Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

CHUYỆN CÁC NGHỆ NHÂN DÂN GIAN TÂY NGUYÊN



           Tất nhiên như đã nói, họ không phải là những người bình thường. Hàng ngàn người mới có một người có khả năng như thế. Nhưng họ lại cũng là những người vô cùng bình thường. Thậm chí quá đỗi bình thường. Có vẻ như cái máu văn chương nghệ thuật nó vận nên hầu như ông nào cũng... nghèo...

          Một đêm khan.
          Khan, H’ri, H’amon... là một loại hình hát kể dân gian mà người Kinh hay gọi là trường ca, và bây giờ thì gọi là sử thi. Đã có những dự án sưu tầm bảo tồn sử thi rất lớn, rất nhiều tiền được thực hiện, đến mức có thời, có người từng kêu lên sử thi có phải... củ mì đâu mà nhiều thế? Nghe nói ở đất nước Phần Lan có mỗi cái sử thi Kalevala và nó đã nâng tầm đất nước ấy lên nổi tiếng khắp thế giới. Ở nước ấy ai cũng có thể hát cái sử thi này như hát các bài hát đương đại nổi tiếng.

          Hãy thử hình dung thế này, thời xưa, rất xưa ấy, các buôn làng Tây Nguyên ở biệt lập trong rừng, làng nào biết làng ấy, các phương tiện hiện đại chưa có. Người ta chế ra các nhạc cụ để chơi, từ các loại đàn, rồi chiêng (vốn dĩ chiêng ban đầu không phải là nhạc cụ), và cũng như các dân tộc cổ xưa khác trên thế giới, người ta kể lại các câu chuyện vừa được truyền tụng, vừa nghĩ ra tức thời lúc ấy.

          Không phải ai cũng có thể làm việc ấy, tất nhiên. Mỗi làng chỉ chừng vài người. Bởi những người này phải đa tài. Có trí nhớ tuyệt vời, có khả năng ứng tác siêu phàm, có giọng tốt và có thể giả nhiều giọng của nhiều nhân vật trong câu chuyện, có khuôn mặt biết biểu cảm, biết cách sử dụng chân tay minh họa hợp lý...

          Và họ tận dụng ánh lửa của cái bếp ở giữa nhà sàn luôn luôn phập phù tối sáng. Trên cái nền ấy, nghệ nhân nửa nằm nửa ngồi, ông cất giọng hát, kể lại câu chuyện ông đã nhớ trong... bụng, hoặc ứng tác ngay câu chuyện mới gặp buổi chiều. Dân làng ngồi xung quanh, thi thoảng ồ lên, thi thoảng cười như nắc nẻ, thi thoảng thút thít...

          Mỗi câu chuyện như thế có thể kể đêm này sang đêm khác, tháng này sang tháng khác, nếu còn người nghe. Mà dân làng thuở ấy, tối không mang đàn goong đến nhà cô gái nào đấy thủ thỉ, không mang Klong Pút ra sân vỗ, không lấy T’rưng đi ra suối chơi, không Đinh Jơng khắc khoải ở rìa làng... thì biết làm gì nếu không đến nhà ông hàng xóm có tài (sau này ta gọi nghệ nhân) để nghe ông kể chuyện? Có bốn thứ có thể gọi là đạo cụ để tạo nên một đêm khan như thế, là lửa như đã nói, là cái bức vách của cái nhà sàn, nó hắt cái hình hài ảo mờ của ông nghệ nhân lên đấy, là rượu cần, ghè rượu lúc nào cũng có người chuyền tay nhau cái cần để vừa nhâm nhi vừa nghe/ nhìn, và cuối cùng là... thuốc lá. Hầu như dân làng ai cũng hút thuốc lá, từ đàn ông, đàn bà cho đến cả trẻ con. Khói thuốc vẩn lên làm thành một màn sương khói ảo diệu và cả cái mùi đặc quánh của thứ thuốc tự trồng nặng khé cổ ấy nữa, nó tạo nên một không khí rất riêng của những đêm khan. Tôi đã có nhiều đêm lẫn trong những đám đông dân làng ngồi/ nằm nghe/ xem nghệ nhân kể như thế, vừa để thỏa trí tò mò, vừa làm cái việc là sưu tầm lại với tư cách là người làm văn hóa dân gian...


          Một cuộc thi chỉnh chiêng.

          Không cần nhắc lại chuyện ai cũng biết rằng, người Tây Nguyên đã có không gian văn hóa cồng chiêng được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng bản thân người Tây Nguyên không làm ra chiêng, chiêng là họ đi mua của người Kinh, người Lào và cả Myanmar.

          Muốn chiêng trở thành là của mình, người Tây Nguyên đã sản sinh ra những nghệ nhân chỉnh chiêng tuyệt vời. Họ, chứ không ai khác, đã biến những cái chiêng, như chiêng của người Kinh chẳng hạn, chỉ là những dụng cụ tầm thường, trở thành cái thứ nhạc cụ để giờ chúng ta phải trầm trồ kia.

          Nhưng không phải ai cũng có thể chỉnh chiêng (một số nhà khoa học còn gọi là lên dây chiêng), mà mỗi làng, thậm chí cả vùng, may lắm chỉ có một người có khả năng ấy.

          Năm nào đó, tỉnh Gia Lai tổ chức một cuộc thi chỉnh chiêng rất lớn, ngoài các nghệ nhân khắp vùng được mời về trình diễn, thi thố, còn có rất đông các nhà khoa học nổi tiếng, cả ở nước ngoài về, chứng kiến. Bỏ qua những ý kiến khác nhau về việc có nên tổ chức thi thố như thế không, có nên mang cồng chiêng ra khỏi môi trường của nó không, thì cuộc thi chứng tỏ một điều, là các nghệ nhân chỉnh chiêng là có thật, họ  có những khả năng siêu phàm khi chỉ cần một chiếc búa nhỏ có 2 đầu một nhọn một tù, đôi tay và đôi tai đặc biệt, thế là từng chiếc chiêng đơn lẻ dõng dạc hợp thành một dàn chiêng đồng nhất với một chỉnh thể âm thanh hoàn chỉnh, rất nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về nó. Bằng khả năng trời cho, họ nghe tiếng từng cái chiêng một, rồi dùng một tấm chăn đặt dưới để đỡ chiêng, chiếc búa nhỏ cỡ ngón tay cái, họ gõ theo một linh cảm đặc biệt, gõ theo vành chiêng, cứ thế lần lượt từng cái cho đến khi cả dàn chiêng thành một thể thống nhất. Tôi có dịp tháp tùng nhiều nhạc sĩ nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng, và đến màn chỉnh chiêng, nhiều ông chắp tay... vái các nghệ nhân.

          Và bởi thế nên các nghệ nhân chỉnh chiêng rất hiếm, có khi cả vùng rộng lớn cỡ nửa tỉnh mới có một vị. Một thời gian dài cồng chiêng bị cất nhiều hơn chơi, bán nhiều hơn giữ, nên các nghệ nhân càng mai một. Có một ông người Jrai tên Nay Phai ở huyện Krông Pa, Gia Lai nhưng thường xuyên được vời qua các huyện ở Đăk Lak để hành nghề, muốn gặp ông này khó hơn gặp... Yang.


Nghệ nhân là ai?

          Tất nhiên như đã nói, họ không phải là những người bình thường. Hàng ngàn người mới có một người có khả năng như thế. Nhưng họ lại cũng là những người vô cùng bình thường. Thậm chí quá đỗi bình thường. Có vẻ như cái máu văn chương nghệ thuật nó vận nên hầu như ông nào cũng... nghèo.

Ông Đinh Gang, người đã giúp chúng tôi trong việc kể liên tục cả tuần lễ cái hơ a mon Diông Dư, sống ở làng Hơrn, huyện Kông Chro là một ví dụ. Đấy là một người đàn ông có trí nhớ đặc biệt và năng khiếu hát kể đặc biệt với một chất giọng đặc biệt. Một người mà hội tụ đủ các phẩm chất ấy quả là quý hiếm trong mọi thời đại. Ban ngày ông vào rừng lấy mây về mang ra chợ bán. Mà cũng chả được bao nhiêu vì sức khỏe yếu, ban đêm thì uống rượu và hơ a mon, ban đầu thì dân làng nghe khá đông, sau thì thưa dần vì có tivi thay rồi, và cả vì Đinh Gang... đói nữa. Thanh niên bây giờ đã có nhiều thú vui hiện đại khác, mà cái mốt đang hiện hành ở các làng dân tộc là đốt một đống lửa, ngồi quanh đấy, mỗi người đeo một cái cát xét to đùng mở nhạc oang oang. May có mấy ngày chúng tôi về sưu tầm, mời Đinh Gang hát kể, Đinh Gang như người trẻ lại, vì nhiều lẽ, thứ nhất là anh được hơ a mon. Cái giống mà đã có năng khiếu, đã thuộc nhiều trong bụng như thế mà lâu không được hát lên kể ra nó buồn lắm, ấm ức lắm, như là bị chướng bụng, bị ung thư, bị trời hành... thứ nữa là có... tiền. Anh thật sự mừng, số tiền nhỏ nhoi theo chế độ nhưng cũng bằng hàng trăm ngày anh lặn lội vào rừng lấy mây rồi đèo rồi gùi ra chợ thị trấn vật vạ bán. Anh đã mất cách đây mấy năm trong sự ngỡ ngàng của chúng tôi.

Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hiện nay có bảy ông nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong “tước” nghệ nhân. Nhưng ngoài cái danh hiệu ấy các ông chả có một chút tiêu chuẩn chế độ gì. Một cán bộ nghiên cứu của tỉnh Gia Lai đã có sáng kiến kêu gọi mọi người đóng góp để có thể có một khoản tiền giúp các nghệ nhân mỗi tháng một người 300 ngàn. Ba trăm ngàn với một người bình thường thì có thể nó rất bình thường, nhưng với các nghệ nhân này thì đấy quả là một “món” không hề nhỏ. Hỏi nghệ nhân A Đăng sinh năm 1940 ở làng Kon Jơdri, xã Dak Rơwa, thành phố Kon Tum rằng ông dùng 300 ngàn này làm gì, bảo để tôi mua gạo ăn. Nghệ nhân A Tik sinh năm 1935 ở làng Kon Rơ Bang, xã Vinh Quang, Kon Tum thì cho biết sẽ mua thuốc để uống. Ông bị nhiều bệnh, chân không đi được, khi chúng tôi vào thăm và tặng ông chút quà, ông rất vui nhưng không thể đứng lên để đón. Nghệ nhân A Lưu cũng thế, bảo còn mấy cái Hơ a mon trong bụng nữa nhưng mệt quá rồi, không hát nổi nữa. Các cụ nghệ nhân này đều đã được nhận “lương” xã hội hóa mỗi cụ 300 ngàn như thế đến hết tháng 1 năm 2016, rồi lại tính sau.

Chúng ta đã bỏ ra rất nhiều tiền để bảo tồn văn hóa, nhưng có vẻ, cái gốc của vấn đề vẫn chưa được quan tâm, ấy là đời sống của các nghệ nhân. Họ chính là những người lưu giữ cái mà chúng ta cần “phát huy bảo tồn”, nhưng chính họ, có vẻ như đang đứng ngoài sự “bảo tồn” của chúng ta...

                                                         

Không có nhận xét nào: