Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

RECYCLE BIN



        Tẩn mẩn giở ra vài trang, tôi thấy mình cũng ghi chép rất kỹ, từ giá gạo ở chợ lúc ấy, tại sao lại Thanh Hóa chứ không Thanh Hoa, tại sao chợ Đông Ba, cô gái Jrai cởi trần vú màu gì, tại sao núm có vẻ đen hơn các cô gái Kinh, voi giao phối ra làm sao, tại sao lại là Buôn Ma Thuột hoặc Ban Mê Thuột chứ không phải là Buôn Mê Thuột hoăc Ban Ma Thuột???
---------------------

          Đi đại hội Nhà Văn Việt Nam, trong túi quà được tặng, có một cuốn sổ tay.

          Vừa rồi đại hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam lại được tặng một cuốn như thế.

          Cả 2 cuốn đều đặt in riêng, từng trang đều có logo và tên đại hội, rất đẹp, sang và tiện dụng.

          Nhưng rồi, đều được xếp vào tủ, và không loại trừ, một lúc nào đấy, sẽ bị mang ra thanh lý như các cuốn trước đó.

          Nhưng nhân việc xếp vào tủ thì lại thấy mấy chồng sổ tay từ thời nào, ghi chép kín đặc, nhợt nhạt chữ vì nước có, vì mực phai màu có, quăn mép có, xộc xệch gáy có, bị xé từng đoạn có...

          Một thời sổ tay là vật bất ly thân của học trò, cán bộ công chức, và đặc biệt là cánh viết lách. Hồi ấy có câu hay truyền nhau: “Đến đâu cũng chép cũng ghi/ không biết thì hỏi tự ti làm gì”. Tẩn mẩn giở ra vài trang, tôi thấy mình cũng ghi chép rất kỹ, từ giá gạo ở chợ lúc ấy, tại sao lại Thanh Hóa chứ không Thanh Hoa, tại sao chợ Đông Ba, cô gái Jrai cởi trần vú màu gì, tại sao núm có vẻ đen hơn các cô gái Kinh, voi giao phối ra làm sao, tại sao lại là Buôn Ma Thuột hoặc Ban Mê Thuột chứ không phải là Buôn Mê Thuột hoăc Ban Ma Thuột???

          Khi máy tính ra đời thì sổ tay bắt đầu thất sủng. Sau máy tính bàn, đến máy tính xách tay, rồi iPad, và giờ là điện thoại. Các phóng viên trẻ bây giờ đi tác nghiệp chỉ cần cái điện thoại thông minh là xong hết, tất nhiên cỡ iPhone hoặc  Sam Sung Galaxi chứ cùi bắp thì quên đi. Nó vừa là máy ảnh (thậm chí là quay clip luôn), vừa là máy ghi âm, vừa là sổ tay... tiện đủ bề.

          Thế nên hai cái đại hội toàn quốc liên quan đến văn chương chữ nghĩa, ban tổ chức tặng sổ tay chắc cũng có “ý văn học” của nó.

          Chưa cần nói đến các bố văn chương báo chí liên quan mật thiết đến chữ, ngay viết thư tình thôi, thông qua nét chữ trong thư, đối tác cũng có thể hiểu được “độ cảm xúc” của tác giả bức thư. Đọc “Quân khu Nam Đồng” mà chả mê mẩn với những bức thư tình hồi ấy là gì? Giờ các tin nhắn không dấu vừa khiến người ta phải phát huy trí tưởng tượng lại vừa phát huy trí tưởng... bở, đại loại “em dang o truong doi anh, anh ghe mua bao roi den ngay” (em đang ở trường đợi anh, anh ghé mua báo rồi đến ngay), hoặc “em that dam dang, cam on em” (Em thật đảm đang, cám ơn em) vân vân...

          Có một thời người ta nghiên cứu văn chương báo chí phải thông qua chữ viết, có hẳn một ngành văn bản học để tìm hiểu tác giả và lịch sử tác phẩm. Ngay vào bảo tàng Văn học Việt Nam ở trên Quảng Bá bây giờ, rất nhiều cuốn sổ tay của các nhà văn lão thành đã được sưu tầm bày trang trọng ở đấy.

          Khi thế hệ người viết mười ngón xuất hiện, ngành văn bản học có lẽ biết mình sẽ phải lui vào lịch sử, nhưng lại chưa có ai nghiên cứu cái Recycle Bin để mà khôi phục lại những gì người viết đã sửa, đã xóa, đã dằn vặt trăn trở từng đêm để từ hàng ngàn chữ chọn được một chữ ưng ý nhất.

          Những cuốn sổ của tôi ấy, giờ đọc lại thấy nó buồn cười lắm, loạn xạ cả lên. Nó  cũ nát, rách rưới, xộc xệch, có đến chục quyển là do tôi tận dụng giấy đầu thừa đuôi thẹo, tự đóng bằng tay (thế hệ chúng tôi đóng sổ rất giỏi, sổ chứ không phải vở nhé, đóng từng tay rồi lại khớp lại với nhau thành sổ dầy hàng trăm trang). Lại có hẳn một cuốn đóng bằng giấy kiểm tra. Hồi ấy bà chị là giáo viên, biết thằng em cần giấy bèn ra một cái đề kiểm tra mười lăm phút mà đứa giỏi nhất cũng chỉ viết được mươi dòng, nhưng lại yêu cầu cả lớp phải viết bằng giấy đôi cho nó lịch sự. Và toàn bộ xấp bài kiểm tra ấy là một cuốn sổ vừa ghi chép vừa viết nháp của tôi. Một thời viết là nháp, là dập xóa, là chen vào lề, chen vào giữa các hàng... bằng đủ các loại bút, loại mực. Giờ cầm lại cứ bồi hồi như gặp lại cố nhân, như gặp lại người yêu cũ.


Sổ tay của tớ một thời...

          Và bên cạnh đống sổ cũ kỹ bụi bặm mốc meo ấy, 2 cuốn sổ mới được tặng cứ ngơ ngác như... người thừa, như lạc vào thế giới khác.

          Nhưng tôi cũng vẫn còn là người bảo thủ. Vẫn thích đọc sách in, trừ những quyển quá hot mà không lùng được thì phải đọc trên mạng, chứ có điều kiện là ngồi ngay ngắn, mà có nằm cũng phải ngay ngắn, trịnh trọng lật từng trang sách. Giữa các trang sách ấy, tôi luôn thấy thấp thoáng những số phận con người, giữa tiếng loạt xoạt lật trang tôi nghe tiếng cuộc đời thắc thỏm vọng vào, giữa những  dòng mực in, tôi cảm được mùi mồ hôi của các nhân vật, của tác giả... nó neo tôi lại chứ không trơn tuột đi như khi đọc trên iPad, máy tính hay điện thoại...

          Tức là cũng không dễ gì để mà tống tất cả vào Rycycle Bin...
                                                                

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Cách đây chừng mươi năm, một lần được giao lưu với nhà văn Tô Hoài. Tôi hỏi, được biết, bác ghi chép rất nhiều, nhưng bác sử dụng nó như thế nào? Ông khen câu hỏi thú vị và bảo, tôi chả mấy khi dở sổ ghi chép khi viết văn!
Vũ Xuân Tửu