miendi
là một tên không lạ không quen, không cao không thấp không béo không
gầy không thật thà không lơi lẳng..., nhưng về độ nói cuội thì y là số
một. Tự nhiên một hôm thấy cả web hội NV, Phongdiep, văn nghệ chủ nhật, nhavan.vn,... vân vân nhiều lắm đăng một cái bài vô cùng cuội của hắn, cuội đến mức tớ... xấu hổ. Đại loại là...
-------------------
RƠI NGANG MỘT GIỌT KHÔNG TÊN
Lục Bát - một thể thơ giản dị, chân phương,
nhạc tính hiền từ, màu thơ nâu sồng, đất cát... Ấy vậy mà lạ, cái mình mẩy mộc
mạc ấy lại vừa vặn giao hòa với tất cả: từ tinh thần khâm nghiêm của Cổ đến táo
bạo của Kim; từ dịu dàng lời ru đến tưng tửng U-Mặc (humour); từ mộc mạc ca dao
đến hàn lâm minh triết; từ trữ tình ướt át đến nghịch ngợm trào phúng... Vừa tất!
Thế mới lạ, thế mới khiến mấy anh chàng "hậu hiện đại" đao to búa lớn phải nể
vì. Thế mới khiến Cụ Bùi Giáng tay chống gậy siêu việt trí, miệng khề khà lời vô ngôn vẫn
cứ thích ngã kềnh trong manh chiếu quê rộng ngang 6 - 8. Vì thế, Lục bát sẽ vẫn
sống mãi bất chấp mọi đổi thay, như đại lượng bất định "Còn" trong câu thơ của cụ Bùi: "Người
còn thì của hãy còn / Người không còn nữa thì còn cái chi".
Đôi lần được ngồi chuyện trò cùng nhà
thơ Văn Công Hùng, trong câu chuyện, thảng hoặc anh lại trầm ngâm kể về quê
hương với một nỗi niềm đau đáu. Có lẽ, với riêng anh "đi đến" cùng nghĩa với
"tìm về". Cũng đúng thôi, ai chẳng mang di tích tuổi thơ. Thật may mắn cho
người nào khi trên đầu mây trắng bay mà vẫn còn đó bến đò cũ - để dừng chân hồi
cố, vẫn còn nguyên giậu dâm bụt xưa - để hoài niệm tựa đầu. Nhưng thường thì
chẳng mấy ai được thế. Thời gian làm bạc phếch những kỷ niệm, bê-tông hóa những
khoảng sân đanh đáo. Quê hương trong tâm tưởng và quê hương sau bao mùa dâu bể
mấy khi đợi nhau, mấy khi còn cùng vẹn nguyên dáng vẻ. Để rồi, như một lời than
"chưa về Huế đã vội vàng ra đi". Để
rồi, bài thơ đầu tiên trong tập thơ "Lục
bát Văn Công Hùng" được bắt đầu bằng một bài thơ đẫm màu thu hoài niệm, có
thể "mùa thu..." ấy đã xa lắm. Nhưng với
anh, vẫn "...như thể nắng vừa trôi qua".
Văn Công Hùng trong thế giới Lục bát của riêng anh thường hay... "lơ ngơ",
cái lơ ngơ lạc ra khỏi nhưng toan tính bon chen. Có lẽ, lúc ấy con người ta mới
tinh tường, mới gặp được những vẻ đẹp thuần khiết trong những điều dung giản
như một vạt hoa mua:
"lơ ngơ gặp vạt hoa mua
tím thì thật tím nhưng chưa cũ ngày"
Rồi trắc ẩn mà thương những lúc vẫn
phải còn vất vả tít mù, thân phận con người ta như "con chim sẻ tìm không thấy nhà":
"tít mù nam bắc tây đông
thương con chim sẻ tìm không thấy nhà"
Đã "lơ ngơ" thì thường... không hợp lý,
ai lại "thì thôi bước xuống ruộng cà"
mà lại "hái nhành sen trắng làm quà tiễn
đưa"? Lạ thật! Sen thì ở ao sen, mắc mớ chi mà lại ở... ruộng cà? Vô lý!
Nhưng cũng bởi thấy vô lý nên mới đọc đi đọc lại, rồi vỡ lẽ ra rằng: thế giới
ước lệ của thi ca không phải là một không gian toán học - nơi ấy một cánh "hoa
rơi" có thể làm "núi xẻ". Bởi thơ thuộc về tâm hồn, mà tâm hồn thì có bao giờ
màng đến... lý lẽ. Tác giả đã mượn hình tượng "ruộng
cà" như một khái niệm về thế giới mộc mạc với những giá trị chân thật -
rằng khi con người ta nhìn thấy những điều quí giá mà đơn giản, thì nơi "ruộng cà" nhọc nhằn của đời sống sẽ hóa
điền tâm nở những nhành sen trắng giác ngộ - một ẩn dụ bằng một ý niệm Phật học
kín đáo.
Trong
bài "bến mê", người đọc cảm thấy - chỉ là cảm thấy thôi - một nỗi khắc khoải
dương tính, tác giả đã bàn về cơn khát dục tình rất mực tao nhân. Chỉ "ghẹo" nỗi khát của mình, chỉ tả "bờ giai nhân" rất... phòng the - một Văn
Công Hùng phong tình mà kín đáo:
"chiều nay có một cánh buồm
trôi vào xứ lạ ghẹo cành san hô
nghiêng tai gánh một hải hồ
lưu ly nở trắng hai bờ giai nhân
có nhành rong biển tần ngần
mắt ti hí nhắm mà lần bến mê"
Tuy vậy, những câu thơ cuối là có vẻ gì
đó... tần ngần, rằng vẫn muốn "gánh một hải
hồ", vẫn như sức trai vâm "mắt ti hí
nhắm mà lần bến mê". Nhưng có vẻ như vầng sung mãn ấy chỉ hướng về hoài
niệm, chỉ ở trong cái "ước gì" bất
khả - như càn khôn lộn ngược: "Ước gì
trời thấp đất cao":
"tai nghe vệt nắng sau hè
biết con chuồn tía thả bè từ tâm
tôi đem trăng thả vào rằm
thấy người thủa ấy đang nằm đếm sao
ước gì trời thấp đất cao
tôi cùng người ấy lên chào gốc đa..."
Văn Công Hùng có cái tài lặn lội vào
tâm tư người khác bằng... thơ, anh có những
câu thơ như kiến cắn - nhói mà không nhức nhối. Dường như đọc thơ anh, ai cũng
thấy một chút chính mình trong ấy. Những khi mà con người ta "con người" nhất,
như lúc mượn thơ mà tợp rượu "nỗi buồn
loãng cả cơn say". Nhiều lúc phăng phăng trên "chiến mã" , bỗng giật mình hãm phanh, không phải vì đèn đỏ mà vì...
chợt nhớ đến thơ anh: "có những lúc rồ ga
như tuẫn tiết / dốc chạy lùi cơn gió vút sau lưng". Những điều đó đã là cá
tính, nên trong tập lục bát này không hiếm những câu thơ kiến cắn dạng ấy. Nhưng
không "hừng hực" nữa, mà đầy vẻ trần
tình:
"với tay thì đụng vươn vai
Duỗi mình lại gặp gió mài bóng trăng"
Đầy tự sự:
"vén khuya
gặp tiếng
mưa rào
nao nao
nhớ cỏ chân mao lưng trời"
Đầy chiêm nghiệm:
"không bèo bọt, chưa đá vàng
Ngẫm đời như lũ dã tràng biển khơi"
Thơ Văn Công Hùng giàu hình ảnh,
những hình ảnh rất đỗi đời thường. Nhưng cái khác biệt là anh biết tạo nên từng
cặp biền ngẫu trạng thái: đậm và nhạt, thực và mơ... Nếu làm họa sĩ hẳn rằng anh
sẽ vẽ đẹp, bởi cái cách tổ chức hình ảnh trong thơ anh chặt về bố cục - một bố
cục có phông nền, có điểm nhấn:
"hoa vông nở ướt lá gừng
Tôi mang xa lạ vào rừng hoang vu"
Có gút thắt, có gợi mở...
"Chiều như lửa đốt lòng nhau
tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người
...
hoang
sơ
chiều rót tràn vai
ché
và chiêng
và đầy vơi rượu cần
nằm đây một nắm xương tàn
đứng đây tượng hát một ngàn lời yêu"
Đôi khi, cái khả năng họa
tả ấy kết hợp với cá tính phong tình vốn dĩ, làm người đọc có cái cảm giác đọc
thơ anh như xem... tranh khỏa thân - một loại tranh khỏa thân ý niệm - mượn thiên
nhiên để vẽ con người trên phông nền tưởng tượng:
"tôi đi về hướng thiên đàng
hình như con ốc vú nàng nhìn tôi
nhặt lên tia nắng mắt trời
gặp viên đá cuội với lời tịch nhiên"
Anh vẽ bằng thơ, hẳn rồi. Nhưng không tả thực cặn kẽ bao giờ - như
phương cách của họa phái Ấn tượng: tổng quan được gói gọn - đầy đủ - nhanh,
không cần lê thê nhằm tạo ra hiệu ứng diễn mở, hình ảnh trở thành đôi cánh trên
vùng bay suy tưởng:
"khói đồng đốt giữa hư không
rơm vàng cột với lá vông mà buồn"
Khả năng quan sát và sử dụng hình ảnh này đã giúp anh nhiều trong những
bài thơ có nội dung khắc họa những nơi anh đã từng qua: "đò ngược phá tam giang", "ta về Đà lạt", "đêm Krông Pa" , "lục bát
côn đảo"... những bài thơ ngồn ngộn hình ảnh:
"ta thương một cánh hải đường
qua giông bão nở trắng vườn Phong lai
Ngũ điền bạc thuốc nghẹn khoai
xuyên chân cát bỏng đâm trồi phi lao
...
ta về sen nở từ lâu..."
Có vẻ, như một thói quen
tiềm thức. Lục bát Văn Công Hùng vẫn phảng phất nét thanh nhã một thời của dòng
thơ trữ tình lãng mạn: "gói chiều vào
mảnh khăn tay / em đem nhan sắc dãi bày mênh mông". Nhưng chỉ đôi chỗ thôi,
rồi như sực nhớ, anh lại quay về với cái tư chất của chính anh: tung tẩy... Tóm
lại là trẻ, nhưng nói theo ngôn ngữ hè phố là... "trẻ không đều": đang chân chất
giọng trai làng khi ra vẻ "cầu trời phù
hộ cho em / chờ khi cả gió đi buôn vịt giời" bỗng câu tiếp theo lại ngổ
ngáo như một lãng tử phớt đời: "tôi ngồi
đếm tuổi tôi chơi / đếm vu vơ đếm gọi mời bến mê" , tiếp theo nữa lại là
một dạng ngôn ngữ đương đại đầy chất kỹ thuật, khi lắp thực tại hữu hình "em đi ngược" vào một thực tại trừu
tượng "phía lời thề". Có lẽ, nơi tiềm
thức anh từng được lớn lên, đã từng được hít thở trong không gian thơ trữ tình
lãng mạn, nhưng khuynh hướng cảm thụ và sáng tác đang chuyển dần về các thủ
pháp của thơ đương đại. Nên tạo nên một phong thái "trẻ không đều" dễ thương
ấy. Anh thoải mái đem những hình tượng dân dã "trộn" với cách ước lệ trừu
tượng:
"hanh hao dế gọi đường mưa
Một vầng sương nhỏ lọt vừa kẽ tay"
Rồi táo bạo - lấy những đơn vị hữu định "một
ly, một chén, một bình..." để "đong" những cái... rất mơ hồ:
"ta đong một chén bình minh
một ly nghiêng ngửa một bình hoàng hôn
em nâng một núi thẳm buồn
một sông sung sướng một nguồn ngất
ngây..."
Rồi là... nghịch ngầm:
"này em gió nội hương đồng
bờ sông cây cải đã ngồng lên dưa
bên chùa hoa táo gió đưa
nâu sồng xin chớ làm lơ câu chào
áo khăn mắc cỡ bờ rào
tình tang mô phật ta vào thắp hương
ước gì mắt ở sau lưng
để rồi ngộ cõi vô thường nhân duyên
...
tối nay đợi ở gốc đa
em cho ngồng cải để mà... muối dưa"
Và
còn cả... "giang hồ" nữa. Nhưng như một kẻ
du lãng đã về với cửa thiền định, thỉnh thoảng ngó ra ô cửa bức tường lý trí
nghiêm thâm để thấy chính mình bên trong cái "một tôi" khác - là mình nhưng hình
như... không phải chính mình: "một mình tôi
với một tôi một mình":
"ngày đi nghe tửng từng tưng
mây giang hồ thổi lưng chừng cõi duyên
ba mươi ngậm gió nhả thuyền
cánh buồm nhấn nhá một huyền xanh cao
lia ngang con mắt như chào
Ai đem sa mạc thả vào xanh non
...
Hình như có lúm đồng tiền chợt rơi"
Anh
đẩy vào thơ mình những từ đắt nghĩa: "mỏng",
"khêu nỗi nhớ" "vắt"... Nhưng cùng lúc lại cố tình làm "rẻ" đi ở khía cạnh
truyền tải thông tin bằng những từ mang ý nghĩa tương tự như liên từ - dẫn ý
rất cụ thể như trong văn nói: "vào - theo - đến - tận - đổ..." ngõ hầu
dìu cảm hiểu của người đọc đến với tứ thơ - điều đó cho thơ anh có độ lan tỏa
rộng ra đại chúng những đối tượng người đọc:
"tường vi thì mỏng vào chiều
em khêu nỗi nhớ theo liêu xiêu gầy
đã vắt đến kiệt bàn tay
đã mưa mưa đến tận ngày nước rong
đã từng khóc đổ cơn mong
đã thôi ngọn nến cháy trong đốt ngoài"
Khoảng
rỗng của nét khu biệt trong thơ Văn Công Hùng vừa đủ lớn để tạo ra một vùng nội
suy sâu thẳm, nhưng không quá rộng đến mức có thể làm tối nghĩa một câu thơ. Điều
đó vừa thể hiện yếu tố kỹ thuật, vừa thể hiện khả năng tiết chế cảm xúc - một
khả năng chỉ có ở những con người đã trải nghiệm, đã từng "giời đày sáng tuổi chìm tên", đã từng "u ơ hang đá mà quên chính mình". Để rồi lúc trầm mình trong thơ, anh
lượm trong cái túi vốn sống căng đầy ấy những triết lý nhân sinh đem bỏ vào Lục
bát, và dù vẫn làm "mờ" nghĩa đi để có
sức gợi suy, nhưng vẫn khéo léo dừng lại ở mức độ bóng nghĩa còn ẩn hiện, để
thơ anh không đến mức quá khó hiểu:
"tay cầm cái khổng khồng không
hát cho một thủa trầu nồng vôi chua"
Vì thế mà những câu thơ vẫn đẹp nhưng
không bị mất đi độ sâu triết lý:
"lá rơi chẳng biết cành đau
nước trôi hòn sỏi nhuộm màu hớ hênh
mùa đi chân mây nổi nênh
một manh cỏ muộn xanh đành xanh thôi"
Người
ta gặp trong lục bát Văn Công Hùng rất nhiều kỷ niệm ở một ngày xưa kham khổ,
thủa mà đời sống còn nghèo nàn nhưng ấm áp: con
đường dâm bụt, mảnh sân đất thịt, mái tranh, sợi lạt nằm dưới bánh chưng, má
hồng răng đen... Những kỷ niệm gần gũi đến độ tưởng như có thể sờ nắn được ấy
được anh dùng làm gạch đá để xây thơ - nhưng cái lạ là vôi vữa để ghép những
viên gạch thô mộc ấy lại là những gì rất bảng hoảng, lãng đãng: một tâm thế như
"giờ đồng lên", một tâm cảnh như "cõi bùa mê", một ánh sáng tri giác lung
linh như " cây nên thắp như là chiêm bao"...
Vì thế mà thơ Văn Công Hùng như chông chênh giữa thực tại và mộng huyễn; giữa
cõi đời hữu chấp và miền giác ngộ vô chấp; giữa lãng mạn trữ tình và nghênh
ngao xổ toẹt; giữa đền đài miếu mạo cổ kính và khối hình lập thể hiện đại... Anh
lựa chọn giữ lại những cái cũ linh diệu chỉ ở mức độ "ôn cố" và chủ động kiềm
chế cái chất đương đại vừa vặn ở mức độ "tri tân". Cho nên, khi tôi viết bài trao đổi nhỏ này - dù thấy rõ mồn
một màu thơ riêng chỉ có ở nét thơ của thi nhân họ Văn, dù rất muốn đặt tên cho
phong thể "Lục bát Văn Công Hùng". Nhưng rồi không thể gọi tên - chỉ còn biết
níu vào một câu thơ của anh để mà tạm gọi: Lục Bát Văn Công Hùng - "rơi ngang
một giọt không tên". Trong cách cảm hiểu hời hợt của cá nhân tôi - lục bát Văn
Công Hùng là... một nàng Lục bát mung miêng - không tên như thể có tên lâu rồi.
miên di
11 nhận xét:
Bác Hùng nhà ta cũng ghê thật! Ặc ặc ...
Nắng sứ Đoài nóng hơn cả ở Tây Nguyên, sáng ngồi ở quán cà fe này chờ bố pots bài, lâu quá, con gửi cái còm sang. Giờ trở lại quán cà fe sáng, thấy bố post bài. Trong đó có mấy bức ảnh hệ thống các tác phẩm xuất bản của bố. Thật khâm phục khả năng và thành quả thơ của bố V.C.H. Hôm trước bố có khẳng định, khoảng trăm bài thơ của bố là cõng được con I-pas về. Thơ của bố có giá quá. Hi hi!
@ Ảo vọng:
-----
ặc Ặc...
@ Phùng Hoàng Anh:
------
Đã xem ảnh bố con ở xứ Đoài cà phê bệnh viện, mong cháu nhanh lành nhé. Hôm nay nhiều khách... nhậu ở nhà quá, huhu...
Cảm ơn bố, chúc bố vafcacs bạn nhậu vui vẻ trong ngày nghỉ 1.5.Hôm nay là Ngày Quốc tế Lao động, cho nên bố phải " nhậu - lao động cật lực".
@ Bác Cua rận:
-------
Còm ấy hay mà, sao lại del đi bác?
"...thơ Văn Công Hùng như chông chênh giữa thực tại và mộng huyễn; giữa cõi đời hữu chấp và miền giác ngộ vô chấp; giữa lãng mạn trữ tình và nghênh ngao xổ toẹt; giữa đền đài miếu mạo cổ kính và khối hình lập thể hiện đại... Anh lựa chọn giữ lại những cái cũ linh diệu chỉ ở mức độ "ôn cố" và chủ động kiềm chế cái chất đương đại vừa vặn ở mức độ "tri tân""
Thực lòng tôi không nhất trí với ý kiến nhận xét này. Nhất là câu "Anh lựa chọn giữ lại cái cũ linh diệu .... và chủ động kiềm chế cái chất đương đại..." Vì qua đọc VCH và qua những trích dẫn của bài viết thì đây là sự kết hợp tự nhiên chiều sâu tư duy của người từng trải với sự thăng hoa của cảm xúc. Điều này làm nên vóc dáng thơ VCH không bị lẫn vào cái xô bồ của cách tân và cũng không gượng ép vào những khuôn phép cũ của nhịp điệu lục bát. Nói VCH "lựa chọn", "chù động kiềm chế" e rằng mọi người lại hiểu VCH lý trí quá khi làm thơ...
Xin lỗi bác VCH tôi đã đưa còm này lên nhưng lại rút xuống vì ngại... tranh luận. Nếu nói có gì chưa thỏa đáng mong nhà thơ đại xá.
Rơi thường là "thẳng", nếu "đi ngang" nữa, thì, nghĩa trong "nòng" rất nhiều "nội lực", thảng hoặc tiềm tàng bởi một năng lượng "khủng", phía sau!
Ủy ban Vũ trụ và Công nghệ Triều Tiên phải tìm đến bác Văn!Điều này các chị em thấu hiểu?! Rơi ngang... wow. Rơi... thẳng một giọt... thì chán chết (Mới đọc cái tựa, chưa đọc bài. Còm phát chơi, anh giai!)
@ Cua rận:
------
Cám ơn bác, có gì đâu mà phải tranh luận ạ. Mỗi người nhìn mỗi góc mà.
@ Phan Đình Minh:
-------
hehe chú tinh nhỉ, và tài nữa, có mấy dòng mà gộp cả Triều Tiên lẫn gì gì nữa vào...
Đăng nhận xét