Nhỏ,
nhỏ lắm, nhưng vẫn đủ để trí óc non nớt ngày ấy ghi lại đến giờ cái cảnh chờ tết
đến. Sơ tán trong một vùng núi Thanh Hóa, những dãy nhà tập thể ẩn dưới gốc những
cây trám cổ thụ, những ngày giáp tết lạnh quắt tai, run lập cập dưới những lần
áo dày cộp. Chúng tôi là con cán bộ còn đỡ, chứ trẻ con vùng ấy, cứ phong phanh
một manh áo, dong trâu bò vào khu tập thể chúng tôi ở thả rồi lân la chơi với
chúng tôi.
Nhà
nào cũng quây lấy một mảnh vườn con con trồng rau, và cái chuồng cũng be bé để
nuôi gà dù tôi nhớ vùng ấy rất nhiều con lon- tiếng địa phương- tôi đồ chừng đấy
là chồn cáo gì đấy, bắt gà rất tài. 2 cân thịt nhà máy chia, vài con gà, chục củ
su hào, mấy cái bắp cải... thế là hân hoan tết.
Phải
đúng sáng mùng một thì chúng tôi mới được mặc quần áo mới. Thường thì là cái quần
xanh sĩ lâm bằng vải chéo (chả hiểu sao lại gọi cái màu xanh ấy là xanh sĩ
lâm), một cái áo phin màu trứng sáo- những cái màu hợp với việc xà phòng khan
hiếm, và cả chiến tranh nữa. Giờ đi máy bay mới biết là, ở trên cao nhìn xuống
thấy mọi thứ đều bé tí, là cái lúc đã giảm độ cao để máy bay lao xuống ấy, thế
mà ngày xưa, cứ chuyền tai nhau, và thành nguyên tắc, không được mặc áo trắng,
không đội nón trắng. Đến cái vành xe trắng lóa cũng phải bọc lại, đeo đồng hồ
cũng phải lấy khăn mùi xoa quấn lại, để... máy bay Mỹ không thấy. Và nguyên tắc
của mẹ tôi, bao giờ bộ quần áo tết cũng dài rộng hơn khổ người lúc ấy, để... mặc
được lâu, đến khi rách vẫn vừa, thậm chí chật mà chưa rách thì em trai mặc.
Xúng xính, ai nghĩ ra cái từ ấy hay thật. Rộng thì mới xúng xính. Đi từ đầu đến
cuối dãy tập thể, rồi là sang dãy khác, toàn nhà tranh tre nứa lá, mỗi gia đình
được một gian, nhưng không được vào nhà ai. Điều này đã được người lớn huấn thị
từ hôm bắt đầu chộn rộn tết. Cái sự khoe bộ quần áo mới nó còn tiếp diễn đến hết
tết kia. Áo phải xăn tay, quần phải xăn ống, bỏ áo trong quần túm lại như con ếch,
thế mà vênh vang, thế mà hãnh diện, cứ lang thang hết sân dãy này sang dãy khác.
Tất nhiên con nhà khác cũng lang thang như thế, khoe mà. Thế nên hiểu được cảm
giác đứa nào tết mà không có quần áo mới nó tủi thân đến như thế nào? Tết trẻ
con thời chúng tôi nó giản dị vậy. Thế mà năm nào cũng mong tết, có cảm giác trẻ
con thời ấy mong tết hơn trẻ con bây giờ. Cũng có thể là tại đói quá, tết thì
được ăn no và ngon. Mặc đẹp thì đương nhiên. Lạnh thế nhưng đã mặc bộ quần áo tết
vào rồi thì cương quyết không mặc áo bông bên ngoài nữa. Thế mà nhiều nhà tết
không có nổi bộ quần áo tết cho con đâu. Hồi ấy phần đông là đẻ nhiều, có nhà
năm sáu đứa con, mà phiếu vải cung cấp người lớn được 4 mét một năm, lấy đâu ra
cho đủ. Nên tôi vẫn còn là loại sướng vì nhà chỉ có 2 anh em trai, tết nào cũng
có một bộ quần áo mới.
Tết
hồi ấy còn cái thú nữa là đi xem... tát ao. Chúng tôi là dân sơ tán nên chỉ đứng
trên bờ nhìn, còn trẻ con nông thôn thì ùm ũm lội dưới ao hôi cá. Các ao này là
của hợp tác xã, được bảo vệ rất nghiêm ngặt, mỗi năm được tát một lần vào dịp
giáp tết, thường là 27 hoặc 28 âm lịch để chia cá cho dân ăn tết. Tát ao là một
ngày hội, bởi có cá, có ao, có người, có không khí, có cái rét căm căm xứ bắc lẫn
cái nồng nã náo nhiệt của hàng trăm con người dồn xuống cái ao chỉ còn lấp xấp
nước và bùn và cá... có khi còn vui hơn tết, bây giờ chả đâu còn không khí này
nữa...
Sau
này lớn, về quê ở Huế thì lại hưởng một không khí tết hoàn toàn khác.
Tết
Huế gắn liền với... cúng. Mấy ngày tết ngày nào cũng phải cúng. Làm gì thì làm,
sáng mở mắt ra là đã phải làm đồ cúng, tất nhiên chỉ toàn phụ nữ làm. Nếu ngoài
Bắc đàn ông con trai cũng có thể vào bếp thì ở Huế tuyệt đối không. Đàn ông chỉ
dọn bàn thờ và sắp cỗ. Trừ mùng một không nổi lửa, cúng chay, toàn các loại
bánh, còn từ mùng hai trở đi thì cúng mặn. Nhà tôi ít người, mà cái sự ăn uống
ngày tết thì nó khảnh, vì lúc nào cũng có cảm giác no, nhưng bao giờ cũng phải
thửa các mâm cỗ cúng tươm tất. Mà nào có phải một mâm. Phải ba bốn mâm, từ trên
bàn thờ đến trước bàn thờ đến ngoài sân ngoài ngõ. Cúng xong thì làm gì mới
làm, đi đâu mới đi. Nhà tôi ở quê, cách Huế gần bốn mươi cây, nên các phong tục
còn giữ rất là nghiêm ngặt. Đàn ông đàn bà đã trên 40 tuổi thì đi chúc tết cứ
phải áo dài khăn đóng. Đến nhà chúc tết thì việc đầu tiên là... lạy bàn thờ. Là
bởi phần lớn bà con họ hàng đến thăm nhau trong ba ngày tết, nên các cụ trên
bàn thờ không là bác ông này thì cũng là cậu cô kia. Nhưng kể cả không họ hàng
gì thì người ta vẫn thắp hương lạy bàn thờ trước, như một mỹ tục...
Còn hàng xóm
thì thường sau 23 tháng chạp, sau
khi từng nhà cúng ông Công ông Táo, chọn một ngày nào đó, mỗi nhà trong ngụ
(ngõ) cử một vài người làm vệ sinh ngõ. Đổ đất, chặt cây, quét tước, và cuối
cùng là cúng. Mỗi nhà góp một ít, cúng xong thì ngồi với nhau. Cả năm đầu tắt mặt
tối, tiếng là sát nhau trong ngõ, có gì ới nhau qua hàng rào, nhưng ngồi với
nhau ở một cái buổi chiều vừa thanh thản vừa bận rộn như thế này thì chỉ một
năm một lần. Cũng khăn đóng áo dài, cũng kính trên nhường dưới, cũng thiêng
liêng mà gần gụi... Có những gì xích mích trong năm thì bỏ qua, có gì hiểu lầm
thì bày tỏ, rồi ly rượu cuối năm khiến mọi người thấy nhau như người một nhà,
tan cuộc cúng ngụ thì thấy tết như đã tràn ngập…
Người
Tây Nguyên bản địa không ăn tết như người Kinh. Họ có hệ thống lễ tết riêng, có
hẳn những tháng Ning Nơng, tức là cả tháng ấy chỉ ăn chơi, không làm gì cả. Lễ
hội của họ phần lớn là dồn vào tháng này. Nó thường diễn ra vào cữ tháng ba
tháng tư dương lịch. Nhưng bây giờ, họ cũng có thêm cái tết Nguyên đán như người
Kinh. Thứ nhất là do học người Kinh, ở cùng làng cùng xóm cùng khu phố, thấy
người Kinh tổ chức tết thì mình cũng làm. Thứ hai là chính quyền năm nào cũng cấp
tiền cho từng làng người bản địa tổ chức tết nguyên đán cho bà con, ít nhất
cũng vật một con heo, dăm bảy ghè rượu. Thế là tết.
Đấy
là dưới làng, còn ở thành phố thì tết Nguyên đán muôn hình vạn trạng. Bởi cư
dân ở các đô thị Tây Nguyên chủ yếu là dân góp, từ khắp nơi tụ đến, mỗi vùng
góp vào một sắc thái tết, có cả miền Bắc miền Trung và miền Nam. Cái thời còn
khổ thì giáp tết nhà nào cũng huỳnh huỵch đổ bánh thuẫn, làm mứt các loại, trữ
rượu ngâm với tất cả các loại con gì ngọ nguậy có trên đời. Người gốc Bắc thì
làm giò thủ dưa hành, người Trung thì bò thưng hoặc tai heo ngâm nước mắm, người
Nam thì thịt heo kho hột vịt, tôm khô củ kiệu... tất cả đều với mục đích là...
để đưa cay ngày tết. Giờ nhu cầu ăn ít đi, chỉ còn nhu cầu chơi và... thăm
nhau. Mà cái món thăm nhau cũng khổ. Vừa gặp nhau hôm qua, quần đùi áo cộc bá
vai bá cổ chén chú chén anh, hôm sau năm mới, đã lại trịnh trọng com lê sang
xoa tay thưa gửi chúc tết như là... vài năm chưa gặp. Phong tục ấy cũng đẹp,
nhưng nhiều khi nó làm cho con người mệt. Vào nhà này không thể không vào nhà
kia. Nhà nào cũng muốn “thể hiện” nên bao giờ cũng “có cái này hay lắm”, tức là
rượu và mồi. Anh nào cũng khoe rượu nhà anh ấy ổn nhất, bia xịn nhất, món đưa
cay bà xã làm (hoặc mua từ... nước ngoài) độc nhất. Thế là ít thì một ly, nhiều
thì... vài ly. Dăm nhà là đã chân đăm chân chiêu lộn xộn, mà còn lái xe, chở vợ
chở con. Mà nào có ít quan hệ, cơ quan nhé, hàng xóm nhé. Thế nên có một số thủ
trưởng cơ quan cấp tiến, ngày tất niên cơ quan nói luôn: Hôm nay chúng ta gặp
nhau, chúc tết nhau, rồi thôi, mấy ngày tết để dành cho gia đình, vợ con nhé.
Nhân viên vỗ tay ầm ầm vì được giải đúng cái điều mà họ rất muốn nhưng không
dám đề đạt. Vậy nên năm nào cũng có mục thống kê tai nạn giao thông trong từng
ngày tết. Chạy như... đảo nợ thế, uống lai rai cả ngày thế, chất ba chất bốn
trên xe thế, ken nhau ngoài đường, không tai nạn mới lạ.
Tết
lịch sự nhất, đúng nghĩa nhất là được chơi. Chả vậy mà nhiều gia đình cấp tiến
cứ để dành tiền, tết là đi du lịch. Chúng ta chứng kiến, năm nào cũng thế, cứ tết
là các bến xe bến tàu đông nghịt người, là các xe nhồi xe nhét, là lỉnh kỉnh đồ
lề về quê. Phong tục Việt là thế, không thể bỏ được. Là người từng cũng đã hàng
năm từ Pleiku về ăn tết với ba mẹ ở Huế, rồi giờ các con lớn ở hết trong Sài
Gòn nên cứ mong tết nó về với mình, tôi thấu hiểu cái phong tục cũng như tình cảm
thiêng liêng của người Việt với tết. Nó là đoàn tụ, là vinh dự tự hào với bà
con hàng xóm, là nghĩa cử với tổ tiên, là sự khát khao dồn nén những dự định,
những ước mơ... với quê, với gia đình. Có gia đình trẻ đi làm ăn xa, tết không
đủ tiền về quê vẫn phải vay mượn để về. Phần thì mua vé, phần thì mua quà, rồi
đã mang danh đi làm ăn xa về thăm bà con cũng phải có chút tiền lì xì... những
thứ ấy nó vừa ấm áp vừa nghĩa tình, nhưng mặt nào đấy, nó hành con người khổ
quá. Cứ nhìn những chuyến xe lặc lè xuyên Việt, những bến ga bến tàu người vạ vật
như chạy nạn, thì thấy tết mất hết thi vị, mất hết ý nghĩa. Khu vực miền Trung là
nơi người đổ về quê ăn tết đông nhất. Từ hai đầu đất nước đổ về, chứng tỏ vùng
này nghèo, nhưng lại cũng đầy tình nghĩa quê kiểng xóm làng. Nghĩ cho cùng, quê
chính là nơi lưu giữ ký ức của con người kỹ nhất, sâu đậm nhất, nó giúp cho con
người có chốn để neo mình trong những ngày mưu sinh khốn khó, cũng là nơi để
con người le lói niềm tin mỗi khi gặp trắc trở trên hành trình kiếm ăn dằng dặc.
Và cũng chính nó khiến con người tiêu tốn nhiều năng lượng tiền của vào đấy nhất.
Nó vừa là nơi con người phải quay lưng ra đi, nhưng lại cũng là nơi những người
ấy luôn đau đáu hướng về. Đấy chính là mâu thuẫn rất lớn của người Việt, và đấy
cũng chính là bản sắc người Việt. Nó làm cho chúng ta thương tết hơn, nhớ tết
hơn, khao khát tết hơn, nhưng phần nào đấy, cũng... ngại tết hơn.
Thì
thế, tết, nó mới quyến rũ, mới khiến ta nao nao mỗi khi những tờ lịch cuối cùng
của cuốn lịch tường rơi xuống...
2 nhận xét:
Bạn Hùng không còn tấm ảnh nào mới hơn hay sao mà cứ đăng tới đăng lui những tấm ảnh đó mãi vậy !
Đọc miễn phí mà còn đòi hỏi cao quá bạn nguyễn duy lưu? huhu
Đăng nhận xét