Khi
đặt tên cho cái chương trình đang khá hot trên truyền hình, không biết ông tác
giả của cái chương trình ấy có nhớ/ biết chuyện “con cóc là cậu ông trời”
không, chắc là không, vì tôi chả thấy trong ấy nhắc gì đến... cóc cả, toàn thấy
người với người giỡn nhau, ăn miếng giả miếng nhau, vui phết. Sở dĩ tôi nhớ đến
cóc khi xem chương trình này vì chí ít, trong 5 chữ của cái tên chương trình đã
có 2 chữ liên quan đến cóc là “cóc” và “giời”.
Bây
giờ thi thoảng lại nghe chỗ này chỗ kia có người chết vì ăn thịt cóc. Mới nhất
là một gia đình ở Tây Nguyên đến 2 cháu bị chết ngay những ngày cuối tháng 12 vừa
qua, xa hơn chút thì... vô thiên lủng. Người không hiểu biết chết đã đành, mà cả
người được ăn học đàng hoàng cũng chết, thế mới lạ. Có gia đình thì chị nấu cho
em ăn, có gia đình thì mẹ làm cho con, có nhà lại bố làm cho cả nhà, để bộ lòng
dành mình uống rượu còn thịt nhường vợ con. Kết quả mình đi vợ con ở lại...
Nhưng
chắc ít người quên, cóc từng là thần dược, là chất bổ dưỡng một thời.
Thời
ấy, trẻ con mà sài đẹn, chậm lớn, bụng ỏng đít beo, da bủng tóc dựng, ít ăn, chậm
nói, nói chung là thấp bé nhẹ cân... thì thịt cóc là phương án đầu tiên được nhắc
tới.
Ở
khu tập thể gia đình tôi ở thời ấy, nhà nào cũng có một cái hầm nhốt cóc. Cóc tự
bắt cũng có, đi xin cũng có, đổi cũng có, mua cũng có... về thả vào hầm ấy, thi
thoảng bắt một chú lên thịt làm... thuốc.
Nhà
tôi chỉ mẹ được phép làm cóc, chứ không ai được sờ vào dù tôi hồi nhỏ có tiếng
là khéo tay, gà vịt ngan ngỗng tôi nhoáy phát là xong.
Mẹ
làm rất cẩn thận, không đụng vào trứng, gan mật của cóc. Nếu lỡ mà vỡ mật là vất
luôn cả con, thậm chí có trứng cũng vất, vì lỡ chỉ một quả trứng nhỏ như đầu
tăm dính lại vào đâu đó mà ăn phải thì coi như xong, dù như đã nói, cóc thời ấy
rất quý, không chỉ là thuốc, nó còn là thực phẩm cao cấp, lâu lâu mới được động
dao cải thiện.
Sau
này có điều kiện thì người ta chỉ lấy đúng hai cái đùi sau của cóc, chứ thời ấy,
người ta vất mỗi đầu, bộ lòng, 4 bàn chân, còn đâu dùng tất. Mỡ cóc thả vào chậu nước nó xòe ra như cái hoa
ngọc lan, rất đẹp. Cách chế biến dễ nhất là lấy mỡ nó rán nó, rán mỡ cho ra...
mỡ xong thả thịt cóc vào rán. Tiết kiệm thì khi rán chín đổ nước mắm có tí đường
vào. Siêng hơn thì băm nhỏ sau đó trộn
thêm quả trứng làm món chả. Hoặc nấu nồi cháo đang sôi lục sục thế, đổ thịt cóc
băm nhỏ đã ướp gia vị vào, thành món cháo bổ hơn sâm, chấp hết các loại phi la
tốp thời ấy. Có hồi tôi nhớ ông lang nào đó cắt cho tôi mấy thang thuốc cam vì
mẹ chở tôi đến nói tôi còi xương chậm lớn các kiểu. Thuốc của ông có điều kiện
thang phải là... gà dò (từ ấy tôi mới hiểu thế nào là thuốc thang- thuốc là thuốc
và thang là để dẫn thuốc). Được mấy tuần thì hết gà, mẹ dùng luôn thịt cóc làm
thang, thế mà tôi lại ăn ngon và... lên cân. Thế là từ đấy tôi trở thành... nô
lệ của thịt cóc.
Cũng
có thể có nhiều người chết vì thịt cóc, nhưng hồi ấy báo chí chưa phát triển
như bây giờ, cũng chưa có phây búc, za lô... nên ai chết thì... người ấy biết
thôi. Mẹ tôi thì rất cẩn thận, nấu xong bao giờ ông chó cũng được xơi miếng đầu
tiên, 10 phút sau thì mẹ là người xơi miếng thứ 2, sau đó mới đến anh em tôi.
Thế mà có lần cơn nghịch nổi lên, tôi vừa nuốt xong miếng chả cóc thì trợn mắt
thè lưỡi đổ vật ra, mẹ tôi hét lên lao tới thì tôi... phì cười. Kết quả tôi nhận
một cái phát vào mông khá đáng nhớ...
Học
đại học ở Huế, đói dài dài. Tôi xui lũ bạn cùng phòng đi... bắt cóc. Nhốt trong
một cái thùng đựng lương khô Trung Quốc, có khi cả tháng, hôm nào nổi hứng, nhất
là ngày chủ nhật mà mưa, tôi trổ tài... làm cóc. Sẵn nước “chùa” ngoài bể, tôi
mổ cóc dưới vòi nước đang xả, bảo đảm chả quả trứng nào dính được vào thịt, rồi
nấu cháo, lấy cơm nhà bếp về cho vào cái chậu, đổ nước vào bắc lên bếp điện tự
chế bằng cách lấy dây maxo quấn vào cục gạch. Cháo chín thì đổ thịt cóc vào,
nêm nếm rồi... chén. Căng bụng rồi vẫn thòm thèm...Hồi ấy quanh ký túc xá toàn
là ruộng rau lang của các giáo sư, cứ ra đấy bắt cóc, đầy. Hết cóc thì... hái
trộm rau lang về cũng nấu cháo, cũng hết veo veo... Thời đói ấy sinh viên mất mỗi
ngày tới... 20 tiếng nghĩ tới chuyện ăn mà sao vẫn lắm kẻ nên người phết. Giờ bố
mẹ nuôi sinh viên hơn nhà nước nuôi cán bộ mà ra trường vẫn thất nghiệp dài
dài...
Cóc
có nhiều màu, có con vàng, con đen, con tía, con nâu, con sọc... nghe nói cóc
vàng là quý nhất. Người ta đồn, mủ cóc mà bắn vào mắt là bị mù. Tôi đã từng bị
mủ cóc bắn vào mắt vài lần khi hồi nhỏ làm thịt nó, cũng lo thế, nhưng giờ, vẫn
ngồi gõ láp top viết bài được, và vào mạng hàng chục tiếng mỗi ngày, ơn giời,
không việc gì...
Hồi
nuôi 2 con gái, cũng vào thời khó khăn đói kém của những năm 80 thế kỷ trước,
nhà tôi cũng dùng thịt cóc làm chất dinh dưỡng cho các cháu. Ngoài việc trực tiếp
mua cóc về làm (cũng là nói bọn trẻ con hàng xóm, đứa nào bắt được cóc mang về
chú cho tiền ăn quà), thì còn gửi mua bột cóc từ ngoài Bắc. Chả biết có đúng là
bột cóc không, nhưng cứ nghĩ đấy là bột cóc cho nó... yên tâm và con nhanh lớn.
Nhưng sau này cái món bột cóc thần thánh ấy không còn thấy “thần thánh” như hồi
đầu nữa, bằng chứng là hình như nó mất hút trên thị trường.
Huyên
thuyên về cóc thế vì tối qua thì nằm xem trọn vẹn chương trình “ơn giời cậu đây
rồi” trên truyền hình, thấy các ông bà diễn viên hài tung hứng loạn xạ trên ấy,
còn sáng nay thì đi uống cà phê, thấy mấy bà mẹ trẻ xúm lại một xe... cóc. Là một
cái xe máy, người đàn ông chở, đàn bà (chắc là vợ) ngồi sau, cả hai trông cũng
nhàu nhò lắm, sau cùng là cái lồng được úp cái chậu, trong ấy lổn nhổn cóc,
đang hồn nhiên tắc lưỡi, có vẻ như đợi... mưa. Nghe quảng cáo là toàn cóc vàng,
nhưng mở ra thấy đủ loại màu. Cũng đủ loại kích cỡ, từ cóc cụ đến cóc láu
tháu...
Thì
ra là có hẳn một “nghề” làm thịt cóc chà bông từ Bắc vào Nam, từ thành thị đến
nông thôn, từ phố phường đến hang cùng ngõ hẻm. Xuất xứ nghề này nghe nói ở Hà
Tây, ban đầu là ngày nông nhàn, rỗi việc, làm thêm cho... (không chỉ) vui, mà
kiếm tiền hẳn hoi, rồi tiến lên thành chuyên nghiệp, cứ thế lang thang trên đường,
có khi cả năm mới về nhà một vài lần. Đến đâu thuê nhà trọ nghỉ lại, hoặc vùng
hẻo lánh thì mắc võng, bán hết cóc thì
điện thoại, sẽ có đường dây gửi ô tô vào, có khi hàng tạ. Cóc là giống sống dai
nên hoàn toàn yên tâm khoản bảo quản. Vấn đề còn lại là... rao bán. Ngày trước
thì rao bằng mồm, còn giờ thì có loa gắn trước xe máy, giọng thu sẵn dẻo qoẹo:
Cóc vàng, cóc vàng chà bông đê... Các nhà có con nhỏ, các cổng trường mẫu giáo,
nhà trẻ, tiểu học... là nơi dân “cóc vàng” lấy làm “mục tiêu” chinh chiến. Khi
có khách gọi là họ dừng xe, giá cả xong xuôi sẽ theo khách về nhà, làm thịt, chế
biến dưới sự giám sát chặt chẽ của những ông bố bà mẹ thương con. Mấy cách chế
biến tôi kể phía trên xưa rồi, giờ chủ yếu là làm chà bông (ruốc) cóc. Tùy từng
nhà, nhà “có điều kiện” thì chỉ lấy mỗi cặp đùi, nhà bình bình thì chỉ vất đầu
và bàn chân, còn thì xay hết. Thịt sau khi làm sạch, được bóp muối rồi dấm hoặc
chanh, để khô thì dùng máy xay. Xay xong thì bắc bếp rang. Rang xong thì giây để
lọc những mẩu xương sót lại, rồi đóng lọ kín. Của đáng tội, cóc làm thành ruốc
rất thơm và (có lẽ) cũng ngon nên thấy các bà mẹ rất hay làm cho con. Cũng
không rẻ đâu, nghe nói mấy triệu một ký thành phẩm. Nhưng có hề gì, miễn là cục
cưng của họ trông thấy cơm (cháo, bột) là toe toét cười xông tới, ăn thun thút
như trẻ con năm... 45, miễn là hàng tháng đặt cục cưng lên cân thấy tháng sau
khác hơn tháng trước theo chiều hướng tăng lên. Có nhà lấy số điện thoại của thợ
bán cóc, hết lại gọi. Mới tháng này tháng sau điện đã thấy “Nhà iem đang ở Vũng
Tàu, hoặc là chờ mươi ngày nhà iem quay lại, hoặc để iem bảo “đồng nghiệp” iem
đang ở đấy đến làm”. Các bà mẹ cẩn thận bao giờ cũng cương quyết chờ “nhà iem”
quay lại, bởi đã tin thì tin luôn cho được việc...
Cũng
bày tỏ sự lo lo khi mà cóc bị bắt thế thì có mất cân bằng sinh thái không, gã bạn
cười hô hố bảo: ông lo bò trắng răng. Giờ có hẳn những trang trại nuôi cóc nhé.
Ơ thế thì sẽ đến lúc người đi bán cóc sẽ phải rao: Cóc vàng tự nhiên đê, không
phải cóc nuôi đê... Bởi dân ta quen rồi, gà thì ăn gà đồi, gà đi bộ, leo cây, lợn
thì lợn cắp nách, lợn bản, vịt thì vịt giời, đến con cá giờ cũng chọn đúng cá đồng
chứ cá nuôi là... quên đi, dù quả là ngày xưa, năm một lần hợp tác xã tát ao
vào dịp tết nhà ai cũng hân hoan đi chia phần. Mà cá trong ao hợp tác chả cá
nuôi thì cá ở đâu???
Và
cũng không phải bà mẹ nào cũng dám cho con ăn thịt cóc từ những người bán cóc dạo
như thế, nhỡ đâu đấy, rồi lại ân hận cả đời. Ừ nhỉ, sao không có một cơ sở uy
tín nào đó chế biến thịt cóc thành ruốc như cái thời bán bột cóc ấy nhỉ? Giờ
cái gì cũng cần thương hiệu, chỉ những ai gan... cóc tía mới đánh cược tính mạng
con mình vào mấy người bán cóc dạo. Làm xong nó đi đâu mất hút, mình với ruốc
cóc với con mình ở lại...
Nhưng
vẫn nhớ hồi bé tí, được dạy câu: Con cóc
là cậu ông trời/ ai mà đánh nó thì trời đánh cho... chỉ thế mà thấy cóc là
cứ khép nép, không dám hành nó, thậm chí kiếm thức ăn nuôi nó như nuôi vật
thiêng trong góc nhà...
1 nhận xét:
Lạy chúa trời, nước VN mình suýt mất một nhà thơ lớn từ khi nhà thơ đang còn nhỏ.!!!Chỉ vì ăn thịt Cậu Giời!!!!
Đăng nhận xét