Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

LỄ HỘI HOA PƠ LANG

Con gái như phô như bày hết vẻ đẹp trời cho, những đường cong, những khối tròn, những lúng liếng, những mơ màng... còn con trai thì cứ như ngây ngây say
------------------ 


           
Đang là mùa đẹp nhất ở Tây Nguyên. Trên một chuyến xe xuống Krông Pa, mấy anh em nhà văn chúng tôi lan man với nhau đủ thứ, rồi loanh quanh lại quay về... lễ hội. Lâu rồi không còn thấy những cái sợi bông mỏng tang trắng xóa bay lơ lửng trên trời Pleiku vương vào đầu vào áo mọi người vào cữ tháng này nữa. Tự nhiên tôi nhớ những cái sợi bông ấy là bởi, hồi mới lên Tây Nguyên, cứ khi nào thấy cái sợi bông ấy bay lửng lơ trên trời là Tây Nguyên có lễ hội, là Tây Nguyên vào mùa lễ hội. May sao, ven đường xuống Krông Pa, cái đường 25 ấy, vẫn còn những cây pơ lang rất đẹp. Những cây pơ lang đứng cô lẻ bên đường, bung lên trời những tàn lửa chói chang làm nao nao lòng những kẻ duy mỹ ham xê dịch chúng tôi. Pơ lang thường xuyên nhắc về lễ hội. Nhìn thấy pơ lang lại thấp thoáng tưng bừng lễ hội. Thường thì mỗi khi đâm trâu, người ta trồng một cây pơ lang làm cọc nêu. Bỏ mả (pơ thi) người ta cũng trồng cây pơ lang, vì thế cứ đếm cây pơ lang ta có ngay số lượng những lễ mà người làng ấy đã làm. Pơ lang thực ra là cây hoa gạo ở đồng bằng, là cây mộc miên ở phía bắc, cái tên mộc miên rất hay, vừa lãng mạn vừa cổ kính, nhưng cái tên pơ lang nghe lại cứ nao nao một nỗi nhớ nhà. Nhớ ngày xưa, cái thời Tây Nguyên còn là một bí ẩn với nhiều người ở đồng bằng, một hoa khôi của Gia Lai làm ở xí nghiệp In đi đâu cũng được các chàng trai thành phố đồng bằng gọi là "Pơ Lang của anh ơi". Cô này người Kinh nhưng đi đâu cũng bảo mình là Hơ Lan người Ba Na, gọi riết một hồi thành Pơ Lang, chết cái tên ấy. Rồi đến một đoàn cải lương Gia Lai thứ thiệt cũng lấy tên đoàn Hoa Pơ Lang nổi đình nổi đám một thời. Có thời mấy nhạc sĩ Gia Lai làm một cuốn sách, đã cố công nhờ một họa sĩ vẽ thật giống một bông hoa pơ lang làm bìa sách. Pơ lang ở Tây Nguyên có hai loại, loại có bông bay trắng xóa vào dịp tháng ba tháng tư, thân không có gai, và loại hoa đỏ rực như đốt cháy cả bầu trời cũng vào cữ tháng ấy thân có gai. Ngoài ra ở Tây nguyên mùa này còn một loại cây nữa cũng giống pơ lang, nó là loại vông rừng, hoa cũng rất đỏ, rất rực rỡ. Nhắc vông rừng lại nhớ vông đồng, là cái cây ngô đồng nổi tiếng trong thơ: Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu- Một chiếc lá ngô đồng rụng, thiên hạ đều biết mùa thu đang đến... Ở Huế có mấy cây ngô đồng như thế, người ta xếp nó vào loại "Huế bảo"- tương đương quốc bảo, giữ gìn và bảo tồn với chế độ đặc biệt như bảo tồn hệ thống đền đài lăng tẩm, ngày xưa vua Minh Mạng đã phải cho khắc nó lên Du đỉnh trong hệ thống Cửu Đỉnh nổi tiếng đặt trong đại nội biểu hiện uy quyền của triều đình. Khi viết đến đây, tôi đã tốn năm cú điện thoại cho nhà văn và là một kỹ sư nông nghiệp- anh Phạm Đức Long, anh này lại tốn đến bốn cú điện thoại nữa (cho chắc chắn) cho hai chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp ở Gia Lai để xác định một điều rằng, cái cây vông cổ thụ ở đường Nguyễn Du, đoạn phía trên, bên hông sở Y Tế ấy, có phải là cây ngô đồng không. Kết quả một người khẳng định là Ngô đồng, còn một người bảo nó là Vông đồng, còn ngô đồng chỉ có trong tưởng tượng, nó như lá diêu bông của Hoàng Cầm ấy. Tôi thiên về ý người trước, chỉ bởi người sau bảo Ngô đồng chỉ có trong tưởng tượng, trong khi nó đang tồn tại ở Huế, mà đến mấy cây, có cả trên cửu đỉnh từ cách đây mấy trăm năm. Và rất nhiều trong thơ, cả ca dao nữa: Chiều chiều ra đứng Tây lầu Tây, thấy cô tang tình gánh nước, tưới cây tưới cây ngô đồng. Rồi: Ô hay, buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông... Nhưng lại cũng phải nói điều này, rằng cái cây ngô đồng tôi thấy ở Huế ấy, nó... khác cây ở đường Nguyễn Du này. Nhưng dù thế nào, nó cũng là giống cây quý. Thế mà cách đây mấy năm, suýt nữa cái cây này đã được... chặt hạ?...

He he, đang xoang đấy-Ảnh Phan Thị Vàng Anh chụp

          Tháng này là mùa hội, người Tây Nguyên gọi là Ning Nơng, ăn chơi quên ngày tháng, bao nhiêu sinh lực của cải của cả năm đổ ra cho lúc này, người ta đắm đuối với nhau, với trời với đất, với thiên nhiên cây cỏ, người ta trao nhau tất cả những gì dành dụm trong năm trong cuộc đời, trao vô tư, không toan tính, không vụ lợi... Tôi đã từng được dự những lễ hội như thế ở tại đất Krông Pa này, đắm say và tình tứ, hòa nhập và si mê, những con người phóng khoáng và hiền minh đã cho tôi hiểu thế nào là tự do, thế nào là ý nghĩa đích thực của cuộc sống, thế nào là niềm vui bất tận khi mình được sống hết mình, thở hết mình, đắm đuối hết mình với những gì mình thích, mình yêu và mình thấy thoải mái.

          Chán nhất của lễ hội hiện nay là khi nó được bàn tay đạo diễn của một vài nhà "thông thái" người Kinh. Đây là những người cái gì cũng biết nhưng rốt cục lại chả biết gì cả. Họ tự cho mình cái quyền can thiệp vào, sắp xếp lại, thậm chí là thay đổi, thay đổi cơ bản kết cấu và cả chi tiết lễ hội. Mà thế thì nó không còn là lễ hội, nó trở thành văn nghệ quần chúng, thành biểu diễn. Cái khác nhau giữa lễ hội dân gian và văn nghệ quần chúng chính là ở tính tự nhiên của nó. Ở lễ hội dân gian, không có diễn viên, không có khán giả, tất cả hòa nhập trong một không gian tuyệt vời, một thời gian không hạn định, lễ nghiêm ngặt, hội hết mình trong một niềm tin trong trẻo nhân hậu vào Yang, vào niềm tin và vào chính mình. Còn văn nghệ quần chúng là diễn, có bàn tay đạo diễn của người khác, nó dùng để thi thố, nó phục vụ cho... cán bộ và không vô tư, nó vụ lợi, vì... giải thưởng, vì những điều ngoài nghệ thuật...

          Trong các lễ hội tôi đã được tham gia thì bình dị nhất là lễ hội cơm mới, sôi nổi nhất (và cũng hồi hộp nhất) là lễ ăn trâu, lâu nhất, nhiều nhất là lễ pơ thi... Lễ hội cơm mới, tiếng Bana là Sa Mơk, tức ăn cốm, mà ăn cốm thì tránh sát sinh. Tránh chứ không cấm. Thế nên vẫn có thịt, nhưng chủ yếu là cơm và rượu. Còn lễ ăn trâu thì đương nhiên là phải đâm trâu, rồi sau đó là ăn trâu. Nhiều người yếu bóng vía và tỏ ra ta đây nhân văn, bèn lên án tục đâm trâu, cho là con người ác, man rợ, không cao thượng... họ làm như cả đời họ, hay người thân của họ chưa từng cắt cổ một con gà, một con vịt, thậm chí là con chim bồ câu... Lễ pơ thi thì rất nhiều bò và rượu. Tôi đã chứng kiến một cái lễ pơ thi ở huyện Chư Păh cũ, người ta đã giết hàng trăm con trâu và uống đến hàng nghìn ghè rượu trong liên tục gần hai mươi ngày. Người Tây Nguyên theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh, vì thế các lễ, kèm theo nó là hội, nhiều là đương nhiên. Vòng đời con người bắt đầu từ lễ thổi tai cho đến lễ pơ thi, vòng đời cây cũng thế, luôn được đặt trong hệ thống tín ngưỡng, bởi cái cây nó không chỉ là cái cây, nó chính là ý chí của trời, của Yang, là khát vọng của con người ở cái thời mà khoa học còn rất tù mù, người ta lý giải cuộc sống bằng những giấc mơ, bằng những cắt nghĩa vào thượng đế, vào những quy luật siêu nhiên...

          Mùa này Tây Nguyên đẹp lắm. Nắng thì vàng, mây thì xanh, gió thì ào ạt, pơ lang nở hết mình và con người thì phát tiết rực rỡ. Con gái như phô như bày hết vẻ đẹp trời cho, những đường cong, những khối tròn, những lúng liếng, những mơ màng... còn con trai thì cứ như ngây ngây say... Nếu có điều kiện, bạn hãy về làng, hòa vào một lễ hội nào đó, và say...

Hoa Gạo chùa Hương

Pơ lang Tây Nguyên

Vẫn là Pơ lang Tây Nguyên

Bông gòn




5 ảnh trên: Ngô đồng trong đại nội- Huế

2 nhận xét:

Ảo vọng nói...

Từ nhà thơ cố đô đến nhà thơ núi rừng có "diễn biến hòa bình" nào không vậy bác Hùng ?

ngọc nói...

Sao trong bài này e toàn thấy nhà rông lợp ...tole vậy bác, lại còn màu mè nữa ? Thấy không ưng cái bụng chút mô hết!