Là cái cảm
giác xa xót, bàng bạc khi thấy cái hiện hữu đấy mà lại như sắp tan. Là thấy cái
tưởng như là của mình mà lại không phải. Ở đời nhiều khi có những cắt nghĩa
không thể đến đầu đến đũa. Có những ngàn xưa mà luôn tươi mới, có những khoảnh
khắc mà hóa thiên thu, có những nhạt nhòa lại ra sâu đậm... Và có những vĩnh hằng
mà hóa phù du nông nổi, những vững bền lại hóa mong manh…
Năm
nay thu rất đặc trưng. Tôi có mấy ngày thu Hà Nội vừa mong manh vừa sâu đậm, vừa
thắc thỏm vừa miên man, cứ như lần đầu thấy nắng trong đến thế, gió đượm đến thế
mà mắt hồ xanh đến vậy.
Rồi
Huế. Giữa những ngày đau đớn chịu tang mẹ, tôi vẫn cảm nhận được sự mon men của
những sợi tơ vàng ánh ngẫu thu ngay khi khí tượng báo tin bão đang ứ lại trên
không trung để chuẩn bị ập xuống.
Rồi
về Pleiku. Bận túi bụi với bao công việc dồn lại. Sáng nay ngồi ngẩn ngơ nhìn nắng
lốm đốm trên mấy cây thiết mộc lan trước cửa, cũng mới nhận ra mùa thu đang ẩn
hiện nơi này, dù tôi biết, cái khoảnh khắc thu trên cao nguyên nó ảo mờ vô
cùng, mong manh vô cùng, nếu không tinh tế để thấy cái búp non của cây điệp nó
chuyển từ xanh mướt vàng sang xanh nõn nắng thì không nhận ra thu đang chập chờn
ở đây…
Một tin nhắn của
bạn “Dã quỳ nở chưa” kéo tôi về thực tại.
Một vòng xe ra
ngoại ô. Loi thoi dã quỳ nở.
Tự nhiên lại
nhìn dã quỳ với một con mắt khác. Lâu nay quen với ngờm ngợp, ràn rạt miên man
quỳ, giờ thấy giữa thảm xanh những loi thoi lắc thắc vàng, như cái dấu chấm câu
giữa trang chữ, như tiếng thở dài xã giao giữa khuya, như cái khắc khoải đợi một
mơ hồ bất minh định trong nghìn trùng xác tín…
Gió cao nguyên
chưa nổi nên dã quỳ mới loi thoi thế, thảng hoặc thế. Như một ví dụ bâng quơ,
như một lẩm nhẩm ngẫu chợt, và như cả cái ba dấu chấm than bất hoặc lúc không
thể bày tỏ tâm trạng! Khi nào gió lên, lồng lộng gió, thì dã quỳ mới bung hết sắc,
viên mãn, tràn đầy. Đấy là dã quỳ mặc định, dã quỳ của những bình yên buông thả,
dã quỳ của thói quen nhác lười và thụ hưởng.
Đến một ngày,
hình như khác. Có một góc khác, một thứ ánh sáng đốn ngộ nào đó khiến mình
không thể bình yên nữa, nó gieo vào ta, hình như là bất ổn, hình như là bâng
quơ, hình như là một điều gì đấy khiến ta nhìn dã quỳ thấy nó rất khác. Ít nhất
là có cảm giác nó cô đơn hơn, nó không miên man rờm rợp nữa, không từng thảm
ken xít nhau nữa…Nó loi thoi và thắc thỏm. Nó bất định trong yên lặng. Lạnh lẽo
trong lang thang…
Bây giờ nhìn
dã quỳ cứ liên tưởng đến những gì… sắp mất, lạ thế.
Là cái cảm
giác xa xót, bàng bạc khi thấy cái hiện hữu đấy mà lại như sắp tan. Là thấy cái
tưởng như là của mình mà lại không phải. Ở đời nhiều khi có những cắt nghĩa
không thể đến đầu đến đũa. Có những ngàn xưa mà luôn tươi mới, có những khoảnh
khắc mà hóa thiên thu, có những nhạt nhòa lại ra sâu đậm... Và có những vĩnh hằng
mà hóa phù du nông nổi, những vững bền lại hóa mong manh…
Là tôi vẫn
đang với dã quỳ cái sáng thu cao nguyên này.
Cứ tít tắp thế,
dã quỳ ấy, mà tít tắp là đâu? Cứ mường tượng tít tắp để rồi thấy mình ngày một
ngái xa với những dự định, những giấc mơ, và vì thế mà thấy sự lẻ loi nó phất
phơ từ cái dáng dã quỳ cô độc. Mà dã quỳ cũng lạ, cứ len vào những gì con người
sơ hở, như vạt đất đầu thừa đuôi thẹo, như cái bờ rào chưa kịp xây, như nỗi nhớ
cứ dằng dai và những cơn mơ đứt đoạn...
Dã quỳ đang
tuyên chiến với văn minh đô thị. Chống lại các bản đồ ghép thửa, với xi măng sắt
thép, và ngoại ô, chúng chống lại những phân lô, những đền bù, những ý định
vuông hóa… để chúng lại tiếp tục bị ra xa, xa mãi, mất hút trong ý thức con người.
Và nếu điều ấy xảy ra, nó gia nhập vào những quy luật nghiệt ngã của sự triệt
tiêu cái đẹp trong thời đại văn minh. Và như thế đồng nghĩa với tiêu diệt cảm
xúc, triệt tiêu cá thể tư duy. Mà nếu không còn cảm xúc, con người còn lại gì?
Rô bốt ư? Sỏi đá ư, mà sỏi đá cũng cần có nhau mà. Tượng mồ, tưởng vô tri thế
nhưng nó vẫn có linh hồn, hòn đá nó cũng có tâm linh. Cỏ cây kia, cứ tưởng nó
vô giác vô hồn, nhưng té ra, chính là bởi chúng ta chưa hiểu hết nó…
May mắn là, dã
quỳ vẫn nở, vẫn đắm say trong tầm mắt con người. Và cũng hạnh phúc thay, chả cứ
người bản địa, rất nhiều người ở xa vẫn thắc thỏm nhắc và chờ quỳ nở. Chỉ một lần
thấy mà cứ nao nao nhớ rồi thao thiết nhắn tin: Dã quỳ nở chưa???
Bên kia, cô
gái ôm laptop ra balcon ngắm nắng. Thấy rõ những sợi nắng lao xao trong mắt,
trên những ngón tay mảnh mai gõ bàn phím. Có khi người bên ấy cũng đang thấy nắng
dã quỳ...
VCH
Mấy ảnh này mình chụp 1 tuần sau khi viết xong bài này (viết xong phải... cất, đợi báo VN in xong kiếm xiền mới post, huhu. Hôm nay báo in rồi), tại một ô đất trống gần nhà mình người ta chưa làm nhà. Ai thấy đẹp muốn cop thì nhớ... đề tên tác giả nhé...
8 nhận xét:
Nhà thơ viết về hoa dã quỳ hay quá!
thật sự hoa quỳ bây giờ không tạo được cảm giác mênh mang, ngờm ngợp như trước nữa, ngoại trừ ở vùng đông nam núi Hàm Rồng
Dã quỳ nở chưa?
Dạ thưa,
Em đang quỳ trước cửa
Chờ mặt trời soi
Chờ gió thu vuốt nhẹ
Chải rơi những giọt sương đêm
Sẽ nhuộm vàng
Sẽ nhận ra em,
Dã quỳ...
Lần gần nhất em được thưởng thức dã quỳ Pleiku là 12.1985, khi đi xuyên tây nguyên. Sau khi qua khỏi cái thị xã "đi dăm phút đã... chẳng còn thấy nữa", biển dã quỳ bắt đầu mở ra. Và cứ thế, nó kéo dài đến tận Buôn Ma Thuột, nơi em dừng lại. Ấn tượng kinh hoàng! Không biết cái biển dã quỳ bất tận ngày ấy nay còn được bao nhiêu phần trăm hở bác? Hy vọng tới đời con em, khi đưa nó lên tây nguyên không phải kể lại: Ngày xửa ngày xưa- cách đây vài chục năm, ở tây nguyên có một loài hoa tên là dã quỳ- sau đó mở blog... quỷ già Văn Công Hùng cho nó xem ảnh!
@ Nguyễn Danh Lam: He, chú tả dã quỳ cũng... quỷ già thế mà không làm thơ được nhỉ? Đến đời con chú thì đúng là dã quỳ chỉ còn trong... blog VCH thôi, buồn trước đi là vừa nhé.
Giỏi lắm, các chú cho chị biết hoa đó là hoa dã quỳ, chị cứ tưởng là hoa cúc vàng. Hoa cúc cánh nhỏ hơn, đúng không? Ừ, VCH tả cảnh nghe miên man tợn, giọng ngọt như con gái ấy!
Chị cám ơn chú và các chú còm!
@ Chị Thu Vân:
Cám ơn chị. Giá như chị bật mí cho biết chị ở đâu thì hay quá ạ?
Dã quí nhiều ờ tây nguyên, đặc biệt ở Dalat, thấy quì nở, nhuôm vàng lác đác trên đồi, lòng hân hoan xao xác, biết là:
Mùa đông chưa về đâu em
Hoa quì vàng, còn kết cánh mười ba.
Đăng nhận xét