Cũng từng có người
quý, muốn giúp cô về thành phố, hay là về ngay thị trấn cho gần con cái, nhưng
cô giãy nãy, thứ nhất là yêu học trò ở đấy, thứ 2 là, đi xa thế, cực tí, nhưng
có phụ cấp khu vực cao hơn. Mất khoản ấy, tiền đâu nuôi con, mà chúng ngày càng
lớn, trăm thứ phải chi.
-------------------
Trước trung thu năm nay nửa tháng, cô
giáo Cao Viễn Phương từ huyện Krông Pa xa xôi lặn lội đi xe đò lên thành phố
Pleiku để... xin tiền. Sau 2 ngày vừa chơi vừa la cà, tận dụng các mối quan hệ
từ đời thường đến... phây búc, cô xin được hơn 3 triệu đồng tiền mặt, 94 xuất sữa
kèm một số lời hứa chuyển khoản... để về tổ chức đêm hội trăng rằm cho trẻ em
Jrai trường cô.
Tôi là một trong những người được
cô... tiếp cận và cũng có đóng góp chút ít để các cháu Jrai có trung thu và nhờ
thế mà hiểu thêm vai trò người thầy cắm bản hiện nay.
Người Huế, thân gái dặm trường lên Gia
Lai, học xong về nơi xa nhất, khó khăn nghèo đói nhất của tỉnh dạy học. Có vẻ
như Cao Viễn Phương giờ đã trở thành một phần của Krông Pa. Rất nhiều người nhờ
cô giáo này mà biết tới cái huyện Krông Pa xa xôi cách trở, cách Pleiku 150 cây
số, là bởi những hoạt động từ thiện của cô và nhóm các cô.
Về các đồng bào dân tộc Tây Nguyên bây
giờ, ta sẽ thấy có 2 lực lượng rất quan trọng đối với sự phát triển của làng.
Thứ nhất là các hộ người Kinh cắm ở đấy để buôn bán. Một thời ta coi đây là tư
thương, là bóc lột và cấm đoán họ. Nhưng chính nhờ họ mà đồng bào học được rất
nhiều điều của đời sống văn minh, từ những kiến thức thông thường như ăn chín uống
sôi, vệ sinh nhà cửa, thân thể, đến lớn hơn như phòng chữa bệnh, dạy dỗ con
cái. Nó cụ thể từ cái chuyện vệ sinh phụ nữ, phòng tránh thai để đẻ ít con như
người Kinh, đến trừu tượng hơn là ngoài làng có làng, có thành phố, cho con đi
học biết chữ để sau này biết làm sao cũng từ hạt gạo, ngoài nấu thành cơm lại
có thể chế biến ra nhiều thứ thế, như phở, bún, cháo, rồi các loại bánh kẹo vân
vân...
Lực lượng thứ 2 chính là các thầy cô
giáo cắm bản. Họ, chính họ là người có công rất lớn đưa ánh sáng văn hóa về với
đồng bào, không phải từ các bài giảng, mà từ chính cách sống, cách sinh hoạt của
họ. Các cô giáo bao giờ cũng là một thứ ánh sáng vừa xa lạ, vừa hấp dẫn, vừa bí
ẩn vừa khát khao hướng tới của mọi thành viên trong làng. Cũng là người mà sao
lại có những con người “sướng” đến thế, quần áo lúc nào cũng là lượt, người lúc
nào cũng thơm tho, cũng đẹp, cái gì cũng biết... và đấy chính là hình mẫu để đồng
bào, nhất là thanh thiếu niên trong làng, và học sinh, noi theo.
Họ có biết đâu, phía sau sự hào nhoáng
(so với dân làng) là những nỗi cực trăm bề để các thầy cô giáo, nhất là các cô
giáo, thực thi nhiệm vụ và hoài bão của mình.
Họ, rất nhiều người đã phải hy sinh tuổi
xuân của mình.
Một số thì làm mẹ đơn thân, một số thì
lấy chồng là các trai làng, có khi là chính học trò của mình. Số khác may mắn
hơn, có các anh chàng là bộ đội biên phòng, giáo viên cùng trường... rước.
Nhưng lại có nỗi khổ riêng.
Cao Viễn Phương có 2 con, một trai một
gái, chồng đã lấy vợ khác vì suốt ngày thấy cô chỉ đắm đuối với học trò. Cô ở
nhờ một căn nhà công vụ bé tí ngay thị trấn, hàng ngày vào dạy ở trường THCS Lê Hồng Phong, xã Ia HDreh, cách thị trấn khoảng
15km nếu đi đường cầu Phú Cần, khoảng 10km nếu đi đường cầu tạm. Cầu
tạm tức là khi nào “tạm” thì có cầu, còn lại là phải đi đò. Mỗi lần qua đò mất
5 ngàn, một ngày cả đi và về là 10 ngàn, mỗi tháng hết gần 3 trăm ngàn, chưa kể
có ngày phải đi qua đi về 4 bận. Tiền ấy là tiền túi. Cô gọi nhà cô là cái ổ
chuột, cô là chuột, tha tất cả những gì mọi người thải ra chất vào đấy, để rồi
lại mang về làng phát lại cho học trò.
Cũng từng có người quý, muốn giúp cô về
thành phố, hay là về ngay thị trấn cho gần con cái, nhưng cô giãy nãy, thứ nhất
là yêu học trò ở đấy, thứ 2 là, đi xa thế, cực tí, nhưng có phụ cấp khu vực cao
hơn. Mất khoản ấy, tiền đâu nuôi con, mà chúng ngày càng lớn, trăm thứ phải
chi.
Mà cũng là mới nói thế, chứ nghe nói,
có giúp đi chăng nữa thì cũng không thể tay không mà chuyển trường được. Giờ nó
có giá, có thang bậc cả, các cô ngồi kể vanh vách chuyển về đâu hết bao nhiêu rồi
cười như việc ấy là... đương nhiên, và các cô không màng tới. Đây là một đoạn
Cao Viễn Phương viết trên facebook của mình: “Chờ đợi không bao
giờ là hạnh phúc. Lịch thi, học phí cho mẹ, các khoản đóng góp của
con, những con số biết nói đã qua mấy kì trễ hẹn, dàn điện nước và
các vật dụng sinh hoạt cần thiết đến lúc phải cải tạo, lời hứa
với những trăn trở cùng em trai.... Tất cả đều phải chờ đợi sự có
mặt của một thứ vô tri vô giác mà đầy uy quyền. Tiền là cái thứ gì
mà phiền phức quá vậy? Đôi chân mệt mỏi này không còn đủ sức để
trụ lâu mà đỡ cả bầu trời đâu đấy.
Thôi đành ru lòng
mình vậy, vờ như ... tiền lương có rồi!”.
Nhưng quả là, tôi chưa thấy ai yêu nghề, yêu học trò
như cô giáo này, và nhiều cô giáo cắm bản như cô Phương. Thì nguyên cái việc cô
lặn lội lên thành phố xin tiền tổ chức trung thu cho học trò đã chẳng kinh rồi
à, trong khi con mình thì không biết có ai tổ chức cho nó không? Cũng nhiều lúc
thấy Phương day dứt với con, vì cái sự bỏ con đi suốt ngày với học trò “Ăn vội tô phở làng, ghé tạm lưng trên
những chiếc ghế ghép và thưởng thức những đề xuất của tiến sĩ, cô
giáo làng như ả bỗng thấy trưa nay thật yên bình (dù đang ngay ngáy
không biết hai nhóc ở nhà tự vật lộn với bữa trưa như thế nào...
Chị thì 11h15' mới tan học, mẹ thì trưa ở lại trường đột xuất)!
Chợt nhớ mấy năm nay, giấy chứng
nhận giáo viên giỏi của ả từ cấp Trường đến cấp Tỉnh cũng được dăm
tờ... Chẳng để làm gì, có chăng là đọng lại bao kỉ niệm. Bỏ thi đi
cho anh chị em đồng nghiệp đỡ căng thẳng, học trò đỡ vắng thầy cô, đỡ
đảo lộn các sinh hoạt dạy và học mỗi khi kì thi ấy đến, nhỉ các
bác ở Bộ?!”
Và
cô còn làm thơ, đọc bài thơ dưới đây thì hiểu cái tình yêu của cô giáo người
Huế với học trò Jrai như thế nào:
CHUYỆN NÀNG SƠN NỮ
Em...
Sơn nữ Jrai tuổi vừa chạm ngọn trăng tròn trên núi
Tóc mây ngàn bồng bềnh như dòng suối ven nương
Trái tim non ngả nghiêng theo nhịp chiêng đong đưa mùa lễ hội
Xúc cảm đầu đời chưa biết gởi trao ai…
Cái rẫy trên cao không có người vỡ đất
Đàn bò gầy vì thiếu người cắt cỏ, lùa trông
Vài nét chữ có chắp cánh cho em mơ mộng
Ngọn măng rừng thêm xót ruột Amí, Ama
Ngậm ngùi chia xa áo trắng, giấy hồng
Rời lớp học giữa điệu soang đọng mãi
Lưng lẻo nhìn cổng trường khép lại
Tối mai, sơn nữ phải "bắt chồng"
Tương lai đành gửi lại cho đứa trẻ ngủ say trên lưng
Chiều sông Ba gió thôi lùa tóc cháy
Mắt thôi cười, môi thôi mọng
Hương núi rừng trinh nguyên giờ thơm vị sữa của con thơ
...
Sơn nữ giấu giọt nước mắt mặn mùi khói bếp
Lặng lẽ vụng về sắp xếp những lo toan vào kỉ vật:
Quyến sách cũ ố vàng màu thời gian
Chiếc thước kẻ đo gang những ngày em làm mẹ
Bút
Vở
Mảnh giấy màu xé dở
Nằm lẻ loi trong mớ áo váy thuở đến trường
Vài giọt nước mắt vương - nghĩ về tương lai mờ mịt
Em!
Đừng nỡ chôn ngày mai trong cái nhìn khờ dại
Chẳng thể mãi theo chân thằng chồng trẻ khật khưỡng say với gã mặt trời
Đến trường em nhé! Hãy cùng tôi viết tiếp ước mơ dang dở!
Cánh cổng trường đang rộng mở đón chờ em...
Tháng 9/ 2014
_VPC_
Tôi
thì cứ hình dung, nếu một ngày, không có các cô các thầy giáo làng như cô Cao
Viễn Phương và rất nhiều các thầy cô khác, đời sống ở làng sẽ ra sao. Mà không
cứ các làng đồng bào dân tộc nhé, rất nhiều làng người Kinh cũng thế, vai trò của
các thầy cô giáo cực lớn, nếu không có họ, làng buồn và cô đơn biết bao
nhiêu...
3 nhận xét:
Bộ trưởng Thăng ở đâu mà kg lệnh cho 1 cái cầu nhỉ?
Bộ trưởng Thăng ở đâu mà kg lệnh cho 1 cái cầu nhỉ?
Cây cầu này được gọi là "Cầu Bung" vì mỗi lần mưa to, nước lớn là cầu bung mất tiêu, đi qua cầu này cũng mất 1 lượt 5000 đ, để góp tiền khi cầu bung mất còn có tiền làm lại
Đăng nhận xét