-----------
Ông
Núp mất đến nay đã mười mấy năm, đã có hàng mấy trăm bài báo viết về
ông từ bấy đến giờ, riêng bản thân tôi cũng đã lên tới chục, đến nỗi nhắm mắt
tôi vẫn hình dung rõ mồn một về ông, về cuộc đời rực rỡ hoành tráng của ông và
cả về chuyện vợ con ông, từ bà vợ chính thức là H'Liêu đến bà nghệ sĩ HB cho
đến bà nối dây Ch'Rơ sau này. Nhưng vẫn còn một ông Núp nữa, ông Núp của đời
thường, của những khoảnh khắc cháy hết mình trong những cuộc rượu với dân làng,
Núp mà như Nguyên Ngọc nói: Ông đến và sà xuống, vít cần rượu, thế là dân làng
kéo đến. Ông vừa uống vừa nói, đơn giản đến kỳ lạ, và dân làng cứ thế ồ à rồi
uống rượu cùng ông, thế là mọi việc cần giải tỏa được giải tỏa... Còn chúng tôi
thì hay nói đùa, ông là một khẩu pháo, nơi nào có vấn đề, kéo "khẩu
pháo" Núp đến. Khẩu pháo này không khạc đạn, pháo này chỉ uống rượu và nói
và... xong việc. Bài viết này không đi vào những điều hoành tráng trong cuộc
đời ông mà nhiều người đã biết. Tôi kể về chuyện ông Núp và... rượu.
Thú
thực là cho đến khi đeo ba lô lên Gia Lai nhận công tác, tôi hoàn toàn không
biết là ông Núp đang ở đấy. Học rồi đọc rồi thi "Đất nước đứng lên"
dăm bảy bận nhưng vẫn luôn nghĩ ông ấy như ở thời nào, và mông lung ở đẩu đâu
đấy. Cái buổi chiều đầu tiên đến PLeiku, sau khi vào một khách sạn ở đầu thị xã
thuê một phòng thay vì vào thẳng Ty Văn hóa Thông tin trình diện, tôi lang
thang đi thám thính để nếu thấy "căng" quá thì chuồn. Trước đấy tôi
đã biết gì về Pleiku đâu. Đến một con đường, đường Hoàng Hoa Thám, tôi gặp một
ông già quắc thước, dáng tiên ông đạo cốt, mặt rất hiền từ, râu dài trắng như
cước, mặc vét có cà - vạt hẳn hoi, bên trong là áo trắng, nhưng trên cổ là một
đứa trẻ con cởi truồng đen nhẻm. Nhìn kỹ còn thấy thằng cu con kia tè ướt hết
áo vét ông già. Mấy hôm sau khi đã nhận việc ở phòng Văn nghệ ty Văn hóa, tôi
được giao nhiệm vụ viết một bài cho anh hùng Núp đọc trong buổi ông Ni Ku Lin
nói chuyện với trí thức Gia Lai - Kon Tum. Ông Ni Ku Lin là người Nga nhưng nói
tiếng Việt sõi, là nhà Việt Nam học, rất yêu quý Việt Nam và am hiểu Việt Nam.
Yêu cầu bài viết là: Không đánh máy, viết tay chữ to, nửa trang. Thú thực là
tôi gần như kinh ngạc, rằng là ông Núp còn... sống, và tôi sẽ được gặp ông ngay
đây. Lấy cớ là phải gặp để báo cáo và xin ý kiến ông về việc sẽ viết như thế
nào, tôi hăm hở cùng một đồng nghiệp đến cơ quan ông, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh. Hai ba lần hỏi thăm trình giấy thì ông Núp hiện ra. Trời ạ, thì
chính ông là cái ông già bị thằng cu cởi truồng đái ướt áo vét hôm nào. Hôm nay
ông cũng mặc nguyên cái áo ấy. Mà hình như cả cái áo trắng bên trong, cái quần
nữa, cũng vẫn còn nguyên. Thì ra thằng cu kia là cháu nội ông, con anh H'rup,
người con của ông với H'Liêu mà ông đã cõng ra Bắc tập kết sau khi Liêu mất.
Tôi nhớ sau đấy mấy hôm, ông Núp, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh Gia Lai, đứng xiên xiên trên sân khấu nhà văn hóa tỉnh đọc bài tôi viết
theo đúng yêu cầu: Chữ thật to, nửa trang, chỉ một lần nhắc đến tên Ni Ku Lin
vì nhắc nhiều sợ ông đọc... sai.
Thực
ra khi ông Núp ra Bắc thì chưa biết chữ, nhưng ông đã học bổ túc trong thời
gian ở Hà Nội. Và mắt ông hồi ấy dẫu đeo kính nhưng vẫn đọc tốt dưới ánh sáng
đèn pha. Sở dĩ phải viết to và ngắn thế là bởi sợ ông... say.
Rất
nhiều người đã từng sống, từng gặp, từng khoanh chân ngồi uống rượu với ông Núp
đều cho rằng: Ông là người uống rượu hiền nhất thế giới. Ấy là vì khi uống ông
chỉ uống và... nói, rù rì nói, cho đến lúc say thì gục đầu vào vai người bên
cạnh hoặc nằm xuống gối đầu vào đùi ai đó, ngủ. Chỉ chợp mắt chừng tiếng đồng
hồ, tỉnh lại, uống tiếp.
Hồi
những năm tám mươi của thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Khắc Trường vào Gia Lai gặp
ông Núp để viết bút ký "Gặp lại anh hùng Núp"- bút ký này sau đó được
giải nhất cuộc thi bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi nhớ có một cuộc chúng
tôi "mượn" ông Núp đi chơi. Ông Nguyễn Khắc Trường, tôi, anh Chử Anh
Đào và vài người nữa đi Kon Tum, muốn cho hoành tráng, chúng tôi bàn nhau vào
Mặt trận tỉnh mời ông Núp đi. Muốn mời được ông, chúng tôi phải vào văn phòng
xin phép, và hứa là bảo vệ ông an toàn. Thế mà sau một ngày, ghé từ công trường
Ia Ly đang bắt đầu xây dựng cho đến tỉnh ủy Kon Tum gặp ông bác sĩ bí thư tỉnh
ủy Sô Lây Tăng, khi về, chúng tôi phải nửa dìu nửa khiêng ông Núp vào nhà, lúc
ấy là một căn phòng trong khu tập thể của Mặt Trận tỉnh, và nhận lời trách
nghiêm khắc của các anh cán bộ Mặt trận với lời đe: từ nay không cho các ông
"mượn" nữa. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy thần tượng của mình... say.
Ông gần như không biết gì khi trên xe, thi thoảng nói tiếng Ba Na như ngủ mơ,
nhưng khi dìu ông vào đến chiếc giường một kê bên một chiếc bàn của ông thì ông
lại... tỉnh, ông lôi dưới gầm bàn ra một cái can màu vàng loại năm lít, chực
rót ra ly thì anh cán bộ mặt trận cương quyết cản lại, không cho rót. Ông len
lén nhìn anh này rồi mới nằm xuống tiếp tục... ngủ.
Lần
tháp tùng Núp về nhà ông ở Xã Nam, tức Tơ Tung bây giờ, cái làng Kông Hoa nổi
tiếng ấy, chúng tôi vô tình gặp một tốp các cô giáo từ Thái Nguyên, là vợ các
sĩ quan quân đoàn ba lúc này mới di chuyển từ Thái Nguyên vào Gia Lai lập trụ
sở mới, vào thăm chồng, nhân tiện ghé thăm làng Kông Hoa để về có thực tiễn mà
dạy học trò. Các cô chỉ định đến thăm làng Kông Hoa trong "Đất nước đứng
lên" (tức Stơ ngoài đời) và thăm nhà người anh hùng mà các cô ngưỡng mộ.
Thế nhưng các cô đã rất may mắn khi gặp đúng lúc ông Núp về thăm nhà. Và còn
mừng hơn khi từ trên xe bước xuống, không chỉ có ông Núp mà còn có ông Nguyên
Ngọc. Một lúc gặp cả nhà văn và nhân vật trong một tiểu thuyết nổi tiếng liên
tục có mặt trong sách giáo khoa, liên tục thi, thử hỏi một cô giáo dạy văn nào
mà không mừng. Thế là quấn quýt, tíu tít. Mà không chỉ các cô giáo, dân làng
cũng lũ lượt kéo đến, kèm những ghè rượu. Nhiều ghè rượu được bày ra và cắm cần
ngay trong phòng khách ở tầng hai ngôi nhà hai tầng tỉnh xây cho ông mà rất ít
khi ông ở. Tôi ngạc nhiên quá, chả gì ông Nguyên Ngọc, rồi chúng tôi cũng là
khách, thế mà trời đã mịt mù chả thấy ông đả động gì chuyện cơm nước cho khách
cả, cứ tì ngồi ôm cần và nói. Tôi đi tìm anh lái xe đang mắc võng ngủ ngoài gốc
cây. Anh này bảo: Phải tự túc thôi, và chui vào cái U oát lôi ra bao gạo, cá
khô... hai thằng tôi kỳ cạch kê gạch ngoài vườn nấu cơm, nướng cá giã với muối
và lá é. Khoảng 11 giờ đêm xong cơm thì ông đã... ngủ ngon lành, đầu gối lên
đùi một thanh niên trong làng và người này cứ ngồi yên lặng mút rượu kệ cho ông
Núp gối đầu vào đùi mình mặt thơ thới như trẻ con...
Ông
Núp có khuôn mặt rất lạ, rất ăn ảnh. Bộ râu dài trắng như cước (nhưng thực ra
tôi đã ngắm kỹ thì nó không trắng tinh mà hung hung, nhất là những khi ông uống
rượu dùng tay bốc thức ăn rồi lại đưa tay vén râu- Người Ba Na của ông gọi ăn
cơm là sango, họ dùng tay sango. Phải dùng tay thì sango mới ngon, mới lên hết
chất của cơm của thịt), đôi mắt nhỏ hiền từ như mắt voi con lúc nào cũng long
lanh như cười. Hầu như ai đã có chiếc máy ảnh trong tay, từ thời cái máy Zennhít
cổ lỗ sĩ đều có thể có một bức ảnh đẹp về Núp, về một ông già vừa quắc thước
vừa hiền từ, vừa lãng mạn vừa cổ điển, như ảo như thật, hiện hữu đấy mà như cổ
tích phương nào...
Một
lần mấy người bà con của tôi được xoang với ông Núp tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ấy là cái lần tỉnh Gia Lai tổ chức một liên hoan cồng chiêng tại công viên Tao
Đàn. Người Sài Gòn lần đầu tiên thấy cái nhà rông thật, lần đầu tiên thấy ông
Núp thật. Tối khai mạc công an bảo vệ rất kỹ vì thế mấy người bà con của tôi dù
rất muốn cũng không thể nào len vào được để chụp ảnh với ông. Tôi phải lén ra
dúi cho họ cái thẻ của tôi để họ lần lượt vào và họ được chụp ảnh với ông Núp
giữa Sài Gòn ngay trước cái nhà rông cao vút dựng ngay trong công viên Tao Đàn.
Nhưng mấy người bà con của tôi không biết rằng, khi ấy ông Núp đang... say. Say
nên ông đã làm một việc ngoài chưong trình là... xoang ngoài kịch bản, hay đúng
hơn là sớm hơn kịch bản, thế là cả đám đông ùa vào cứ thế tít mù vòng xoang
cùng ông mà công an không thể nào bảo vệ được. Mấy người bà con tôi ở Sài Gòn
nhờ thế mà chụp được bao nhiêu ảnh cùng Núp, thậm chí còn nắm tay Núp, ôm Núp
và được Núp ôm. Đấy là một đêm cực vui. Ông Núp, thần tượng của bao người,
tưởng như là một đấng một bậc nào đó, hiện diện ở một cõi nào đó... lại hiện
diện bằng xương bằng thịt, nhảy múa rất vui, rất bốc, rất đời thường ngay tại
một công viên lớn ở thành phố Hồ Chí Minh giữa hàng nghìn người.
Tôi
"vinh dự" được gắn liền cơn sốt rét rừng đầu tiên trong đời với nhà
văn Nguyên Ngọc và ông Núp khi tháp tùng hai ông về xã Kroong, nơi ngày xưa bộ
đội và cán bộ đặt tên là thị trấn Dân Chủ, là đầu não của tỉnh ủy hai tỉnh Gia
- Kon trong kháng chiến chống Mỹ, bây giờ thuộc huyện K'bang, Gia Lai. Hồi ấy
đi từ Pleiku về đến Kroong mất đúng một ngày. Tối nhọ nhẹ mặt người thì chúng
tôi đến nơi, thấy rừng âm u, cây to lừng lững rêu phong chọc trời, lác đác nhà
sàn ngơ ngác trong hoàng hôn. Dân làng khiêng đến một chú vàng đãi bác Núp. Chú
vàng được quăng uỵch ở sân ủy ban xã mắt cũng ngơ ngác như người... Không có
gia vị gì ngoài mấy củ sả rừng và muối. Không ai biết làm gì, trừ tôi. Thế là
tôi thành đao phủ và đầu bếp bất đắc dĩ. Bốn tiếng đồng hồ lui hui bên bờ suối
với một đống lửa và cây đèn pin, chú cầy đã trở thành một nồi thịt thơm phức
trong cái đói cồn cào vì lúc này đã gần mười một giờ đêm. Khi bưng nồi thịt lên
thì bác Núp cũng đã ngà ngà say, ông Nguyên Ngọc phải ép ông Núp ăn, vì biết
ông đã uống từ trưa không ăn gì, mà từ lúc đến đây đến giờ đã bốn năm tiếng
đồng hồ, đã trôi qua mấy ghè rượu, đã nói biết bao nhiêu là chuyện, có những
chuyện đã lặp lại đến mấy lần. Tôi làm mồi cho lũ muỗi đói ở chính con suối này
và mang mầm sốt rét về nhà, chỉ một tuần sau chuyến đi là tôi sầm sập sốt. Cũng
may là hồi ấy Gia Lai đang là trọng điểm sốt rét và bà vợ làm ngành y nên mươi
ngày là tôi khỏi, chấm dứt luôn cho đến giờ, tất nhiên cũng phải qua mấy phác
đồ điều trị. Cũng hồi ấy, một ông bác sĩ vừa ra trường đã bị chết vì sốt rét
làm rúng động bao người mang mầm sốt rét trong người.
Sau
này hơn mười năm ông Núp lấy khoa nội 4 bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai làm nhà.
Phòng ông suốt ngày khách, ai đến Gia Lai cũng muốn vào thăm ông, và ai vào ông
cũng tươi cười chụp ảnh chung, có khi chả biết người đang ôm mình chụp ảnh là
ai dù đã được giới thiệu. Mà ảnh nào trông ông cũng đẹp, ngời ngời đẹp, không
thấy bệnh tật, không thấy tuổi già. Tôi cũng vô tình thành người chụp ảnh cho
ông mấy lần, trong đó có lần chụp ông với phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Bộ
trưởng Y tế thời ấy là giáo sư Đỗ Nguyên Phương...
Đám
tang ông thuộc loại lạ nhất thời bấy giờ. Cách đây mười năm mà đám tang ấy có
200 vòng hoa, từ các đồng chí lãnh đạo cao cấp đến nhiều, rất nhiều người bình
dân đến viếng ông. Khi linh cữu ông bắt đầu được khiêng đi thì vẫn còn hàng vài
chục người bán vé số tất tả chạy vào tiễn ông. Ban tổ chức đành chùng chình lại
một chút để những người này thắp nhang cho kịp. Không chỉ thắp nhang, họ kính
cẩn lạy bốn lạy rất cẩn thận. Tôi hỏi họ biết gì về ông Núp không, họ bảo là
người Việt Nam ai lại không biết. Dân làng ông lên ở với ông mấy ngày, đánh
chiêng cho ông nghe ngay trong hội trường lớn nhất tỉnh hồi ấy. Đấy là một đám
tang kết hợp giữa nghi lễ của người Kinh với người Tây Nguyên, có vệ binh bồng
súng, có quốc kỳ phủ quan tài, có lãnh đạo túc trực bên linh cữu, có vòng hoa
của nguyên thủ, của lãnh đạo cấp cao và có bà con Tây Nguyên ngồi xung quanh
đánh chiêng và... uống rượu cần, có cơm ống và thịt nướng...
Năm vừa qua, chúng tôi lại tháp tùng nhà văn Nguyên Ngọc về lại làng
"Kông Hoa" nhân lễ tưởng niệm mười năm ngày mất của anh hùng Núp.
Chao ơi là nước mắt, là những ký ức, những hồi hộp, xúc cảm vỡ òa... Dịp này
tôi phối hợp với một ê kíp "tinh nhuệ" của Truyền hình Gia Lai làm bộ
phim "Người về lại Kông Hoa". Về để tự nhìn lại mình. Về để thấy
những món nợ mình còn mắc. Về để thấy những tấm lòng rộng mở. Về để chứng kiến
tình bạn chung thủy đến kỳ lạ giữa nhà văn và nhân vật. Tình bạn ấy khởi đầu từ
năm 1953, khi anh lính trẻ Nguyễn Trung Thành trên đường đi "điều
nghiên" chuẩn bị trận đánh nổi tiếng GM100 đã ghé qua làng S'tơ và được
đội trưởng du kích Đinh Núp trực tiếp nhiều lần dẫn đi và bảo vệ, để rồi sau đó
mấy năm, họ gặp lại nhau ở đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền, và sau
đó nữa thì "Đất nước đứng lên" ra đời, và hôm 4/7 thì bà Ch'rơ, vợ
ông Núp và một người cháu gọi Núp bằng cậu đã ôm nhà văn Nguyên Ngọc khóc
ròng... Và chính như cái cách mà hai ông này đã nói về nhau: Có Núp thì mới có
Nguyên Ngọc, và ngược lại, có Nguyên Ngọc thì mới có Núp. Về để thấy thêm và tự
hào sức mạnh và vai trò kỳ diệu của văn chương trong đời sống nói chung và
trong cuộc kháng chiến khổ đau và thần thánh của dân tộc...
Bây
giờ ở ngã ba Hoa Lư, cửa ngõ phía bắc vào thành phố Pleiku, có một cái tượng
ông Núp thời trẻ, chỉ tiếc, hàng chữ khắc phía dưới ghi sai năm mất của ông.
Thay vì năm 1999 họ ghi 1998. Gần mười năm rồi, vẫn không ai sửa...
10 nhận xét:
Bác Hùng ơi, lần nầy bác nhớ lộn rồi, khi nhà văn Nguyễn Khắc Trường và Trung Trung Đỉnh vào Pleiku rồi sau đó Nguyễn Khắc Trường viết bút ký "Gặp lại Anh hùng Núp" được giải thì Gia Lai - Kon Tum chưa tách thành 2 tỉnh.
@ Nặc Danh: Tớ có nói nó đã tách đâu nhỉ?
Có lộn đó bác, hehe. Những năm 80 của thế kỷ trước thì chưa có tỉnh Kon Tum để ông Sô Lây Tăng làm bí thư tỉnh ủy. Cuối năm 1991, khi tách tỉnh, ông Tăng làm chủ tịch, quyền bí thư là ông Tiềm, phải đến đại hội Đảng bộ, bác sĩ Sô Lây Tăng mới trúng cử bí thư. Còn thủy điện Ya Ly thì hình như sang 1993 mới khởi công; trước, nếu có hoạt động gì đấy thì chắc là tiền trạm hoặc chuẩn bị. Bác "hậu kiểm" xem.
Không tách mà có chữ "tỉnh ủy Kon Tum"? Ông này đúng là cãi bướng...
Không biết vì sao bây giờ người ta gọi cánh sát giao thông là anh hùng Nup?
Hơ hơ cám ơn các bạn. Thực ra là lần tôi vời ông núp đi chơi (có ảnh phía trên ấy) là ông NK Trường vào viết cho Ia Ly. Còn đận vào viết anh hùng Núp hình như tôi cũng chưa lên Tây nguyên kia.
Hay lam Bac a
Bài viết hay quá Bác ạ. Thật xúc động.
Ôi anh hùng Núp một thời, ngày xưa thi đại học cháu bị câu " Rùng xà nu". Nếu được chụp ảnh của anh hùng, à cụ Núp thì phân tích văn chắc điểm cao lắm
Khóc rồi chú ơi. cảm động quá
Đăng nhận xét