Mưa và gió, những cây nhang cứ
run lên bần bật trong chiều. Nghĩa trang liệt sĩ ở đâu mà chả giống nhau, những
tấm bia tăm tắp, những ngôi sao đỏ, những cuộc đời, số phận... giờ lạnh lùng là
những dòng chữ tên tuổi quê quán ngày nhập ngũ ngày hy sinh... chao ơi, những
chàng trai căng tràn nhựa sống, hừng hực tuổi hai mươi, giờ chỉ còn có thế thôi
sao. Rất nhiều, tuyệt đại bộ phận trong ấy, những người con ưu tú của dân tộc
kia, ra đi khi chưa biết cái mùi tóc con gái nó mềm mại thế nào, nó mỏng manh
mời gọi bí ẩn hấp dẫn ra làm sao... thế mà lại vẫn còn những người chỉ đơn sơ
dòng chữ: liệt sĩ chưa biết tên- ngày xưa còn lạnh lùng hơn với tấm biển liệt
sĩ vô danh.
Một con người bình thường thì ngồn ngộn nghênh ngang như thế, nói
cười đi đứng như thế, hoành tráng như thế... thế mà giờ, mỗi bác mỗi ô, im lìm
dưới mưa, trong bàng bạc khói hương và nhòe nhoẹt nước mắt chúng tôi. Cái nghĩa
trang liệt sĩ Trường Sơn này khác hàng ngàn nghĩa trang khác trên khắp đất nước
ta bởi nó là nghĩa trang của các nghĩa trang, là nơi quy tụ đông nhất các liệt
sĩ từ mọi miền đất nước, và vì thế mà gần như tỉnh nào cũng có một khu riêng,
với một cái nhà thờ theo phong cách văn hóa tỉnh ấy. Hẳn sẽ ấm lòng hơn khi
giữa nơi heo hút này, các liệt sĩ như được nằm giữa quê nhà. Cũng phải tỏ lòng
trân trọng với ai đấy, tác giả của việc thiết kế nghĩa trang này ra từng khu,
để nghĩa trang có vẻ nhỏ lại, ít đi, tầm nhìn gần lại, không thấy dằng dặc miên
man hàng chục cây số mộ liệt sĩ mà ớn lạnh, mà hoang mang. Cảm giác gần gụi khá
rõ khi các khu ngăn nhau bởi các lối đi và cây xanh...
Quảng trị nổi tiếng cả nước bởi mấy tiêu chí, là gió lào, là con sông Bến Hải với cầu Hiền Lương... và 2 cái nghĩa trang cấp quốc gia. Chắc chả ai tự hào vì tỉnh mình lại có 2 cái nghĩa trang to thế, nhưng lịch sử đã chọn Quảng Trị để giao phó việc này, vậy thì phải nhận thôi. Một đồng nghiệp và là đàn anh của tôi cũng để lại dấu ấn của mình ở Quảng Trị. Anh nhập ngũ lúc 15 tuổi, trở thành dũng sĩ diệt Mỹ và suýt được phong anh hùng ngay sau đấy một năm. Là người đầu tiên khởi xướng việc thả hoa trên sông Thạch hãn vào mỗi dịp 27/7 hàng năm. Năm nào cũng thế, ngày này, từ Nha Trang anh lại nhảy tàu ra Quảng Trị, bỏ tiền túi mua hết hoa ở các chợ gần đấy, thả xuống sông Thạch Hãn viếng đồng đội. Từ cái việc đầy ân tình ban đầu của cá nhân ấy, giờ đây, tỉnh Quảng Trị đã chính thức lấy ngày 27/7 để toàn dân thả hoa xuống sông Thạch Hãn viếng các liệt sĩ. Con sông hiền hòa bây giờ trở thành dòng sông hoa ngày nay, thời chiến tranh nó là dòng sông máu. Lê Bá Dương, vâng, người cựu chiến binh mà tôi đang nhắc ấy là Lê Bá Dương, còn có 4 câu thơ, mà theo tôi là rất hay, hay không kém một câu thơ hay nào của các nhà thơ chuyên nghiệp: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm... Vào thành cổ Quảng Trị bây giờ vẫn nguyên nỗi xúc động thiêng liêng khiến cho ai cũng như khe khẽ bước chân, như sẽ làm động giấc ngủ của các liệt sĩ, bởi ai dám nói dưới xanh rờn cỏ kia không còn di hài liệt sĩ. Cũng như thế, Lê Bá Dương dặn người chèo đò hãy nhẹ tay bởi dưới lòng sông Thạch Hãn kia vẫn còn những người lính, mà phải là người trong cuộc mới khiến chàng cựu chiến binh thốt ra những câu thơ dứt ruột kia được.
Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Trước hết nói một chút về tác giả.
Anh Lê Bá Dương hiện nay là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, Hội viên hội Nghệ sĩ
Nhiếp ảnh Việt Nam, là nhà báo, phóng viên thường trú của báo Văn Hoá
tại Nha Trang. Quê chính của anh ở Nghệ An, nhập ngũ năm 15 tuổi, và
ngay trong trận đánh vào thôn Tây Trì (Đông Hà) khi 15 tuổi “cộng” 49
ngày, anh đã trở thành dũng sỹ diệt Mỹ. Những năm tiếp theo từ 1968 đến
1973, qua nhiều trận đánh nổi tiếng trên chiến trường Quảng Trị, anh đã
được tặng nhiều danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, dũng sỹ
diệt máy bay… và người chiến sỹ với hơn chục vết thương trên người ấy
cũng đã hai lần được đề nghị tuyên dương anh hùng nhưng rồi vết thương
chồng vết thương, việc hoàn tất hồ sơ mấy lần dở dang không thành. Hồi
ấy, trên mặt trận B5 (đường 9, Quảng Trị) từng đã dấy lên phong trào
“Xung kích như Lê Bá Dươngg, chốt chặt như Lê Bá Dương”. Báo Nhân Dân,
Quân Đội Nhân Dân, Tiền Phong đã có nhiều bài viết và in ảnh Lê Bá Dương
mặt trẻ măng, kẹp AK giữa chiến trường khói lửa mà mắt cứ trong văn
vắt, môi mím chặt mà cứ thấy phảng phất một nụ cười. Hồi ấy, chiến
trường Quảng Trị, mỗi ngày hao hụt quân số hàng trăm, hồi ấy, máu và
lửa, xác ta và xác địch lộn tùng phèo, đất đá không đủ để che quân...
Bây giờ ở Quảng Trị, vào tháng 7, có một phong trào rất đẹp là toàn dân
kết bè hoa thả xuống dòng Thạch Hãn, con sông đang chứa trong lòng nó
hàng trăm linh hồn liệt sĩ đã lặng lẽ chìm trong những ngày đỏ lửa hào
hùng ấy. Nhưng trước khi nó thành phong trào như bây giờ, vào hồi đang
còn khó khăn nhất của thời bao cấp, người cựu chiến binh Lê Bá Dương ấy
đã dồn lương và nhuận bút mỗi năm làm một chuyến tàu chợ vào tháng 7, từ
Nha Trang ra Quảng Trị, anh mua hết hoa ở chợ Quảng Trị rồi mang ra
sông thả. Ban đầu nhiều người ngạc nhiên, có người còn bảo: ông khùng.
Hàng chục năm như thế, đến thời ông Vũ Trọng Kim làm bí thư thì ông mới
phát động nó thành phong trào rầm rộ như ngày nay...
Lê Bá Dương là người đang kẹp AK
Trở lại bài thơ.
Chiều ngày 27 tháng 7 năm 1987, sau khi thả hoa cho đồng đội, anh ngồi
lặng trên bờ sông ngắm những chiếc thuyền nặng nề ngược dòng Thạch Hãn.
Thanh bình quá thể, vô tư quá thể, nhưng ai biết, ai nhớ, dưới đáy sông
kia còn bao nhiêu đồng đội của anh đang nằm lặng lẽ. Bất chợt những câu
thơ vụt ra:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Tan chợ chiều xuôi đò có vội
Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong.
Sau này khi công bố trên Tạp chí Khoa học Công Nghệ Khánh Hòa năm 1990,
nhà văn Đỗ Kim Cuông (giờ là phó chủ tịch LHVHNTVN) khuyên anh sửa lại. Và bài thơ được hoàn chỉnh là:
Đò lên Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.
Nhưng vấn đề là, với bài thơ 4 câu, bài thơ duy nhất của Lê Bá Dương,
hiện nay có khá nhiều dị bản, kể cả khi nó được khắc rất trang trọng
trong nhà lưu niệm nghĩa trang liệt sĩ Quảng Trị lẫn khi được trích dẫn
rất nhiều trên báo chí trong dịp 27/7 vừa qua.
Trước hết là chữ “lên”, phần lớn đều ghi là “Xuôi”. Xin thưa, nếu “xuôi” thì không phải chèo, mà chỉ “lái” thôi. Chèo đò và lái đò là hai động tác khác nhau. Tiếp đến là chữ “ơi”, nhiều người dùng là “xin”. Bản thân Lê Bá Dương khi sửa từ "xin" thành “Ơi”
là thán từ gọi đò – ơi đò… bớ đò…đò ơi theo đúng phương ngữ Quảng Trị,
nghe thắt thẻo và có tiếng đồng vọng lênh lan trên sóng nước. Thêm nữa, ở
bản gốc thì câu thứ 4 đã có từ "xin" rồi. Nhưng theo chúng tôi, trong
trường hợp này dùng “Xin” hay “ơi” cũng đều khả dĩ. Câu dưới dị bản mới nặng, ấy là “còn đó” thành “còn có”. Chữ “còn đó”
hay hơn, mênh mang hơn, phổ quát hơn, mở hơn. Lê Bá Dương không phải
nhà thơ chuyên nghiệp nhưng anh đã sử dụng chữ rất hợp lý và chính xác.
Hai câu dưới thì có một dị bản là “bờ bãi” và “bờ mãi”, thì theo chúng tôi, dùng từ nào cũng được, dẫu “mãi mãi” hay hơn, vĩnh cửu hơn. “Bờ bãi” vừa cụ thể, vừa hẹp, chữ “bãi” như một từ láy phái sinh…
Có lẽ do bài thơ là tiếng lòng chung cho mọi người, đặc biệt là bài thơ
còn được gắn với việc một người lính hàng năm một đôi lần về thắp hương
thả hoa cho đồng bào, đồng đội, vì vậy, từ khi xuất hiện trên báo bài
thơ đã được mọi người chú ý. Người này nhớ một vài câu, người khác nhớ
cả bài 4 câu, nhưng thường thì mọi người nhớ và thuộc hai câu đầu
trong cả bài thơ 4 câu… Và ngay cả 2 câu đầu đó cũng vẫn có vài từ khác
nhau như đã dẫn. Chúng tôi thống kê có các dị bản như sau:
Dị bản 1:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Dị bản 2 khác với DB1 ở từ ơi thay cho từ xin trong câu đầu
Đò xuôi Thach Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Dị bản 3 khác với dị bản 2 ở từ "Có" thay cho từ "Đó":
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn có bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm...
Cũng có bản từ hai mươi trong câu thứ 3 được đổi thành từ đôi mươi…
Tuy nhiên không chỉ có dị bản. Xung quanh bài thơ cũng xuất hiện nhiều giai thoại.
Do bài thơ là tiếng lòng lại được viết và xuất hiện từ mảnh đất
thiêng, nhạy cảm là Quảng Trị nên được rất nhiều người trên cả nước biết
đến. Hiện tại bình quân mỗi ngày tác giả cũng có một cuộc điện thoại từ
đâu đó trên cả nước gọi hỏi về bài thơ. Thậm chí khách hàng tại Phú Yên
còn gọi lên tổng đài 108 đề nghị cung cấp thông tin bài thơ, tên, số
điện thoại tác giả… Ngay cả tựa bài thơ “Lời người bên sông” cũng là một
trong những giai thoại đó. Do là một cảm xúc được biểu đạt như một lời
thỉnh cầu, bởi vậy lúc đầu bài thơ không có tựa đề, cho dù chỉ là cái
tựa “vô đề “ như những bài thơ khác. Sau này khi người biên tập tạp chí
đưa bài thơ đi nhà in, thấy thiếu cái tựa bài liền gọi điện hỏi xem tựa
bài thơ thế nào? Nghe hỏi vậy, tác giả giải thích: Đó chỉ là lời người
bên sông… Không ngờ người biên tập cứ nghĩ đó là câu trả lời của tác giả
và thế là “lời người bên sông” bỗng thành tên bài thơ…
Ngoài ra, Lê Bá Dương còn một bài thơ 2 câu được viết trong một tình
huống khác. Hôm chuẩn bị vào sâu về phía nam mặt trận, cô bé trong nhà
dân chợt hỏi: Chú ơi, tại sao lại gọi là quân giải phóng Bắc Quảng Trị.
Vội quá, anh lấy bút viết vội vào trang sách học trò của cô bé hai câu
thơ và cũng là hai vế đối:
Một khẩu súng giữ hai trời Nam Bắc
Một dấu chân in màu đất hai miền.
Mãi gần đây, nhân dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng Quảng Trị, "cô bé" bây
giờ đã là cựu du kích trao lại cho Lê Bá Dương tờ giấy kẻ ngang đã úa
vàng nhưng vẫn nguyên nét chữ viết 2 câu thơ. Hôm đi cùng đồng đội lên
cao điểm 544, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính đã đề nghị một nhà thư
pháp viết hai câu thơ mà anh nói là tuyên ngôn hay nhất bằng thơ về quân
giải phóng Bắc Quảng Trị của Lê Bá Dương.
Lê Bá Dương hiện nay (ảnh chụp tại Trường Sa)
Chia tay Quảng Trị trong một ngày
mưa lạnh, tôi vẫn nhẩm mấy câu thơ của Lê Bá Dương: Đò lên Thạch hãn ơi chèo nhẹ... Con sông ấy, giờ yên bình thao
thiết chảy sau xe chúng tôi...
21 nhận xét:
Hôm nay bố mải nhậu à mà post bài muộn vậy. Con đang nằm viện trông công chúa, xem bố khoe của, khoe con mà mát cả lòng mề.
Phùng Hoàng Anh, tớ đi chơi, trưa nay mới về. con gái ốm à, sao lại nhè ngày 30.4 mà ốm, cơ khổ?
Chỉ hai câu đầu trong khổ bốn đủ lấy bao nhiêu nước mắt của mình. Người đã tan theo hương khói, còn mình vô sự ngồi đây.
@ Quan Lang:
---------
May mà anh em mình còn khóc được bác ạ???
Bác quan tâm bài ni nhiều hỉ, bài ni bác nâng niu kỹ hơn bài cách đây 4 năm rất nhiều. Bài đó em mê nên em đọc kỹ, nói chung thì em nghĩ như ri:
- Từ "ơi" vừa có nghĩa như từ "xin" nhưng nó hơn ở chỗ là vừa kêu gọi trong tâm tưởng mà không van nài (vì với cái thế của những chiến sỹ ngã xuống và đồng đội của họ thì là như thế).
- từ "có" và từ "đó", từ "đó" có cái gợi vừa tồn tại vừa vô hình.
- Từ "mãi thay cho từ "bãi" cụng như rứa.
Không biết em nghĩ như thế có đúng không.
Anh Lê Bá Dương vốn nổi tiếng từ lâu lắm lại còn đi vào sử sách rồi mà sao chẳng thấy ai phong cho Anh hùng LLVTDN nhỉ?
Tui thấy cái sự phong tặng ấy thời giờ cũng dễ thôi mừ. Có lẽ do anh Dương nhác chạy chọt rồi.
Năm trước ở trên Tây Nguyên có 1 ông Tổng Giám đốc 1 đơn vị quân đội làm kinh tế cũng được phong AH tận 2 lần. Lần 1 là AH lao động, lần 2 là AH LLVT. Nghe nói vì ông í đã có công ... dám nhảy vô vật nhau với 1 thằng ngụy béo hơn mình. Thấy lộ trình cũng đơn giản: Mời mấy ông bạn cũ đến tổng công ty thăm, chơi rồi tham quan mấy lần lần. Đi ngang qua về lại ghé thăm họ mấy lần... Rồi làm sao đó nữa thì có ngoài "thủ đô" lo. Bạn cũ thì viết xác nhận đẹp đẹp 1 tý.
Ui chà chà. Dễ hơn Obama vận động bầu cử.
Vài tháng sau thế là Anh hùng!
@ Ptuanha:
-------
Cám ơn vì đã đọc rất kỹ. Những điều bạn nói là chính xác cả.
@ Nặc Danh:
-------
Theo tôi biết LBD lẽ ra đã là anh hùng từ hồi anh đang ôm khẩu AK xông trận ấy, nhưng sau trận ấy anh bị thương, và khi anh đi bệnh viện thì đã có 1 đồng đội làm thay xuất ấy (ông này sau đấy rất to). Và bây giờ thì, hình như bác Dương lơ luôn...
Xin hỏi bác có biết ông Nguyễn Xuân Sang, đương kim Tư lệnh Binh đoàn 15 không? Đó là nhân vật chính em muốn nói.
Khi có dịp mời bác, có cả bác Dương thì càng tốt ghé phố núi PleiKu, em sẽ "triển khai" cho thằng bạn chí cốt (hiện cũng làm chức "quan" nhì nhằng gì ở đấy) tổ chức đón bác tham quan cho biết. Ở đó chắc chắn sẽ có rất nhiều đề tài cho bác tha hồ mà thực tế.
Bọn em lính lác nói rất chân tình đấy.
@ Nặc danh:
--------
Ơ mình đang ở Pleiku mà?
Khổ quá!
Thưa bác, rõ ràng bác "ở" PleiKu nhưng em muốn mời bác "ghé" cơ mà.
Em biết bác còn dám lang thang mãi tận 727, 729 thì bác nào có lạ gì ChưPrông, núi ChưPông, kể cả thung lũng IaDrăng của những năm 65,66.
Bác đã đặt chân vào những địa danh đó thì Tây Nguyên này coi như đã trong tầm tay bác rùi.
Ý em chỉ muốn có dịp để bạn em nó tháp tùng bác đến "dạo chơi" một số đơn vị cơ sở của người anh hùng cùng thời bác Dương thôi.
Biết đâu bác nghe được tiếng nói thật của những người lao động đang được báo đài ca ngợi đời sống khá giả nhờ làm việc tại một doanh nghiệp giàu có... bác Hùng nhể?!
@ Nặc danh:
---------
Mình sẵn sàng đi và nghe. Cám ơn bạn.
http://vn.360plus.yahoo.com/aphunghoang/article?new=1&mid=1411
Đây là những hình ảnh tổng hợp trong ngày nghỉ lễ, phải trông con gái nằm viện bố ạ! Kính trình bố ạ.
Anh VCH kính mến!
Em xin bài này về nhà nhe
Anh VCH kính mến!
Em xin bài này về nhà nhe
Chú coi lại bài viết ạ. Phần trên viết chú Dương nhập ngũ năm 17 tuổi, phần dưới lại viết nhập ngũ năm 15 tuổi. Cháu chả biết phải hiểu thế nào. Lần này đọc lại mới phát hiện ra.
@ Nặc danh:
--------
Cám ơn nhé, huhu, lỗi đánh máy, trực tiếp tác giả đánh chứ không có "cậu" nào cả. Cám ơn bạn. 15 tuổi là đúng.
Anh già VCH, em SaigonGuider đây.
Cho em xin cóp bài này mang về forum khucquanhanh.vn của em để dùng cho dịp QT tháng bảy này nghen!
Em hỏi và mần liền luôn.
Nếu cần nhắn nhủ gì thì post bên facebook của em cũng được nghen.
Kính anh!
Trước khi đọc bài này nên đọc lại văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du
Con sông bao giờ cũng có bên lở và bên bồi, bên lở là bờ, bên bồi là bãi nên theo tôi dùng từ bờ bãi chính xác hơn
kính tặng Quảng Trị, kính tặng những người lính bài thơ tôi mới viết:
MỖI TẤC ĐẤT LÀ MỘT CUỘC ĐỜI CÓ THẬT
(Câu thơ của Nguyễn Đình Lân trong bài thơ “Tấc đất Thành Cổ”)
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Chúng ta nợ ông cha quá nhiều
Quảng Trị ơi
Tám mươi mốt ngày đêm- một đài hoa lửa
Hàng triệu người kết dệt núi sông yêu
Tôi đi tìm một người nhưng lại thấy
Cả muôn người rầm rập bước quân hành
Mùa hè đỏ lửa, mùa hè mãi tươi xanh
Thành Cổ điêu tàn, Thành Cổ còn mãi mãi
Có phải các anh đã hóa thành mây
Cho em thơ đến trường bớt nắng
Có phải anh – vầng trăng tỏa sáng
Đêm đêm gọi đôi lứa tâm tình
Có phải thấp thoáng trong những khu vườn xinh
Là các anh đã hóa thành cây trái
Chín ngọt ngào trong tay mẹ mê mải
Trái chín nào có gương mặt đứa con yêu
Tôi đi tìm một người nhưng lại thấy quá nhiều
Cỏ đã xanh và sông đã trong trở lại
Thạch Hãn bình yên, Thành Cổ lặng yên
Trời đất trăng sao hòa cùng ta phút thiêng
Các anh về trong hoa đăng rực rỡ.
7/3/2016
Đăng nhận xét