Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

ĐÀ NẴNG ĐÀ NẴNG...


Là khi ở Huế mưa và rét, cả thành phố xám xịt trong cái màu mùa đông ủ rũ thì Đà Nẵng nắng chang chang, rực rỡ nắng, huy hoàng nắng… chỉ cách một con đèo mà khí hậu khác, tiếng nói khác, tính cách khác, rất nhiều thứ khác, khác một cách tương phản, thậm chí là tương phản dữ dội, mà cái ký ức sinh viên của tôi giờ cứ nhập nhòa. Nhưng lại cũng lạ là số người Huế ở Đà Nẵng, lai giọng Đà Nẵng khá nhiều. Mà tôi thú thật, dẫu là dân Huế nhưng nghe cái giọng con gái Huế vào Đà Nẵng ở ấy nó có gì đấy có vẻ… dễ nghe hơn. Nó không bớt bát quá, không nhẹ quá, không dịu quá… tiếng Huế tách bạch ra thì nó rất hay, đều là thứ nước đường đổ vào miệng người háo ngọt lúc đang khát, nhưng nếu chỉ thế, và cứ thế, nó lại dễ khiến cho người nghe một cảm giác… rất yếu, cảm giác phục tùng, buông xuôi...

 
(Hì, bài này đưa lên blog rồi, vừa rồi báo VN in nên phải hạ xuống, giờ lại đưa lên để lưu, ai đọc rồi thì thôi, đừng đọc lại rồi... chửi thầm nhé, dù nó nhiều người khen nó... hay. Và cũng viết trước khi, sáng qua, VTV đưa tin Đà Nẵng thu đạt kế hoạch rất thấp, và tương lai nền kinh tế có vẻ như... không có mũi nhọn, không biết thu từ đâu, giờ thành phố đang có chủ trương... bán công sở làm nguồn thu)
------
 

ĐÀ NẴNG ĐÀ NẴNG
VĂN CÔNG HÙNG
          Hình như có tên một bộ phim hay một cuốn sách nào đó đã lặp đôi tên một địa danh nào đó của Việt Nam như cái kiểu tôi chợt vận dụng để gọi Đà Nẵng Đà Nẵng một cách vừa thảng thốt vừa đường đột như trên khi mở máy gõ vài dòng về Đà Nẵng trong ký ức bất chợt.
          Là có một buổi trưa cách đây mấy tháng tôi và nhà văn Hoàng Minh Tường rủ nhau đi ăn ở một nhà hàng đậm chất chợ quê cuối đường Bạch Đằng. Hai ông khách làm hai phần cơm, mấy chai bia dưới cơn mưa Đà Nẵng khiến tôi chợt nhớ về… mưa Huế, và tôi nổi cơn háo chuyện, kể với ông về tôi, về Đà Nẵng, và về tôi với Đà Nẵng vì dù sao ông cũng từ Hà Nội vào, còn tôi Pleiku xuống, về địa lý là gần hơn ông…
          Tôi biết Đà Nẵng từ hồi còn là Sinh viên. Lẽ ra phải nói cho đến khi là sinh viên tôi mới biết Đà Nẵng thì có vẻ logich hơn. Với câu trước thì là tôi biết sớm, với câu sau thì tôi biết muộn. Nó có lý do là dẫu tôi quê ở Thừa Thiên Huế nhưng là dân sinh ở miền Bắc rồi sau giải phóng mới vào, học đại học Tổng hợp khóa 1, tức từ 1977 đến 1981, thì cái sự biết Đà Nẵng của tôi là sớm. Ấy là những chuyến picnic đậm chất sinh viên: bánh mì và nước gạo cháy đổ vào bi đông cho nó có vẻ là… trà, xe đò hoặc xe… đạp, vượt đèo Hải Vân “hành” Đà Nẵng.
          Là khi ở Huế mưa và rét, cả thành phố xám xịt trong cái màu mùa đông ủ rũ thì Đà Nẵng nắng chang chang, rực rỡ nắng, huy hoàng nắng… chỉ cách một con đèo mà khí hậu khác, tiếng nói khác, tính cách khác, rất nhiều thứ khác, khác một cách tương phản, thậm chí là tương phản dữ dội, mà cái ký ức sinh viên của tôi giờ cứ nhập nhòa. Nhưng lại cũng lạ là số người Huế ở Đà Nẵng, lai giọng Đà Nẵng khá nhiều. Mà tôi thú thật, dẫu là dân Huế nhưng nghe cái giọng con gái Huế vào Đà Nẵng ở ấy nó có gì đấy có vẻ… dễ nghe hơn. Nó không bớt bát quá, không nhẹ quá, không dịu quá… tiếng Huế tách bạch ra thì nó rất hay, đều là thứ nước đường đổ vào miệng người háo ngọt lúc đang khát, nhưng nếu chỉ thế, và cứ thế, nó lại dễ khiến cho người nghe một cảm giác… rất yếu, cảm giác phục tùng, buông xuôi. Nó như mưa Huế vậy, cứ đều đều thế, ngồi trong nhà mà nhìn, người thần kinh không vững rất dễ phát cáu. Có tí cứng cáp của giọng Quảng lai vào, tiếng Huế ngước lên một chút, trong và vẫn nhẹ, rõ mà vẫn nũng, thanh mà vẫn điệu, nó như hợp với trời nắng với mây xanh và với vận tốc nước sông Hàn hơn cái lờ lững “lưu thủy hành vân” sông Hương?
          Cho đến khi cuốn sách “Học phí trả bằng máu” của Nguyễn Khắc Phục ra đời. Bỏ qua cái ấu trĩ cực đoan đến mức phải… đốt sách một thời, thì anh Phục là người cảm nhận rất giỏi cái sự khác nhau giữa Huế và Đà Nẵng. Tôi đọc cuốn đấy đắm say và mê mải để nhận ra té ra mình chưa biết gì về Đà Nẵng, thậm chí cả Huế.
          Hơn ba chục năm trời sống ở Pleiku, tất cả hành trình về thăm nhà tôi đều phải qua Đà Nẵng dẫu là đường máy bay hay đường bộ.
          Cái bến xe Đà Nẵng ở đầu thành phố dạo nào là nơi tôi đã rất nhiều lần vạ vật. Từ Huế lên Pleiku không có xe chạy thẳng, mà tôi phải đi xe vào Đà Nẵng. Những chiếc xe rờ nôn ghế gỗ như con bọ hung màu vàng chạy bằng than ì ạch trên đường nên khi lên đèo nó là nỗi khiếp sợ của khách. Thường xuyên có chú lơ xe cầm cái căn bằng gỗ lạch bạch chạy theo xe cả lúc lên và xuống đèo. Bất cứ lúc nào xe cũng có thể đứt thắng hoặc bể số, và chú có nhiệm vụ chèn cái cục gỗ hình tam giác ấy vào bánh xe. Sau này ai đó sáng kiến ra cái hầm cứu hộ thiệt hay chứ hồi ấy xe mà đứt thắng, mà thường xuyên thế vì toàn xe cũ chứ không sáng choang thơm tho như bây giờ, thì cái cục gỗ với chú lơ xe ấy đã cứu khối xe và người. Ngẫm lại thấy sao có thời con người khổ quá thể đến thế. 105 cây số từ Huế vào Đà Nẵng có khi xe bò mất gần ngày trời. Nếu xông xênh thì ghé vào nhà trọ ngủ rồi nhờ chủ nhà trọ mua vé, tất nhiên đắt hơn nhiều giá chính thức, còn không thì… ngồi xếp hàng luôn ở cửa bán vé. Suốt đêm. Chờ đến 5 giờ sáng mai thì nhân viên bán vé mới mở cái ô vuông vuông mà những kẻ xếp hàng mua vé coi nó như cửa thiên đường. Mà cái số tôi thế nào ấy, lần nào cũng gần đến lượt mình thì cái cửa thiên đường ấy đóng lại và nhô ra một tấm bảng lạnh lùng phũ phàng: hết vé. Thế là lại vạ vật, lại bánh mì trà đá. Còn không thì chấp nhận đi xe lậu vé, là bám vào thành xe, vào bậc lên xuống, hoặc leo lên nóc xe… ngất nghểu vào Quy Nhơn và lại tiếp tục hành trình xếp hàng, nhà trọ… mua vé đi tiếp lên Pleiku. Và khi về cũng thế, những cuộc hành xác mà bây giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình, mà không hiểu sao mình có thể chịu đựng được. Mà mình là thanh niên, con trai nhé. Còn các cô các bà các chị thì còn khổ đến mức nào.
          Thế nên hôm dự hội nghị nhà văn các nước sông Mê Kông ở Đà Nẵng, ăn ở Furama, chơi ở Bà Nà Hill, ngủ ở  tầng 14 số 8 Bạch Đằng… tôi vẫn lững thững tìm đường về bến xe cũ, nơi một thời, năm vài lần, tôi hành xác như một nghi lễ, nghi lễ để về nhà, bổn phận của đứa con đi xa với ba mẹ, với em, với quê hương… và mới thấy rằng, ký ức của nhà văn nó quan trọng đến mức nào. Bởi không có ký ức tôi đã không thể kể cho bạn tôi những “đọa đày” mà tôi đã trải qua cái thời mà tôi muốn về nhà phải bắt buộc lấy Đà Nẵng làm trạm trung chuyển.  Cái thời mà với tôi, Đà Nẵng chỉ là cái bến xe luôn nghìn nghịt người, hôi hám bẩn thỉu, cái mùi bến xe mà có khi về đến nhà cả tuần vẫn chưa hết, luôn nơm nớp sợ trộm cắp trấn lột, luôn thảng thốt lo âu, luôn bực dọc cáu kỉnh. Đà Nẵng với những ổ mì nhăn nhúm, những ly trà đá nhờ nhờ nước sông, những đĩa cơm chan phẩm đỏ ệch nhưng là tiệc là cỗ thời ấy, chỉ khi trong túi có những đồng tiền còn phẳng mới dám kêu.
          Bạn bè Đà Nẵng thời ấy cũng nghèo lắm. Cũng có vài lần tìm chúng, nhưng tại cái tâm thế nó không chủ động, nó cứ là mặc cảm nhờ vả, nó như là cái anh lỡ độ đường, như là hết nơi bấu víu rồi thì ghé vào… nên gặp nhau nó không thoải mái. Với lại có ngồi với nhau tí thì vẫn nơm nớp cái vé xe. Nó quan trọng hơn bạn bè nhiều lắm. Không lơ mơ được, chưa cầm nó trong tay là còn chưa ăn chưa ngủ. Và cầm nó trong tay rồi thì càng không ngồi được, phải lên xe mà xí chỗ, mà tìm chỗ đặt chân đặt mông.
          Người mà tôi hay tìm là Lý An Thành, cán bộ trung tâm văn hóa. Thời ấy anh ở với bố mẹ ở cuối đường Trần Phú. Một cuốc xe đạp ôm sau khi đã vất đồ đạc ở nhà trọ, hoặc là xách cả đồ theo vào nhà Thành ngủ. Ngồi với nhau với xị rượu với cái tré mà cứ lo bạn có tiền trả không? rồi 3 giờ sáng lọ mọ dậy, mà mình dậy thì cả nhà bạn phải dậy, ra bến xe… cái điệp khúc bến xe nó ám ảnh đến bây giờ, khi tôi ngồi gõ những dòng này, muốn tránh nó đi mà không được. Ai chưa đi xe đò thời ấy không thể tưởng tượng được cái mùi bến xe nó như thế nào đâu. Nó quền quện sít sịt, nó âm u tù túng, nó nồng nặc dai dẳng, nó khai khẳn tanh nồng, nó sền sệt đeo bám… tóm lại nó là một thứ rất… bến xe.
          Giờ bạn bè có đai có đẳng cả. Có lần vừa xuống máy bay đã thấy 1 cái camry của bạn chờ sẵn, chở thẳng đến nhà hàng ba ba được giới thiệu là ngon nhất Đà Nẵng. Lần khác đi xe nhà chạy qua. 6 giờ sáng xuất phát ở Pleku, 11 giờ trưa đã đến ngã ba Hòa Cầm, ghé nhậu tơi tả với bạn mà 5 giờ chiều vẫn có mặt ở Huế trình diện mẹ. Lại có lần bay từ Hà Nội vào, transit ở Đà Nẵng (thời còn transit chứ giờ hết rồi), có 2 tiếng đồng hồ mà bạn vẫn phóng xe ra lôi đi nhậu. Sát giờ bay mới tất tả chạy về với một túi ốc biển còn nóng hổi để lên Pleiku… nhậu tiếp. Vào sân bay thấy tên mình đang được xướng oang oang trên loa rằng đây là lời nhắn cuối cùng nếu khách không vào máy bay sẽ cất cánh…
          Ấn tượng nhất là lần tôi với nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng bay từ Hà Nội vào. Tôi thì transit để lên Pleiku, Mừng thì đợi xe đón về Quy Nhơn. Có được 3 tiếng đồng hồ chờ, thế là 2 thằng tót vào hội Văn học Nghệ thuật tìm nhà thơ Thanh Quế. Ông Quế gặp chúng tôi thì… vừa mừng vừa lo, cứ lột mũ ra lại đội mũ vào. Mà cái mũ đối với ông là vật bất ly thân vì ông bị… hói và ông không muốn người ta chiêm ngưỡng cái đầu hói của ông. Sau một cú điện thoại (bàn thôi, vì thời ấy ông nổi tiếng khắp nơi vì vừa không biết đi xe máy vừa không biết xài điện thoại di động), ông bảo chúng mày đi theo tao. Tôi kêu tắc xi, ông bảo không, đi xích lô, để tao còn nói chuyện được với chúng mày. Thế là 2 thằng tôi lên xích lô còn ông đạp cái xe đạp tã nhấp nhô bên cạnh và nói chuyện oang oang giữa đường khiến nhiều người đi qua phải ngoái lại xác định ba cái gã kia có hoàn toàn bình thường không. Chi tiết này tôi có viết trong bài về chân dung nhà thơ Thanh Quế. Là ông lôi chúng tôi sang bên nhà xuất bản, ở đó có nhà văn Đà Linh là tổng biên tập, nhưng quan trọng là nhà xuất bản thì… có điều kiện hơn bên hội văn nghệ. Và nhà văn Đà Linh đã mời chúng tôi một bữa bia hơn hai tiếng đồng hồ trong lúc chờ bay. Lần khác chúng tôi tụ bạ ở Đà Nẵng họp, khuya rồi ông Thanh Quế đi bộ lệt xệt đến dúi cho mỗi người một đùm tré xong kêu mấy tên trẻ trẻ ra vỉa hè uống bia. Ông khoe hôm nay tao mới nhận nhuận bút, đãi chúng mày một trận tưng bừng, còn tré thì chúng mày mang về cho vợ. Tôi đùa ông ra vỉa hè cho rẻ nhưng cứ rưng rưng với hành xử của nhà văn đàn anh với các đàn em.
          Ông Thái Bá Lợi cũng là một nhà văn đàn anh. Có thời gặp ông, ông khoe giờ tao chỉ đi chơi, chả phải làm gì cả. Mà ông đi chơi những là Mỹ, là Ba Lan, Séc… chơi thế cũng bõ cuộc chơi. Lại có thời ông lên Bà Nà ở ẩn. Cha mẹ ơi, tốn bao nhiêu tiền mới lên được đến Bà Nà mà chỉ đi về trong ngày, còn muốn ở lại thì phải tiền tấn, thế mà ông cứ nhởn nhơ ở trên ấy cả tháng trời. Cứ thấy ông nhàn tản và… nói trạng, thi thoảng về phố tụ bạ thì gọi điện búa xua. Ông nói trạng hấp dẫn lắm, cả ngoài đời và trong điện thoại. Uỵch cái ông ra sách, uỵch cái ông nhận giải thưởng hội Nhà Văn với quyển Minh Sư. Gặp lại ông vẫn thấy ông nhàn tản thế kèm lời mời khá hấp dẫn: Xuống Đà Nẵng đừng ở khách sạn tốn tiền, về nhà tớ, còn hơn khách sạn ấy, phòng riêng, toa lét riêng, cầu thang riêng, máy lạnh bật cả ngày, điện bật cả đêm... Khách đặc biệt của căn phòng ấy tôi thấy có nhà văn Trung Trung Đỉnh đã tọa mấy lần còn tôi thì rình mãi vẫn chưa có dịp.
          Đà Nẵng trong tôi còn là những văn nhân Ngân Vịnh, Bùi Tự Lực, Nguyễn Kim Huy, Bùi Công Minh, Nguyễn Nho Khiêm, Vĩnh Quyền, Trần Kỳ Trung, Quế Hương… họ vui vẻ tếu táo khi gặp nhau, kể cả khi… họp, nhưng lại rất nghiêm túc khi có chuyện văn chương. Tôi đã chứng kiến sự nghiêm túc ấy ở hai sự kiện, một là lần tôi xuống chuẩn bị cho cuộc hội thảo văn học khu V. Dẫu bất thành nhưng anh em đã hết mình chuẩn bị một cách chu đáo nhất có thể. Và hai là lần tổ chức hội nghị nhà văn sông Mê Kông… Cái quý là, giữa thành phố năng động thế, hiện đại thế, nhịp điệu nhanh thế nhưng anh em vẫn rất đam mê văn chương, vẫn “tụ bạ” văn chương bằng những cuộc offline văn chương, bằng các chuyến đi “như hành xác” tốn cả thời gian và tiền bạc, vẫn miệt mài ra sách… mà đa phần là các nhà văn đã lên… lão, thế mà sự dấn thân của họ làm lớp trẻ phải kính nể, có lẽ nó cũng có đóng góp ít nhiều cho cái thành phố này để nó được mệnh danh là thành phố  “đáng sống” nhất Việt Nam.
          Cánh bạn báo chí cũng đông thôi rồi, những là Trần Tuấn, Trương Duy Nhất, Nguyễn Minh Sơn, Phan Bùi Bảo Thy, Nguyễn Thị Anh Đào, Võ Kim Ngân… Lần nào ghé tôi cũng có một cuộc ngồi với họ. Và dẫu hay… nói xấu văn chương mỗi khi “ngồi” có tí men nhưng họ lại cũng đều là những cây bút văn chương có hạng. Hôm nọ ngồi lục lại đống tạp chí Văn Nghệ Gia Lai cũ từ thời những năm 80 thế kỷ trước, thấy có in bài thơ của Trương Duy Nhất, tôi chụp lại mail cho anh với lời nhắn “Một thời của anh đây. Giờ anh cứ chửi thơ chứ hồi ấy được in cũng run rẩy bỏ mẹ đi ấy chứ”. Nhất mail lại: “Mô Phật, cái đó là thằng Nhất nào chứ không phải em! He he!” . Còn Trần Tuấn, Nguyễn Minh Sơn (Hoa Ngõ Hạnh), Phan Bùi Bảo Thy, Nguyễn Thị Anh Đào, Võ Kim Ngân… thì đều đã có sách, mà đều là loại sách khi ra là có dư luận. Tập thơ “Ma thuật ngón” của Trần Tuấn còn được giải thưởng Bách Việt, một giải thưởng khá đình đám, lần đầu tiên do tư nhân thực hiện…
          Số bạn học cùng ở khoa Văn đại học Tổng hợp Huế giờ đa phần cũng làm báo hoặc xuất bản: Đặng Xuân Thu, Thu Hiền, Lê Minh Hùng, Lê Văn Hoa, Chung Anh, Trầm My…, tuổi tác hôm nay đã lên ông lên bà, nhưng gặp nhau vẫn rưng rức như thuở sinh viên, vẫn mày tao chí tớ dù nhiều đứa đã hàm quan lớn…
          Có một lần tôi ghé Đà Nẵng ngay sau cơn bão rất khủng khiếp vừa quét qua. Đến cột điện mà cũng gãy. Ngoài chuyện cột điện nó cứng thì nó còn rất ít cản gió, thế mà nó gãy được thì sức bão kinh đến mức nào. Nhưng khi từ Huế quay vào để bay thì thấy Đà Nẵng đã hoàn toàn không còn dấu tích của bão. Có lẽ nó thấy sự kiên cường của Đà Nẵng nên năm sau lại có một cơn bão rất lớn hướng vào Đà Nẵng như phút cuối cùng nó lại… quay ra. Tôi nhớ mình có làm một bài thơ… minh họa:
BÃO KHÔNG VÀO MIỀN TRUNG

rồi bão đã không vào
                   biển như là xanh từ chín kiếp
                   những lứa đôi lại đi
                   đường chênh chao sóng

                   cơn mơ còng gió
                   em đắp cát vào hoa cúc
                   chiều không bão
                   chín tầng trời mây ngẩn ngơ trôi
                  
nào phải xa nhau thì mới nhớ
                   nồng son phấn
                   nồng mồ hôi
                   nồng cơn khát của buổi chiều không bão

                   em về
                   trái bàng vuông chín tới
                   con mắt lập thể
                   có mầu đom đóm lập loè
                   như nghi ngại một điều gì không rõ

                   vẫn còn một cơn bão
                   anh mang trong mình từ thuở mới sinh...
                                                Pleiku 07/11/06
          Bài viết này nó lan man đến mức tôi không biết nó là thể loại gì, chả lẽ lại gọi là lan man Đà Nẵng, e nó không xứng tầm Đà Nẵng, nơi tôi có những kỷ niệm không quên và những người bạn cũng không thể quên, và cũng bởi Đà Nẵng hôm nay đang vươn lên trở thành đô thị nhiều người cả trong và ngoài nước mơ được đến…
Một góc Đà Nẵng sau bão

Dân ĐH Tổng hợp Huế gặp nhau ở Đà Nẵng



Đây là lớp Văn K1, Đại học Tổng hợp Huế oai hùng của tớ...


                                                                                     

8 nhận xét:

Tien Đại nói...

Đúng là không biết nó thuộc thể loại gì thật.
Tui thường gọi thể loại này là "Du văn".
Tui cũng cho rằng Du văn hay hơn Khẩu văn.
He he.

Yamaha nói...

Bác Hùng cho hỏi: trong hai bức ảnh giữa, người đứng ngoài cùng bên trái có phải là anh Bình dạy pháp văn không ? Nếu đúng bây giờ anh ấy làm gì vậy ? Cám ơn bác !

Văn Công Hùng nói...

@Yamaha:
Người ấy là nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng bạn ạ, Mừng bây giờ là phó giám đốc sở Thông tin truyền thông Bình Định, học khoa Văn đại học tổng hợp Huế khóa mấy quên mất rồi, huhu, là ông xã của nhà văn Trần Thị Huyền Trang.

Nặc danh nói...


Bài viết hấp dẫn dù không nói cái gì ra ngô ra khoai. Khoái nhất là chuyện đi xe đò ai đọc cũng thấy như chuyện của mình. Riêng bão vào Đà Nẵng...thì cần xem lại. Sau cơn bão lớn năm ấy mình cũng đi Đà Nẵng thì thấy rất thê thảm : nhà ga sân bay mất điện, dấu tích đổ nát vẫn còn như kính vỡ, những mảnh vụn và rác rưởi chưa được dọn sạch...

ngọc nói...

Thanh Mừng văn K3, Huyền Trang văn K6 bác ạ.

Nhất Thanh nói...

"Năm vài lần, tôi hành xác như một nghi lễ, nghi lễ để về nhà...". Tôi đọc Văn Công Hùng chưa nhiều, chỉ hơi thích thích thôi, chưa mê, có lẽ do chưa biết người. Bài này anh viết khá duyên, có một chút hơi hướm khẩu Văn Nguyễn Quang Lập, nhưng văn chương hơn nhiều, tình tứ hơn và chữ dùng đắc địa hơn. Nhưng đến câu Văn trong ngoặc kép ở trên thì tôi mới nhận biết được một con người. Một đời viết văn kg dễ có được nhiều câu như thế. Cảm ơn anh! Đây cũng là lần đầu tiên tôi gửi comment lên mạng. Có lẽ do tôi cũng yêu Đà Nẵng!

Văn Công Hùng nói...

@ NHất Thanh:
-----
Nghe khen mà... khoái, cám ơn bác Nhất Thanh...

Nặc danh nói...

Đã lâu lắm không có tâm trạng đọc thơ, nhưng nay đọc được 2 bài "30 này tháng 4" và "Bão không vào MT" của bác, thấy sâu sắc vô cùng. Cảm ơn tác giả. Nhìn ảnh lớp VK1 của bác, thấy ảnh cụ Thảng lại thấy nao nao.