Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

KỲ TÍCH SÔNG HÀN

Mình chuẩn bị lên xe để lại... đi. Lần này là xuống Quy Nhơn trong cuộc Hội Nhà Văn phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử, mình phải xuống trước 1 ngày để lo tổ chức. Lên xe rồi thấy trong iPad có thư của nhà văn Nguyễn Xuân Hưng giám đốc hãng phim Hội Nhà Văn. Thế thì phải đọc. Đọc xong thì thấy phải post ngay. Muốn post thì phải... xuống xe bật laptop. Phải làm việc ấy vì thấy đây là một bài cần post ngay...
------------





Văn Công Hùng thân mến.

            Tôi chưa đọc ở báo nào mà có đến 2 bài về Hội nghị nhà văn 3 nước Việt Nam -Lào -Campuchia và trao giải sông Mê Công như website của anh. Ngay khi ông Nguyễn Chí Trung còn đăng đàn diễn thuyết huấn thị các nhà văn về truyền thống, thì web của anh đã post ảnh và đưa tin rồi, trong khi đó web của Hội ta thì chưa kịp làm gì. Tôi cũng là người có thời làm báo, tôi bầu cho anh một phiếu: anh là nhà báo thứ thiệt dong chơi, còn hơn khối nhà báo (không dong chơi) làm việc. Do vậy, tôi viết cho anh, dĩ nhiên là để anh post lên web thành bài thứ 3 nhân có cái hội nghị bé tý và bình thường ở Đà Nẵng, chắc chắn sẽ lập một kỷ lục nào đó, và cũng vì tôi hơi nghi ngờ rằng liệu có ông tổng biên tập nào đăng bài này của tôi chăng?

            Tôi không rõ ai là người đầu tiên trong lãnh đạo Hội Nhà văn đã đề nghị lấy Đà Nẵng làm nơi hội nghị lần này, việc đó chứng tỏ người lãnh đạo Hội đã có cái nhìn tinh tế. Đà Nẵng đang là một thành phố năng động, phá rào, bứt phá, thay da đổi thịt… Tuy vậy, đó cũng chỉ là những ngôn từ chết, nó âm vang không hồn, nếu như không một lần đến đây, như tôi đến Hội nghị lần này. Tôi tự thấy nên viết điều gì đó. Anh cũng đến, và tôi muốn chia sẻ với anh.

            Ba mươi năm trước, năm 1982, là một sĩ quan Hải quân, tôi lần đầu đến Đà Nẵng, rồi chật vật thuê xe đạp chở từ Cảng Đà Nẵng ra đến Sơn Trà. Khi đó chỉ có xe đạp ôm mà thôi. Bên kia sông Hàn làng quê thưa thớt, tôi đã đi qua đó để đến căn cứ Hải quân vùng 3 ở Sơn Trà. Có hôm lang thang mép biển, dọc làng chài Mỹ Khê đón thuyền cá về chỉ để xin mấy con cá nhỏ nướng uống bia. Ba mươi năm quá dài, sau đó tôi còn quay lại nhiều lần nữa, đến những năm chín mươi vẫn không có gì mới hơn. Từ năm 2000 đến nay, Đà Nẵng vang bóng trên báo chí, nhưng những khu đô thị dường như cũng bắt gặp ở Hà Nội hay bất cứ nơi nào. Có một điểm mới mẻ chăng là những cây cầu bắc qua sông Hàn. Những cây cầu ấy mới đối với Việt Nam, với Đà Nẵng, nhưng cũng không có gì lạ so với những thành phố ở nước ngoài. Những điều đó thì ai cũng thấy, cũng biết rồi. Tôi cũng biết.

            Nhưng hóa ra chúng ta còn chưa biết nhiều điều.

            Khi tôi đến Đà Nẵng, cô nhân viên mượn được một chiếc xe của người thân chở đi làm việc theo đoàn làm phim. Anh lái xe người Quảng Ninh vốn là lái xe cho một cơ quan, đã chuyển tất cả vợ con vào Đà Nẵng mấy năm nay, anh nói: Lái xe ở Đà Nẵng có cái sướng mà Hà Nội, TPHCM không có, đó là đường xá thênh thang, đỗ xe có chỗ đàng hoàng mà không phải trả tiền, và điều quan trọng là không sợ công an. Đúng là tôi thấy các đường phố, như ở bờ sông Hàn hay bờ biển đều có vạch trắng đỗ xe, nhưng free và không có ai gõ cửa xe thu tiền. Anh lái xe nói: Đó là nhờ có ông Nguyễn Bá Thanh. 

            Khi kể cho anh Mai lái xe Hãng phim Hội Nhà văn (lái thuê) mấy hôm ở Đà Nẵng, anh Mai thừa nhận anh lái xe Quảng Ninh không nói ngoa. Anh Mai kể cho tôi câu chuyện này. Anh và sếp công ty từ Hà Nội vào Đà Nẵng hồi tháng trước, khi anh đi đến đầu cầu sông Hàn, vừa định vào cầu thì có một anh công an xuất hiện. Anh Mai toát mồ hôi, nghĩ mình chắc "chết" rồi. Ở Hà Nội hay bất cứ tỉnh nào anh đã đi qua, nếu đã có anh công an yêu mến hỏi mình, thì không thể ra đi "nguyên vẹn". Anh Mai ngồi trên xe, hạ kính hỏi: "Tôi sai điều gì ạ?". Anh công an nhìn biển số xe Hà Nội, khiến cho lái xe Mai càng chắc chắn một vụ trảm xe ngoại tỉnh. Song, anh công an nói: "Anh không sai gì cả, mà chỉ vì cầu này cấm ô tô có thời hạn. Bây giờ đang là giờ cấm, có biển chắc anh không để ý, anh vòng sang kia, hoặc sang kia để đi theo cầu Thuận Phước hoặc cầu Nguyễn văn Trỗi". Anh ta nói xong, còn hướng dẫn cho lái xe rồi mới bỏ đi. Anh Mai nói với tôi: "Tôi lúc đó trút được gánh nặng và cảm động suýt khóc. Nếu như ở ngoài miền Bắc thì ít nhất cũng dăm trăm, nếu không thì một triệu. Mất toi một phần tư tháng lương của tôi rồi. Tôi đã từng bị rồi, tôi thấm lắm".

            Lái xe không sợ công an, điều bình thường ấy tưởng như không phải bàn cãi, thì lại là ước ao của cánh lái xe ở Việt Nam. Khi tôi đến Băng Cốc, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Lương Bách đang dạy Đại học mang tên công chúa Thái Lan ở Chiềng Rai nói với tôi: Tôi xấu hổ với một người Thái vừa đi Việt Nam về, anh ta nhận định rằng, công an ở Việt Nam làm việc để trừng phạt, còn công an ở Thái Lan làm việc để hướng dẫn. Bách cười nói: Đừng nghĩ anh công an chỉ có liên quan đến người lái xe, đó là bộ mặt xã hội, người du lịch cũng sẽ nhận thấy có nên đến một đất nước như vậy không. Sao chúng ta chỉ tuyên truyền du lịch về vẻ đẹp tiềm ẩn, còn vẻ xấu lộ thiên lại là công an của chúng ta. Lần này, Nguyễn Lương Bách về, thế nào tôi cũng sẽ báo tin cho anh ấy, ở Việt Nam có Đà Nẵng làm được gần như Thái Lan, công an không phải công cụ để trừng phạt. Khi anh không kiếm cớ trừng phạt, thì anh không cần nấp. Tại sao Hà Nội hay ở đâu đó lại không thấy xấu hổ khi phải có một quy định công an không được nấp khi làm nhiệm vụ?. 

            Một người bạn của tôi cùng ở bộ đội, đến Đà Nẵng và rồi ở lại thành phố, lấy vợ, sinh con, lập nghiệp. Anh kể: Hai mươi năm đầu tôi ở nhà khu ổ chuột bên kia sông Hàn, cuộc sống cũng bươn chải, vất vả như mọi người. Nhưng mươi năm nay, mua được nhà bên này mặt đường gần chợ gần sông, đỡ vất vả hơn, nhưng cái chính là mình được sống thoải mái đàng hoàng. Nhà cửa thì tàm tạm thế, công việc về hưu cũng không vội, sáng chiều thong dong. Anh nói rồi kết luận: Cũng là nhờ ông Nguyễn Bá Thanh.

            Tôi hỏi: Anh có biết hay gặp ông Thanh không?

            Anh trả lời: Không, tôi dân thường, có gì mà phải gặp, mà cũng không được gặp, nhưng tôi biết, nếu không có ông ấy thì Đà Nẵng có được như bây giờ không? Tôi không phải người không bao giờ đi ra khỏi cổng tỉnh, tôi đã về Bắc, đi khắp nơi, tôi biết chứ. Bây giờ ra đường, nếu có gặp ai vứt rác, thì hỏi ra đúng là người nơi khác đến.

            Lại thế nữa.

            Tôi để ý thấy đường phố Đà Nẵng đúng là một đường phố sạch. Thật mỉa mai ở Hà Nội có cái khẩu hiệu "Vì thành phố xanh sạch đẹp" mà cúi xuống chân mình đang đi, thì đầy rác. Hãy đến Hà Nội để kiểm chứng điều này. 

            Lúc ăn trưa do UBND Thành phố Đà Nẵng chiêu đãi, tình cờ tôi ngồi cùng mâm với nhà văn Trần Kỳ Trung. Tôi chưa quen nhà văn Trần Kỳ Trung, chỉ đọc website của anh, những bài gai góc, loại bài có thể xếp vào diện "lề trái" mà ông Ba Sàm thích điểm. Nhưng thật lạ là ông nhà văn đang sinh sống ở miền Trung này cũng lại ca ngợi ông Nguyễn Bá Thanh. Một người lái xe, một viên chức về hưu ca ngợi lãnh đạo thành phố thì có thể do kết quả của việc tuyên truyền, cũng có thể ông Thanh có chiến lược mị dân, nhưng đến một ông nhà văn lớn tiếng chê nhiều thứ, mà lại khen nhiệt thành thì tôi cũng nên lắng nghe. Tôi tự hỏi, liệu Hội nghị này tổ chức ở Hà Nội hay Hải Phòng, thì bí thư thành ủy có ngồi dự suốt 100% thời gian như ông Nguyễn Bá Thanh đã dự không, và tôi cũng chưa từng thấy một vị bí thư thành ủy mấy thành phố lớn mời cơm cánh nhà văn. Hay là các bí thư thành ủy khác thì bận nhiều việc hơn bí thư Đà Nẵng? Không phải. Trần Kỳ Trung lý giải: Đó là cách đối xử thẳng thắn, không đãi bôi, không ngoại giao của ông ấy. Anh kể: Khi đoàn nhà văn làm đơn xin kinh phí đi họp và giao lưu với các bạn Lào nhân tết của nước bạn, các anh đã phải làm đơn xin kinh phí thành phố. Ông Thanh bảo: "Xin kinh phí thì phải có cơ chế duyệt, có lớp lang, tầng tầng lớp lớp thủ tục, làm sao có ngay được. Khi có thì hết tết Lào rồi. Bây giờ tôi cũng có lộc, tôi tặng các anh 50 triệu đây, lần sau nên làm kế hoạch sớm".

            Ông ấy nói thế là hiểu rõ cái thủ tục tầng tầng lớp lớp, lại không ngại người ta hỏi mình lấy đâu ra lắm tiền thế, cũng chẳng hoạnh sao nhà văn phải đi chơi nước Lào. Bây giờ liệu có ai tin các ông bí thư tỉnh ủy chỉ có lương không thôi? Nhưng thể hiện sự không giả dối được như ông Thanh cũng là hiếm, có mấy ai làm được.

            Tôi biết có đoàn thanh tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào Đà Nẵng, ông Thanh cũng phải thừa nhận với họ: Có làm thì có sai. Sai thế nào, lách thế nào thì chắc không ít người biết. Tôi cũng biết tý chút. Có cái sai công khai như không tuyển viên chức học tại chức. Có cái sai tinh vi lách luật như đầu tư xây dựng. Làm bí thư thành ủy, xây dựng cả một thành phố mới, tất nhiên phải có lộc lá chứ, nhiều là khác, nhiều khó đếm được ấy chứ. Nhưng cái sai ấy, cái lộc ấy đem lại điều gì mới là quan trọng. Làm sao để người ta thấy anh là quan cách mạng vì dân vì thành phố. Hẳn là người Đà Nẵng biết điều đó, nên họ đều nhớ ơn ông Nguyễn Bá Thanh. Chắc là ông ấy cũng xây dựng được một đội ngũ biết làm việc, biết có lộc nhưng cũng biết vì dân. Bởi vì bây giờ có không ít ông cám bộ lộc cứ hưởng bất tận mà địa phương mình "cai trị" thì sập sệ, dân chúng của mình thì đau khổ.

            Tôi cũng đã sống ở Hải Phòng những năm tám mươi, thời kỳ ông Đoàn Duy Thành làm bí thư thành ủy. Ông Thành khi đó có điều gì đó tương tự như ông Thanh bây giờ, tất nhiên quy mô bé hơn. Hải Phòng bỗng thay đổi, thành phố như khoác áo mới, và điều quan trọng là con người Hải Phòng dám nghĩ, dám làm. Tay chơi Hà Nội khi đó lấy Hải Phòng làm nơi đến để làm lụng và ăn chơi. Nhưng ông Thành cũng bị vây đánh tứ phía, thậm chí có nhiều đảng viên lão thành cho ông là phản động. Sau ông Đoàn Duy Thành là triều đại 2 nhiệm kỳ của ông Lê Danh Xương, không có sai lầm gì, nhưng Hải Phòng trở thành một thành phố trì trệ, mà Hạ Long thì vươn lên, đến nỗi người Hải Phòng phải đặt ra câu ca cay đắng: Ai về thành phố Hạ Long, ghé thăm thị trấn Hải Phòng quê tôi.

            Nghĩ lại, đối chiếu lại với Hải Phòng ba mươi năm trước, thì phương pháp luận của ông Nguyễn Bá Thanh cũng không phải là chống chế, mà là nói thật. Có làm thì có sai. Nhưng cái chính là ông ấy biết ông ấy làm gì, ông ấy biết dân biết việc làm ấy. Các nhà lãnh đạo thi đua thời kỳ chống Mỹ đã tiên tri về cặp đôi hoàn hảo Hải Phòng - Đà Nẵng chăng, bởi vì ngày đó hai thành phố được cho là kết nghĩa anh em đấu tranh thống nhất. Sau này ông Đoàn Duy Thành rời khỏi thành phố lên chức đến Phó thủ tướng, nhưng sự nghiệp của ông ấy thì không còn vang dội nữa. Bây giờ, ông Nguyễn Bá Thanh nếu đi khỏi thành phố mà lên chức thì không biết có tránh được vết xe của ông Đoàn Duy Thành không? Ông ấy đi khỏi thành phố thì Đà Nẵng có tránh được một ông Lê Danh Xương mới không? Bây giờ thế giới nhỏ bé nhờ thông tin, không thể bưng bít dân tình được, người ta sẽ nói cái điều mà các ông quan nếu không chính trực thì không dám nghe. Ông Thanh nên nghe (và chắc đã nghe) lời ca ngợi, thì cũng nên nghe (và sẽ nghe) những lời chê trách và cảnh báo.

            Theo tôi, cái kỳ tích mà ông Thanh làm được ở Đà Nẵng (cũng như ông Thành đã làm ở Hải Phòng), không phải là xây 5 hay 10 cái cầu qua sông Hàn, cũng không phải là làm được dải phố bờ biển, phố bờ sông, bao nhiêu khu đô thị hay bắn pháo hoa hàng năm… vân vân. Cái mà ông ấy làm được là làm cho người dân thành phố này niềm tin và vui sống. Khi người ta vui sống thì người ta trở nên tử tế, khi có niềm tin thì bắt đầu manh nha thấy hạnh phúc ở chân trời. Những nhà quản lý hạng bét đã từng kêu ca về dân trí, sao họ không nghĩ ngợi một chút về Đà Nẵng. Dân Đà Nẵng có phải ở đâu "luân chuyển" đến đâu, vẫn là chính họ, mà ngày trước thì khác, bây giờ khác, chỉ có các ông quan là khác mà thôi. 

            Khi tôi và anh vào khu vui chơi giải trí ở Bà Nà -Hil, tôi và anh chơi xe điện, do vô ý tôi đã rơi cái kính ở túi áo lúc nào không biết. Tôi có báo với nhân viên ở đó, họ đã tìm rất lâu nhưng không thấy. Tôi bảo: Thôi vậy, không sao, kính ấy cũng phải thay số rồi. Hai tiếng đồng hồ sau, khi đang đi thì có người gọi và mang trả kính, nhân viên bảo vệ bảo, anh ta tìm thấy ở góc nhà và đi tìm tôi rất lâu rồi. Đó cũng là một câu chuyện mới nữa khiến tôi suy nghĩ. Đà Nẵng tôi đã biết, và Đà Nẵng ngày hôm nay có một tâm thế khác. Cái điều mà nhà báo không thể phản ánh, nó là tầng sâu trong tâm khảm, chỉ nhà văn mới có thể đụng đến. Nhưng tôi biết các nhà văn còn nợ một hình tượng về sự biến đổi này của nhân cách thành phố cảng miền Trung.

            Bỗng có một ngày rất nhiều nhà văn tụ hội về một thành phố, danh chính là họ đi hội nghị, nhưng hội nghị cũng là đi chơi. Chắc hẳn có kẻ sẽ ném đá về điều này, nhưng nếu các nhà văn không chơi thì viết cái gì? Lao động nhà văn đỏng đảnh và cô độc, khi anh và tôi viết, thì không ai biết. Tôi biết các nhà văn đang giao lưu, đi chơi với nhau, chính là lúc đầu óc họ đang làm việc. Riêng tôi thì làm việc thật, chứ không chơi, và đó là một thiệt thòi cho tư cách nhà văn. Một đoàn làm phim thì khi đến phải đến trước, khi đi phải đi sau. Khi các anh ca hát nhảy múa thì là lúc chúng tôi vác máy, chạy chỗ này chỗ kia như một lũ điên. Khi các anh trao đổi ở hành lang cũng lại là cảnh quý cho chúng tôi bấm máy. Cho nên đó là trớ trêu buồn, làm việc mà lại là không làm được cái gì. Cho nên, khi các anh ra về rồi, tôi còn ở lại dạo một vòng Đà Nẵng bằng con xe Juli ghẻ. Để làm gì? Để thấm cái sung sướng của anh lái xe không sợ công an. Để được ghé vào bãi biển, mà vứt xe bất cứ chỗ nào chả sợ người ta hoạnh họe thu tiền hay phạt tiền. Đó là một hạnh phúc bình dị mà Hà Nội không có được. Một thành phố cho phép ngành giao thông vạch đường tràn lan để đỗ xe thu tiền, thì đó là cách kiếm tiền dễ nhất, việc gì phải lo lắng đến quy hoạch giao thông nữa.

            Mời anh khi nào ra Hà Nội, hãy đến 65 Nguyễn Du để chứng kiến một đoạn đường "thập cẩm". Xe ô tô để ngổn ngang, để cả trên hè phố, để trong vạch vôi thì có cô trông xe thu tiền của Sở Giao thông, để ngoài vạch vôi hay bên kia đường là đỗ liều. Hè phố thì có người bán hàng nước hoặc phở. Thậm chí cổng 65 Nguyễn Du của Hội Nhà văn không có lối vào vì Sở Giao thông công chính đã vạch đường để giữ xe thu tiền mà không có bất cứ lối nào lên vỉa hè ở chính cái cổng ấy. Sự việc vẫn diễn ra như thế, nhưng bất ngờ có một hôm có đoàn các anh công an đi một vệt, phạt từng xe ô tô một, phạt bà bán phở, bà hàng nước, ông cắt tóc chiếm dụng vỉa hè. Nhưng khi các anh công an đi rồi, thì đâu lại hoàn đấy. Và cuộc sống lại bình thường, bởi vì nó vẫn như thế cơ mà. Thế thì, hiện thực cuộc sống đang là nơi làm tiền của công an, là nguồn thu cho ngân sách. Và cái hiện thực ngổn ngang ấy đang làm cho đô thị Hà Nội càng nhếch nhác. Bởi vì các nhà quản lý đô thị và cả bộ máy sức mạnh đang là người thu tiền trên sự xuống cấp xấu xa của chính đô thị mình. Tôi đã ngồi ở một vỉa hè Đà Nẵng và quan sát xem có chuyện tương tự như vậy không? Có lẽ là không có. Một thành phố không có ăn xin, không có rác, lái xe không phải sợ công an, vậy thì thành phố ấy đang sinh lợi trên sự đàng hoàng to đẹp của mình. Phải không anh?

            Chúc anh khỏe và chơi web vui vẻ.

19 nhận xét:

thebimini nói...

Thưa anh Văn công Hùng và các bạn ,

Thế sự thăng trầm quân mạc vấn
Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
(Việc đời lên xuống, bạn đừng hỏi làm gì. (Kìa) trong chỗ khói mù sóng rợn, có chiếc thuyền câu ) .
Trích từ bài “Chán đời” cũa Cao bá Quát .

Thời gian gần đây , chắc anh và một số bạn đọc lấy làm lạ vì thấy đã lâu tôi không còn 'còm' vào blog cũa anh cũng như các blog khác . Đó là vì thời gian gần đây bịnh tật đã LIÊN TỤC tấn công tôi tới tấp ; nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã cãm nhận sự VÔ THƯỜNG cũa cuộc đời (nay tôi đã trên 65) : chính điều này đã là ĐỘNG LỰC cũng như HỨNG THÚ đễ tôi tìm lại bài báo rất giá trị có tựa là “Buddha Rising” , đăng trên nguyệt san National Geographic cũa Mỹ tháng 12 , 2005 , mà tôi đã cắt ra và đễ dành ; và sau đó , dù đang bịnh tật , tôi đã cố gắng dịch bài này ra tiếng Việt với tựa “Sự Trổi dậy cũa đạo Phật “đễ những Phật tữ hay những người muốn tìm hiểu về đạo Phật cùng đọc với tôi.
Nếu anh thích , anh Hùng có thễ đăng bài viết này trên blog cũa anh .
Tôi xin nói thêm , tới giờ phút tôi chưa thấy ai chuyển ngữ bài báo này , nên công lao tôi bỏ ra không uổng .
Vì bài báo quá dài nên tôi đã chia làm ba phần như sau :
1/ http://wwwtrananhtu19.blogspot.com/2012/09/su-troi-day-cua-ao-phatbuddha-rising_3307.html
2/ http://wwwtrananhtu19.blogspot.com/2012/09/su-troi-day-cua-ao-phatbuddha-rising_750.html
3/ http://wwwtrananhtu19.blogspot.com/2012/09/su-troi-day-cua-ao-phatbuddha-rising_14.html

Cám ơn Anh ,

Trần anh Tú ,
San Jose , Cali ngày 18/09/2012 lúc 06:01 pm .

Trần Đức Tiến nói...

Bài viết hay. Mình sực nhớ đến vài điều muốn nói thêm:
1. Nghe nói (không biết có đúng không) là ông Nguyễn Bá Thanh rất khoái xây cao ốc, muồn biến Đà Nẵng thành "Hồng Công của VN". Mình không khoái ý tưởng này. Mình còn cho rằng cao ốc là một thứ, nếu không vì đất chật người đông, buộc phải xây, thì hẳn là kết quả của thói hợm của, phô phang của anh trọc phú (Mỹ đã từng như thế, nhưng châu Âu thì rất ít, hoặc không). Nói tóm lại, thành phố nhiều cao ốc là 1 thành phố rất "nhà quê".
2. Đà Nẵng không người ăn xin, nhưng vẫn quá nhiều người bán xổ số dạo. Và những người này cũng làm phiền du khách không ít.
3. Trên website của 1 nhà thơ danh tiếng, đăng khá nhiều comment "ném đá" cái hội nghị của HNV và một số nhà văn dự hội nghị đó ở Đà Nẵng. Mình không chạnh lòng vì những cái còm "giấu tay" này, nhưng mình lại thất vọng vì ông nhà thơ chủ web. Người đọc thấy chân dung của chính ông ấy qua những cái còm được ông ấy cho hiển thị.

Nguyễn Xuân Hưng nói...

Thưa nhà văn Trần Đức Tiến. Anh có nhớ khi tôi và anh và anh Văn Công Hùng ngồi trên đu "thụt lên thụt xuống", tôi đã bật cười rất khả ố khi bị cảm giác mạnh: Hố hố hố... Sau đó,khi xuống khỏi cái đu quay đáng sợ ấy, có bạn nhà văn bảo tôi: Người Đà Nẵng cười ha ha ha, còn người Hà Nội thì cười hố hố hố. Tôi khi đó mới sực nhớ là mình đang ở Bà Nà Hil, bèn cười ha ha ha một lúc...

Unknown nói...

Trên cả đất nước này, không có địa phương nào mà người dân lại nói tốt, thậm chí ca ngợi về Lãnh đạo địa phương mình, trừ và duy nhất Đà Nẵng.
Một số bạn tui ở HN, HCM nói tại ĐN nhỏ nên dễ làm (!) Ui chời, chả nhẽ các thành phố lớn khác trên thế giới cũng nhỏ hơn HN ???

123 nói...

Bài viết hay và xúc động. Bài này hay ngang bài kí của Anh Đức gửi cho Nguyễn Tuân thời chống Mỹ! Nguyễn Xuân Hưng xứng đáng là "nhà văn thật sự của nhân dân". Ước gì lãnh đạo ta bây giờ ai cũng được như Nguyễn Bá Thanh thì dân ta có phúc quá!

Nặc danh nói...

123 kính cùng nhà văn NXH!
Bài hay và xúc động vì nó thật, nó sâu sắc, nó quan tâm đến nhân dân! Bài này hay ngang ngửa với bài kí của nhà văn Anh Đức gửi nhà văn Nguyễn Tuân thời kì chống Mỹ!
123 ngửa cổ lên trời mà ước: ước gì lãnh đạo ta ai cũng được như ông Nguyễn Bá Thanh thì dân ta quả là có phúc! Ôi có "thần thánh" nào nghe và chứng thực cho lời ước của 123 không???
123 biết tỏng "tướng về hưu" rồi nhé: ông nhà văn Nguyễn Chí Trung thường hay thuyết này nọ...?

trần kỳ trung nói...

Rất cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng và tác giả bài viết, nhà thơ Nguyễn Xuân Hưng. Có một chi tiết trong bài, tôi xin đính chính, vì sợ bạn đọc hiểu lầm.
Hôm đó, tôi ,nhà thơ Ngân Vịnh và nhà thơ quân đội Lê Anh Dũng có việc, muốn báo cáo trực tiếp với ông Nguyễn Bá Thanh. Ông Nguyễn Bá Thanh đồng ý tiếp, ra hẹn : " Chỉ 15 phút thôi!" vì ông rất bận. Nhưng không ngờ! Tưởng 15 phút, cuộc gặp của chúng tôi với ông Nguyễn Bá Thanh kéo dài hơn tiếng đồng hồ trong không khí rất thỏa mái. Cuối buổi nói chuyện, ông Nguyễn Bá Thanh có hỏi chúng tôi, có cần gì không? Để ông giúp đỡ. Chúng tôi thoáng nhìn nhau, rồi thưa thật, là Chi Hội thành lập gần mừơi năm nay, nhưng kinh phí gần như không có gì. Đến muốn đi tham quan hoặc ra một tuyển tập cũng thấy khó quá. Ông Nguyễn Bá Thanh cười: " Các ông là có bệnh sỹ nặng lắm. Không nói thì ai biết..." Và ngay lập tức, ông bảo chúng tôi viết giấy để ông duyệt, đề nghị UBND thành phố cấp tiền cho Chi hội. Ông bảo chúng tôi cần bao nhiêu? Nhà thơ ngân Vịnh,Nhà thơ quân đội Lê Anh Dũng và tôi lúng túng, vì không biết nên đề nghị mức tiền như thế nào? Thấy vậy ông duyệt ngay 50 triệu,đề nghị UBND thành phố cấp ( trong đó ông đề nghị chúng tôi trích ra 20 triệu tặng riêng cho nhà thơ Ngân Vịnh vì có lời trong bài bát " Đà Nẵng tình người" nhạc: Đình Thậm). Sau đó chúng tôi còn có cuộc họp với ông Chủ tịch thành phố, UBND thành phố cũng đồng ý cấp tiền cho chúng tôi in tuyển tập. Tôi nghĩ, những thủ tục nhận tiền nhanh, rồi UBND thành phố cấp tiền in sách, chắc chắn có ý kiến của ông Nguyễn Bá Thanh, vì khi chia tay với chúng tôi ông nói:" Tôi sẽ nói với bên Ủy Ban cấp tiền nhanh cho các ông. Còn nếu có trục trặc gì, báo ngay cho tôi biết...". Nhờ có số tiền mà ông Nguyễn Bá Thanh đề nghị UBND cấp cho Chi hội, chúng tôi tổ chức cho các nhà văn, nhà thơ trong Chi hôi đi tham quan nước Lào và một phần nước Thái Lan. Không riêng chuỵện này, với nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, điêu khắc... có khó khăn về chỗ ở, nơi làm việc, ông Nguyễn Bá Thanh đều giải quyết nhanh, gọn. Nhà văn Nguyên Ngọc là khách cực quý của ông. Một chuyện mà anh chị em làm văn hóa còn nhắc. Nhà báo Đặng Ngọc Khoa (báo Thanh Niên) bị bệnh nặng, không qua khỏi. Trước khi nhà báo Đặng Ngọc Khoa lâm chung, ông đã đến thăm. Sau này trong lễ truy điệu nhà báo, Ông cũng đến dự. Cho dù nhà báo đã có nhà ở, nhưng ông Nguyễn Bá Thanh vẫn quyết định đề nghị Sở tài nguyên- môi trường và UBND thành phố cấp cho gia đình nhà báo Đặng Ngọc Khoa một lô đất, giá nội bộ, trả chậm, như ông nói: " Đặng Ngọc Khoa mất, gia đình mất chỗ dựa chính, cũng cần cấp cho gia đình anh ấy một lô đất để các con của anh ấy sau này có chỗ làm nhà...". Với văn - nghệ sỹ, ông Nguyễn Bá Thanh có thái độ rất trân trọng, đặc biệt ông thuộc rất nhiều bài hát, đủ thể loại, có thể đàm đạo ,ca hát, đọc thơ... mà không bị "loãng, nhạt".Nói chuyện với ông ,chúng tôi không thấy có khoảng cách mà vui nữa, vì cách kể chuyện dí dỏm của Ông.
Một lần nữa xin cảm ơn Nhà thơ Văn Công Hùng và Nhà thơ Nguyễn Xuân Hưng

Văn Công Hùng nói...

Hehe Trần Kỳ Trung, Nguyễn Xuân Hưng không biết làm thơ vì y là... nhà Văn. Tớ đính chính hộ nhé.

Nguyễn Xuân Hưng nói...

Kính thưa nhà văn Trần kỳ Trung. Hôm đó đúng là ăn uống tưng bừng, ồn ào nên tôi nghe anh câu được câu chăng. Tôi sẽ đính chính chi tiết này nếu đăng lại ở đâu đó. Tuy vật, nhờ có nó mà được anh kể thêm nhiều chuyện.

Nguyễn Xuân Hưng nói...

Gửi Văn Công Hùng. Do có đính chính của nhà văn Trần Kỳ Trung, tôi đã đính chính lại bài trên web của tôi (http://nguyenxuanhung.com/page/detailinfo/idc/8/id/226/ky-tich-song-han-hay-thu-ngo-gui-van-cong-hung.html) chỗ mấy chữ in đỏ. Câu nói của ông Thanh thì cứ để thế. Do có loạt comment, nên tôi nghĩ anh cứ để nguyên cái sai của tôi trên bài trên web này cũng được

Trần Đức Tiến nói...

@ Nguyễn Xuân Hưng: Hôm ấy, lúc ra khỏi phòng chiếu phim 4D hay chỗ "thụt lên thụt xuống" ấy, Trung bảo mình: sao ông thản nhiên thế, chẳng thấy la hét, cười cợt gì cả? Thực ra mình cũng muốn la hét lắm, muốn hô hố ha ha như mọi người. Nhưng mình già mất rồi. Trước những trò cảm giác mạnh trên đỉnh Bà Nà, hay vụ cao ốc, tượng Phật "khủng" ở chùa Linh Ứng, thậm chí cả việc anh nhà thơ nọ làm thơ về cái lồn mà say sưa viết đến "lồn 7", "lồn 8", "lồn 9", "lồn10"..., mình cũng chỉ dám cười nụ thôi. (Trân trọng đề nghị nhà thơ Văn Công Hùng không được viết tắt nếu đưa comment này lên. Xin cảm ơn).

Văn Công Hùng nói...

Hehe bác Tiến em cho hiện ngay, không viết tắt chữ nào. Lại có người làm thơ về món ấy ư bác, em chưa đọc. Vĩ đại quá. Em chịu.

Văn Công Hùng nói...

Nguyễn Xuân Hưng: OK, coi như Trần Kỳ Trung đính chính giùm...

Độc giả nói...

Tui xin phép anh Văn Công Hùng, nói thật suy nghĩ của một độc giả yêu mến các nhà văn nhà thơ.
Các bác nên bỏ cái "tư duy" xin tiền tài trợ mỗi khi đại hội. Tui thấy hội nào khi đại hội cũng xin ăn xin ngủ xin đi lại...,rất không nên.Hội có tiền của hội, hội viên có tiền của hội viên, có nhiều làm nhiều có ít làm ít,không có thì hội viên phải tự túc. Nếu hội nào tổ chúc ở Đà Nẵng cũng xin ông Bá Thanh 50 triệu thì ông ấy chỉ có thể tham nhũng mới cho được.

Hữu Kim nói...

Tôi thích bài viết của nhà thơ Nguyễn Xuân Hưng và các góp ý cho bài viết, nhất là nhận xét góp ý của nhà văn Trần Kỳ Trung. Cái gì thật thì ta nói thật,đáng trân trọng thì ta trân trọng." Quần chúng làm nên lịch sử", nhưng vai trò của cá nhân trong lịch sử nhất là ở những thời gian và hoàn cảnh cụ thể...điều đó nhân dân Đà Nẵng đã làm được,ông Nguyễn Bá Thanh đã làm được tôi tin như thế, chúng ta tin như thế.
Cảm ơn nhà thơ Văn Công Hùng- Nhà thơ Nguyễn Xuân Hưng và các anh chị!

Lại Trần Mai nói...

Cảm ơn nhà văn Nguyễn Xuân Hưng và nhà thơ Văn Công Hùng đã đăng loạt bài rất hay này.

trantuan nói...

Chuyện này của mấy bác hình như bị "đạo" rồi (có bác nào quen với "nhà văn" Hữu Cường này ở Tôm Kỳ - Quảng Nôm không ?!!
Xem ở đây nhé

http://danviet.vn/104482p1c36/chuyen-la-ve-canh-satgiao-thong-rat-lich-su-o-da-nang.htm


Nguyễn Xuân Hưng nói...

Tôi có gửi một thư như sau, cho chủ cái web mà bác trantuan nhắn (comment)
Kính gửi ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay.
ông hãy xem lại bài của tôi (Kỳ tích sông Hàn, hay thư gửi Văn Công Hùng) post vào 1h sáng ngày 19/9 trên web của tôi nguyenxuanhung.com (http://nguyenxuanhung.com/page/detailinfo/idc/8/id/226/ky-tich-song-han-hay-thu-ngo-gui-van-cong-hung.html); bài này đăng sáng sớm tại web www.vanconghung.com (http://www.vanconghung.com/2012/09/ky-tich-song-han.html#more); và bài của Huy Cường trên web của báo ông 6h sáng ngày 19/9. Nhờ có comment tại trang vanconghung.com mà tôi biết có bài báo của phóng viên Huy Cường. Cách làm báo xào sáo bài của người khác thế là không nghiêm túc, kiểu viết bài phóng tác như thế chắc chỉ nhằm lĩnh nhuận bút thôi.
Hôm nay tôi lại thấy ông Huy Cường phóng tác tiếp chủ đề trên trên web Dân Luận (https://danluan.wordpress.com/2012/09/22/huy-cuong-chuyen-la-ve-canh-sat-giao-thong-viet-nam-biet-lich-su-voi-nguoi-dan/)
Ông là Tổng biên tập báo chính thống, ông có thể đánh giá mức độ nghiêm túc của kiểu viết bài như thế này
www.nguyenxuanhung.com

Văn Công Hùng nói...

Hehe nhà văn Nguyễn Xuân Hưng:
-----
Các cụ nói túng thì phải tính. Tên này chắc nó cũng tính vì nó túng đây mà.