Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ DŨNG CẢM



Những người phụ nữ của 2 phiên tòa này họ đã rất dũng cảm, đã làm rạng danh cho nền tư pháp Việt Nam, chỉ vì lẽ phải, chỉ vì sự thật. Những người dân nghèo bao nhiêu năm nay mang thân phận “con kiến kiện củ khoai” giờ đã có thể tự tin mà tiếp tục hành xử, yên ổn sống bởi có những củ khoai đã thua con kiến, bởi có những quan tòa công tâm như các chị phụ nữ kia. Cũng qua những phiên tòa này mới thấy hành vi vô cảm của một số cán bộ nó kinh khủng đến thế nào? Những người dân thấp cổ bé miệng khi sa vào vòng tố tụng, phần lớn là bị thua, bị đối xử rất mất bình đẳng, trong khi là họ đúng...
-----------------



          Tuần vừa rồi có một sự kiện đáng nhớ được nhiều báo nhắc đến, ấy là anh tài xế xe cá thắng kiện trong vụ anh khởi kiện quyết định của trưởng công an huyện U Minh Thượng và quyết định của giám đốc công an tỉnh Kiên Giang. Chủ tọa phiên tòa này là một phụ nữ, thẩm phán Nguyễn Thị Cẩm Thu.

          Những ai đã từng theo dõi vụ án này thì thấy, nó vô cùng đơn giản, nhưng phía cơ quan công quyền bằng thái độ trịch thượng của mình đã dồn nén người dân đến mức họ phải bỏ ra hơn 500 ngày đi kiện. Nó chỉ là anh Lương Hoàng Mỹ chở một xe cá sống đi giao cho khách. Tại huyện U Minh Thượng, anh bị CSGT thổi lại kiểm tra. Thời gian thổi là ban đêm, vị trí thổi không có đèn điện mà chỉ có đèn pin, khi cảnh sát thổi anh Mỹ không thể dừng ngay tắp lự giữa đường vì sẽ rất nguy hiểm , nhất là xe anh lại chở hàng nước, nên anh đã đi quá mấy mét rồi mới dừng xe vào ven đường đúng luật. CSGT cho rằng anh không chấp hành hiệu lệnh và phạt, thu bằng lái. Anh không chịu, dằng dai và xe cá bị neo tại trụ sở Công an huyện dẫn đến cá chết hết. Anh kiện lên giám đốc công an tỉnh Kiên Giang, vị giám đốc này ra quyết định công nhận quyết định của công an huyện U Minh Thượng là đúng. Thế là anh khởi kiện ra tòa. 500 ngày không có xe không có bằng anh đã vất vả hầu kiện, và liên tục được chuyển lên chuyển xuống, để cuối cùng sau 18 tháng thì phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Cẩm Thu làm chủ tọa được mở ra và tuyên phần thắng về cho anh.

          Thực ra nó là một phiên tòa rất bình thường nếu như nó... bình thường. Phiên tòa này không bình thường ở chỗ, bị đơn là trưởng công an huyện và giám đốc công an tỉnh, trong khi nguyên đơn chỉ là anh tài xế khốn khổ học vấn rất thấp, chả biết điều luật nào với điều luật nào, chỉ có một tấm lòng chân thành cho rằng mình làm đúng, và đúng ngày ra tòa thì luật sư miễn phí từ Sài Gòn lại ốm, anh phải một mình, tay không, đứng trước tòa tranh biện với phía bị đơn quân số đông hơn, luật nắm đầy mình, có uy quyền, ra tòa với tư cách người... quyết định. Thế mà người phụ nữ chủ tọa phiên tòa đã tuyên anh thắng. Đấy là một hành động dũng cảm, rất nhiều người đã thốt lên như thế, còn anh Lương Hoàng Mỹ, anh đã khóc nức nở khi được tòa tuyên lẽ phải thuộc về anh.

          Trong vụ kiện này có hai chi tiết đáng chú ý, một là khi nghe tin luật sư ốm không thể tham dự phiên tòa, anh Mỹ đã suy nghĩ rất nhiều rồi quyết định vẫn tham gia tòa không đề nghị hoãn dù mình mù tịt về luật, bởi phiên tòa đã bị hoãn đi hoãn lại quá lâu, gia cảnh anh rất khó khăn, không thể tiếp tục chờ đợi. Và 2, ông chủ xe cũng tức là chủ cá đồng ý tách vụ kiện đòi bồi thường xe cá bị chết ra khỏi vụ anh lái xe Mỹ kiện quyết định xử phạt để anh lái xe nghèo này có bằng lái tiếp tục hành nghề. Hai chi tiết này khiến người theo dõi rưng rưng thương cảm những người dân nghèo khi bị sa vào vòng tố tụng khổ sở ra làm sao?

          Lại nhớ một phiên tòa ở Gia Lai, cũng 2 người phụ nữ đã tuyên một bản án bảo vệ người dân lương thiện, chống lại cái sai. Điều đặc biệt là cái sai này lại xuất phát từ quan đầu huyện và cả quan đầu tỉnh.

          Một bà nông dân rặt, đào ao lấy nước tưới vườn, đào được một viên đá. Thấy hình thù lơi lạ, và chắc là thấy hay hay, bà rửa sạch mang về nhà bày. Các ông quan huyện đến tịch thu với những lý lẽ hết sức buồn cười và thủ tục tịch thu thì sai bét. Không chỉ tịch thu còn phạt bà này mấy triệu. Bà không chịu, cho là đá trong vườn nhà mình, nếu nó là đá quý thì phải lấy mẫu đưa đi thử mới biết, đằng này chưa thử gì đã hô lên là đá quý rồi phạt bà, rồi mang cục đá về sân Ủy ban huyện làm rọ giam lại như giam tù, rồi mới lẳng lặng lấy mẫu gửi đi thử. Bà bào bà sẵn sàng giao lại viên đá cho huyện với điều kiện huyện phải khen chứ không được phạt. Nhưng các quan huyện không chịu. Một mặt quan tỉnh cẩu cục đá lên thành phố Pleiku đặt lên cái bệ của cái tượng anh hùng Núp, đưa tượng cụ Núp vào một góc khuất, mặt khác ráo riết phạt bà cho bằng được. Bà khởi kiện ra tòa án huyện, tòa huyện tuyên các ông quan huyện thắng. Bà kháng án lên tòa tỉnh. Và trong phiên phúc thẩm ở tòa tỉnh này, cũng là 2 người phụ nữ cầm trịch. Đại diện viện kiểm sát tỉnh là chị Thái Thị Phương Thảo và chủ tọa phiên tòa là chị Nguyễn Thị Xuân Hương. Trong tình thế cục đá không thể trả về cho chủ vì nó đã được kiệu lên bệ tượng anh hùng và đứng trong quần thể quảng trường (dù nó rất xấu) nhưng hai chị đã chỉ ra cái sai toàn diện của huyện, và của cả người đã quyết định rinh cục đá lên bệ. Và trong hoàn cảnh ấy, 2 chị đã... tháo ngòi nổ, giúp các cơ quan công quyền có lỗi thoát, ấy là cho 2 bên thương lượng, nếu không thương lượng được tòa sẽ tuyên, tất nhiên bên thua sẽ là nhà nước cấp huyện. Và thế là, thay vì chỉ khen bà chủ đá, giờ huyện phải chi 110 triệu đồng để đền cho bà.

          Cả 2 phiên tòa đều do những những người phụ nữ chủ tọa và phán quyết. Cả 2 phiên tòa bị đơn đều là các cơ quan công quyền, đều đụng đến những nhân vật rất to trong tỉnh. Cả 2 phiên tòa nguyên đơn đều là những người dân nghèo khổ. Bà Sắc chủ đá là nông dân, anh Mỹ là lái xe, đều nghèo, kiến thức pháp luật rất ít, nhưng họ tin việc làm của họ là đúng. Pháp luật không thể đứng về phía sai, trừ phi những người làm pháp luật cố tình làm sai.

          Những người phụ nữ của 2 phiên tòa này họ đã rất dũng cảm, đã làm rạng danh cho nền tư pháp Việt Nam, chỉ vì lẽ phải, chỉ vì sự thật. Những người dân nghèo bao nhiêu năm nay mang thân phận “con kiến kiện củ khoai” giờ đã có thể tự tin mà tiếp tục hành xử, yên ổn sống bởi có những củ khoai đã thua con kiến, bởi có những quan tòa công tâm như các chị phụ nữ kia. Cũng qua những phiên tòa này mới thấy hành vi vô cảm của một số cán bộ nó kinh khủng đến thế nào? Những người dân thấp cổ bé miệng khi sa vào vòng tố tụng, phần lớn là bị thua, bị đối xử rất mất bình đẳng, trong khi là họ đúng.

          Thực ra nó chỉ là những việc rất bình thường, đương nhiên, nhưng vì nó bị hành xử bất bình thường nên nó trở thành điểm sáng. Cả 2 sự việc, ai cũng thấy phía công quyền sai, chỉ có phía công quyền vẫn thấy mình đúng, nên cả 2 sự việc đã phải kéo dài cả năm. Và các chị chủ tọa phiên tòa, dẫu cũng là cơ quan công quyền, nhưng đã sáng suốt và can đảm chỉ ra: Con kiến mới đúng...
                                                                 


7 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Khâm phục! Nếu mấy chị này xử vụ Tiên lãng, thì anh ĐVV được nhờ, công lý sẽ chiến thắng, như 2 vụ kia.
Vũ Xuân Tửu

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi xin bổ sung ý kiến, bởi chợt nhớ, trong bài của nhà thơ VCH, có chuyện Luật sư bào chữa miễn phí, chẳng may bị ốm. Tôi xin có lời thăm hỏi và chúc Ls bằng an.
Cách đây vài chục năm, tôi cũng có nhờ Ls bào chữa cho mấy dân oan. Ls bảo, biết rằng thế, nhưng quả là sự khó. Bởi, các con tôi còn đang đi học, rồi sau, chúng còn phải kiếm việc làm nữa...
Đời sau có thơ than rằng:
Cán cân công lý sao mà lệch
Lại trách dân lành khiếu kiện tăng
Luật sư cũng tránh vòng hệ lụy
Nông nỗi đàn bà phải ra tay
Ước gì phụ nữ lên ngôi báu
Dân hưởng thái bình, viếng Bà Trưng.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Bác Hùng nên nhắc thêm chi tiết này: Cả hai người phụ nữ "tố tụng" ở GL đều đã ở đoạn cuối của cuộc đời công tác: Chị T sau vụ này đã nghỉ hưu về làm VPCC; chị H cũng khá lớn tuổi rồi! Phải chăng ở các độ tuổi này mới đủ độ "dũng cảm"!

Nặc danh nói...

Bác Hùng ơi, bây giờ sao mà khốn nạn thế, cũng may còn có vài người đàn bà mang trong người chút máu "Hai Bà Trưng" nên dân oan cũng đỡ khổ. Nhân đây tôi cũng kể cho bác cùng bà con nghe câu chuyện thật tại huyện TB, một huyện nghèo ở miền Trung. Có 1 ông quan cấp phó ngành giáo dục huyện kiêm nghề in ấn biểu mẫu, vậy là ông ta "bao thầu" tất cả các loại giấy tờ, biểu mẫu, từ giấy khen- giấy mời- bảng tên- phù hiệu- phiếu liên lạc- vở học nhạc,... ôi thôi đủ thứ. Các trường học trong huyện, chỉ biết cúi đầu nhận về và thu tiền từ học sinh (cũng vô tội vạ)để nộp cho ông ta- dù có những thứ học sinh không cần đến. Khốn nạn hơn, năm học này một số trường không biết căn cứ vào đâu, bỗng đưa ra mệnh lệnh: "Phù hiệu của trường mình không đúng chuẩn, phải thay bằng phù hiệu mới". Thế là ông quan phó ấy đem xuống cung cấp một lô- một lốc phù hiệu "mới", trường thì bắt các em tháo hết phù hiệu cũ đang dán trên vai áo bên phải, dán phù hiệu mới vào vai áo bên trái, Tổng phụ trách ra lệnh: "Em nào không có phù hiệu mới gắn lên vai trái thì cở đỏ trừ điểm thi đua". Chuyện cò dài, mai mốt có gì mới lại tâm sự cùng bác. Ôi khốn thật!

NTPH nói...

Cháu cám ơn bài viết bác Văn Công Hùng ạ! Qua bài viết, cháu thấy được chân dung của "Những người phụ nữ dũng cảm" trong xã hội đầy rẫy sự bất công ạ!

NT nói...

Bà T ở VKS về hưu đang làm CC. Trước đay vợ chồng bà T, ông K còn làm ở Viện, cũng hành dân ra bã. Nhiều vụ án phải có tiền mới tha, đòi trắng trợn luôn chú VCH đừng ca ngợi họ mà làm Cháu đau lòng cho xã hội, nhất là các ngành tư pháp bây giờ tiêu cực khủng khiếp. Cháu cũng lỡ bước nghe bố, mẹ vào cái ngành quái ác này, nhưng cháu sớm nhận diện và đã xin qua cơ quan Đảng làm việc rồi Chú VCH a. Chưa có ai can đảm chỉ đạo chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan tố tụng này.

Nặc danh nói...

Bà Thảo vợ ông Kiên ở VKS tỉnh ai chả biết. Ăn bẩn lắm, chạy án rất giỏi. Một thời làm mưa làm gió ở cái ngành này. Gây mất kết đoàn nội bộ.....