Mình đăng lại bài này để mọi người hiểu thêm về Lê Bá Dương:
--------------
Nhà văn Xuân Đức sau khi đọc bài tôi viết thêm về bốn câu thơ của Lê Bá Dương, có nhắn cho tôi, qua mail và trực tiếp comment, rằng còn một vài chi tiết chưa chính xác. Tôi thưa với ông rằng, ai chứ nhà văn Xuân Đức đã nói là chính xác, bởi ông nguyên là giám đốc sở Văn hóa Quảng Trị, người biết hết, rõ hết mọi hoạt động văn hóa ở vùng đất ấy, lại là một nhà văn gắn cả cuộc đời mình vào vùng đất ấy để có những tác phẩm nổi tiếng. Và tôi mời ông viết lại về vấn đề này, có thể comment vào bài Lê Bá Dương hoặc thành một entry. Sáng nay chek mail, thấy thư ông, nói đã viết rồi, đã đưa lên xuanduc.vn rồi. Và tôi cop bài này từ bên ấy...
Nhà thơ Văn Công Hùng có kể trên trang Blog của mình về nguồn gốc lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn ( Quảng Trị) nhân bài viết hiệu đính lại bốn câu thơ của Lê Bá Dương. Tôi đã đọc bài viết này một lần trên một tờ báo viết, nay được dịp đọc lại trên mạng, vừa thêm quý trọng Lê Bá Dương, lại vừa cảm kích tấm lòng bạn thơ VCH. Công bằng mà nói, văn trên mạng thời buổi này quá hiếm những bài bàn luận về chuyện ấy. Đọc văn là hiểu người. Nếu Lê Bá Dương là một điển hình đặc biệt của một cựu chiến binh với chiến trường xưa và đồng đội, thì VCH cũng là một nhà thơ có cái tâm như vậy, và cũng không còn được nhiều nhà văn như thế đâu, kể cả một số người đã trực tiếp kinh qua những năm tháng ấy.
Qua trao đổi với nhau trên mạng, VCH có đề nghị tôi viết một bài " nói lại cho rõ". Tuy nhiên tôi thấy cũng chẳng có gì phải nói lại cả, chỉ xin kể thêm vài chi tiết nhỏ thôi.
1/ Về 4 câu thơ của Lê Bá Dương, phần hiệu đính như vậy là chính xác. Tôi và LBD cũng là bạn rất thân với nhau nên có biết thêm vài chuyện. Hiện nay, rất nhiều thư của các bạn trẻ Việt nam ở nước ngoài gửi về bằng Email hỏi về xuất xứ bài thơ. Năm ngoái, trong dịp đại lễ kỉ niệm 30/4, người ta đã phổ 4 câu thơ của LBD thành một hợp xướng, tôi đã nghe đi nghe lại rất nhiều lần và rất xúc động. Hãy bình tĩnh mà nghĩ xem, vậy thì chân giá trị thơ ca nó ở chỗ nào, thước đo thành công của nó ở đâu, sao gần đây người ta lại tỏ ra ghẻ lạnh với thơ truyền thống đến vậy ?
Xin đính chính một chi tiết nhỏ thế này, mấy câu thơ của LBD hiện lưu giữ tai Bảo tàng Thành cổ chứ không phải ở Nghĩa trang Quảng Trị. ( Nói cho đúng thì không có cái gọi là Nghĩa trang Quảng Trị. Hiện ở QT có 72 nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang Quốc gia rất hùng vĩ là Nghĩa trang Trường Sơn và NT Đường Chín, mỗi nơi có trên 11 ngàn mộ. Có nghĩa trang của Thị xã QT nhưng nằm ngoài khu di tích Thành cổ)
2/ Về lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn xin bổ sung như sau.
Đúng là người đầu tiên khơi mào cho nghĩa cử này là Lê Bá Dương. Rất nhiều năm, anh từ Nha Trang ra QTrị, lặng lẽ một mình mua hoa ở chợ, hái hoa dại trên các bãi sông thả xuống dòng Thạch Hãn, dòng Bến Hải và nhiều đoạn sông khác nữa để tưởng nhớ đồng đội. Sau vài lần thì nhiều người nhận ra nghĩa cử của anh và làm theo, nhất là dân ở Thị xã Quảng Trị và Triệu phong. Tuy nhiên đến đó thì vẫn âm thầm, chưa thật nhiều người biết kể cả bản thân tôi.
Người có công đưa sự kiện ấy để nhân dân toàn tỉnh biết lần đầu tiên chính là phóng viên Đài Phát thanh truyền hình tỉnh QT. Họ đã làm một phóng sự ngắn có tên " Người thả hoa trên sông". Khi xem phóng sự đó xong, tôi cũng như nhiều anh em làm công tác văn hoá ở Quảng Trị rất xúc động. Mấy hôm sau, tôi đi vào Thị xã Quảng Trị để tìm hiểu kỹ thêm.( Xin lưu ý với bạn đọc nào chưa quen với địa bàn Quảng Trị là, thị xã Quảng Trị không phải tỉnh lị, tỉnh lị Quảng trị đóng ở thị xã Đông Hà ) Tôi bàn với anh em phụ trách 2 phòng văn hoá Triệu phong và Thị xã Quảng Trị là làm sao để đưa nghĩa cử này thành một lễ hội mới, lễ hội cách mạng. Vào thời điểm này, Bộ VHTT và Ban Tư tưởng VHTW lấy Quảng Trị làm nơi thí điểm việc xây dựng mô hình các loại lễ hội mới. Vì vậy trong một cuộc giao ban, Lãnh đạo sở Văn hoá quyết tâm chỉ đạo để hình thành lễ hội thả hoa trên sông.Vào năm đó QT chuẩn bị kỷ niệm 30 năm giải phóng quê hương ( 1/5/1972-1/5/2002 ), với trách nhiệm của mình, tôi đã dự thảo kế hoạch và kịch bản cho lễ kỉ niệm, theo đó, ngoài lễ mét tin, sẽ có lễ hội quần chúng mang tên : Ngày hội thống nhất non sông. Ngày hội thống nhất non sông được tổ chức thành 2 địa điểm. Tại khu di tích Đôi bờ Hiền lương sẽ tổ chức lớn do Ban tổ chức cấp tỉnh chủ trì. Thời gian vào ngày 30/4. Tại thành cổ Quảng Trị giao cho Ban tổ chức thị xã chủ trì thẹơ chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh. Trong kịch bản của cả 2 điểm hoạt động đều có lễ thả hoa. Tại di tich Đôi bờ hiền lương, trước khi thả hoa có đọc văn tế. Tôi là người chấp bút và cũng trực tiếp đọc bài văn tế đó. ( Có dịp nào đó sẽ gửi tặng riêng VCH nhé ! ) Còn ở Thị xã Quảng Trị tổ chức vào đêm sau (1/5), thả hoa cùng hàng vạn đèn của bà con phật tử. Lần đó chính Lê Bá Dương cũng ra dự.Ngày hội thống nhất non sông năm đó có rất nhiều đại biểu Trung ương như ông Trần Hoàn cùng với các vụ của Ban VHTT TW, lãnh đạo Bộ VHTT và nhiều khách các nơi nữa, vì vậy mà ảnh hưởng của nó rất lớn. Ngay sau năm đó , có cuộc liên hoan văn nghệ của các Nhà văn hoá băc miền trung tại Hà tĩnh với tiêu đề là Nối những câu hò, Ban tổ chức đã ra một đề bài cho tiết mục dự thi của các tỉnh rất hóc búa là, tiết mục phải kết nối với nhau thành một màn sân khấu xuyên suốt, có ý tưởng độc đáo và đặc biệt là..chỉ được dùng các điệu hò, không được sử dụng bất kì làn điệu dân ca khác. Thêm nữa trong đó bắt buộc phải hò một điệu hò của tỉnh bạn.( Tôi nghi đó là mẹo vặt của nhà thơ Đức Ban, GĐ sở VH Hà tĩnh để làm khó các tỉnh bạn? ) Giám đốc nhà văn hoá tỉnh tôi phát hoảng, buộc phải cầu cứu tôi. Thế là tôi phải viết một màn sân khấu đúng theo cách ra đề của ban tổ chức mà nội dung là kể lại hình ảnh Lê Bá Dưong thả hoa trên sông Thạch Hãn. Vở hoạt cảnh có tựa đề là Dòng sông hoa đỏ. Không ngờ một tác phẩm văn nghệ quần chúng mà lại có tiếng vang lớn đến như vậy. 3 lần đoạt giải nhất ở 3 cuộc liên hoan khác nhau, sau đó rất nhiều đội văn nghệ quần chúng đã dựng và biểu diễn. Tôi khoe chuyện này là để nhấn mạnh một ý. Nghĩa cử của Lê Bá Dương, tự nó có một sức lay động lớn. Và việc thả hoa trên sông ở Quảng Tri đựợc kích hoạt bởi rất nhiều duyên cớ hội tụ với nhau. Từ đó đến nay việc thả hoa xuống sông Thạch Hãn, sông Bến Hải đã trở thành một nghĩa cử thường xuyên của nhân dân Quảng trị mỗi lần có lễ trọng. Riêng về lễ hội cách mạng ở Quảng Trị thì sau khi tổ chức thành công một loạt các kịch bản lễ hội như : Ngày hội thống nhất non sông lần 1 và 2; Lễ hội Nhịp cầu xuyên á ; Lễ hội Huyền thoại Trường sơn và Tri ân tháng bảy..Sở VHTT đã tổ chức hội thảo để giúp UBND tỉnh ban hành quy định chính thức về tên gọi, hình thức, thời gian tổ chức các lễ hội ở Quảng Trị. Theo đó hiện nay Quảng Trị duy trì các hoạt động lễ hội sau : Ngày hội thống nhất non sông tổ chức 5 năm một lần vào ngày 30/4 năm chẵn và năm tròn ngày giải phóng hoàn toàn Miền nam, thống nhất đất nước. Lễ thả hoa trên sông Thạch Hãn được tổ chức lớn vào ngày 1/5 năm chẵn và năm tròn ngày giải phóng tỉnh Quảng Tri 1972. (Đương nhiên hàng năm vào dịp có các hoạt động lễ tưởng niệm liệt sĩ thì địa phương vẫn có việc thả hoa đèn ) Lễ hội Văn hoá-du lịch Nhịp cầu xuyên á, được tổ chức 3 năm một lần. Lễ hội Tri ân tháng bảy được tổ chức lớn vào năm chẵn và tròn kỉ niệm ngày thương binh liệt sỹ.
XUÂN ĐỨC
2 nhận xét:
bài vày hay quá, chỉ có 1 chỗ nhầm là ban TTVH thành ban VHTT, sai nghiêm trọng, ko đc xin lỗi. Thế hóa ra thả hoa là sao chép, cóp nhặt của hải quân, của sông Hương Huế... uh, ko phải là truyền thống lâu đời, bản sắc của tỉnh nhà. chuyện nhỏ xin lỗi bác VCH và XĐ.
CHINH PHỤ THÁN....!!!
Ngọn bút thời điêu linh
Nén lòng se mực đọng
Chiến lệ đẫm tình thi
Giục giã cuồng chiêng trống
Trống nào trống vọng phu
Bao hồn hoang hoá đá
Trên đỉnh mù thiên thu
Ngậm hờn câu chinh phụ
Chiêng gọi hồn uổng tử
Ai! Vị quốc vong thân!!!
Máu đào pha chiến sử
Thư pháp lau lệ trần
Chiều ra sông Bến Hải
Ngồi giặt mảnh khăn tang
Ngọn nến rưng rưng tàn
Hồn trôi xuôi về biển
bipam
Đăng nhận xét