Và trong quá trình học ấy, rất nhiều thầy cô đã chung tay giúp tôi nên người hôm nay, từ thầy yêu tôi nhất đến cô ghét tôi nhất, ghét đến mức có cô dạy lớp 3 bảo: cứ thấy mày lép nhép cái mồm là tao muốn vả, hiih, hình như hồi ấy tôi hay nói chuyện riêng...
Nhưng có 3 thầy cô ảnh hưởng lớn đến tôi, giúp tôi yêu văn chương để đến hôm nay thành người biết gõ phím thành chữ. Và may mắn, tôi đã tìm gặp được cả 3 thầy cô ấy sau bao năm lang bạt.
Tính từ lớp nhỏ lên thì cô Quyền là người dạy tôi trước. Hồi ấy nhà tôi sơ tán về xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Cô Quyền dạy văn và trong mắt tôi hồi ấy thì cô đẹp vô cùng. Cô cũng ở ngay nhà tập thể trong trường. Thi thoảng ít người, cô kêu tôi rủ các bạn sang ngủ cho cô đỡ sợ. Cô yêu một chú đi Đức về, nên có cái xe Diamang, là thứ xịn nhất hồi ấy. Cô mặc quần lụa sa tanh, lại cũng là thứ oách của thời chiến. Trong mắt tôi cô là một hình mẫu của sự thánh thiện, đến trong veo, đến tinh khiết...
Giờ cô về hưu, ở tại xã Châu Lộc quê chồng. Tôi đã tìm về nhà cô. Đường làng khấp khểnh, những bức tường đá rất bí ẩn. Và lạ, cô vẫn không già. Hồi ấy tôi chụp ảnh cô đưa lên blog, ai cũng khen cô trẻ và đẹp, bảo giờ mà thế thì ngày xưa lộng lẫy là phải.
Cô Quyền cách đây 4 năm |
Cô thứ 2 là cô Quy, cũng dạy trường ấy. Khi tôi lên lớp 8, tức là vào cấp 3 thì cô cũng vào Vinh học đại học- hồi ấy cả cô Quy cô Quyền cũng đều học 7 cộng 3 thì phải. Tôi nhớ cô Quy hẹn tôi: Em và cô cùng thi đua nhé. Cô Quy là vợ chú Dược, phó giám đốc xí nghiệp than bùn. Mẹ tôi là phó giám đốc nhà máy diêm Thanh Hóa, 2 cơ quan này ở gần nhau nên nhà tôi và nhà chú biết nhau. Hồi ấy cô Quy đã có con nên cái sự đi học chắc là vất vả. Học xong cô về dạy ở trường Lam Sơn là ngôi trường nổi tiếng ở Thanh Hóa, một trong những đặc sản của Thanh Hóa (cùng với... rau má và cầu Hàm Rồng, hehe). Giờ cô cũng đã về hưu ở tại Hà Nội. Vấn đề là cô cũng là nhà thơ, tôi được vinh dự viết lời giới thiệu cho một tập thơ của cô. Cô chơi với nhiều bạn thơ của tôi, ra Hà Nội mà tôi "lộ diện" là thế nào cô cũng bắt tôi đến nhà ăn cơm. Có lần tôi lôi cả mấy ông- hồi ấy đang học Nguyễn Du- Đỗ Tiến Thụy... đến nhà cô cùng ăn, phá như giặc. Lại có lần chú Dược lôi cả tôi và cô Quy đi tiếp khách, rồi cũng có quà như... khách, là 1 phong bì và 1 tút thuốc- hồi ấy chú Dược là đại biểu quốc hội, phó tổng giám đốc liên hiệp thuốc lá, trước đấy chú là giám đốc nhà máy thuốc lá Bông Sen Thanh Hóa.
Với cô Quy tại sân thơ Văn Miếu năm 2010 |
Hôm qua nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế gọi cho tôi, bảo mới đi thăm các thầy cô giáo cũ về, trong ấy có thầy Vỹ. Thầy Vỹ dạy văn tôi ở cấp 3 Hậu Lộc, và hồi ấy thầy đã làm thơ, thi thoảng thầy đọc thơ cho lớp nghe, và giao cho tôi chép lại thơ của thầy từ sổ này sang sổ kia, dạng nưh bây giờ là tổ chức bản thảo ấy. Tôi nhớ đã chép sai hoặc bẩn gì đấy thầy có vẻ thất vọng về tôi.
Tôi cũng đã tìm về tận nhà thầy ở xã Tiến Lộc, Hậu Lộc, một ngôi nhà cũ, cái sân gạch còn cũ hơn. Và thầy cũng... cũ. Thầy rất mừng, gọi cô về khoe: đây là cậu học sinh cưng của tôi. Thầy bảo trong số học trò của thầy có 3 người đã là hội viên hội nhà Văn Việt Nam là nhà thơ Trịnh Thanh Sơn- đã mất, nhà thơ Nguyễn Ngọc Quế, và tôi. Còn thầy thì cũng là nhà thơ, nhưng là thơ câu lạc bộ- là thầy nhận thế, chứ chính những vần thơ của thầy hồi tôi chép đã gợi hứng cho tôi cũng làm thơ từ dạo ấy, ví dụ 2 câu kết của 1 bài thơ tả trăng của tôi hồi ấy: Sao nhiều trăng sáng thế này/ Thì mai ắt hẳn là trời nắng to...
Thầy Vỹ bên trái ảnh. |
Tại nhà thầy có cô và cháu thầy, 2 thằng đứng 2 bên là bạn học cũng lớp cấp 3 ngày xưa |
Rước thầy đi chơi, lên thị trấn Văn Lộc, nơi ngày xưa có thời cấp 3 Hậu Lộc ở đấy. Thằng đi với thầy là Khánh, giờ là thầy lang bốc thuốc nổi tiếng |
Khoe tí, tôi là học sinh giỏi văn từ lớp... 1 đến lớp 10. Hồi lớp 1, lớp 2 toàn được cô giáo giao đọc bài cho các bạn dò chính tả, vì tôi rất chuẩn về chính tả. Lên cấp 2 thì toàn được chọn vào đội tuyển văn. Cấp 3 thì hôm thi thử tốt ngiệp tôi làm... thơ, bài thơ dài 7 trang giấy thi. Thầy Vỹ kêu tôi lên giữa lớp mắng một trận ra trò, bảo chỗ thi cử mà anh đùa à, may đây là thi thử chứ thi thật thì anh toi nhé...
Ấy cả 10 năm học sinh giỏi văn thế mà 2 năm liền thi vào khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội thì môn văn đều... 1 điểm. Thế mới tài, huhu. là bởi tôi toàn viết theo ý mình, không theo đề cương, đáp án thì chấm thế nào được.
8 nhận xét:
VIẾT TÀO PHÀO THẾ NÀY THÌ CHẢ CÒN AI MUỐN VÀO"NHÀ" CỦA ÔNG CẢ. TÔN VINH CÁC NHÀ GIÁO CHỨ. TRỚ TRÊU THAY, NHƯ NHẶT CHUYỆN VỈA HÈ ẤY.
Ấn tượng nhất với tôi là cô giáo Gái, dạy vỡ lòng, năm 1963, ở đình làng Bãi Trữ. Tóc cô dài và đen mượt. Về sau, tôi theo gia đình đi khai hoang ở Tuyên Quang. Mấy lần về quê Ninh Bình hỏi thăm, người làng bảo cô lấy chồng bên Thiệu.
Vừa rồi, tôi đi khảo sát điền dã 12 sứ quân, để viết tiểu thuyết Đinh Bộ Lĩnh. Qua làng Tùy Hối, (khi xưa gọi là Tri Hối), ven sông Hoàng Long, tìm tư liệu về Lưu Cơ, quan tứ trụ triều Đinh. Nhưng ở đây, không ai biết gì về ông Lưu Cơ của nghìn năm trước. Đi loanh quanh dưới chân núi Thiệu, thấy một người đàn ông đứng tuổi, tôi hỏi xem có biết về cô giáo Gái dạy vỡ lòng khi xưa bên Trữ không? Ông ấy bảo, chính là chồng cô, ngay làng Thần Thiệu đây. Thế là tôi vào làng gặp cô, sau 50 năm xa cách. Cô trò mừng mừng tủi tủi. Tôi tặng cô một cuốn sách làm quà.
Vũ Xuân Tửu
Nhân ngày 20/11, tôi nhớ tới chi tiết này: vào một năm nào đó, khi tôi đang học cấp 3 thì phải, ngày hiến chương các nhà giáo bị thay đổi, người ta tổ chức kỷ niệm không nhằm ngày 20/11, với lập luận là ngày đó không phải là ngày kỷ niệm riêng của giáo chức Việt nam. VCH có còn nhớ và bình luận gì về cái thời xa vắng đó?
Ghé vô nhà anh chơi, gặp ngay cái truyện 20/11. Chuyện anh kể nôm mà tuyệt, cái tuyệt bởi cái "chân". Có điều thi sĩ hơi cường điệu chuyện 1 điểm thi văn ĐH?
Hỏi thật: cái bài thơ thi thử anh còn nhớ k? cho em nhé!
Em Đình Minh - Hải Phòng.
Bạn Tuấn Trắng nói, có thời bỏ ngày 20/11. Đấy là khoảng những năm bảy mươi (XX) gì đó, lấy ngày đón thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngành giáo dục, thay ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo. Về sau, lại đổi như bây giờ.
Vũ Xuân Tửu
Nguyễn Đình Minh:
Chuyện 1 điểm là có thật đấy. Hồi ấy tớ học giỏi văn nức tiếng nên khi thi được 1 điểm ai cũng ngạc nhiên. Còn cái bài thi bằng thơ thì tớ ngồi làm trực tiếp vào giấy thi nên làm sao nhớ được...
Thì cũng phải hư cấu nó mới thành chuyện chứ.
Viet tan man, lung tung ma hap dan thiet. Cac thay co cu cua bac Hung doc nhung dong nay chac rat am long!
Đăng nhận xét