Định post từ sáng, nhưng đang ngồi cà phê, gã bạn là TBT một tờ báo gọi: Đang ở đâu. Ngồi đấy, ta đến chở đi. Đi đâu. Cứ lên xe rồi biết. Té ra là đến một ngôi chùa.
Nhưng điểm cuối cùng lại là... 1 phòng hát Karaoke. Mình phải chuồn về trước để thực hiện lịch... post bài.
Đã nói là tự sướng, nên thôi, gác lại Trường Sa dài kỳ, gác lại một cái cảm nhận về một cô bé dũng cảm, sống hết mình đến thế, (đúng sai chưa nói), gác lại cả một ý định bàn về "nhân sự" khi thấy một sự đổ bể về nhân sự trong khi bất cứ một cơ quan đoàn thể nào bây giờ muốn họp muốn đại hội đều phải... nhân sự...
Là mình thấy trên tạp chí Nhà Văn có một bài viết của một người lạ. Phần lớn bây giờ viết về nhau thường thì phải quen biết nhau, có mối quan hệ thế nào đó... thế mà có một bài báo đã in, mà chủ thể của bài ấy không biết, cũng là sự lạ.
Cám ơn tạp chí Nhà văn, tất nhiên mình đã điện hỏi Võ Thị Xuân Hà, TBT tạp chí và biết người viết, một cô bé rất trẻ, tốt nghiệp Nguyễn Du. Mới biết đến đấy thì Hà phải... đứng dậy chào cờ đại hội chi bộ.
Nó như thế này, mình cop lại qua word:
Văn Công Hùng: “phù thủy” của câu chữ
Thứ năm - 16/05/2013 08:49
TCNV Online- Thơ Văn Công Hùng không
ồn ào, sôi nổi mà như những đợt sóng ngầm chất chứa suy tư. Không ít thi phẩm
của Văn Công Hùng cho thấy những khao khát cao siêu, xa vời đến đâu rồi cuối
cùng cũng quay lại khao khát chính cuộc đời nơi cõi trần hiện hữu. Đó là Viết
trong bóng tối với “Cả hai phía thiên đường và địa ngục/ chỉ mong một phút trần
gian”, hay “Pleiku không cần gì thêm nữa/ Chỉ là em với bát ngát quỳ chiều”
(Ngày...) và “Có điều gì như hắt hủi/ như hối hận/ muốn được sinh ra lần nữa/
để lại ngập ngừng” (Một đêm nhớ).
LAM NGỌC
Văn Công Hùng: “phù thủy” của câu chữ
(Đọc tập thơ Vòm trời khác của Văn Công Hùng, Nxb Hội Nhà văn, 2013)
Trong bối cảnh thơ văn được in ấn
một cách tràn lan, người ta hay kêu than về cái nhàn nhạt, cũ mèm, thiếu sáng
tạo của các trang viết thì tập thơ thứ 9 của Văn Công Hùng ra đời với tên gọi Vòm
trời khác đã mang lại nhiều nét mới với chiều sâu nội dung tạo ra sự ấn
tượng, khẳng định những giá trị hiện hữu của thơ, đáng để người yêu thơ tìm
đọc.
Thơ Văn Công Hùng nhẹ nhàng nhưng để lại trong lòng người đọc nỗi xao xuyến ngay cả khi đã gấp sách lại. Thi phẩm Song đôi là một thí dụ. Không biết lý do gì Văn Công Hùng chọn Song đôi làm tác phẩm “mở màn” cho tập Vòm trời khác nhưng rõ ràng, Song đôi đã đảm nhiệm tốt vai trò của một bài thơ đứng vị trí đầu tập là gây được ấn tượng với người đọc. “Tóc rớm nâu/ và nắng rối lên màu áo xanh/ mùa đông chưa trôi về/ người thì đã lênh đênh/…/ chợt rong chợt rêu chợt mai chợt tối/ mình như nhành cỏ tươi lên miền biếc/ ngóng mùa sang như gió ngóng dây diều/ mơ F5 những nỗi/ nhớ này khuya lắm à ơi”. Những câu thơ mang nỗi suy tư về phận người với hình ảnh ẩn dụ đầy tính biểu cảm: nắng rối, lênh đênh, chợt mai, chợt tối... Thời gian thoắt trôi, cuộc đời ngắn ngủi chẳng mấy chốc đã “tóc rớm nâu”, có khi chưa kịp ngoảnh lại đã sắp sửa đi hết cuộc đời. Giữa những vần thơ chất chứa nỗi trăn trở, xót xa ấy, Văn Công Hùng vẫn dành cho người đọc một sự lạc quan với “mình như nhành cỏ tươi giữa miền biếc”. Có thể nói, chỉ trong một bài thơ ngắn, Văn Công Hùng đã đưa vào rất nhiều cung bậc cảm xúc và những triết lý khoa học về cuộc đời qua cách diễn đạt đầy nghệ thuật. Cuộc sống không mất hết và cũng chẳng được tất tật mà nó là sự song hành giữa cái mất và cái được, cái vui và cái buồn, bởi vậy giữa dòng đời lênh đênh ta vẫn thấy mình có được nét tươi như ngọn cỏ...
Thơ của Văn Công Hùng đa nghĩa, thoạt đọc có những bài không dễ hiểu nhưng càng ngẫm càng thấy thơ anh sâu và đầy ẩn ý. Những trang thơ mang nhiều nét trừu tượng không dễ hóa giải ngay từ đầu cũng vì thế càng đọc thơ anh càng thấy tò mò, thú vị. Hồn ta bị cuốn hút vào “ma trận chữ”, bắt buộc trí óc không ngừng phải phân tích, nhận định để khám phá hồn thơ anh.
Những sự kiện nóng hổi trong cuộc sống được Văn Công Hùng chắt lọc, mài dũa, thơ hóa khiến cho tác phẩm của anh giàu chất liệu cuộc sống. Này đây bài Một ngày! Một ngày đầy ắp những sự kiện, bắt đầu buổi sáng với “nhà văn nói về nhà văn trẻ/ thiên sứ bay lên đôi cánh rã rời”, buổi trưa với “ti vi tẻ như cơm nếp/ con gái Hàn trắng trắng nâu nâu/ ông Gadaphi coi như đã chết...”, buổi chiều là hoạt động của chính nhà thơ với “dàn bản thảo ra” và buổi tối quay lại với những sự kiện trên ti vi “những cuộc biểu tình bị cấm/ …/ bộ phim lê thê như nghe giảng hội trường”. Tuy nhiên, Văn Công Hùng không phải là một “thư ký” của cuộc sống chỉ chép lại những sự kiện như ghi những trang nhật ký đơn thuần... ngược lại, những sự kiện cuộc sống được phản chiếu qua lăng kính hồn anh để rồi được lật đi lật lại, bóc trần bản chất của cái thế thái nhân tình. Văn Công Hùng chỉ ra “độc tài nào kết cục cũng như nhau”, hay “những điều tin và những điều không thể tin/ ù xòe như chợ ế”... Thoạt đọc, thơ anh có vẻ như một chuỗi nỗi chán chường với những sự kiện tẻ ngắt của một ngày, thậm chí, ngay cả cái kết của bài thơ cũng chỉ dừng lại với “và đêm không mưa ngày nắng”. Người đọc không tỉnh táo có thể bị rơi vào cảm giác nhạt nhẽo bởi cái cuộc sống vô vị anh đề cập đến. Tuy nhiên, đọc thơ Văn Công Hùng thực chất người ta như được khám phá những bức tranh ảo ảnh nhiều tầng. Đi hết cái nghĩa cạn hiển hiện ngay trước mắt là những tầng nghĩa khác ẩn bên trong mà chỉ khi ta chú ý một cách nghiêm túc và để cho lòng mình lắng lại mới nhìn rõ. Đằng sau cái cảm giác nhạt nhẽo anh làm “lây” cho người đọc là những triết lý sống quặn nỗi đời. Phải chăng cuộc sống đã hết thú vị khi những sự kiện diễn ra chỉ là những trò nhàm chán? Nhưng, nhàm chán hay không là do cách nghĩ của mỗi người còn cuộc sống với những sự kiện như vậy vẫn diễn ra. Con người ta sống không chỉ để chờ ngày trở về với cát bụi mà cần khao khát và lưu giữ từng giây khi đang tồn tại với cõi đời. Mỗi thực thể sống có thể khuấy lên cuộc sống những nét sinh động thay vì chỉ tiếp nhận nó một cách bị động. Nhận ra sự tẻ nhạt của những gì diễn ra trước mắt như muốn phủ định nó phải chăng là bước đi đầu của một cuộc “khuấy động” này?
Đâu chỉ có Một ngày, cuộc sống trong thơ của Văn Công Hùng đôi khi tưởng như rơi vào vòng tròn khép kín luẩn quẩn và bế tắc với “Đến một ngày không thèm gì nữa/ một mình giữa rừng giữa cây giữa em và im lặng... /tận cùng biển gặp lại nguồn róc rách/ những cánh buồm xếp gió rụng về nhau” (trong bài Đi về em gặp một chân trời). Tuy nhiên, cũng đôi khi cái luẩn quẩn ấy lại mở ra những khám phá tuyệt vời. “Đi về núi xa gặp gió/ đi về cuối gió gặp mưa/ …/ đi về em gặp một chân trời”, cuộc sống như một sự rượt đuổi, kiếm tìm vô tận, những cái mới xuất hiện sau cuối mỗi chặng tìm đã dẫn dắt đôi chân con người ta cứ phải tìm hoài, kiếm mãi và cuộc kiếm tìm cứ thế dài thêm để rồi đến lúc gặp được nhau thì đã “tận cùng biển”.
Thơ Văn Công Hùng không ồn ào, sôi nổi mà như những đợt sóng ngầm chất chứa suy tư. Không ít thi phẩm của Văn Công Hùng cho thấy những khao khát cao siêu, xa vời đến đâu rồi cuối cùng cũng quay lại khao khát chính cuộc đời nơi cõi trần hiện hữu. Đó là Viết trong bóng tối với “Cả hai phía thiên đường và địa ngục/ chỉ mong một phút trần gian”, hay “Pleiku không cần gì thêm nữa/ Chỉ là em với bát ngát quỳ chiều” (Ngày...) và “Có điều gì như hắt hủi/ như hối hận/ muốn được sinh ra lần nữa/ để lại ngập ngừng” (Một đêm nhớ).
Thơ Văn Công Hùng không chỉ đa tầng nghĩa, đôi lúc như “ma trận” chẳng dễ vào, nhưng như thế chưa đủ, thơ anh còn mang đậm suy tư, thấm đẫm chất tình, chứa chan cảm xúc và đẹp lạ. Lãng mạn và lắng đọng là những yếu tố góp phần quan trọng trong sự thành công của thơ Văn Công Hùng. Người đọc dễ thổn thức con tim khi đọc Mùa hè ấy, Hoa tử vi, Chiều bình yên, Bay cùng mùa thu, Ngày thêm tuổi, Bông xuyến chi màu trắng, Vòm trời khác... Văn Công Hùng làm thổn thức trái tim người đọc với “Em có một mùa hè lạ lắm/ chân như mơ nhon nhón bóng mình/ trái tim đập nghe chừng rất vội/ ngọn cỏ nào hoang phía núi xa”, “Có lẩn tránh nhau được không/ mùa thu dài lắm/ nắng miên man cúc áo/ chân trần sóng sánh mắt rơi”... Người đọc có cơ hội khám phá muôn vàn “chất” lạ từ những cảm xúc quen thuộc nhất mà chỉ Văn Công Hùng mới mang lại được, đó là “nỗi nhớ tràn ra ngoài nỗi nhớ”, “Ngày rạn vỡ chiều bung như biển động/ cơn bừng lên em bẫng nhẹ cười”, “Cởi đến mong manh rụng rời xa vắng/ hun hút khát khao”...
Có thể nói, bốn mươi chín bài thơ với bốn mươi chín sắc thái, cung bậc, cách thể hiện khác nhau cho thấy sự đa dạng trong bút pháp Văn Công Hùng. Với Vòm trời khác, Văn Công Hùng hiện nên như một "phù thủy" câu chữ khi anh mang đến sự mới lạ cho thơ từ những chất liệu quen thuộc.
L.N
Nguồn
tin: TCNV 05-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét