Thứ Tư, 3 tháng 2, 2016

NHỮNG GƯƠNG MẶT QUEN MÀ LẠ



          Tôi đọc một hơi ba tiếng đồng hồ trong một đêm cuối năm gió Cao Nguyên ào ào thổi, lá bay lảo đảo trên những con đường vàng ánh điện thì hết cuốn “Những người thơ tôi yêu” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế. Thú thật là ban đầu vì nể nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mà đọc. Gặp nhau ở Hà Nội, giữa một bàn toàn văn nhân lừng lững, ông Tạo dúi cho cuốn sách 212 trang và bảo mang về đọc, nhiều bài đáng đọc. Liếc cái bìa gấp lại thấy giới thiệu ông Nguyễn Ngọc Quế nguyên trưởng bộ môn toán trường cấp 3 Lam Sơn Thanh Hóa thì lại càng ngại. Mấy ông toán đã làm thơ thì rất hay, điều ấy thì các ông Thạch Quỳ, Vương Trọng, Nguyễn Ngọc Quế đây đã chứng minh, nhưng viết phê bình thì... chưa chắc. Nhưng liếc thấy 15 chân dung trong tập sách thì có đến 13 bác tôi từ quen, biết đến thân nên đọc thử.

          Và hết vèo trong 3 tiếng đồng hồ.

          Lại phải xin vân vi tí.

          Hồi phổ thông tôi học ở trường cấp 3 Hậu Lộc, Thanh Hóa, học Văn với thầy Vĩ. Cách đây mấy năm tôi về trường dự kỷ niệm 35 năm ra trường, tìm đến nhà thăm thầy, giờ về hưu ở xã Tiến Lộc. Một ngôi nhà cũ, cái sân gạch còn cũ hơn. Và thầy cũng... cũ. Thầy rất mừng, gọi cô về khoe: đây là cậu học sinh cưng của tôi.  Thầy tự hào lệ khệ bê ra cuốn sách dày như cục táp lô khoe với tôi là thầy có thơ in trong ấy. Tôi nhớ hồi đi dạy thầy đã làm thơ, thi thoảng có thơ in ở tạp chí Văn hóa Thanh Hóa, có lần thầy nhờ tôi chép thơ của thầy từ sổ tay này sang sổ tay kia, và, bắt chước thầy, tôi cũng... làm thơ từ dạo ấy. Tập thơ ấy là của một câu lạc bộ thơ in, thầy có mấy bài kèm ảnh và tiểu sử. Thầy bảo: các anh thơ khác, tôi thơ khác, nhưng tôi có đến 3 học trò là hội viên hội Nhà Văn Việt Nam đấy. Và thầy kể: Trịnh Thanh Sơn này. Tôi reo lên: em có quen. Giờ anh Sơn đã mất. Nguyễn Ngọc Quế này. Tôi lại reo lên: em có biết. Và người thứ 3 là tôi, thầy bảo thi thoảng vẫn nghe thơ tôi trên đài. Tôi bảo thầy là nhà thơ thì dạy ra học trò làm thơ cũng đúng thôi, thầy bảo nhưng tôi là thơ câu lạc bộ- là thầy nhận thế, chứ chính những vần thơ của thầy hồi tôi chép đã gợi hứng cho tôi cũng làm thơ từ dạo ấy, ví dụ 2 câu kết của 1 bài thơ tả trăng  của tôi hồi ấy: Sao nhiều trăng sáng thế này/ Thì mai ắt hẳn là trời nắng to...


          Giờ đọc xong cuốn sách mới nhớ chi tiết ấy, lọ mọ tìm số gọi cho nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế hỏi, ông reo lên, đúng rồi, ông Sơn học trước tôi 2 lớp, hồi ấy thầy Vĩ dạy ở cấp 3 Nga Sơn.

          Tôi học sau ông Sơn, ông Quế dễ cả chục năm.

          Cái ông Toán mà viết phê bình nó cũng khác.

          Không cảm xúc miên man, không lên bổng xuống trầm, không trích dẫn dài dòng... Nguyễn Ngọc Quế hoạch định hẳn một phương cách rất toán học là khi đọc thơ tập trung tìm 2 thứ tinh túy trong ấy, là những câu thơ đẹp và những câu thơ hay. Ông lập luận: “Những câu thơ đẹp cho ta cảm phục về kỹ thuật, lập từ, chọn tứ, dựng hình ảnh của nhà thơ. Còn những câu thơ hay nó giản dị, gọn lời, tụ ý lay động tâm can. Đọc những câu thơ hay ta ứa nước mắt nghĩ về phận đời, phận người, phận dân tộc mình”.

          Và quả là ông nhặt ra được rất nhiều câu thơ hay và đẹp của những người thơ ông yêu.

          Có những câu thơ tôi thuộc từ hồi rất nhỏ nhưng không biết của ai, giờ đọc ông mới biết, ví như câu này đã nằm trong sổ tay văn học của tôi từ hồi tôi chưa biết... nhớ “Ôi cái nhớ sao mà kỳ diệu/ Ôi cái thương sao khéo mặn mà/ Có phải lúc xa nhau mới hiểu/ Nỗi lòng người trong những phút giây qua”. Thế hệ chúng tôi, thuở mới nhu nhú, xốn xang, không có nhiều thơ tình như ngày nay đâu ạ, những câu thơ của chị Hoàng Thị Minh Khanh mà tôi vừa dẫn trên, nằm đầy trong sổ tay bọn yêu thơ và bọn sắp yêu thời ấy.

          Có những câu thơ cũng thuộc từ hồi nào, nhưng giờ qua cái nhìn của ông, qua cách cảm của ông, hoặc ông chẳng cảm gì cả, chỉ là bày nó ra trong một trường liên tưởng, bỗng thấy nó lung linh hẳn lên, tinh khôi như mới gặp lần đầu: “Con Bìm bịp kêu Nam, con Đa đa kêu Bắc/ Câu thơ đi tiền trạm những hồn người”- Tôi được chơi với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từ rất lâu, thuộc nhiều thơ ông, chứng kiến ông làm nhiều bài thơ mới, nhưng cái câu “Câu thơ đi tiền trạm những hồn người” thì nó rời rợi trong tôi một cái gì vừa rất buông xuôi lại ngúc ngắc quẫy đạp, nó khiến tôi ngẩn ra để soi lại thơ, có cái nhìn khác về thơ, vừa nghiêm túc vừa linh thiêng nhưng lại như ngẫu nhiên, bất chợt.

          Biết Trần Quang Quý với những “Giấc mơ hình chiếc thớt”, “Siêu thị mặt”, “Màu tự do của đất” nhưng đọc đến những câu Nguyễn Ngọc Quế trích cứ thấy lạ lạ, như không phải Trần Quang Quý: “Tức tưởi những bờ tre rụng tóc/ Mồ hôi làng trằn trọc chảy sang tôi...”, hoặc “Mùa thu xa nhau, mùa thu rất rộng/ Rót bao nhiêu thương nhớ cũng không đầy...”.

          Từ hồi còn ở Thanh Hóa tôi đã chép trong sổ tay mấy câu thơ chả biết của ai: “Anh muốn đời bay trên đôi cánh mạnh/ Cho hồn đi cao cho trí đi xa/ Em có đến hãy là gió nâng đôi cánh/ Bão tố nắng mưa ta cùng qua”. Đấy cũng là thơ tình hồi ấy đấy ạ, rất lập trường rất dứt khoát, cứ phải là giúp nhau tiến bộ. Tôi thuộc làu và cũng đã... lén gửi cho mấy cô gái học cùng. Sau mới biết là của nhà thơ Anh Chi. Sau này cũng có quan hệ công tác với ông thời ông ở liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhưng đến giờ đọc sách của ông Quế mới hiểu thêm nhiều về Anh Chi. Trước đấy cứ thấy Anh Chi như anh giáo cần cù mẫn cán với các công việc mở lớp mở trại cho liên hiệp, trầm trầm như người ở đâu mới đến. Té ra ông vừa là người công nhân đúng nghĩa, vừa là nhà thơ, nhà nghiên cứu, mà ông nghiên cứu một cách lặng lẽ về những chuyện cũng lặng lẽ:  Tư liệu về Tiểu thuyết thứ 5, về Lê Tràng Kiều, về Quỳnh Dao... những sự việc, những văn tài bị vùi lấp. Ba ngàn trang trong sáu đầu sách khảo cứu là một số lượng rất kinh trong thời buổi hiện nay.

          Cũng mới cách nửa năm, tôi mới ngồi với nhà thơ Định Hải. Chính xác là ông “cố” ngồi với chúng tôi, đám nhà thơ biết uống rượu và... nói to, còn ông cứ lặng lẽ khuất vào một góc dù trong đám ấy, ông trưởng thượng nhất. Nhưng cũng nhờ đọc ông Nguyễn Ngọc Quế, tôi mới biết rằng mình chẳng biết gì về nhà thơ  Định Hải cả, ngoài bài thơ của ông được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng “Trái đất này là của chúng mình”, nó nguyên thủy là bài thơ “Bài ca trái đất”, và không chỉ mình nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc, mà có đến hàng chục nhạc sĩ khác cùng làm, nhưng bài của Trương Quang Lục phổ biến hơn cả, nghe nói được dịch sang nhiều nước khác nữa.

          Là người xứ Thanh nên ông Quế dành đến 5/15 tác giả người xứ Thanh hoặc dâu Thanh là các nhà thơ Định Hải, Nguyễn Bao, Anh Chi, Trịnh Thanh Sơn, Hoàng Thị Minh Khanh (dâu) cũng là điều hợp lý. Các nhà thơ còn lại là Nguyễn Quang Thiều, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo, Võ Thanh An, Trần Quang Quý, Nguyễn Hoa, Nguyễn Hoàng Sơn, Đào Ngọc Phong và Vân Long.



          Tôi cũng đã từng viết về nhà thơ Vân Long với những câu thơ đẹp của ông (nhà thơ Vân Long từng làm ở báo Sức khỏe và Đời sống, kể cả khi ông về hưu), nhưng té ra ông còn nhiều câu thơ đẹp, hay và nén nữa. Ví như: Mùa thu này tôi lại tiễn tôi ư?/ Tôi một nửa sẽ ở đây vĩnh viễn/ Tôi con tàu và tôi hải cảng/ Ở và đi cùng một nhịp triều dâng. Hoặc: Trận mưa thu ào qua/ Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt. Hơn  bảy mươi tuổi, ông Vân Long vẫn có những câu thơ thế này: Đất nước im tiếng bom/ Lòng lại bày trận mạc/ Tươi tắn thế chả lẽ em là giặc/ Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua...

          Cái chịu khó của Nguyễn Ngọc Quế là ông... đọc hết thơ của người ông viết. Đọc rất kỹ, và rồi ông chìm vào đấy. Sau chìm thì... nổi lên, và đấy là lúc ông dùng cảm xúc nhà thơ, tri thức toán học, chính xác là sự tỉnh táo để nhận diện những câu thơ đẹp và hay. Thế nên, sau mỗi bài về một nhà thơ, trước khi kết thúc, ông thường có những gạch đầu dòng, liệt kê những câu ông thích của nhà thơ ấy. Quả là chưa phải tất cả các câu ông thích mọi người đã thích, nhưng có thể thấy ông chọn khá tinh và có lý. Chả thế mà khó tính như Nguyễn Trọng Tạo lại dúi cho tôi cuốn sách bảo đọc đi. Và  dù ngay với Nguyễn Trọng Tạo, có câu ông chọn tôi cho là chưa tiêu biểu như “Nỗi đau cây lây sang nỗi đau người”, hoặc “Trở lại Huế bước chân sầu vạn cổ/ Ngồi chuyện trò cùng ký ức lưu kho... nhưng ông đã vẽ lên được một Nguyễn Trọng Tạo ra chất “Tạo”. Hay như Hữu Thỉnh, có vẻ như Nguyễn Ngọc Quế vẫn “kính nhi viễn chi” nên người đọc cứ thấy hụt hụt thiếu thiếu thế nào, hay đấy là... chiến thuật của ông, chỉ gợi mở để người đọc tìm tiếp, tạo nên sự liên tưởng, hứng thú dây chuyền?...

          Nhưng rõ ràng, đây là cuốn sách hấp dẫn. Viết phê bình mà hấp dẫn là rất khó. Thế mạnh của một nhà thơ nhưng không... học Văn đã giúp Nguyễn Ngọc Quế làm được điều ấy. Anh không sa đà vào lý luận, lớp lang bài bản có sẵn, anh khai thác chính cảm xúc của mình. Nó có thể tươi nhiều tươi ít, nhưng nó là anh, và anh truyền được cái cảm xúc ấy đến người đọc. Điều nữa, anh viết bằng sự trân trọng của người viết với người viết, nên anh luôn hướng ánh mắt con tim của mình tới miền sáng của bạn thơ, nên dưới mắt anh, có khi những điều người khác khó chịu lại là cái để anh mổ xẻ và trân trọng.

          Rất khó để kết cái bài lan man hơn... tùy bút này, nhưng mà vẫn cứ phải kết bởi diện tích trang báo có hạn. Thôi thì lấy đoạn Nguyễn Ngọc Quế viết về Nguyễn Quang Thiều để kết vậy. Bao giờ ra Hà Nội, ít nhất cũng phải có một buổi ăn sáng cà phê với ông Thiều, nhưng đọc đoạn này, tôi mới hiểu ông Thiều hơn: “Thơ ông Thiều đến với chúng ta không phải ở câu chữ êm ái, vần điệu dịu dàng mà là bật mở một ý tưởng. Ý tưởng là sợi chỉ vàng dẫn cảm xúc đi. Người đọc phải dồn tinh trí bởi cùng dòng suy tưởng đó và như được uống ly rượu ngon say ngấm theo thời gian. Ông Thiều đang in một tập thơ lục bát đầy đặn. Bạn bè hay đùa: “Quay về cổ điển à?”. Ông Thiều tròn mắt quát “Không phải quay về mà là đang cố vươn tới tinh hoa hồn thơ dân tộc”.

          Và cũng cám ơn ông Quế vì ông đã lẩy ra câu thơ hay của ông Thiều mà tôi rất thích: Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ/ Tiếng gà buồn mổ rỗ hoàng hôn...
       
Thầy Vĩ đây bác Nguyễn Ngọc Quế
                                                                    

2 nhận xét:

Ngọc Khánh nói...

Bài này bác viết rất cảm xúc.
Cảm ơn bác

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn bạn ạ, hì