xanh 500 ngàn hoặc
tiền ông Ô Ba Ma...
Xấu hổ nhất là một số trẻ con giờ khi
được lì xì ít có khi... không chịu lấy, lắc đầu nguây nguẩy hoặc phán luôn: ít
quá không thèm, dù chắc chắn trước tết đã được bố mẹ dặn dò rất kỹ. Nhưng chúng
tinh lắm, cũng lì xì nhưng sao chú kia tờ to cô này tờ nhỏ. Hoặc có cháu nhận
xong thì... đưa ngay cho mẹ làm mẹ cứ đơ người ra, lí nhí giải thích...
Lì xì và mừng tuổi hiện nay bị biến
tướng rất nhiều, nó không còn trong trẻo vô tư và thiêng liêng xúc động như
ngày xưa, dù ngày xưa tiền mừng tuổi cũng làm được khối việc. Giờ tiền đúng
nghĩa là tiền, mừng tuổi hay lì xì gì thì đều phải là tờ có giá trị, 10 ngàn
hay 20 ngàn thì... quên đi. Chưa kể lì xì cho con người ta xong thì... chờ
người ta lì xì cho con mình, thấy ít hơn là... không vui. Cả trẻ con cũng biết
thắc mắc: mẹ ơi sao mẹ lì xì 100 mà cô ấy chỉ lì xì lại 50... Và ngay cả các
ngân hàng cũng vào cuộc, cứ giáp tết là phát hành tiền mới để phục vụ cho việc
lì xì...
Ở những phạm vi khác, lì xì hay mừng
tuổi bây giờ đồng nghĩa với... lại quả. Thay vì cồng kềnh lễ tết như xưa, người
ta làm một cái phong bì nhỏ gọn. Ngày xưa tết là “Mùng một tết cha, mùng 2 tết
mẹ mùng 3 tết thầy”, tết, vừa là danh từ vừa là động từ. Đồ để tết thì tùy tâm,
nhưng phải rất là trịnh trọng, đặt vào mâm đội đến. Giờ giản tiện, là cái phong
bì. Phụ huynh hay hỏi nhau: Đã “Tết” thầy (cô) giáo chưa? cán bộ hỏi nhau “Tết”
sếp bao nhiêu?
Mất đi những trò chơi thanh cao dân
dã, hình như tết cũng nhuốm một phong vị khác...
2 nhận xét:
Hồi nhỏ, tôi cũng có một cái ống nứa đựng tiền xu tiết kiệm, có khi gấp cả tiền giấy mà nhét vào. Mỗi kỳ bổ ống là cả một sự kiện trọng đại trong năm. Tiền xu văng tóa ra, trong niềm vui vỡ òa.
Nhân dịp năm mới, cám ơn và chúc sức khỏe nhà thơ Văn Công Hùng.
Vũ Xuân Tửu
Hồi bé mình cũng hay nghe baì này lắm, nhưng bây giờ bé Bảo An hát hay hơn nhiều
Đăng nhận xét