Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

PHONG BÌ NHẸ NỢ...



Đồng tiền nó vô tri nhưng nó có thể đại diện giá trị con người. Cách đưa nhiều khi thể hiện văn hóa của người đưa và thể hiện giá trị của người nhận. Nó, cái phong bì ấy, nhiều khi làm người nhận rất đau lòng, băn khoăn, thậm chí tủi thân…
-----------



 
Các thầy cô giáo tự hát tặng nhau ngày 20/11 ở xã Ia Der, huyện Ia Grai

          Cách đây hơn 40 năm, hồi ấy tôi đang học cấp 2 ở một xã của tỉnh Thanh Hóa mà gia đình tôi sơ tán về, nhân ngày 20 tháng 11, mẹ tôi kêu tôi lại và đưa 1 cái túi cói, trong ấy là… chè xanh, chừng một cân, nói con hãy xuống nhà thăm cô nhân ngày “hiến chương các nhà giáo”- hồi ấy còn gọi thế. Tôi rủ thêm mấy bạn trong lớp cùng đi, các bạn đều đi tay không, mỗi tôi có “quà”. Nhà cô cách nơi tôi ở 4 cây số, chúng tôi đi bộ xuống, cô rất vui, nhận “quà” mà nhắc đi nhắc lại lần sau chỉ xuống chơi thôi là cô vui rồi, đừng mang quà. Cô tên là Quyền, giờ về hưu ở tại xã Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, tôi vẫn thường xuyên điện thoại với cô, mấy lần có dịp qua Thanh Hóa đều về nhà thăm cô…

          Sau thời tặng cô cân chè xanh như tôi thì đến thời tặng… cam, đến nỗi có người đọc chệch “ngày quốc tế hiến chương các nhà giáo” thành “ngày quốc tế hiến cam các nhà giáo”. Ở miền Bắc, tháng 11 hình như trùng với mùa cam?

          Giờ chắc chả bà mẹ nào chuẩn bị “quà” cho con như thế, và nếu có chắc một đứa trẻ cấp 2 cũng chả chịu mang đi.

          Chưa bao giờ mà cái sự tặng quà cho thầy cô nhân ngày 20 tháng 11 lại làm cho nhiều người băn khoăn đến thế. Tặng hoa ư, tất nhiên rồi, nhưng chả lẽ chỉ có hoa? Áo dài, vải may áo… nó cũng quá cũ, và có vẻ cũng chưa… thể hiện hết lòng mình, và quả là đã từng có cô giáo sau ngày 20/11 có đến cả chục miếng vải may áo dài cả đời không hết?

          Cuối cùng một ý kiến rất thông minh được gần như tất cả mọi người hân hoan chấp nhận: Phong bì.

          Và từ đấy chiếc phong bì vạn năng lên ngôi.

          Nó vô cùng tiện lợi cho cả người đưa và người nhận. Ngày này mà không có gì biếu thầy cô thì phụ huynh vô cùng áy náy. Giờ có cái phong bì, nó trở thành nơi, thành vật, để phụ huynh an tâm, hết áy náy. Đưa được phong bì là… nhẹ cả người.

          Các thầy cô, của đáng tội, cũng có không ít người thấy rằng, phong bì cũng… tiện. Thậm chí còn thể hiện đẳng cấp: ngày này ai có phong bì nhiều hơn thì là ở đẳng cấp cao hơn, là thước đo sự tín nhiệm chuyên môn và niềm tin của phụ huynh, xã hội đối với mình…

          Nhưng không phải ở đâu và lúc nào cũng có phong bì, cũng như không phải lúc nào cũng có sự trân trọng khi đưa. Đồng tiền nó vô tri nhưng nó có thể đại diện giá trị con người. Cách đưa nhiều khi thể hiện văn hóa của người đưa và thể hiện giá trị của người nhận. Nó, cái phong bì ấy, nhiều khi làm người nhận rất đau lòng, băn khoăn, thậm chí tủi thân…

          Rất nhiều thầy cô giáo vùng sâu vùng xa dạy học cả đời chưa bao giờ thấy cái phong bì. Ngay ở thành phố thì cũng rất nhiều thầy cô giáo ước ao “Giá đừng có ngày ấy”, nhiều người đến ngày ấy thì… đóng cửa đi chơi.

          Vì thế, năm nay, một số trường ra thông báo: trường xin phép không nhận quà trong ngày này. Một số sở, và cả bộ Giáo dục cũng thông báo chỉ xin được nhận thiệp mừng qua mail.

          Tôi hiểu sự muốn được thanh thản trong những thông báo ấy, bởi, từ bao giờ không biết, những món quà, những cái phong bì ấy, nó đã bị biến tướng, tình cảm chân thành, sự kính trọng vốn có… bị cái lạnh lùng của phong bì giết chết.

          Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, và sự tôn sư trọng đạo nó cũng hun đúc từ đời này qua đời khác, cũng trở thành truyền thống. Nhưng đến lúc mà các nhà giáo phải từ chối nhận quà trong ngày vui của mình thì quả là bộ mặt thật của đời sống thị trường đã lộ diện một cách hết sức tàn nhẫn. Một cô giáo dạy ở PTTH Ia Ly, Gia Lai nói: “Chả được bao nhiêu mà mang tiếng, đừng có thì thanh thản hơn”. Một cô giáo trường Tô Hiến Thành, Thanh Hóa lên tiếng: "Các bậc phụ huynh, học sinh đến thăm thầy cô giáo với tấm lòng chân tình, tôn trọng từ trái tim mình. Chứ không phải là "khủng bố ", "tra tấn" bằng bom thư, vật dụng....Sau đó đầu xóm, cuối làng đàm tiếu tỏ vẻ khinh thường. Đó không phải là những phụ huynh chân chính". Và đây là một cô giáo trường Hùng Vương, Pleiku: “Với tư cách giáo viên, tôi căm ghét ngày 20/11, với tư cách phụ nữ, tôi căm ghét ngày 20/10, 8/3”. Và đây nữa,  một cô giáo tiểu học dạy tại điểm làng ở huyện Krông Pa, Gia Lai: “Cứ ở làng như em đâm ra lại lành. 20/11 toàn hoa nhà và hoa rừng”.

          Đồng tiền và phong bì không có tội, nhưng chính con người đã làm cho nó méo mó đi. Đưa tiền như một cách để… nhẹ nợ thì tức là trút nợ sang người nhận. Cuộc đời thèm biết bao những phút giây thanh thản…
  
                                                               


        


5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đang định viết một chút linh tinh lang tang về ngày 20/11 thì “bắt” được chuỗi bài này của VCH.
Thấy nhiều nỗi buồn quá!
Nỗi buồn thứ nhất: Trong bài viết của VCH và nhiều bài viết khác không thấy nhắc đến cô giáo mầm non, thầy cô tiểu học những thầy cô đã đặt những viên gạch đầu tiên cho “cái sự học” ở mỗi con người. Đành rằng lúc đó ta còn quá bé không nhớ được gì nhiều…. buồn.
Nỗi buồn thứ hai: Theo “thông lệ” cứ đến dịp lễ tết thì cấp dưới chuẩn bị quà để biếu cấp trên. Ngành GD cũng không năm ngoài thông lệ đó nên dịp 20/11 các Sở GD rồng rắn kéo về Hà Nội để tặng hoa và …. cho bộ GD. Vậy khi Bộ trưởng bộ học mà tuyên bố không nhận quà, hoa chúc mừng nhân ngày 20/11 một cách không rõ ràng làm truyền thông hiểu nhầm. Tội các nhà trường và thầy cô ở vùng sâu vùng xa lắm, nghe về ngày của mình mà nghèn nghẹn, đăng đắng…buồn.
Nỗi buồn thứ ba: Mình sống ở nông thôn. Bé nhà mình học lớp 6 làm cán bộ lớp, ngày 20/11 thấy bé xin 30.000đ. Mình hỏi để làm gì?. Bé nói góp nhau mua hoa tặng thầy cô dạy con (gồm 9 người), riêng cô giáo chủ nhiệm có thêm “chiếc phong bì 100.000đồng”….buồn.
Nỗi buồn thứ tư: Có cái quy định nào đó của nhà nước đại loại là “để tránh lãng phí thời gian và tiền của nên các lễ kỷ niệm, ngày truyền thống … chỉ tổ chức vào năm chẵn”. Thế là năm nay là 32 năm ngày nhà giáo Việt Nam, 20/11 quê mình thầy cô ….buồn.
Nỗi buồn thứ ...n: Cạnh nhà mình có hai vợ chồng đều là GV dạy môn Âm nhạc tiểu học, không hề có một bó hoa nhân ngày 20/11. Họ chỉ có một món quà 300.000 đồng của nhà trường và công đoàn nơi họ công tác. Ngày đó họ đi hát thuê cho một lễ tri ân thầy cô của một nhóm học sinh cấp 3 hội lớp…buồn.
TNC

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi đến thăm các thầy giáo cũ, nhân ngày 20/11, thường chỉ có bó hoa tươi và cuốn sách mới in. Tôi cảm thấy các thầy rất mừng, còn mình thì rất vui.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Đọc của bác VCH nơi miền xa mà tôi cũng thấy" ngậm ngùi".
Tôi may mắn được sống ở thành phố "nhớn"nên cái phong bì nó là cứu cánh cho các con cháu tôi.Có lẽ do đô hội nên cái phong bì nó thành một nhẽ thường...không thể thiếu được , nó là con đường NGẮN VÀ DỄ HIỂU NHẤT giữa các cháu với thầy cô. Chắc sẽ nhiều người phản đối nhưng tiếc thay- Nó lại là sự thât -mà sự thật lại rất phũ phàng!!!!

T.Bình nói...

Tui không phải là nhà giáo nhưng 20/11 và tết nào nhà tui cũng có rất nhiều hoa, số là tui ở bên canh nhà 1 thầy hiệu trưởng, học trò tặng thầy nhiều hoa quá không còn chỗ để, thế là vợ thầy xử lý bằng cách mang sang cho vợ tui, vợ tui dùng không hết lại mang cho hàng xóm khác. Đặc biệt có một lần vợ tui phát hiện trong một lẵng hoa có một cái phong bì, nguy hiểm quá, xử lý thế nào đây? May quá có bà chị đến chơi hiến kế hay: Nhặt những bông hoa đẹp nhất tạo thành một lẵng hoa mới, đặt cái phong bì vào lẵng hoa nửa kín nửa hở, rồi nhân lúc thầy đi vắng bà chị giả vờ làm phụ huynh mang hoa đến, chúc mừng vợ thầy dăm câu 3 điều rồi rút.Bây giờ thầy về hưu và cũng đã chuyến đến quận khác nên mấy năm nay 20/11 tui chẳng có bông hoa nào nữa. hu hu...

Daniel nói...

Hình như chỉ có ở Việt nam quê ta mới coi ngày 20/11 là ngày lễ được nghỉ học .
Bữa trước tui hỏi mấy thằng đồng nghiệp , chỉ có 1 thằng biết tới ngày Hiến chương , bởi hắn đang ngồi bên máy tính và nhanh tay lên mạng tim ra .