Mùa đi bao giờ cũng đồng hành với
mùa... tăng giá. Bao giờ cũng thế, cứ đến những lễ lạt, những kỳ nghỉ dài là
giá lại đồng loạt... đội mũ nhô lên dù các địa phương các cơ quan công quyền đều
ra những mệnh lệnh rất nghiêm, những chỉ thị rất sắc bén, những chỉ đạo rất sát
sao để... giữ giá. Mới nhất là nhân Festival hoa Đà Lạt (tổ chức chườm qua tết
tây), các nhà hàng khách sạn đã, như thường lệ, tăng giá rồi, dù tỉnh Lâm Đồng
và thành phố Đà Lạt luôn là địa phương rất nghiêm túc trong việc ổn định giá cả,
và dân ở đấy cũng biết, sống bằng nghề du lịch, được khách du lịch nuôi thì
cũng phải ứng xử phải nhẽ với khách. Thế mà, lòng tham thi thoảng nó cũng trỗi
dậy ở một vài người, trong những hoàn cảnh cụ thể, và thế là, dao đưa lên, những
nhát “chém treo ngành” ngọt ngào vẫn lia ngang cổ khách...
Bây
giờ thì tết tây đã là một “thế lực” rồi, chứ không như cái thời, tết tây chỉ là
một ngày nghỉ phụ, bởi đến ngay tết ta thời ấy cũng chỉ được nghỉ có 3 ngày. Tết
ta tức tết âm lịch, tết nguyên đán, còn tết tây là dương lịch, tất nhiên. Ngày
xưa tết ta được nghỉ ngày 30, mùng một và mùng 2, mùng 3 đã đi làm rồi. Hồi nhỏ
thì tôi không nhớ có được nghỉ tết tây không chứ đến khi đi làm rồi thì nhớ nó
được nghỉ nhõn một ngày, chưa kịp làm gì đã hết. Mà cũng chả ai có ý định làm
gì, bởi rất nhiều lý do. Người ta giành hết “tinh thần vật lực” cho tết ta nên
ngày nghỉ tết tây nhiều khi chỉ dồn ngủ nguyên ngày cho đã, không tấp nập ồn ã
như bây giờ.
Giờ
trào lưu nhập “tây” vào ta khá nhiều nên có rất nhiều ngày tưng bừng dù có được
nghỉ hay không, như Noel, Valentine, Halloween, ngày gia đình, ngày của mẹ vân
vân các loại. Không được nghỉ đã tưng bừng huống gì lại được nghỉ.
Mà
lại nghỉ nhiều.
Từ
khi được nghỉ 2 ngày cuối tuần thì các dịp được nghỉ lễ như tết dương, 30/4-
1/5, giỗ tổ Hùng Vương, 2/9,... hay được liền vào ngày nghỉ cuối tuần, mà nếu
không “vô tình” liền vào thì chính phủ cũng chủ động cho làm bù để nghỉ bù, cho
nó nhiều ngày, để... chơi cho sướng.
Như
năm nay, tết tây nghỉ 3 ngày, tết ta nghỉ 9 ngày. “Tài nguyên nghỉ” xênh xang
thì cũng phải nghĩ cách chơi xênh xang...
Bây
giờ nhé, cái sự ăn nó trở thành thứ yếu rồi. Thứ nhất là so với ngày xưa, không
còn cái cảnh phải xất bất xang bang lo kiếm miếng bỏ bụng nữa, tuy dưới vùng
sâu vùng xa, vùng nông thôn vẫn còn có những nhà rất khó khăn, nhưng về đại thể
dân ta đã thoát khỏi cảnh nửa đêm vẫn nằm nghĩ tới ăn, mong tới sáng để được ăn
gì đấy, vừa ăn xong cũng vẫn nghĩ tới ăn... có chăng là giờ nghĩ ăn gì cho hợp. Mà hợp bây giờ tức là lại... trở
lại ngày xưa. Hồi mẹ tôi còn sống, có lần chở cụ vào nhà hàng cơm niêu, vừa ăn
cụ vừa chép miệng: Ngày xưa chúng tôi cơm niêu nước lọ rau mắm, đói quá phải đi
làm cách mạng, làm một hồi để các anh chị bây giờ lại cũng... cơm niêu nước lọ
rau mắm. Là hôm ấy mẹ thấy chúng tôi kêu rau lang luộc chấm mắm cáy, cá rô kho
nồi đất, tép rang khế, rau cần trộn, cơm niêu đất có cháy... toàn thứ bình dân
mà như mẹ nói ngày xưa đầy ngoài... ao, giờ tính tiền đặc sản. Mà tôi đã giấu
không cho mẹ xem hóa đơn tính tiền rồi đấy. Thứ hai là giờ chưa ăn uống đã
kinh, ăn rồi càng kinh hơn. Rau thì phun thuốc, thịt thì bơm tẩm hóa chất, chưa
kể kêu vú dê nướng nhưng thực chất là vú lợn dịch nhập từ... Trung Quốc, gà quê
nhưng lại là gà thải loại, đầy dư lượng thuốc kháng sinh. Đến những thứ tưởng như không giả được thì vẫn có
thể giả như vịt giời chính là vịt nhà, nhím chính là thịt vích, bê chính là bò
còn bò thì chính lại là ngựa, lợn rừng thì là lợn nái cắm lông “kiểu lợn rừng”...
thì, thôi thà nhịn.
Thế
thì... đi chơi. Kiếm chỗ chơi và mang đồ ăn từ nhà đi, gì chứ vệ sinh là cứ phải
đặt lên hàng đầu.
Các
bến xe bến tàu bến máy bay bắt đầu nhộn nhịp. Những người ở xa thì về nhà, những
nhà đã quây quần thì tìm chỗ đi chơi, cứ thế tít mù trong những ma trận di chuyển,
xê dịch. Mà thử hình dung, nếu một ngày nào đó, vì một lý do gì đó, tất cả mọi
người cùng đứng, nằm, ngồi... im một chỗ thì sẽ ra sao nhỉ?
Mùa
đi bao giờ cũng đồng hành với mùa... tăng giá. Bao giờ cũng thế, cứ đến những lễ
lạt, những kỳ nghỉ dài là giá lại đồng loạt... đội mũ nhô lên dù các địa phương
các cơ quan công quyền đều ra những mệnh lệnh rất nghiêm, những chỉ thị rất sắc
bén, những chỉ đạo rất sát sao để... giữ giá. Mới nhất là nhân Festival hoa Đà
Lạt (tổ chức chườm qua tết tây), các nhà hàng khách sạn đã, như thường lệ, tăng
giá rồi, dù tỉnh Lâm Đồng và thành phố Đà Lạt luôn là địa phương rất nghiêm túc
trong việc ổn định giá cả, và dân ở đấy cũng biết, sống bằng nghề du lịch, được
khách du lịch nuôi thì cũng phải ứng xử phải nhẽ với khách. Thế mà, lòng tham
thi thoảng nó cũng trỗi dậy ở một vài người, trong những hoàn cảnh cụ thể, và
thế là, dao đưa lên, những nhát “chém treo ngành” ngọt ngào vẫn lia ngang cổ
khách.
Có
những người rất khôn. Việc quái gì cứ những ngày ấy lại phải xông tới những nơi
đông người, để chịu đủ thứ khổ sở, khó chịu, trong khi mục đích của mình lại là
đi thư giãn, đi xả stress sau những ngày căng thẳng làm việc, mưu sinh...
Vậy
nên bây giờ nhiều khi ở vùng sâu vùng xa lại... trúng.
Nhớ
tết dương lịch năm ngoái, sau cữ cà phê sáng, mấy gia đình chúng tôi bắt đầu
bàn chuyện làm gì tiếp theo. Đa phần theo thói quen lại bàn chuyện ăn uống... một
anh thủng thẳng, ăn thì ngày nào chả ăn, giờ đi chơi. Tất cả nhao nhao: Hôm nay
đi chơi cho “nó” chém à, mà rồi lại vẫn phải ăn, lại vẫn bị chém phát nữa, chi
bằng mấy bà đi chợ, về nhà tự nấu, các ông phụ bếp, rồi ăn... các lão chồng
chán nản: Hôm nào chả thế, hôm nay phải khác...
Khác
là chạy một hơi lên... Đăk Hà, một cái huyện rất ít nổi tiếng của tỉnh Kon Tum,
nhưng lại có một cái khu sinh thái rất đẹp. Ao hồ ruộng vườn... trải dài dằng dặc.
Tấp vào một nhà, mượn cần câu, ra ao câu, trẻ con đàn bà thì nằm ngồi chạy nhảy
ăn trái cây tán gẫu... bù cho những ngày tù túng ở phố. Các gã chồng thì câu, rồi
nướng tại chỗ, chủ nhà cung ứng rau cỏ phụ gia. Ăn nhậu một trận nhớ đời mà giá
thành rất rẻ, và toàn là đồ tươi, không tẩm ướp, không thuốc men, không hóa chất các loại...
Vấn
đề là, đến một lúc nào đấy, ai cũng nghĩ ra cái “khác” ấy, và cái khác ấy nó sẽ
trở thành sự giống nhau. Khi tất cả chọn nơi hẻo lánh để tới thì ngay lập tức,
nơi ấy lại sẽ thành đông đúc, và sự chất phác sẽ phải nhường cho cái tinh ranh
láu vặt, và đấy sẽ lại trở thành một điểm tấp nập có cơ hội chặt chém...
Để
thấy, chúng ta tạo điều kiện cho dân có thời gian thư giãn nghỉ ngơi, nhưng lại
chưa chuẩn bị sẵn phương tiện, điều kiện vật chất... để phục vụ sự nghỉ ngơi hợp
lý của đám đông ấy, để cuối cùng, có khi, những ngày nghỉ lại là những ngày
hành xác.
Ăn
hành xác mà chơi cũng trở thành hành xác.
Thế
nên chả trách đang có những tour du lịch ngắn ngày mà giá lại rất rẻ sang Sin,
Mã, Thái, thậm chí cả Ấn Độ, Nê Pal... cho những người có nhu cầu đi mà trong
nước thì không biết đi đâu. Cả năm làm vất vả, chắt bóp kiếm từng đồng, cuối
năm làm một cú du lịch, ra nước ngoài tiêu tiền, giúp nước họ tăng GDP, giúp
dân họ tăng thu nhập, biết là vô lý nhưng vẫn rất nhiều người thực hiện. Cái
câu “thua trên sân nhà” từ lâu đã trở nên quá quen và nhàm chán, bởi nó đương
nhiên thế.
Mà
đấy là mới tết tây, mới nghỉ có 3 ngày. Còn tết âm nữa, tết chính của dân tộc.
Nó không chỉ là ngày nghỉ thông thường, nó còn là vấn đề tâm linh, là truyền thống,
là tổ tiên, là tâm thức, là linh thiêng, là đạo hiếu... và lại được nghỉ đến 9
ngày. Làm gì, ăn gì, chơi gì... trong 9 ngày ấy là cả vấn đề lớn. Từ giữa năm
đã có những người phải lo phải nghĩ đến tết, bắt đầu từ việc... đặt vé tàu xe.
Nó không phải chỉ là việc của từng cá thể, mà là những vấn đề xã hội... Năm nào
cũng diễn ra và năm nào cũng có những việc để nói, mà trước mắt là những chuyến
tàu chuyến xe lặc lè khách từ Nam chạy ra Bắc, trên ấy, mỗi con người là một số
phận với tất cả những vui buồn tích tụ trong năm, đang gà gật cùng ông chủ bà
chủ hướng tới một cái đích thiêng liêng: Gia đình...
Té
ra, nghỉ chưa chắc đã sướng. Và sướng chưa chắc đã vì được nghỉ. Vấn đề là
chúng ta sắp xếp tính toán thế nào cho hợp lý. Với tôi, mấy ngày ấy dành để
chơi với con cháu, đọc sách, thi thoảng... cười một cái...
6 nhận xét:
Em com cho bài viết một CÔng-ten-nơ Like và gần 1 trang A4, sao bác không cho nổi lên
@TNC: Có thấy gì đâu?
Lúc đêm con ốm, thức trực bé và viết chia sẻ với bác. Nay đâu mất rồi ấy, đầu tuần, đầu năm bận quá không có thời gian đánh lại. Nhưng bài viết hay, chạm đến rất nhiều mảng của xã hội. Like. Nhưng sao bác không lãng mạn thực tế là gửi báo đong xèng. Nuôi blog cũng mất phí mà
Văn Công Hùng bàn TẾT TÂY TẾT TA...nhưng đọc đi đọc lại thì cũng chỉ thấy TẾT DÂN thôi ,sao bạn Hùng không bàn đến TẾT QUAN,QUAN ăn TẾT khác DÂN ăn TẾT đó bạn Hùng,nghe nói bao nhiêu của ngon vật lạ ngày xưa dùng để tiến vua thì ngay nay đựơc săn lùng cho bằng được để TIẾN QUAN ....
SẮP TẾT RỒI, MONG ANG VCH SỚM CHO MỞ ĐƯỜNG TRẦN HƯNG ĐẠO RA NHÉ. MỌI NGƯỜI DÂN PHỐ NÚI ĐANG CHỜ ANH ĐÂY NHÁ ANH VĂN CÔNG HÙNG,
Các quan to trên tỉnh chỉ lo việc Tết cho họ. Dân chúng tôi chỉ mong muốn duy nhất để ko làm cho bao nhiêu con người vô tội bị rập rình tính mạng trong những ngày tới đấy (do là đông xe cộ, đông người đi lại) là mong sao anh Văn Công Hùng nhanh viết mấy Bài báo trên Báo Gia Lai kiến nghị với ông Bí Thư Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh cho mở nhanh con đường Trần Hưng Đạo, thật ra là trả lại tên cho chính nó, ngay trong dip Tết NĐ này.
Đăng nhận xét