NHỮNG CON ĐƯỜNG KHÔNG BAO GIỜ LẶNG LẼ
VĂN CÔNG HÙNG
Lỗ
Tấn bảo: Trên mặt đất vốn dĩ làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành
đường thôi. Mỗi lần đi công tác về các buôn làng Tây Nguyên, bước trên
những con đường độc đạo chênh vênh giữa các cánh rừng, tôi lại cứ nhớ
đến câu nói giản đơn mà bất hủ ấy của đại văn hào Trung Quốc.
Từ
quốc lộ 1A, nhìn lên Trường Sơn chỉ thấy đại ngàn thăm thẳm. Song, nếu
đi lên phía ấy thì thấy té ra không phải thế. Những con đường như tẽ,
như vạch, như mở ra một chân trời khác, một cái nhìn khác. Từ Quy Nhơn
lên cao nguyên Pleiku ta sẽ đi bằng quốc lộ 19, con đường được đánh giá
là tốt nhất Việt Nam hiện nay dù nó phải qua 2 con đèo hiểm trở là Mang
Yang và An Khê. Từ thủ phủ Pleiku tiếp tục những con đường tõe ra vượt
núi, vượt rừng, những con đường độc đạo. Có khi chỉ vừa đặt bàn chân đưa
người đến với người, người đến với đời.
Tôi
đã rất nhiều lần đi trên những con đường độc đạo ấy, chênh vênh cheo
leo bên vực thẳm, bên núi cao có, hoặc phẳng lì giữa những ta man rừng
khộp, gặp những đoàn người lầm lũi trong chiều. Đàn ông đóng khố, cởi
trần ngậm tẩu, đàn bà địu con đằng trước, gùi sau lưng. Tất cả đi theo
hàng một như những sợi chỉ nhấp nhô xuyên trong chiều. Sau này về phố,
người Tây Nguyên vẫn thế, quen rồi, cứ hàng một mà đi, người đi sau luôn
đi đúng dấu chân người đi trước. Đấy là cái cách đi rừng hữu hiệu nhất
để bảo vệ mình, và nó cũng là khởi thuỷ của những con đường.
Sân bay U Đon Thái Lan nơi ngày xưa Mỹ thuê để làm sân bay cho không lực Mỹ xuất phát ném bom VN. Giờ tớ mắc quần sooc đứng cho oách. |
Lần đầu tiên tôi đặt chân lên Tây Nguyên là năm 1981. Đang bon bon giữa những đồng bằng lúa xanh nhức mắt, đột ngột cắt trước mặt chúng ta những gấp khúc và dựng đứng. Khúc khuỷu những con đường như mất hút trong mây trong rừng, rồi lại đột ngột như thế, những phố xá, làng mạc, những khu dân cư trù phú, những đôi mắt vời vợi chiều, tưới đẫm vào hoàng hôn những cơn mơ ký ức...
Năm
1974, lớp học sơ tán năm cuối cấp của tôi ở trường cấp 3 Hậu Lộc- Thanh
Hoá vợi hẳn đi một nửa. Một nửa lớp lên đường theo lệnh tổng động viên.
Nửa lớp còn lại ngơ ngác trống vắng. Một vài năm sau, một nửa trong số
ra đi trở về, số còn lại mãi mãi nằm rải rác ở các cánh rừng thăm thẳm
Trường Sơn. Số trở về đa phần là thương binh. Thương nhất là Chung, một
thanh niên cao to đẹp trai, hồi ở lớp đã có một bạn gái tên là Liễu dấm
dúi tặng một chiếc khăn thoang thoảng mùi hoa ngọc lan thêu hình hai con
chim đang đậu trên một nhánh cây với một áng mây màu tím lửng lơ ở góc
chiếc khăn (hồi ấy học trò cấp 3 còn trong sáng lắm, chưa biết gì,
trường hợp của Chung là cá biệt). Trên đường vào Nam, anh bị sốt rét ác
tính. Mắc kịp chiếc võng vào gốc cây ven đường, anh nằm đấy cho đến khi
có một đoàn quân đi qua, có một người bạn cùng lớp chúng tôi là Lực dở
võng để kêu đồng đội dậy hành quân tiếp thì anh đã chết tự bao giờ.
Nhưng mà Chung là người còn may mắn vì gặp người quen. Sau khi được chôn
cất tử tế, người bạn ấy đã viết thư về gia đình, nên chi chưa đầy 6
tháng sau khi nhập ngũ, chúng tôi đã biết được tin Chung chết. Chiếc
khăn được gửi về cùng thư. Và khóc. Thực ra hồi ấy người ta không báo tử
nhanh đến thế. Trường hợp này cũng là do bạn bè báo về đã khiến địa
phương khá lúng túng trong việc có nên làm lễ truy điệu không?
Tôi cứ gai cả người khi đọc một truyện ngắn của Ðỗ Văn Nhâm. Cái truyện viết về không khí nơm nớp của cả làng, của từng nhà khi ông đưa thư rẽ vào. Bởi vì mỗi khi ông đưa thư ghé vào nhà ai thì là một tờ giấy báo tử xuất hiện. Và tức là nỗi hy vọng leo lét của gia đình ấy vụt tắt. Tôi nhớ thời ấy, cấp uỷ uỷ ban nhiều khi phải họp để xem đưa giấy báo tử cho nhà ai trước nhà ai sau căn cứ vào tình hình thực tế tỉ như nhà ấy vừa báo tử người anh xong, hoặc có ông bố bà mẹ ốm nặng, hoặc nữa có người em chuẩn bị nhập ngũ đợt này... thì giấu cái giấy báo tử ấy đi, đợi khi nguôi ngoai thuận lợi thì mới mang đến. Và lại chọn một nhà nào đấy nguôi ngoai thuận lợi mà đưa... Mà người đưa thư này lại là một thương binh cụt chân. Cái tiếng chân gỗ lọc cọc vừa đi vừa dúi vào đất của ông xiết vào các ngõ xóm nó khủng khiếp lắm. Chưa bao giờ mà ý nghĩa của hai từ hy vọng lại đủ đầy như thế trong trường hợp này. Nó là toàn bộ ý chí sinh tồn mãnh liệt của con người, cái ý chí mà nhờ nó, con người có thể phập phồng mà vượt qua tuyệt vọng. Hoặc là đứng dậy, hoặc là đổ ập xuống... cái tờ giấy vô tri mỏng manh trở nên vô cùng nặng nề trong ý thức con người thời chiến và cả thời hậu chiến.
Hồi tôi lang thang trong những cánh rừng Trường Sơn và làm được bài thơ "Tháng
năm này gió thổi dọc Trường Sơn", tôi đã bao lần nén xúc động khi nhớ
đến một cô bạn thuở ấu thơ. Thuở ấy, lớp chúng tôi có 13 bạn nữ. Trong
đợt tổng động viên năm 1974, 9 bạn nữ lên đường. Tôi không biết hết số
phận các bạn, nhưng một người thì tôi biết rất rõ. Bạn tên Nhung. Một
mái tóc dài và một hàng mi cong rợp. Một nước da trắng với co người rất
chuẩn. Lớp chúng tôi nhiều người tơ tưởng, nhiều kẻ ước ao một hôm nào
đó được Nhung ghé mông vào cái yên xe đạp của mình. Và rồi cô ra đi
trong đợt tổng động viên ấy. Và đã mãi mãi nằm lại ở một nơi nào đó
trong mênh mang xanh thẳm những cánh rừng kia. Giấy báo tử đưa về thông
báo em hy sinh ở mặt trận phía tây. Phía tây rộng lắm, thăm thẳm lắm,
dài rộng lắm, mà em thì mỏng manh biết nhường nào. Hồi ở nhà cô rất nhút
nhát và gầy nữa. Gầy đến mức cùng đi học trên bờ đê trong mùa gió bấc,
dáng em liêu xiêu nhất, chúng tôi, những gã con trai lộc ngộc xúm xít đi
quanh để che gió cho em, bảo vệ em trước những cơn bấc quất ràn rạt.
Thế rồi ly tán, em một mình vào Trường Sơn, tất nhiên với nhiều đồng đội
chưa quen khác, có ai che gió cho em không? Câu thơ tôi viết buốt ruột:
đôi vai mảnh mai kia bao lần làm trụ đỡ cầu phà/ bao lần em đứng
làm cọc tiêu cho xe qua bến/ mà mưa bom bão đạn/ tiếng con gái ngọt ngào
nâng bước những đoàn quân... Tôi lật chiều lật cỏ để tìm em/ chỉ gặp
biết bao điều bình dị/ ngang dọc những cánh rừng con gái/ nào đâu em
thức ở phương nào? Em lẫn vào cây vào đất vào rừng , vào hôm nay khói
hương nhòa nước mắt.Anh xin thay em chắp tay dõi về phương bắc , một
dáng chiều tựa cửa phơ phơ. .. Cái buổi chiều chia tay ấy, một buổi
chiều mùa đông, hoa xoan tức tưởi nở tím trời, rét đến cắt ruột, đến
bàng hoàng, em mặc một cái bà ba nâu cổ khoét tròn, ngực thanh tân phập
phồng căng mướt. Ngày chia tay em kẹp tóc mảnh mai, dáng nhỏ thó đưa
mắt nhìn rất vội.Vịn thành xe mưa giăng giăng ngõ tối, hương ngọc lan
thảng thốt tỏa sau hè. Biền biệt em đi, biền biệt mẹ chờ. Chiều tựa cửa
ngóng hoài về phương ấy. Phương ấy ơi, phương ấy là nỗi nhớ, Trường Sơn
mờ ngăn ngắt một màu xa...
Nơi
em đã đi qua bằng một đời con gái ấy, giờ đẹp một cách vô tư. Tôi đến
đấy bằng xe ô tô. Hoang mang chiều biên giới, những ngọn gió vẩn vơ hốt
những đám bụi phủ vào chiều. Ngày xưa em ở đâu trong mịt mù bom đạn và
những cơn sốt run người, những cơn đói, cơn khát, những nhu cầu đời
thường... Tôi hình dung em, nhỏ nhoi giữa bạt ngàn hố bom đi vá từng mét
đường, đánh dấu từng quả bom chưa nổ, hò hét chỉ đường cho những chiếc
xe kềnh càng ngang bướng... lấy đâu bồ kết để em gội đầu, ngọc lan để em
ướp vào tóc và cả những quả thị nhỏ xinh để em bọc trong khăn mùi
xoa... lấy đâu những đêm trăng thanh bình để mà học hát, để mà đối đáp
những câu hò dằng dặc kiếp người đã từng mênh mang trên bờ sông Mã... Em
mạnh mẽ hơn tôi tưởng, cứng cáp hơn tôi tưởng, và tất nhiên, phải thừa
nhận trong đau đáu xót xa, em đẹp hơn nhiều lần tôi tưởng.
Khi xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, có một tiêu chuẩn được yêu cầu thực hiện, ấy là làm thế nào để khi anh đứng ở đầu này nghĩa trang thì không nhìn thấy đầu kia. Bởi nếu thấy thì nó rộng lớn mênh mông quá, rợn ngợp quá, dễ khiến người ta hoang mang gây phản cảm. Trên mười một nghìn ngôi mộ cả không tên và có tên vẫn im lìm nằm theo đội ngũ. Cảm động nhất là khi nhìn thấy các di vật của liệt sĩ nữ. Ấy là những chiếc lược, mẩu gương, chiếc kẹp tóc và cả những mái tóc dài chưa phân huỷ. Các anh quản trang bảo thỉnh thoảng ban đêm vẫn nghe tiếng lính hô xếp hàng và tiếng con gái cãi nhau, véo von hát?... Người đầu tiên mang hoa thả đầy dòng sông Thạch Hãn, cũng là một con đường, không chỉ đường bình thường, mà là đường máu, là một cựu chiến binh chiến trường Quảng Trị, giờ là nhà báo và là nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương. Chàng cựu binh này giờ sống ở Nha Trang, nhưng hàng năm vào ngày 27/7, từ thời còn bao cấp rất khó khăn, anh vẫn lặng lẽ trở lại chiến trường Quảng Trị, mua hết hoa ở chợ Quảng Trị thả xuống sông Thạch Hãn. Nơi đấy biết bao nhiêu đồng đội của anh đã ngã xuống, và theo anh, họ vẫn bơi lội tắm táp trước mắt anh kia, trên dòng sông đẫm máu thuở nào. Tại bảo tàng Thành cổ vẫn còn những câu thơ buốt ruột của anh, mà mới đây một nhà báo trẻ lấy làm tên một tập sách: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước... Bây giờ thì đến ngày ấy, cả tỉnh Quảng Trị đã cùng kết hoa thả sáng rực dòng sông ký ức ấy. Và dẫu thế, thì đến 27 tháng 7 hàng năm người lính cựu Lê Bá Dương vẫn tiếp tục quay trở lại bằng những đồng nhuận bút gom góp cả năm của mình mua hoa tưởng nhớ đồng đội. Việc làm ấy đã trở thành biểu tượng của truyền thống uống nước nhớ nguồn và nó cao đẹp, đầy chất thơ, thi vị biết bao nhiêu. Sông Thạch Hãn, nghĩa trang Trường Sơn, và hàng ngàn nghĩa trang liệt sĩ khác đã là biểu tượng cao cả của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Thì ngay ở nghĩa trang liệt sĩ Ayun Pa đây thôi, rất nhiều những ngôi mộ của những thanh niên trai trẻ ở rất nhiều miền của đất nước hy sinh vào đầu năm 1975, tức là trước giờ chiến thắng rất gần. Chắc họ cũng là lứa bạn bè tôi nhập ngũ năm 1974 ngay khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Ðã có những câu thơ cảm khái viết từ nơi ấy: Nghĩa trang Ayun Pa/ mộ chí đè lên mộ chí/ viên đạn xuyên qua cuộc đời rất trẻ/ trước giờ chiến thắng chỉ vài giây.../ Từ mọi miền đất nước các anh về đây/ nuôi cỏ mềm quấn tượng đài cao vút/ và trời xanh cứ như là không có thật/ cứ như là vô tận cõi bình yên...
Vâng, cứ như là vô tận cõi bình yên. Cũng như những cánh rừng kia, những con đường kia, sẽ không bao giờ lặng lẽ...
V. C. H.
5 nhận xét:
những con đường trên tây nguyên vô tội
nhưng xô đổ đại ngàn
dưới những vệt công nông.
Một dân tộc đau thương.
Một bài viết cảm động!
- Đến nơi đâu mình cũng hay viếng thăm nghĩa trang liệt sỹ, may ra tìm được người quen. Vào nghĩa trang liệt sỹ thị xã Hà Giang, thấy một người ở Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) quê ngoại; đến nghĩa trang Bá Thước (Thanh Hóa), lúc mới chuyển ở Na Mèo về, thấy một anh ở Thái Hòa (Hàm Yên, Tuyên Quang),bèn gửi thư về cho gia đình vào nhận; ghé nghĩa trang Phủ Thông (Bắc Cạn), chợt sững người, vì tấm bia mang dòng chữ "Liệt sỹ Vũ Xuân Tửu", ông này hy sinh trong kháng chiến chống Pháp...
- Thôi, tạm gác chuyện chiến tranh đau thương sang một bên, nói huyện văn chương tý chơi. Đoạn mở bài, nhà thơ Văn Công Hùng có nhắc đến câu của cụ Lỗ Tấn ngày xưa. Bây giờ, bên ấy họ nối thêm ý mới: nhiều người đi quá thì nát đường. viết thành câu đầy đủ, ngẫm cũng thấy ngồ ngộ: Trái đất vốn không có đường, nhiều người đi thì thành đường, nhưng đi nhiều quá thì nát đường!
Vũ Xuân Tửu
Móa, cứ tưởng tay cựu cán bộ thiến hoạn heo ni mần bài về cuốc lộ 14 chứ.
Thằng cho ni hình như không xót con hay sao í. hay là chúng nó từ sè gòng về lay cu bằng tàu bay ?
hay là tay ni sợ thằng Đức Long oánh ?...
Thồi thì mần bài thơ về cái cuốc lộ 14 đi bác Hùng ơi !
Đăng nhận xét