Hôm
qua tôi ra sân bay đón con gái về nghỉ tết dương lịch, gặp rất nhiều ông bố bà
mẹ cũng đi đón con.
Nhưng
cũng gặp rất nhiều gia đình lỉnh kỉnh va ly túi xách đi du lịch.
Ở
đâu và bao giờ cũng thế, việc đoàn tụ gia đình trong các ngày nghỉ là nhu cầu
thiết yếu, là mong mỏi của mọi người. Nhưng cái cách đoàn tụ thì có vẻ đang
khác nhau.
Một
thời, gặp nhau sau khi tay bắt mặt mừng là... chui vào bếp. Cả nhà như một đại
công trường ẩm thực. Mỗi người một tay, ngoài việc phô diễn khả năng khéo léo
làm bếp, thì còn là dịp mọi người hàn huyên. Căn bếp và phòng ăn trở thành nơi
hội tụ. Nhà quê thì nhăm nhăm nuôi gà nuôi lợn, đợi con cháu về là ngả thịt.
Thành phố thì những ngày ấy cũng tíu tít xông xênh chợ búa rồi tụ tập nấu nướng
ăn uống hò hát...
Nhưng
có một số người bắt đầu chán cảnh cứ chui chui rúc rúc trong bếp, rồi rửa ráy dọn
dẹp. Và thế là những cuộc tụ họp ngoài quán xá ra đời. Và cũng không chỉ quán
xá trong nước, mà cả những tour du lịch ngắn ngày đưa họ đến với những chân trời
mới, những khám phá mới, cảm xúc mới...
Cái
nào cũng có mặt hay mặt dở.
Nhưng
vẫn cứ tiêng tiếc, thấy thiêu thiếu nếu như những cuộc sum họp, gặp mặt của gia
đình người Việt mà lại thiếu đi không khí bếp núc, nấu nấu nướng nướng, những
câu chuyện nhỏ to bên bếp, những cao đàm khoát luận bên bàn ăn... đành rằng bây
giờ, thời gian là vàng ngọc, dịch vụ tận răng, kêu một cái là có người phục vụ
tận... mâm.
Nhớ
năm nào đó có một bài báo kể rằng, ở cái công ty FPT rất hoành tráng toàn trí
thức hồi ấy, mỗi khi tết đến đều tổ chức một tiệc... mổ lợn. Mổ lợn đúng kiểu
quê, có lá chuối nong nia, có tiết canh cháo lòng, có rượu quê nút lá chuối, mà
lại ở ngay một ngôi nhà giữa lòng Hà Nội. Tôi hình dung những trí thức công nghệ
suỵt soạt bát cháo nóng bên cái mâm lá chuối ngồn ngộn lòng đang ngút khói. Hồn
Việt ở đấy chứ đâu?
Nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều, một người rất hiện đại, nói tiếng Anh như gió, lái xe
6X, mặc đồ hàng hiệu... nhưng năm nào giáp tết, anh cũng ngả một cơn lợn ngay tại
làng Chùa, Hà Đông quê anh. Hôm ấy anh mời rất đông bạn bè văn nghệ sĩ của
mình, toàn loại nổi tiếng, từ Hà Nội vào Hà Đông uống rượu ăn thịt lợn. Và khi
mọi người về, tự tay anh cầm từng xâu thịt bằng lạt chuẩn bị sẵn, gửi theo xe
các bạn cầm về. Có thể cái miếng thịt xâu lạt ấy sẽ mãi mãi nằm trong ngăn đá tủ
lạnh của nhà bạn anh, nhưng cái hình ảnh những xâu thịt nó gợi vô cùng, nó nhắc
ta nhớ không khí làng của người Việt, mà từ đấy, chúng ta đi ra, thành người...
Cái
ngõ nhà tôi ở 154 Lê Lợi, Pleiku năm nào trước khi tết đến cũng tổ chức một cuộc
tất niên, tất cả mọi người đều rất hân hoan dự. Chúng tôi cũng mổ lợn, cũng
chia thịt xâu lạt cho từng nhà. Tôi nhớ có năm, một cô gái trẻ, xa nhà, đã bật
khóc khi mấy người trong ban tổ chức bê rổ thịt đến rồi trao cho cô một xâu thịt
như thế. Và tôi cũng biết, xâu thịt ấy chưa chắc cô đã dùng đến, nhưng nó đã bật
dậy trong cô cả một vùng ký ức, cả một gốc gác Việt tiềm ẩn trong con người rất
hiện đại của cô.
Tôi
quen một nữ nhà báo rất nổi tiếng, chị bận túi bụi, và trông con người chị
cũng... bụi bụi. Đến một ngày, đọc những bài chị viết về... nấu ăn, những món
chị trực tiếp nấu, thì tôi lại có một góc nhìn khác về chị. Té ra phía sau con
người xốc vác kia lại là một tâm hồn... ẩm thực. Chị say sưa đi chợ, say sưa nấu,
say sưa mời người tới ăn, rồi say sưa viết về món ăn ấy. Cũng như có lần tôi đọc
bài của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết về việc ông... kho cá tặng bạn là họa
sĩ. Ông đi chợ chọn từng con cá mòi, rồi đi mua nồi đất, rồi về xử lý nồi đất
ra sao để có thể kho được, rồi đi kiếm gia vị, rồi bắt đầu kho, lửa liu riu thế
nào, con cá nhừ nục ra làm sao, cả ngày tỉ mẩn như thế cho đến lúc ông hân hoan
rước nồi (chã) cá kho ấy lên ô tô chở lên phố cổ Hà Nội tặng bạn...
Té
ra, dù có hiện đại đến mấy, gấp gáp đến mấy, trong từng góc của chúng ta đều có
những nơi là chỗ trú ẩn của những cảm xúc gia đình, mà gia đình Việt lại thể hiện
rõ nhất ở... bếp. Có thể lúc này lúc khác nó bị khuất lấp vì những lý do rất là
chính đáng, nhưng hễ có dịp là nó lại bùng lên, da diết và rưng rưng, nhắc rằng,
không khí gia đình, bao giờ cũng thế, ở đâu cũng vậy, nó rất thiêng liêng, gần
gũi và không thể nào bị lãng quên.
Mấy
ngày nghỉ tết dương lịch này, bên cạnh nhà hàng quán xá, bạn thử một hôm, đi chợ,
nấu ăn, tụ tập lại, bận rộn một tí, vất vả một tí, nhưng bảo đảm bạn sẽ nhặt từ
đấy những niềm vui mà chỉ thi thoảng trong những ngày tháng bận bịu này mới
có...
3 nhận xét:
Gửi đăng Báo Kon Tum đi anh Hùng ơi!
he he ừ nhỉ chú Võ Công Phúc
Thế mà một năm nữa sắp trôi qua rồi đó bác VCH. Lại thấy nháo nhào vé tàu xe tết để những người xa nhau được đoàn viên...
Đăng nhận xét