Rất
nhiều người biết tôi thích... hoa sữa, đã chất vấn rằng, hoa sữa hôi nồng
hôi nặc thế, thơm tho nỗi gì mà ông viết báo làm thơ ca ngợi mãi. Vâng,
đúng là hoa sữa rất nồng khi nó ở sát ta. Hoa sữa ở Pleiku mới
trồng,còn thấp nên ta phải tiếp xúc trực tiếp. Hoa sữa ở Hà Nội, cây
nào cây nấy cao vút, hương nồng hương hắc bung hết lên trời, còn cái thứ
tinh tuý được ngưng tụ chưng cất bảng lảng lâng lâng đến ngất ngây kia
thì là đà tìm vai áo tìm tóc ta mà đậu mà mơn man làm nên một đặc trưng
mùa thu tuyệt vời Hà Nội. Mà mùa thu Hà Nội nữa. Nắng không hẳn là nắng,
mây không hẳn là mây, sương không hẳn là sương, gió chẳng hẳn là gió...
nó là một cảm giác vô cùng ảo diệu, trong veo mà thấp thoáng. Cứ thế,
mùi hương hoa sữa như có như không, khi gần khi xa, mơ hồ thoang thoảng
như sương như khói khiến ta không thể nào phân định cụ thể được. Như đi
bên một cô gái đẹp, mới quen, chỉ nghe thoang thoảng đâu đó một mùi
hương vô định lạ lẫm đắm say xao xuyến, chỉ thấy ngập tràn cảm xúc thánh
thiện, tinh khiết đến trong veo, chỉ thấy ta thăng hoa trong tột đỉnh
chất men như là thứ nước hồi hộp trong vắt mà thần dionidots sáng tạo ra
trong nỗ lực thánh thiện lãng mạn hoá cuộc đời.
Nhưng tôi đã từng thấy một Hà Nội không hoa sữa.
Ấy
là vào những năm chiến tranh phá hoại, tôi từ thị xã Thanh Hoá được gửi
về nhà bà ngoại ở Ninh Bình sơ tán tránh chiến thanh phá hoại. Một đêm
chúng tôi được dắt vào trốn trong cái hang Luồn gần động Thiên Tôn, và
cả đêm ấy, rồi ngày hôm sau nữa, tôi đã thấy Hà Nội... cháy. Trí óc non
nớt của tôi hồi ấy không thể tưởng tượng nổi tại sao Hà Nội lại có thể
cháy cả ngày cả đêm như thế. Khói đen cuồn cuộn một góc trời. Thỉnh
thoảng có những tiếng nổ lộng óc. Rồi máy bay xèn xẹt. Rất nhiều trái
tim quặn thắt, đôi mắt lo âu nhìn về Hà Nội. Bao nhiêu bàn tán phỏng
đoán của người lớn, có cả những nhận định chắc chắn của những người đã
từng... đạp xe ra Hà Nội, ăn kem Hà Nội. Mãi sau rồi cũng được một tin
truyền nhau là cháy kho xăng Đức Giang. Còn bé tí, nhưng tôi cũng biết ở
phía khói đen cuồn cuộn bốc lên ấy có chú ruột tôi đang ở. Rồi sau đấy
vài năm, tôi liều mạng nhảy tàu chợ đêm ra nhà chú, đúng hơn là ra nhà
chú trọ ở Từ Liêm. Lúc này vụ rải thảm B52 khu Khâm Thiên vẫn còn nóng
hôi hổi. Nhà cửa xiêu vẹo, gạch đá tứ tung, những vòng khăn trắng nhấp
nhô theo vòng quay xe đạp. Mà sao Hà Nội nhiều xe đạp thế. Nhiều cả
những... cục gạch gọi là "quả tang" để xí chỗ sắp hàng mua gạo mua mì và
cá khô. Nhiều cả những nòng súng trường trên vai các cô chú tự vệ...
Lúc này tôi chưa hề biết rằng Hà Nội có một thứ hoa gọi là hoa sữa. Mà
chả cứ tôi, nhiều người Hà Nội cũng thế. Chắc phải đến khi nhạc sĩ Hồng
Đăng cho hoa sữa vào bài hát của mình thì hoa sữa Hà Nội mới lan toả
khắp nơi trên đất nước này, mới trở thành đặc trưng rất chi Hà Nội, một
Hà Nội nên thơ, sang trọng và lãng mạn, dù hoa sữa không phải là gốc ở
Hà Nội, nó là một thứ hoa du nhập.
Phải đến năm 94 tôi mới tận mắt thấy hoa sữa, còn trước đó toàn thấy cây
hoa sữa vì ra Hà Nội không phải vào mùa thu. Và nỗi ám ảnh hoa sữa còn
mãi đến bây giờ. Gần như suốt đêm tôi đã đi bộ rồi ngồi xích lô loanh
quanh trên đường Nguyễn Du ngập tràn hương hoa sữa cùng mấy gã bạn viết
lách dân miền Nam lần đầu tiên ra Hà Nội dự hội nghị nhà văn trẻ, tôi
trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho họ. Hồi ấy, cái địa chỉ 65
Nguyễn Du đang là một thánh đường đầy thâm nghiêm và bí ẩn với cánh viết
trẻ chúng tôi. Đơn giản vì đấy là... trụ sở Hội Nhà Văn Việt Nam.
Sau này khi Hội nhà Văn chuyển về 9 Nguyễn Đình Chiểu tôi cứ lẩn thẩn
tự hỏi chả biết ở đấy có hoa sữa không? Trong tôi, hoa sữa gắn với văn
chương, với hội Nhà Văn từ cái thuở tôi rụt rè bước dưới lòng đường
Nguyễn Du, ngang qua cái cổng 65 mà tim đập như có bão. Bây giờ mỗi lần
ra Hà Nội, đi trên đường Nguyễn Du, cảm giác thánh thiện ấy trong tôi
vẫn còn...
Và
vẫn thế, tôi vẫn hồi hộp mỗi khi hoa sữa nở, dẫu là nó nở ở Pleiku. Dẫu
là nó hắc. Hoa sữa luôn trong veo trong tâm hồn tôi, run rẩy trong mắt
nhìn của tôi, mơ hồ thoang thoảng thơm trong ý nghĩ của tôi, chênh chao
trong mỗi bước chân ngược dốc trong một chiều Pleiku ngợp nắng, dẫu phải
công nhận rằng, nhiều khi nó cũng... hắc!
Và dẫu hắc thế thì cách đây mấy năm tôi đã trồng trước nhà một cây hoa sữa. Bây giờ mỗi sáng thức dậy, tôi lại có thói quen là ngước mắt ra phía ấy xem nó nở chưa, dù nhiều người dọa tôi, nếu mà hắc thì ông phải chịu trách nhiệm. Và cũng nhiều thành phố thị xã đang phải bỏ khá nhiều tiền ra để chặt hoa sữa. Nhưng cả dãy phố nhà tôi, cái hẻm 154 Lê Lợi ấy, có nhõn một cây của tôi, nếu nó ra hoa, mình tôi hít 50%, còn lại chia đều cho 2 dãy phố, thì mỗi người chỉ thoang thoảng chứ chả đến nỗi ngạt mũi đâu?...
Tôi là người đa cảm, nhớ những điều đã cũ, thương những điều đã quên và day dứt vì những gì đã mất. Mà trong cuộc đời, mất nhiều lắm, nhiều khi thấy nó lừng lững trôi trước mắt mà không cách gì níu lại được. Thì phải viết thôi...
Tôi là người đa cảm, nhớ những điều đã cũ, thương những điều đã quên và day dứt vì những gì đã mất. Mà trong cuộc đời, mất nhiều lắm, nhiều khi thấy nó lừng lững trôi trước mắt mà không cách gì níu lại được. Thì phải viết thôi...
3 nhận xét:
Không biết gốc gác hoa sữa,tên khoa học là gì, ai là ngươi đầu tiên đặt tên rất yêu là hoa sữa?
Trước đây nhà tôi ở phố Nguyễn Du,nhìn ra hồ Thiền Quang, đây là "trung tâm Hoa Sữa" của Hanoi.Tôi thấy hoa sữa có hương thơm thanh khiết rất đặc trưng,nhưng vì nó được trồng nhiều nên khi nở rộ thì nồng độ hương trong không khí quá đậm đặc,gây cảm giác khó chịu cho một số người.
Bác VCH chỉ trồng 1 cây trước nhà thì sẽ rất tuyệt, khi nó nở hoa bác sẽ cảm nhận mùi thơm đặc trưng hoa sữa và không khí như được làm sạch được sát khuẩn.
Trịnh Công Sơn đã viết rất hay rất đúng về hoa sữa Hanoi "Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió".
Hoa sữa mọc rải rác ở Tây Nguyên,chứ kg chỉ riêng HN mới có. Một lần đi công tác anh bạn lái xe đã đào một cây về trồng. Đến nay, cây đã to và hoa ra rất đều vào mùa thu. Chất nghệ sĩ của a bạn lái xe phải trả giá là vào mùa thu phải chặt bớt cành...
em thấy nặc danh nói có thể đúng đấy bác Hùng ạ. Ở vùng nam Gia Lai có khá nhiều cây hoa sữa cổ thụ mọc rải rác ở những vùng đất ven rừng, có cây đường kính rễ hơn 2 mét.
Có lẽ những cây này sót lại khi người ta đốt rừng làm rẫy bỏ sót nó, vì không ai dùng nó làm gỗ.
Đăng nhận xét