Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

PLEIKU, PHẦN SÓT LẠI

Mình đang ở Nghĩa Đàn, Nghệ An. Ngủ ngay trong trang trại của tập đoàn TH True Milk, phòng của chuyên gia. Sáng sớm dậy định ra ngoài ngắm cảnh tí, vì thiên nhiên tuyệt vời trong trẻo, an lành. Và cũng để xem 40 con bò nó... chào buổi sáng như thế nào. Nhưng cái thói quen lướt phây vẫn níu lại. Và lướt đúng cái bài của nhà thơ Du Tử Lê mà anh Nguyễn Sơn tag cho.

Khen Du Tử Lê thì có mà... cả ngày. Nhưng quả là giữa cái không gian thoáng đãng, trong veo ở cái huyện miền núi Tây Nghệ An lúc đầu ngày còn tờ mờ này, đọc những dòng văn vừa như nhẹ bẫng nhưng lại gói trong ấy bao nhiêu số phận cuộc đời và năm tháng, bao nhiêu biến thiên và thăng trầm, bao nhiêu chồng chất kiếp người và những câu chuyện tản mạn, thấy cứ nao nao. Một comment trong fb Nguyễn Sơn bảo hỏi DTL giúp xem đưa về đây được không, chưa đầy 1 phút sau NS thông báo ổng bảo vô tư. Ô hô, NS đang ngồi ở Pleiku, còn DTL thì ở Cali. Thời công nghệ cao có khác...
---------------------



Tác giả : Du Tử Lê

“và một chút đau thương
cho em phần sót lại”.

(Du Tử Lê, “Pleiku và hoa quỳ)

Đó là lúc gió gia sức lật nghiêng chiếc máy bay cánh quạt, khiến trưởng phi cơ và, tiếp viên hàng không thay nhau nhắc hành khách cột dây an toàn. Máy bay chao nghiêng như chiếc lá giữa tâm bão. Tôi trấn an T. bằng cách nắm chặt. tay T., T. vẫn thường bị nôn nao, xây xẩm mỗi khi máy bay chuẩn bị đáp.
Nhiều hành khách nháo nhác nhìn nhau hay nhìn mấy cô tiếp viên bận rộn tới, lui, tựa tìm xem có bất an nào được che dấu sau những khuôn mặt phẳng, lặng phấn son. Tôi nghĩ, máy bay vẫn còn cách mặt đất ít nhất một trần mây.
Trong lúc đó, Trương Thị Chanh, bạn từ thời trung học Kiểu Mẫu tới đại học Sư Phạm Huế của T. thả đôi mắt lạc thần (?) qua khung cửa sổ. Chanh nhìn mây trắng như những cụm bông gòn lớn, ai đó, thả chơi giữa bầu trời; hoặc ném cái nhìn xuống cảnh vật, vùn vụt chạy, dưới thấp. (Hay không nhìn gì cả, ngoài cõi hư vô?)
Như tôi biết đấy là một tình bạn đặc biệt, hiếm hoi. Họ thân thiết nhau tới độ tuồng chữ của hai là một. Khiến có lần Thầy Khoa Trưởng Nguyễn Quới đã gọi hai người lên văn phòng để tra hỏi, tại sao hai bài thi của hai người chỉ là một tuồng chữ. Vậy ai là tác giả của hai bài thi này? Thầy đưa hai tờ giấy cho hai người, và trố mắt ngạc nhiên khi thấy hai cô sinh viên cùng viết trước mặt Thầy, như là chỉ một người viết.
Tuy nhiên, tình bạn đặc biệt, hiếm hoi ấy cũng đã có một đứt đoạn trong thất vọng. Cay đắng. Đó là lúc Trương Thị Chanh như con chim vừa mới ra ràng, đã hăm hở, vội vã ném thân, tâm vào cuộc tình dữ dội.
Cuộc tình của Chanh, một hình thái phản ứng bồng bột của tuổi trẻ trước một Huế-nghiêm-cẩn, Huế-phong-kín; đã như ngọn nến hồng phiêu lưu, lãng mạn chưa kịp cháy hết một phần nhỏ ngọn bấc thì, những giọt nến hồng đã sớm trở thành những giọt nước mắt nín câm tủi, nhục...
Và, cũng là một hình thái phản ứng, bồng bột của tuổi trẻ, Chanh nín câm, mang tủi nhục bước về vực sâu.
Tới hôm nay, khi gặp lại T., Chanh vẫn đơn độc đi tiếp đời mình, không với một chọn lựa, đi tới nào khác.
Khi mọi phán xét, mông muội của tuổi trẻ đã lắng xuống. Những vẩn đục, đê tiện, thực tế nhầy nhụa của con người đối với con người đã bão hòa, T. tìm lại Chanh! Như đi tìm phần bất hạnh nhất của tuổi trẻ mình, thời Huế-nghiêm-cẩn, Huế-phong-kín.
Họ chọn Saigòn làm điểm hẹn để có lại nhau, trước khi mọi chuyện trở thành quá muộn.
Khoảng cách địa lý, sự những tưởng vĩnh viễn mất nhau, khiến tình bạn của họ thêm đằm thắm, thiêng liêng hơn cả những ngày còn chung một mái trường.   
Tôn trọng vết thương của con chim vừa mới ra ràng, Trương Thị Chanh, tôi tuyệt đối im lặng trước sự ríu rít của họ. Tôi tin Chanh hiểu sự im lặng của tôi, mang nghĩa kính trọng những gì, Chanh đã chọn cho đời riêng của Chanh. Một chọn lựa trụ vững, bất thoái chuyển không phải bất cứ một người phụ nữ nào, ở tuổi còn thơ dại như Chanh, có thể làm được.
Bao lần, tôi rất muốn hỏi Chanh, khi chiếc bình pha-lê-tình-yêu nọ bể, nát, Chanh đã nhặt, giữ lấy cho mình bao nhiêu mảnh thủy tinh? Và những vết cứa sâu không chỉ da, thịt mà luôn cả tâm hồn Chanh đã có bao nhiêu vết thương khép miệng?
Nhưng, bằng vào tôn trọng trên, tôi chỉ lặng lẽ dõi theo những nụ cười héo khô một nửa, trên nhan sắc sớm về chiều của Chanh, những khi câu chuyện giữa chúng tôi, được đời thường níu chân trong hiện tại.
Bằng vào tôn trọng trên, tôi đã lặng lẽ dõi theo những cái nhìn thất lạc, vô hồn của Chanh. Tựa những cái nhìn của Chanh đã bị chiếm hữu bởi hư vô đời, kiếp!?!
Và, trên chuyến bay về lại Pleiku, khi thành phố sương mù hiện ra nhập nhòa dưới cánh, tôi thấy, dù ngước lên bầu trời, mây như bông gòn, ai thả trôi giữa trời hay, ném xuống cảnh vật, vùn vụt chạy, dưới thấp, tôi đã gặp lại cái nhìn của Chanh, những ngày đầu, Saigon.   
Tôi không đoán được những ý nghĩ của Chanh, khi càng xuống thấp, máy bay càng lắc dữ dội. Hành khách như những con xúc xắc bị nhốt chung trong một hộp sắt.  Khi, cuối cùng, một Cù Hanh xa lạ, trắng toát, cũng hiện ra. Như một lời chào tẻ nhạt. Hờ hững. Tôi đã dọn sẵn tinh thần mình, lúc được một người bạn nhắc nhở, Pleiku hôm nay, không còn là Pleiku của 40 năm trước. Người bạn dùng hai câu thơ cũ của tôi, trong bài “Pleiku và hoa quỳ”: “Không còn dấu vết nào / cho ta tìm ta nữa”, để minh họa cho thành phố bụi đỏ ngày nắng, bùn lầy ngày mưa... mà một thời, cả T. và tôi từng gắn bó.
Bạn tôi nói, “Hai câu thơ đó như một... dự báo buồn. Buồn hơn cả sự thất lạc chính mình”.
Tôi nói, tôi hiểu. Đời sống là dòng sông nước xiết. Chẳng có gì không đổi thay, trừ tình yêu ngoại khổ. “Chỉ tình yêu ngoại khổ mới có chỗ cho chung thủy”. 
Cùng với Trương Thị Chanh, chúng tôi bước khỏi khu giới hạn của Cù Hanh. Tuy Pleiku không cho lại tôi bụi đỏ, bùn lầy, nhưng thay vào đó là Huỳnh Quang Vũ, Nguyễn Sơn, Miên Di, Nguyễn Hùng Linh và Sao Đăng... Những người bạn trẻ cũ / mới tôi hằng mong được gặp. Cũng như những rừng thông-ba-lá; những thung lũng rưng rưng vàng tươm hoa quỳ; những vạt đồi cà phê dậy hương trắng muốt; hay những thân bằng lăng tím đã lặng lẽ di-nhượng sự sống chúng cho đại lộ, building, khách sạn, biệt thự tân lập... sừng sững hiện ra, tiêu biểu cho sự thay da đổi thịt ở nhịp độ quay cuồng tới chóng mặt... (Thì,) những Vũ, những Sơn, những Miên Di, những Linh, những Đăng với tôi, lại chính là Pleiku, phần sót lại.    
Ngồi trong xe của Miên Di (một người trẻ sở hữu nhiều câu lục bát đẹp) trên đường về thành phố, tôi thấy, dường Pleiku trong gặp lại, vẫn cho tôi những giải lụa sương mù, hương xưa trên cỏ cây. Pleiku vẫn cho tôi tình thân thơm thảo, chắt từ những trái tim bằng hữu, mừng rỡ gặp nhau giữa đời. (Với riêng tôi, là cuối đời) Tôi nghĩ, T. cũng nhận được từ Pleiku, những điều còn sót lại. Những điều mà, T. không thể có được, ở những nơi chốn khác - - Dù cho trở lại này, một số bằng hữu ngày cũ của chúng tôi, chỉ có mặt trong ký ức và, những con đường đã mất tên...   
Tôi biết, T. nhớ lắm, Kim Tuấn. Kim Tuấn không chỉ của những ca khúc như “Anh cho em mùa xuân” hay, “Những bước chân âm thầm” mà, Kim Tuấn còn của tình thân bất biến... Dù Kim Tuấn không còn nữa, Kim Tuấn đã đi xa, nhưng Kim Tuấn vẫn “sống” đâu đó, trong đời sống tinh thần của chúng tôi
Tôi biết, T. nhớ lắm, Quỳnh-y sĩ, một người cháu đã tiếp đón chúng tôi trong khu đóng quân, giữa rừng, bên cạnh tỉnh lộ 14 – nối liền Pleiku-Kontum cuối năm 1974.  Quỳnh không có được cái may mắn cuối đời như Kim Tuấn! Quỳnh đã chấm dứt đời mình một cách oan nghiệt, khi còn rất trẻ,bởi một tai nạn xe hơi, chỉ vài tháng sau rất nhiều năm chật vật, mới lấy được bằng hành nghề y khoa ở Texas.
Tôi biết, T. cũng nhớ lắm, Vũ Hoàng, một trong vài người bạn có mặt rất sớm, trong cuộc tình của chúng tôi, những năm đầu thập niên 1970.
Cách đây hai năm, cùng với gia đình, Vũ Hoàng rời về Saigòn mà, tin sau cùng Phạm Chu Sa cho biết, bạn tôi bị thoái vị cột sống. Chân phải của bạn tôi, rơi vào tình trạng tê liệt!
Tôi biết, T. nhớ và mong được gặp lại những người học trò một thời Phạm Hồng Thái. Những cậu học trò ranh mãnh, khi biết chuyện tôi và T., đã không ngừng  viết tên tôi cùng khắp bảng đen, trước giờ T. đứng lớp.
Những nhớ, thương và, sót lại của Pleiku, đã cho T. những gặp gỡ xúc động nơi quán café Vương Cát Gia Đình, “hoành tráng” nhất Pleiku - - (Nơi Huỳnh Quang Vũ chịu bỏ Saigòn, nhận vai trò quản lý cho Đoàn Thị Hồng, chủ nhân và, cũng là người chị văn nghệ của Vũ).

Từ trái qua: Đỗ Vẫn Trọn, Du Tử Lê, Sơn Nguyễn, Đoàn Thị Hồng tại càphê Vương Cát, Pleiku-2015

 Tôi nghĩ nếu có lần thứ hai trở lại Pleiku thì, những buổi sáng với Bùi Ngọc Thành, với Phan Lan Hương... Những học trò cũ của T., sẽ vẫn là những giây phút mà chiếc đồng hồ bị quay ngược, để thời gian vĩnh viễn dừng lại thời trường lớp Phạm Hồng Thái, bốn mươi năm cũ, khi mọi người còn rất trẻ. Thời gian sẽ dừng lại vĩnh viễn khi Lan Hương, cô bé nữ sinh ngày nào, bước lên sân khấu với giọng ngâm tựa mang theo trong nó, cả một quá khứ thông xanh, hoa quỳ, bằng lăng... và những lãng mạn đầu đời:
Phan Lan Hương, với "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời"

“chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.

“chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai”  (...) 

Buổi tối “chỉ nhớ người thôi đủ hết đời” đó là buổi tối của họp mặt gia đình, thân hữu. Buổi tối của một Sơn Nguyễn trầm ấm, thủ thỉ trong vai trò giới thiệu chương trình. Đồng thời Sơn cũng là người làm sống lại ngôi trường Pleime, sống lại một Pleiku qua giọng đọc trời cho của mình:
Du Tử Lê với Sơn Nguyễn - Biển Hồ, Pleiku-2015

“...khi ta đến núi bảo nhau đứng dậy
ngả mũ chào – ta ngọn gió điên mê
hương thiên lý thổi qua lòng đắm đuối
em hiểu gì, hỡi nhỏ, dấu yêu kia
đêm sương phủ có lệ người ướt áo
khi ra về buồn xuống bước chân nhau
tay thơ dại em che hồn ta dột
nụ hôn đầu liệu có nhớ mai sau?...”

"Nụ hôn đầu liệu có nhớ mai sau" ?Tôi nghĩ, không ai có thể trả lời câu hỏi ấy.
Tuy nhiên, khi trước sau, trên sân khấu xuất hiện những tên tuổi như: Đỗ Vẫn Trọn, một đứa con của Pleiku, từ San Jose, vội vã bay về vì không muốn vắng mặt trong gặp gỡ gia đình, hiếm hoi này.
Trong tư cách diễn giả duy nhất, tỏ lộ với những đứa con tiêu biểu của Pleiku, Đỗ Vẫn Trọn đã vẽ lại lộ trình gia-đình-tình-thân với tôi, khi Đỗ còn là cậu học trò nhỏ của sân trường Nguyễn Viết Quỳ và; những năm tháng, chúng tôi gặp lại nhau, giữa nhồi, xóc nắng / mưa xứ người. Đó là Pleiku, cho chúng tôi phần sót lại.
Như Hoàng Thị Thanh Hương, như Đào An Duyên với dăm bài thơ cũ của tôi. Những “Pleiku và hoa quỳ”, “Thơ cho nhỏ”, “Khúc Hạnh Tuyền núi sông” hay, Phan Lan Hương với “Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi”. Như H’Blup Siu và Y Tuấn với “Kiếp sau, xin giữ lại đời cho nhau” (Phạm Duy); Phi Vân, Miên Di với “Khúc Thụy Du” (Anh Bằng); hoặc một lần nữa H’Blup Siu, một mình với “Trên ngọn tình sầu” (Từ Công Phụng); Y Tuấn với “Hạnh phúc buồn” (Hoàng Thanh Tâm); Nguyễn Tâm với “Điều kỳ diệu” (NguyễnTâm)... bằng vào chân tình, tài năng của họ... Thì Pleiku đã cho chúng tôi những “sót lại” thay câu trả lời.
Đó là Pleiku, phần sót lại, buổi tối, khi tôi ngồi với Văn Công Hùng - - Người có hai câu thơ ngang tàng, tôi rất thích: “Luôn trong người một cú lao thẳng đứng / Phao an toàn bỏ lại phía sau lưng”.
 Qua vai trò “cầu nối” giữa tôi và bằng hữu hiện diện của Văn Công Hùng, tôi  thấy không cần thiết nữa, một trả lời cho câu hỏi ngày nào “nụ hôn đầu liệu có nhớ mai sau?”
Tôi không thấy cần thiết nữa, một trả lời cho câu hỏi năm xưa của tôi, khi từ nơi những hàng ghế lấp đầy bằng hữu, qua “cầu nối” Văn Công Hùng, Pleiku đã cho tôi những câu hỏi nặng tính văn chương và sự kiện. Thí dụ những câu hỏi của thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Quang Tuệ.  Thí dụ một Lê Vi Thủy, người làm thơ trẻ, có nhiều tác phẩm đã ấn hành, hỏi tôi về nguồn gốc “Khúc Thụy Du”...  
Phúc (trái, hàng đứng)
Tôi cũng không thấy cần thiết nữa, khi Pleiku đã cho tôi phần sót lại là chân tình của một người tên Phúc mà căn cứ theo một bài viết của Văn Công Hùng thì, đó là một người “...gốc ở Quảng Trị, lên Pleiku lập nghiệp từ thời nào, rồi sau đó xuống Sài Gòn định cư. Thông qua facebook (cuộc cà phê nhạc gặp gỡ Du Tử Lê ở Pleiku chỉ được thông báo trên facebook của anh Nguyễn Sơn, người tổ chức) bèn làm một cuộc vô tiền khoáng hậu là... chạy xe máy từ Gò Vấp, Sài Gòn lên Pleiku, vẫn kịp vào xem các ca sĩ ráp nhạc, và tối ấy anh lặng lẽ ngồi từ phía sau ngắm và nghe Du Tử Lê, cho đến hết chương trình lại lặng lẽ xếp hàng đợi xin chữ ký vào tập thơ “Giỏ hoa tuổi mới lớn” anh mua tại chỗ. Sáng hôm sau anh lại đến quán cà phê mà những người bạn mời Du Tử Lê uống cà phê để ngồi với ông một lát, uống một ly cà phê rồi lại chạy xe máy về lại Sài Gòn. Nghìn cây số cả đi và về chỉ để gặp thần tượng của mình một lúc, kể cũng là loại yêu thơ phi phàm...”
Nhà thơ Văn Công Hùng và Du Tử Lê - Pleiku-2015
Đúng như ghi nhận của Văn Công Hùng, người bạn mới của chúng tôi, trở lại Pleiku, như một trở lại với: “đêm sương phủ có lệ người ướt áo / khi ra về buồn xuống bước chân nhau”.
Tôi không biết trong đời mình, còn có một lần nào được gặp lại Phúc? Như ngay trước khi chia tay Pleiku, chia tay với “phần sót lại”, tôi đã tự hỏi tôi, liệu có một lần nào khác, lặp lại Nguyễn Hùng Linh? Gặp lại Huỳnh Quang Vũ? Gặp lại Nguyễn Sơn? Gặp lại Miên Di? Gặp lại Văn Công Hùng?...

Từ trái qua: Huỳnh Quang Vũ, Du Tử Lê, Nguyễn Hùng Linh - Biển Hồ Pleiku

Như mỗi khi chia tay Saigon, tôi vẫn thường tự hỏi, liệu có còn gặp lại Bùi Cung, Nguyễn Khắc Nhượng, Phi Long, LS Bốn... những tình-thân-ruột-thịt của chúng tôi ở Saigon?
Đó cũng là câu tôi tự hỏi (chưa bao giờ nói ra) với Đa Mi / Lê Đình Thắng. Với Nguyễn Bá Tuệ. Với Đoàn Kế Tường. Với Nguyễn Ngọc Hoài Nam...
(Bây giờ Đoàn Kế Tường đã đi xa. Tường đã về tới Quảng Trị. Và, ai sẽ nối tiếp Tường, đi xa? Tôi nghĩ, nhiều phần sẽ là tôi).
Phải chăng vì nghĩ thế, nên sau lần gặp lại Huỳnh Kim Lưu ở Long Hải, cùng với Đỗ Vẫn Trọn, Nguyễn Văn Ảnh (người giúp tôi và T. được gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách). Với Nguyễn Khắc Nhượng (qua Đỗ Vẫn Trọn), chúng tôi đã thực hiện được cuộc hẹn hò gặp gỡ lần thứ nhất tại phi trường Bắc Kinh (cách nay cũng đã gần hai mươi năm). Với LS Bốn, “tay chơi”, có những cái nhìn về văn chương sâu sắc, đến bất ngờ... Tôi cũng đã hỏi mình, câu hỏi ấy.
Từ trái qua: Nguyễn Khắc Nhượng, Du Tử Lê, Đỗ Vẫn Trọn - Long Hải 2015.
Nhưng cách gì thì, với tôi, những “phần sót lại” kia vẫn là những hạnh phúc cuối, hiếm. Tôi biết, đó cũng là những hạnh phúc cuối, hiếm của T. khi giữa Saigon, lần này, T. được gặp thêm những cô, cậu học trò “ma mãnh” tự những, ngày tháng Pleiku, trước 30 tháng 4- 75. Đó là những tình thân quý giá của T. với những cựu học sinh Phạm Hồng Thái, như Trần Đôn Điển, Huỳnh Kim Tú, Văn Tiến, Nguyễn Thị Đào, Hồ thị Thanh Thủy, Lê thị Thu Hương... (Trong số này thì, Điển không chỉ là người từng mang thư của T. về Saigon cho tôi - - Mà, Điển còn là một trong những “tác giả” viết tên tôi trên bảng đen, trước giờ cô Hạnh Tuyền vào lớp.

T
Nguyễn văn Thọ, Văn Tiến, Văn Hiệp, cô giáo HT, Trần Bích Hổ và cô Thanh - Pleiku 1975

Đó cũng là “phần sót lại” trong chuyến trở về Pleiku sau 40 năm của chúng tôi.

.
Bây giờ, ngồi đây, trước bàn máy, trong góc riêng, khiêm tốn, nhưng an lành của mình, nhận những chăm sóc của T., tôi lại gặp tôi trước câu hỏi, liệu còn có lần gặp lại Trương Thị Chanh?
Tôi biết giờ này, Chanh đã trở về Huế, với ngôi mộ nổi của mình. Ngôi mộ mà chính Chanh là người tự tay chôn cất phần đời non trẻ của mình và, những miểng thủy tinh, nhặt lên, giữ lại, từ chiếc bình tình yêu pha lê vỡ nát của Chanh.
Tôi chỉ không biết, Chanh còn cần đến những miển thủy tinh quá khứ thơ dại kia, để cắt đứt những sợi dây thần kinh rung cảm một kiếp đời? Hay những vết cứa sâu đã lên da non, đã khép miệng, để chỉ còn những tia nhìn bị hư vô chiếm hữu và, những nụ cười héo khô nửa miệng, trên nhan sắc sớm về chiều của Chanh?
Bây giờ, ngồi đây, trước bàn máy, trong góc riêng, khiêm tốn, nhưng an lành của mình, nhận những chăm sóc của T., tôi lại gặp tôi trước câu hỏi, liệu còn có lần gặp lại một Huỳnh Kim Lưu, không cần xuống tóc, mà đã mang tâm nguyện bồ tát bố thí, như chọn nẻo đường thí phát thành tựu cho những người kém may mắn hơn Kim Lưu.
Tôi nhớ, buổi tối nơi sân sau biệt thự  An Hòa, Residence & Resort, Long Hải, với Trương Thị Chanh, Đỗ Vẫn Trọn, Nguyễn Khắc Nhượng, Nguyễn Văn Ảnh, LS Bốn... Hơn một lần, Kim Lưu nói với tôi:
“Em sinh trưởng từ 1 gia đình khá giả. Nhưng cũng chỉ là khá giả trong tỉnh lỵ Quảng Ngãi nghèo nàn. Quê em huyện lỵ Đức Phổ, là chị cả trong gia đình 11 người em. Vào Saigon học đại học năm 1977 và lập gia đình ở Saigon. 
“Em lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng, em thấm thía sự nghèo khổ! Em bỏ việc làm chuyên môn và quyết tâm làm giàu. Với gene kinh doanh sẵn có của gia đình
Em làm kinh doanh nhưng tâm hồn không chai sạn và luôn giầu cảm xúc trước những hoàn cảnh khó khăn ngang trái. Em luôn đặt tâm trạng mình vào đó Anh ạ.
“Ngày xưa, em mơ ước làm một phụ nữ giàu có, quý phái và thượng lưu. Nên thật lòng, khi có tiền em sưu tầm rất nhiều sách về lâu đài, nhà đẹp! Ăn thế nào cho sang. Mặc quần áo sao cho đẹp, cho ra một “high-class Lady”... cho thỏa ước mong... Anh đừng cười em nha...
“Cho đến một ngày đủ duyên lành, em đã gặp được Hòa thượng, Thiền sư Thích Thanh Từ, người Ân Sư của em; người đã cho em biết thông qua Giáo Pháp của Đức Phật: Thân cũng là tạm ở cõi ta bà này, tất cả những mơ ước trên của em cũng là huyễn ảo, giả tạm. Chúng sanh đang rất khổ, cần có những lời nhắc nhở: tham sân si là nguồn gốc của đau khổ, là ba  con rắn độc...
“Như những Bác sỹ tâm lý đang trị bệnh cho bệnh nhân, đạo đức xã hội mỗi ngày một suy đồi, cần có một ngôi trường dạy đạo đức. Nên ước mơ làm người giàu có, quý phái của em không còn nữa.
“Vì thế, em đã cung hiến cho Hòa Thượng 11,5 ha đất và tiền xây dựng tổng cộng khoảng gần 10 triệu USD để xây dựng ngôi Tam Bảo có tên là Thiền Viện Trúc Lâm Trí Đức...”
Điều khiến tôi quý trọng và cảm động nhất là khi Kim Lưu nhấn mạnh:
“Tiền em kiếm được từ đám đông, từ chúng sinh, cho nên, em nghĩ em nên trả lại cho chúng sinh. Và chính vì thế mà em không lưu một chút dấu vết, hay tên tuổi nào, ở Thiền Viện Trúc Lâm Trí Đức. Em chỉ xin lại một tịnh thất để ngày già có nơi tu tập và nương náu...”
Huỳnh Kim Lưu Du Tử Lê
Cùng là phận nữ nhi. Nhưng Trương Thị Chanh và Huỳnh Kim Lưu lại là hai hình ảnh trái ngược! Nó như hai mặt của đồng tiền định mệnh.
Nếu Huỳnh Kim Lưu từng ngày vẫn nghe được tiếng chuông buông xả, giải thoát từ Thiền Viện Trúc Lâm Trí Đức vọng về... Thì, ở một nơi chốn khác, Trương Thị Chanh lại nghe được những hồi chuông tự thân, vun trồng ý niệm sớm quên đi, những gì có nơi trái tim, đã lâu rồi, không còn gió, bão.
Tôi biết, T. quý trọng tâm nguyện một đời theo gương các bồ tát, chọn con đường bố thí của Kim Lưu, bao nhiêu thì, T. cũng buồn bấy nhiêu cho người bạn thời niên thiếu của mình.
Kể từ ngày về lại nhà, tôi không có dịp nói chuyện với T. về hai cảnh đời: Một núi cao, đỉnh ngọn; một đáy cùng vực sâu...
Tôi nghĩ, nếu có cơ hội, tôi sẽ nói với T., không phải để an ủi mà để T. chấp nhận thực tế:
“Ở mặt nào của đời sống thì, cuối cùng vẫn là những gì còn sót lại... Như thực tế ngày qua, đời sống đã cho T. gặp lại Chanh. Cho T. sống thời trẻ dại nơi sân trường của mình. ‘Trước khi mọi chuyện sẽ trở thành quá muộn’. ”
.Nhà thơ Miên Di và Du Tử Lê - Ngói Nâu Pleiku - 2015
Để chấm dứt  bài viết, tôi muốn dùng một số câu Lục bát đẹp, tới nao lòng của Miên Di, như một phần Pleiku còn sót lại:  
“con sông hỏi chuyện con đường
“quanh co với những vết thương ổ gà
“- cuối đường có biển không ta?
“- biển của bọn tớ chính là bùng binh.”

.
 “đười ươi lặng lẽ ngắm chiều
“nỗi buồn tiến hóa thành điều quạnh hiu”

Và : 

“thử vào bệnh viện ngày đông
“để nhìn vào cuộc chưa xong giật mình
“một vài mầm khóc sơ sinh
“dăm ba tiếng cú tâm linh gọi về.

(Lục bát Miên Di)
Du Tử Lê
(Calif. Tháng 12- 2015)

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tại sao vẫn chưa mơ đường THĐ vậy Chú VCH?

Nặc danh nói...

Đọc xong không hiểu tác giả muốn gì và PLEIKU, PHẦN SÓT LẠI là cái gì ,mưa bùn, nắng bụi ,đi lên đi xuông còn nhìn thấy em không?

Khải nói...

Phần sót lại là những kỷ niệm và tình cảm quý mến của những người bạn cũ và mới ở Pleiku trao cho nhà thơ DTL sau 40 năm xa Pleiku chứ còn cái gì nữa, phải không nhà bút ký tài hoa và dễ thương Văn Công Hùng ? (tôi chỉ cảm nhận thôi chứ tôi không quen ông VCH và bất kỳ ai trong số "các nhà.." này và tôi cũng ở xa lắc xa lơ...)

Khải nói...

Phần sót lại là những kỷ niệm và tình cảm quý mến của những người bạn cũ và mới ở Pleiku trao cho nhà thơ DTL sau 40 năm xa Pleiku chứ còn cái gì nữa, phải không nhà bút ký tài hoa và dễ thương Văn Công Hùng ? (tôi chỉ cảm nhận thôi chứ tôi không quen ông VCH và bất kỳ ai trong số "các nhà.." này và tôi cũng ở xa lắc xa lơ...)