Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

MẠI DÂM CHÍNH KHÁCH

Lâu lâu rồi, một hôm mình gầy độ nhậu ở nhà Phạm Đức Long. Chuẩn bị ra ly thì có điện thoại. Là của Ngô Bá Hòa, một cây bút trẻ của hội Văn học Nghệ thuật dân tộc thiểu số. Tên này viết hay nên mình cũng nể. Nó bảo em sắp đến Pleiku. Ừ thế thì ghé chỗ anh nhậu luôn. Nó ngập ngừng: nhưng có "kèm" một người. Ai đấy. Thầy em. Là ai? Nguyễn Bắc Sơn. A thế thì mời bác ấy luôn. Nếu mình chú thì anh cứ nhậu rồi chờ, nhưng có bác Sơn thì anh phải hoãn để chờ. Té ra 2 thầy trò ông này đi xe đò từ Quy Nhơn lên. Mình chỉ chỗ xuống xe rồi bắt tắc xi đến nhà Long...

Đấy là lần đầu tiên mình gặp bác Sơn, nhưng tên bác thì mình biết rồi, sách của bác mình cũng đọc rồi, nên mình nâng ly trịnh trọng lắm, vì trông ông ấy đạo mạo hơn mình. Nhưng té ra cái anh già bạc từng phần này lại rất thoải mái dù mâm tụi mình đông người và nhiều người chưa nghe tên ông. Nhậu tê thì cu Hòa ra đường bắt xe lên Đăk Glây cách đấy 200 cây mà chiều đã nhem nhém rồi, chả biết nó có đến nơi không. Còn bác Sơn thì hình như về khách sạn ngủ, mình không nhớ rõ nữa.

Vấn đề là mới đây ông Sơn gửi tặng mình một cuốn sách có cái tên rất quê: "Gã tép riu" với lời nhắn: đọc nhé. Đọc chứ, mình đọc ngay, trong có 2 đêm, cứ thắc thỏm phải viết về nó, thắc thỏm suốt mấy tháng nay rồi...

Là bởi ông viết ghê rợn quá. Nó bạo liệt và đau đớn. Nó vạch ra những điều có thể nhiều người biết nhưng lại không nói ra, nó cũng thấy được nhiều điều mà người thường không thấy. Nó trưng ra con đường tiến thân bằng... thân của một số sâu bọ hiện nay, mà trong tiểu thuyết là nhân vật Thủy. Đặc biệt lần đầu tiên trong tiểu thuyết Việt, một nhân vật cấp cao, rất cao, được tác giả xây dựng khá... không mờ...

Thú thật là đọc xong mình hoang mang cả tháng. Nó như một vết chém, toang hoang ra mọi thứ, làm người bị chém đau đã đành, còn làm người chứng kiến ghê sợ- viết được như thế là rất đáng nể.

Và trong khi còn loay hoay với vết chém ấy thì thấy có bài của nhà phê bình Bùi Việt Thắng trên vanvn.net về cuốn này, mình mang về đây như một cách chia sẻ và cám ơn nhà văn Nguyễn Bắc Sơn...
--------

Bi kịch lạc quan


(Đọc “Gã Tép Riu” - Tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, Nxb Hội Nhà văn, 2013)

Bùi Việt Thắng - 
Bìa tiểu thuyết Gã Tép Riu

Một tiểu thuyết hấp dẫn. Đó là cảm giác rất sảng khoái của tôi sau khi đọc xong Gã Tép Riu của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Trước hết cần phải nói ngay rằng đọc được một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, theo đúng nghĩa của từ này, trong bối cảnh hiện nay không phải là chuyện dễ (cho dù cơ chế thị trường đã tạo đà cho “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” và quan niệm về tính hấp dẫn của văn chương cũng thật đa dạng). Sự hấp dẫn của Gã Tép Riu, theo tôi, không chỉ nằm ở “chuyện” về mối tình tay ba đẫm nước mắt  (có thể nói là cả máu) giữa hai người đàn bà và một người đàn ông (một cô gái điếm tên Dự, vợ không chính thức của Tùng - làm nghề báo -  Diệu Thủy, vợ Tùng, một phụ nữ có nhan sắc và địa vị cao trong xã hội). Không hiểu cơn cớ gì mà khi đọc Gã Tép Riu  tôi lại nhớ đến bài thơ có cái nhan đề rất lạ, xuất hiện cách đây hơn bốn mươi năm, của nhà thơ Việt Phương - NƠI GỪ (đúng là chữ  NGƯỜI bị xé ra). Phải chăng con người thời đại đang bị phân thân, bị nghiền nát, bị “xé rách” ra hơn bao giờ hết?! Tôi nghĩ Nguyễn Bắc Sơn là một cây bút tiểu thuyết có duyên - một thứ duyên trời cho chứ không phải nhờ kiên nhẫn lao động chữ nghĩa mà có được. Nhưng nếu chỉ có “chuyện hay” thì vẫn rất có thể khi đọc xong tác phẩm người ta cũng dễ dàng quên nhanh, không còn gì đọng lại vì cái nhất thời mà nó đáp ứng được. Nói cách khác, nếu như tác phẩm trôi tuột đi là vì nó không có ám ảnh, không có dư ba. Thật ra thì đằng sau những “chiêu thức” giữ độc giả (mà đây lại không phải là ưu thế của một nhà văn đã ở vào cữ tuổi “xưa nay hiếm” như Nguyễn Bắc Sơn), phải có một cái gì đó lớn hơn và sâu sắc hơn cả về nội dung tư tưởng, cả về nghệ thuật tiểu thuyết. 
    
Không khí truyện (hay là “hơi thở” đời sống thời đại) chính là yếu tố hàng đầu tạo nên tính hấp dẫn của tiểu thuyết. Do công việc tôi cũng có điều kiện đọc được khá nhiều tiểu thuyết đương đại, nhưng vẫn cứ thấy thiếu vắng cái “hơi thở” đời sống mà thường những tác phẩm thành công có thể giúp cho độc giả tiếp nhận được một cách cụ thể, sinh động bằng tất cả các giác quan cái quang cảnh và bầu khí quyển xã hội được phản ánh (thậm chí có người nói có thể “sờ mó” được). Tiểu thuyết Gã Tép Riu tái hiện một cuộc sống đầy rẫy những ngẫu nhiên và bất thường, bất trắc. Hay nói cách khác là cái phi lí đang chi phối đời sống  xã hội trong sự vận hành của nó. Sự thăng tiến như diều gặp gió của Diệu Thủy là kết quả của một sự ngẫu nhiên, đầy ngẫu hứng, như một sự trớ trêu của tạo hóa “ Khi có một vị lãnh đạo cao cấp cư trú ở phường này đi qua, nổi hứng rẽ vào thăm cuộc họp tổ dân phố” (tr. 12). “Nổi hứng” vào thăm chứ không theo một kế hoạch công tác nào của vị lãnh đạo cao cấp này. Và chính trong bối cảnh ăn may ấy (nương theo cái tâm lí may - rủi của đám đông), sự tự tin đã giúp Diệu Thủy dám nhận cái chức chủ tịch phường. Thế là cô “lên đời”, như ngôn ngữ hiện đại thường nói, không cần hao tâm tổn sức vì “Người ta phấn đấu mười năm không bằng một câu phát biểu của cô” (tr. 15). Cứ như diều gặp gió, Diệu Thủy vù vù thăng tiến, cuối cùng lên đến chức thứ trưởng một bộ nọ. Hóa ra một người rất bình thường mà “Lọt vào mắt xanh của lãnh đạo cao cấp  thì… tha hồ mà tiến bộ…” (tr. 15). Nhân vật Diệu Thủy gợi cho độc giả nhớ tới Xuân Tóc Đỏ - nhân vật gắn với cái “vô nghĩa lí” mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã dụng công miêu tả  trong tiểu thuyết Số đỏ. Vô nghĩa lí đến mức “Một đồng chí thợ điện cơ quan, chú còn bồi dưỡng thành bộ trưởng cơ mà!” (lời của “Chú ấy” - nhân vật lãnh đạo cao cấp được miêu tả theo phương pháp “mờ hóa”).
       
Các nhân vật tiểu thuyết sống trong một bầu không khí thời đại mà tâm linh trong nhiều trường hợp đã bị biến dạng thành dị đoan, khiến con người biết bao phen lao đao vì những niềm tin mù quáng. Diệu Thủy và Tùng có một đứa con trai độc nhất (tên Lâm), đến tuổi nghĩa vụ trở thành lính hải quân, đã hi sinh trong một trường hợp cực kì vô lí vì “Lần ấy, đơn vị nó có nhiệm vụ chiếm một đảo không người. Việc ngon như óc chó nếu như ta đổ bộ ngay. Thế nhưng, chả biết bố nào xem ngày, lại bảo lùi lại, đợi mai ngày tốt hãy đổ bộ. Thế là đêm ấy địch đến sau lại kịp chiếm mất. Sáng hôm  sau, cả con tàu ta liều chết lao vào, nhưng không lại được với hỏa lực rất mạnh của chúng (…). Lâm chưa kịp đánh đấm gì đã hi sinh. Và điều đau buồn nhất là không bao giờ tìm được hài cốt con giữa muôn trùng biển cả” (tr. 20 - 21). Phải chăng đức tin của con người đang bị lung lay nên họ buộc phải tìm tới sự an ủi và nhiều khi là phép màu của thần linh như một lực lượng siêu hình có quyền năng tuyệt đối?! 
    
Người ta nói, nhìn vào gia đình sẽ thấy xã hội. Trong tiểu thuyết Gã Tép Riu cái “hang ổ” của Tùng - Diệu Thủy tiêu biểu cho cái gia đình hiện đại khi nó đứng trước nguy cơ tan vỡ hơn trước nhiều lần. Phải nói rằng trước khi Diệu Thủy tham chính thì gia đình họ khá điển hình cho một tổ ấm hạnh phúc (Tùng có cả “vợ đẹp, con khôn, chính trị, chuyên môn”). Vợ chồng Tùng và Diệu Thủy, cũng giống như con người thời đại, đã được sống hết mình cả trong tình dục và tình yêu. Cả chương 3 (tr. 25 - 37), nhà văn không ngần ngại gì đi sâu vào miêu tả cái hạnh phúc bình thường của con người, của đời sống tình dục chồng vợ vốn vô cùng bí ẩn và tinh tế trong phần bản năng gốc của nó. Gia đình Tùng - Diệu Thủy về sau (nhất là sau cái chết của đứa con trai duy nhất) đã tan vỡ theo những con sóng li hôn ngày càng tăng cao trong xã hội, khi cái gọi là “nữ quyền” càng được quan tâm và đề cao, khi mà tham vọng quyền lực có thể làm mờ mắt con người. Cái không khí bát nháo của đời sống hiện đại đầy tính chất hiện sinh trong tiểu thuyết Gã Tép Riu đậm đặc ở những chương, đoạn kể về cuộc đấu tranh nẩy lửa giữa những người tử tếkẻ không tử tế trong một dự án có tầm cỡ quốc gia nhưng lại do một nhúm người “cha căng chú kiết” vẽ vời, đắp điếm mà thành. Trong cuộc đấu tranh này, Tùng là nhân vật “đầu têu”. Rất may cuối cùng nhờ công luận và sự phản tỉnh của những người có trách nhiệm, đã kịp ngăn chặn một kế hoạch không phải là ảo tưởng, mà là một kế hoạch nguy hiểm, có tính toán dựa trên cái gọi là “ lợi ích nhóm” như bây giờ chúng ta thường nói. Cuộc đấu tranh này buộc những con người như Tùng phải dấn thân, chấp nhận mất mát hi sinh để bảo vệ chân lí.
    
Nhân vật sắc nét là một yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của Gã Tép Riu. Diệu Thủy xuất hiện ngay từ chương đầu của tiểu thuyết trong vai một Bí thư Quận Đoàn, rồi nhờ một sự ngẫu nhiên mà bước vào được chốn quan trường. Càng thăng tiến bao nhiêu trong chính trường thì Diệu Thủy càng đánh mất đi bấy nhiêu  tình nghĩa vợ chồng với Tùng, tình người với đồng loại (với Dự chẳng hạn). Quá trình tha hóa của Diệu Thủy được chính chồng cô gọi là “gái mại dâm chính khách” (tr. 429). Tôi cứ mường tượng đến hình ảnh “miếng da lừa” trong tiểu thuyết cùng tên của văn hào Pháp  O. Balzac, rồi nghĩ tới nhân vật Diệu Thủy. Cứ mỗi bước thăng tiến dễ như thò tay vào túi mà lấy ra thì cuộc đời cô ta lại bị thu hẹp lại, mất dần đi tính mẫu (sau cái chết của đứa con trai duy nhất cô không sinh nở nữa để tập trung thời gian phấn đấu thăng tiến, rồi đến khi muốn có con lại chẳng thể được), cạn vơi dần đi tình cảm vợ chồng vốn rất tự nhiên như một báu vật trời cho con người (đến mức khi chồng muốn ân ái thì cô lạnh lùng nói “Em không hưởng ứng đâu. Anh có cần thì dùng”, đến mức Tùng phải lén quay cảnh vợ khỏa thân để tự sướng…). Đến khi tình cảm vợ chồng đã không còn, cô nghĩ ra nhiều mưu kế ngăn cản li hôn vì muốn giữ gìn danh tiếng của một bà thứ trưởng. Giọt nước đã làm tràn li khi chính Tùng lớn tiếng trước tòa “Một bên đã từng bán trôn nuôi miệng, còn một bên…đang bán miệng nuôi trôn” (tr. 429). Và cái khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời Tùng đã xảy ra ngay trong phiên tòa khi “Diệu Thủy bật người lên, xông lại, tung một cú đá song phi làm Tùng ngã vật ra, mặt đập phải thành ghế trước khi đổ ập xuống sàn nhà” (tr. 429). Diệu Thủy đã là một kẻ vũ phu cả với chồng và với người vợ không chính thức của chồng “Mặt đằng đằng sát khí, miệng nói, hai tay chị ta xô mạnh cái bàn nước về phía trước. Cạnh bàn lao vào giữa bụng làm Dự bật ngã bổ chửng” (tr. 378). Sau cái tai nạn kinh hoàng ấy, Dự được cứu sống, nhưng đứa con bảy tháng tuổi trong bụng cô và Tùng đã chết. Rõ ràng là phần “con” đã hủy diệt cái phần “người” của nhân vật Diệu Thủy. Nhân vật này biểu trưng cho cái ác đang lộng hành trong đời sống xã hội, cho cái xấu đang hủy diệt con người hiện đại. “Gã Tép Riu” Tùng muốn giữ gìn tiết tháo kẻ sĩ và cô gái điếm Dự với khát vọng hoàn lương là những nhân vật biểu trưng cho khát vọng trở thành con người tử tế. Cặp nhân vật này là phần sáng của cuộc đời, đối lập với phần tối đầy rẫy những phi lí và cái ác ngự trị trong một xã hội đang “lột xác” đi tới văn minh - nhân ái - công bằng. Nhà tiểu thuyết không chỉ kể một cách hấp dẫn về những việc họ đã làm mà chú ý tới cái cách họ làm (những người tử tế như Tùng, Dự làm gì cũng thẳng thắn, minh bạch, công tâm). Dự mặc dù bị Diệu Thủy hành hung nhưng vẫn nhẫn nhịn “Chị ấy không chịu được khi một kẻ thấp hèn như em lại dám đấu lí với mình…Kể ra, anh đến với em muộn hơn, cho xong xuôi chuyện với chị ấy thì đúng hơn…Thế là em có lỗi với chị ấy. Đàn bà, mấy ai chịu được cảnh chồng chung…Tuy chị ấy li thân với anh lâu rồi” (tr. 382). Rõ ràng tuy là một cô gái “bán trôn nuôi miệng” nhưng Dự là người có nhân nghĩa, là người tử tế như cách miêu tả của tác giả.                  
Không có gì quá khi gọi gọi Gã Tép Riu là một “bi kịch lạc quan”. Mặc dù tiểu thuyết kết thúc bằng bi kịch (Tùng mất đứa con mới bảy tháng tuổi vì tai nạn do chính Diệu Thủy gây ra, lại bị chính người vợ bao nhiêu năm chung sống tấn công ngay trước tòa án, bị cảnh cáo và buộc thôi chức trưởng phòng, bên Đảng cũng bị cảnh cáo ghi lí lịch vì vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng…). Đúng là “phúc bất trùng lai họa vô đơn chí”, đúng là cái may và cái rủi đi liền nhau. Nhưng theo tôi thì Tùng đã “gặp may” nhiều hơn rủi, vì dẫu chịu nhiều tai ương nhưng cũng là cơ hội để anh nhận chân sự thật, để anh có cơ hội giải thoát khỏi căn bệnh “đồng sàng dị mộng”, như một vấn nạn không chỉ mình anh mà những người tử tế như anh phải gánh chịu đằng đẵng. Bi kịch theo đúng nghĩa của từ này bao giờ cũng có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Rất có thể nhiều độc giả đã khóc trên những trang sách Gã Tép Riu, nhưng cái đọng lại là một sự phấn khích khi cái tốt, cái đẹp có cơ hội chiến thắng. Những thất bại của Tùng, của Dự chỉ là thất bại tạm thời.
         
Vẫn cứ cảm thấy đáng tiếc vì những dư thừa của Gã Tép Riu. Tuy nhiên phải nói ngay rằng, một thúng gạo ngon đôi khi cũng không tránh khỏi đôi ba hạt sạn. Với 51 chương trong 430 trang in, tuy chưa là dài, tuy chưa phải là làm rối trí độc giả, nhưng giá như gọn hơn thì tiểu thuyết sẽ có cái sắc bén của một mũi tên được bắn đi với tốc độ cao, tới đích nhanh. Cần thiết phải vận dụng phép “tỉnh lược” như khuyến cáo của M. Kundera. Trong tiểu thuyết, chúng tôi thấy có nhiều đoạn “rẽ ngang” không cần thiết (chẳng hạn chương 31: đi sâu vào các ngón nghề ăn chơi trác táng của thế giới nhà thổ). Có thể với một số ít độc giả thì những chuyện ấy rất “bắt mắt” vì lối viết sát sườn, phơi bày ra tất cả những thói ăn chơi đồi bại phong hóa ở một xứ sở dẫu sao vẫn còn rất nghiêng về truyền thống Á đông. Thêm vào đôi chỗ rải rác ở các chương, nhân vật hay thích triết lí. Tôi nghĩ, nếu không khéo léo và nhuần nhuyễn thì vô hình chung sẽ rơi vào cái gọi là “triết lí vặt” - theo cách gọi của nhà văn Hoàng Ngọc Hiến mà một lần tôi đã đọc thấy đâu đó. Tuy “đành lòng vậy cầm lòng vậy” nhưng tôi nhìn thấy sự thành công là căn bản của tiểu thuyết Gã Tép Riu.

Hà Nội, tháng 4 năm 2013

10 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Lịch tháng bảy thiếu ngày hai tám
Văn Công Hùng bóc dán nơi nao
Mai ngày chép sử làm sao
Trung phần còn lắm anh hào ẩn danh.
Vũ Xuân Tửu

Văn Công Hùng nói...

@Vũ Xuân Tửu:
--
Là thế nào bác Tửu ơi???

Unknown nói...

Đọc bài bình luận, muốn tìm đọc truyện này quá à.

Nguyễn Minh Tuấn nói...

- Theo em hiểu là bác Vũ Xuân Tửu trách bác Hùng không có bài vào ngày 28/7, bởi bác Hùng đã hứa là 1 entry/ngày mà, hi!
- Em thấy câu:
"Diệu Thủy đã là một kẻ vũ phu cả với chồng..." không ổn lắm với từ vũ phu, đúng ra phải là vũ...thê chứ ạ, hì hì!

Nặc danh nói...

123 mạn phép có đôi lời thưa cùng chư vị:
-Tháng bảy...thiếu đúng một ngày.
"Mại dâm chính khách" ông bày đặt rên
Văn Hùng xuân đã mấy niên?
Để Tửu say rượu làm phiền com măng?
Truyện Bắc Sơn-hỏi thẳng băng:
Trong ấy có cụ "chắc răng cặc bền?"


- Nguyễn Minh Tuấn đúng là "Cù Lao tràm". He he he...

Unknown nói...

Nhà văn cho em xin phép share bài này trên tường nhà em nhé. Em quen với bác Nguyễn Bắc Sơn :D. Em cám ơn.

Unknown nói...

Em xin phép rinh bài này về wall nhà em nhé, bác Văn Công Hùng. Em có quen biết bác Nguyễn Bắc Sơn.
Thanks bác VCH.

Nặc danh nói...

Ông bà ta thường nói: "Thương bất chính, hạ tắc loạn", vậy thôi, rất là đơn giản để lý giải vấn đề trầm kha của xã hội

Longhtx_gla@yahoo.com.vn nói...

OK, hay. thanks bác Hùng.

Nặc danh nói...

Nge như là truyện chị trên cung trăng ở kinh kỳ phải không bác VCH