"Rất
tốt, tôi ủng hộ. Các địa phương nó như cái ao ấy, người viết trẻ tập bơi ở đấy,
rồi mon men ra đến hồ là khu vực, trước khi ra sông ra biển là quốc gia và quốc
tế. Để tập bơi, cái ao vô cùng quan trọng, nhưng để bơi giỏi, phải ra hồ ra
sông ra biển chứ?"...
Hehe, em Phong Điệp ầu ơ với mình và Huỳnh Thạch Thảo...
Hội nghị viết văn trẻ ở các khu vực –
tại sao không?
VNT phỏng vấn nhà thơ Văn Công Hùng, Phó
chủ tịch Hội VHNT Gia Lai, Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ Gia Lai và nhà văn
Huỳnh Thạch Thảo, Phó chủ tịch Hội VHNT Phú Yên, Tổng biên tập Tạp chí văn nghệ
Phú Yên
Các địa phương nó như cái ao, người viết
trẻ tập bơi ở đấy, rồi mon men ra đến hồ là khu vực, trước khi ra sông ra biển
là quốc gia và quốc tế. Để tập bơi, cái ao vô cùng quan trọng, nhưng để bơi
giỏi, phải ra hồ ra sông ra biển chứ?
Chưa có “cú huých” cho văn học địa
phương
·
Xin các anh cho biết công tác phát hiện bồi dưỡng lực
lượng viết trẻ tại địa phương, nơi các anh đang công tác hiện nay được tiến
hành như thế nào?
- Văn Công Hùng : Hiện ở Gia Lai đang có một
đội ngũ những người viết trẻ rất đáng tin cậy. Ngoài những cái tên mà nói lên
khá nhiều người biết như miên di, Lê Vi Thủy, Hoàng Thanh Hương, Ngô Thị Thanh
Vân, Gia Lai còn một số tác giả trẻ cũng đầy triển vọng như Nguyễn Đình Phê, Lê
Thị Kim Sơn (Chu Lê), Nguyễn Doãn Hùng, Hà Công Trường, Đào An Duyên..., nói
luôn là để có một đội ngũ đồng đều như thế xuất hiện không dễ. Một mặt nó như
là có chu kỳ ấy, như cái lớp đang chín ở Gia Lai bây giờ với Hương Đình, Thu
Loan, Phạm Đức Long, Chử Anh Đào... là được phát hiện từ một cái trại năm 1985,
mặt nữa vai trò bà đỡ, phát hiện, bồi dưỡng và nâng niu họ là rất quan trọng.
Tỉnh lẻ mà, họ còn rất nhiều việc phải làm để kiếm sống, rồi cái mặc cảm tự ti,
rồi ít được cọ xát... những người đi trước phải biết động viên họ, giới thiệu
họ một cách đúng mực. Lơ đãng quá thì họ nghỉ chơi, mà quýnh quáng quá lỡ họ
lên đến mây xanh rồi cũng... khó xuống. Như tôi là người đã làm cầu nối cho rất
nhiều bạn viết trẻ đến với Văn Nghệ Trẻ, và phần lớn những người tôi giới thiệu
đến giờ họ đều trưởng thành. Tôi vừa là người đi trước, vừa là tổng biên tập tờ
tạp chí văn nghệ của tỉnh nên cũng có điều kiện để giúp họ. Tất nhiên nỗ lực cá
nhân của họ là chính, nhưng nếu để họ tự loay hoay thì có khi ta vừa để mất
nhân tài, vừa lãng phí thời gian.
-Huỳnh Thạch Thảo: Hội VHNT Phú Yên hiện nay rất coi
trọng công tác phát hiện và bồi dưỡng các cây bút trẻ tại tỉnh mình. Ngoài các
Câu lạc bộ (CLB) ở các trường học thì Chi hội Văn học tỉnh có CLB Sáng tác trẻ,
CLB Áo trắng; Tạp chí Văn nghệ Phú Yên dành hẳn chuyên mục sáng tác Trẻ cho
những người viết trẻ và luôn ưu tiên để họ tham dự các Trại sáng tác văn học,
dành phần kinh phí để xuất bản sách, hỗ trợ sáng tạo hàng năm qua bản thảo và
tạo điều kiện để các cây bút trẻ đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh.
·
Là người làm công tác quản lý, các anh có đề xuất gì về việc phát triển lực
lượng sáng tác văn học tại địa phương, đặc biệt là lực lượng viết trẻ?
- Văn Công Hùng: Phải tạo điều kiện cho họ cọ xát. Sáng tác
là hoạt động tự thân, là việc cá nhân của họ, nhưng cọ xát, trao đổi, gặp gỡ
với đồng nghiệp cũng vô cùng quan trọng. Tôi thấy cứ sau mỗi hội nghị viết trẻ,
một loạt tác giả trẻ lại nổi lên. Đọc nhau online, nhưng khi được offline nó
gợi hứng cho người viết rất nhiều. Và trong ấy có cả sự thi đua ngầm bên cạnh việc
rút kinh nghiệm của nhau, truyền lửa cho nhau.
-Huỳnh Thạch Thảo: Lực lượng viết trẻ Phú Yên vẫn còn
thiếu và yếu so với trước đây, nên cần tập trung đầu tư cho họ; ngoài việc hỗ
trợ như đã nói ở trên chúng ta cần khuyến khích họ viết tốt, cần đưa đi thực tế
sáng tác và giao lưu với tỉnh bạn, điều này sẽ kích thích sự sáng tạo. Bên cạnh
đó, các tác phẩm họ viết ra nên được ưu tiên đăng tải trên mọi phương tiện
thông tin của tỉnh, gặp gỡ giao lưu bạn yêu sách tại Thư viện tỉnh... Năm vừa
rồi, Hội VHNT Phú Yên đã tổ chức thành công ba trại sáng tác, trong đó có Văn
học, các cây bút trẻ đã được gặp các nhà thơ, nhà văn tên tuổi như Chu Lai,
Trần Đăng Khoa…và lực lượng viết ở Phú Yên đã có cơ hội để trao đổi kinh nghiệm
sáng tác, giúp họ phát huy khả năng sáng tạo hơn nữa.
·
Theo các anh, cái khó của các Hội địa phương trong
việc phát hiện và xây dựng lực lượng sáng tác trẻ như một đội ngũ kế cận là gì?
- Văn Công Hùng: Khó nhất là các bạn trẻ bây giờ không coi
văn chương là một nghề để sống chết. Họ phải kiếm sống chính đáng như mọi
người, vì thế họ chơi kiểu lãng tử, nên nếu không cẩn thận thì họ... nghỉ chơi.
Thêm nữa, tỉnh lẻ, ít có sân chơi cho họ. Cái cảnh làm được bài thơ rồi hú nhau
đến uống rượu đọc thơ bình thơ... giờ rất hiếm, thậm chí bị coi là có vấn đề về
thần kinh (!). Rồi tùy lãnh đạo từng hội nữa. Lãnh đạo mà có năng lực, quý tài
năng trẻ thì khác, còn không thì, người trẻ rất dễ bị coi là kiêu ngạo, lộng
ngôn, thậm chí là sẽ bị vùi dập nếu người "trên" không
"thấm" được những gì người trẻ hôm nay viết. Tôi cho việc ở mỗi địa
phương có một vài người viết có uy tín, thiết tha với lớp trẻ là điều kiện rất
quan trọng để lớp trẻ phát triển...
- Huỳnh
Thạch Thảo: Chúng ta luôn luôn nói về đội ngũ kế cận trong văn học, đều này là
cần và rất cần, nó sẽ dễ dàng khi ở thành phố lớn, trung tâm văn hóa lớn. Nhưng
ở các địa phương thì vẫn loay hoay. Riêng CLB Sáng tác trẻ hay các cộng tác
viên của Tạp chí Văn nghệ Phú Yên còn mỏng, hội viên trẻ vẫn đếm trên đầu ngón
tay. Các em học xong thi vào đại học và ở lại thành phố để có điều kiện hơn. Có
em bỏ việc sáng tác vì thấy… không cần nữa (!) hay là việc này quá khó nhọc để
tìm công việc khác thích hợp lại có kinh tế. Yêu văn học thì các em vẫn yêu,
nhưng hỏi sao không đi tiếp thì các em lại cười và mọi người vẫn biết, văn
chương luôn kèm theo sự đào thải nghiệt ngã.
·
Vậy đâu là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc không khí
văn học tại các địa phương hiện nay còn khá trầm lắng?
- Văn Công Hùng: Đơn giản là không liên kết được. Mỗi tỉnh
giỏi ra cũng chỉ dăm bảy người viết trẻ, chỉ họ với nhau thì sẽ bị lọt thỏm đi
đâu đó giữa ngổn ngang tên tuổi đang nổi trên văn đàn. Phải có sự kiện thì họ
mới có điều kiện bộc lộ. Đòi hỏi "Tự nhiên hương" ở tỉnh lẻ là rất
khó khi mà nó xa các trung tâm văn học. Ngay tờ Văn Nghệ Trẻ , nếu tự dưng
người trẻ lạ hoắc nào gửi đến cũng còn nâng lên đặt xuống chán, nhưng nếu có
một đàn anh giới thiệu sẽ dễ hơn. Thêm nữa như đã nói, mỗi vùng đất hình như nó
có chu kỳ của nó, bao nhiêu năm đấy thì một thế hệ ra đời. Ngày xưa được in một
chùm thơ ở báo Văn Nghệ hoặc Văn Nghệ quân đội là cả làng cả nước xôn xao, giờ
nhé, các bạn trẻ chỗ tôi được in liên tục, cấm thấy bạn nào vác báo đi khoe,
chỉ âm thầm sướng. Tôi là người chịu khó khi thấy ai có tác phẩm in ở đâu lại
nhắn một cái tin chúc mừng.
- Huỳnh
Thạch Thảo: Hội Nhà văn VN chưa có cú huých cho văn học địa phương, sự hỗ trợ
chủ yếu từ Ủy ban toàn quốc Liên hiệp VHNT nhưng lại dành cho các chuyên ngành chứ
không riêng gì Văn học.
Sau mỗi kỳ hội nghị, một loạt tác giả lại xuất hiện
·
Hiện nay trung bình 5 năm một lần Hội nghị viết văn
trẻ toàn quốc được tổ chức. Không khí hân hoan có thể nhận thấy rõ sau mỗi kì
Hội nghị. Là người từng đi dự Hội nghị viết văn trẻ, theo các anh điều có ý
nghĩa nhất của các kì hội nghị này là gì?
- Văn Công Hùng: Tôi đã nói ở trên, gặp gỡ, giao lưu, gặp
mặt thật sau khi đã đọc nhau là việc rất ý nghĩa. Ví dụ tôi biết có một thi đua
ngầm giữa cô Trần Quỳnh Nga ở Hà Tĩnh và Hoàng Thanh Hương ở Gia Lai. Cô này in
cái này ở báo này thì cô kia sẽ phải cố gắng in một cái khác cũng ở báo ấy hoặc
báo tương đương. Trước khi đi hội nghị họ chưa biết nhau, và sau hội nghị thì
họ thi đua như thế. Có thể không có một "giao ước thi đua" nhưng lẳng
lặng theo dõi nhau, và lẳng lặng phấn đấu cho bằng chị bằng em là có.
Và bao giờ cũng thế, sau mỗi kỳ hội nghị, một loạt tác giả
lại xuất hiện. Nó như là cái bệ phóng để tác giả thăng hoa ấy.
- Huỳnh
Thạch Thảo: Trung bình 5 năm một lần cho Hội nghị VVT sau khi Đại hội Nhà văn
VN như một nhiệm kỳ của VVT để Hội Nhà văn cử người phụ trách.Đương nhiên sau 5
năm, các cây viết trẻ mới có dịp tiếp xúc thì vui quá còn gì, được gặp các thần
tượng cùng thế hệ mình thì hạnh phúc quá còn gì; nhưng ý nghĩa đọng lại lớn
nhất là không khí hân hoan hội tụ các vùng miền sẽ thôi thúc họ sáng tạo hơn
nữa, đam mê hơn nữa, trách nhiệm ngòi bút sẽ cao và họ giống như một hạt tài
năng đang ươm mầm nẩy nở trên văn đàn.
·
Kết thúc một kì Hội nghị, nhiều người đếm tiếp thời
gian cho 5 năm tiếp. Cái mốc 5 năm này, theo các anh có cần rút ngắn lại hay không?
- Văn
Công Hùng: Thực ra tôi thấy có vẻ 5 năm hội nghị toàn quốc là hợp lý, nó là chu
kỳ đấy, còn lại là công việc của địa phương, khu vực, họ phải làm thường xuyên.
- Huỳnh Thạch Thảo: Sau hội nghị, lúc chia tay về nơi xuất phát để
hẹn 5 năm sau như một nhiệm kỳ thì chúng ta cần rút ngắn lại bởi: 5 năm tiếp
theo chưa chắc anh được tham dự trở lại vì đã quá tuổi hoặc phải nhường cho
người khác; cũng không cần theo nhiệm kỳ của Hội nhà văn VN vì đây là Hội nghị
VVT chứ không phải như Đại hội, chúng ta nên để từng năm và tổ chức ở các vùng
miền khác, tạo không khí khác.
·
Nhiều người băn khoăn rằng, Hội nghị viết văn trẻ toàn
quốc đúng là đã tiếp thêm nhiệt huyết, niềm đam mê cho các tác giả trẻ trong
bước đầu đến với văn chương. Tuy nhiên với thời gian 3- 4 ngày của Hội nghị thì
thật khó làm được gì nhiều. Các tác giả trở về địa phương. Và ngọn lửa vừa được
nhen cần được các Hội địa phương tiếp tục phát huy, phát triển hơn nữa. Các anh
nghĩ sao về điều này?
- Văn Công Hùng: Quả là hội nghị không phải là nơi cho
thiên tài xuất hiện, nó không làm thay công việc của người viết, mà như tôi nói
ở trên, nó tạo sự nhìn ngang và nhìn lên cho người viết. Lâu nay cắm cúi viết,
giờ ngẩng lên, thấy bạn viết như thế mình như thế... cái việc hội nghị tôi cho
rằng thành công là ở chỗ gặp gỡ và tạo niềm tin cho người viết, giúp họ khẳng
định mình trong mối tương quan với bạn viết xung quanh. Rồi thì họ lại vẫn phải
trở về thường ngày chứ, công việc bề bộn, mưu sinh kiếm sống... nhưng dư âm của
bạn bè ám ảnh, lại thêm tác động của các hội địa phương, của các đàn anh ở đấy
(nếu hội và các đàn anh thực sự quan tâm) sẽ khiến họ lại phải ngồi vào bàn và
gõ...
-Huỳnh
Thạch Thảo: Trong thời gian 3 – 4 ngày tham dự Hội nghị, chắc chắn chương trình
sẽ được Ban Tổ chức sắp xếp dày kín các hoạt động thì khi các tác giả về với
địa phương cũng chưa định hình việc gì ngoài ấn tượng hoành tráng dành cho các
cây bút trẻ. Muốn được nhen liên tục ta cần được các hội địa phương tiếp tục
thắp sáng, một Hội địa phương chắc chắn sẽ không đủ sức nên cần liên kết. Nếu
tính trong đó có Hội nhà văn VN ở khu vực ủng hộ thì thành công, chỉ sợ khi ấy
Ban Nhà văn trẻ không đủ thời gian đi các vùng miền và phải tính kế hoạch, nội
dung phù hợp vùng miền đó.
Hội nghị viết văn trẻ ở các khu vực
·
Trong nhiều cuộc trò chuyện bên bàn trà, nhiều nhà văn
làm công tác Hội địa phương đã đề xuất ý tưởng tổ chức các Hội nghị viết văn
trẻ ở các khu vực. Quan điểm của anh về vấn đề này?
- Văn
Công Hùng: Rất tốt, tôi ủng hộ. Các địa phương nó như cái ao ấy, người viết trẻ
tập bơi ở đấy, rồi mon men ra đến hồ là khu vực, trước khi ra sông ra biển là
quốc gia và quốc tế. Để tập bơi, cái ao vô cùng quan trọng, nhưng để bơi giỏi,
phải ra hồ ra sông ra biển chứ?
- Huỳnh
Thạch Thảo: Theo tôi việc này sẽ có lợi vì ngoài những cây bút được đi dự thì
còn khá nhiều cây bút nằm nhà (!); nếu chúng ta tổ chức sẽ tiếp thêm lửa, thêm
niềm đam mê sáng tạo cho họ một cách đầy đủ. Ngoài ra, Hội địa phương sẽ có
trách nhiệm với các cây bút trẻ để có lực lượng kế thừa và Ban Nhà văn trẻ cần
thấy điều đó.
·
Theo quan sát của các anh, hiện nay lực lượng sáng tác
trẻ khu vực miền trung tây nguyên có ưu thế gì nổi trội hơn so với lực lượng
sáng tác tại các vùng miền khác?
- Văn Công Hùng: Câu này rất khó vì
thời đại toàn cầu, enter một cái là nó hòa trộn hết. Nhưng nếu cứ quyết phải
nói thì theo tôi miền trung tây nguyên khắc nghiệt về địa hình, về thời tiết
khí hậu và cả về phong thủy văn chương. Người làm văn chương ở đấy phải vượt
qua nhiều cám dỗ hơn, nhiều khó khăn hơn, những khó khăn do trời, do người và
do chính mình. Cái nổi trội là họ yêu văn chương một cách lặng lẽ, không có
điều kiện để nổi đình nổi đám, vì thế họ chọn cái da diết sâu xa, cái thâm
trầm, họ viết trong sự khó nhọc, lặng lẽ viết mà không biết sẽ để làm gì. Có lẽ
nhờ thế mà tác phẩm của họ chậm rãi đến với người đọc, cái gì đã đứng là đứng
luôn chứ không bèo bọt nổi trôi. Trường hợp Đinh Thị Như Thúy vừa rồi là ví dụ.
Văn trẻ miền trung tây nguyên đang tìm dòng và cách thể hiện với mong muốn về
những điều khác biệt, hoặc cách thể hiện hướng dần đến sự khác biệt, với những
kỳ vọng khác biệt hơn cộng với sự nhọc nhằn hơn để thể hiện và khẳng định mình.
- Huỳnh
Thạch Thảo: Các cây bút trẻ khu vực miền trung và tây nguyên có một thế lợi là
được sống trên mảnh đất được thiên nhiên và lịch sử ưu đãi tối đa, đây là điều
kiện rất cần để họ sáng tạo ngày một nhiều hơn. Họ bước ra căn phòng bé nhỏ là
đến khoảng trời mênh mông mà thành phố lớn không có. Tuy nhiên, thành thực mà
nói, các cây bút trẻ không vận dụng hết lợi thế đó và các Hội địa phương cũng
chưa phát huy hết khả năng của mình.
·
Tuy nhiên các tác giả trẻ hiện nay ở khu vực miền
trung tây nguyên cũng như trên cả nước thường mắc phải yếu điểm gì?
-Văn Công Hùng: Điểm yếu có lẽ là họ thiên quá nhiều về cái
tôi bản thể, khai thác mình quá nhiều. Họ rất thông minh nhưng hình như thiếu
vốn sống. Đến tuổi này tôi mới thấy ký ức đối với nhà văn vô cùng quan trọng.
Có vẻ như họ thiếu ký ức. Tất nhiên họ lại thừa những điều mà thế hệ tôi không
có, và họ hơn hẳn chúng tôi về điều ấy.
·
Một giải thưởng văn học trẻ tầm quốc gia, theo các anh
có cần hay không?
-Văn
Công Hùng: Do chính những người trẻ làm,
tại sao lại không nhỉ?
- Huỳnh Thạch Thảo: Một giải thưởng văn học trẻ mang
tầm quốc gia là rất cần thiết và là sự tôn trọng.
·
Là người “đã từng trẻ” các anh có chia sẻ gì với các
bạn trẻ trên con đường văn chương nhiều thử thách?
- Văn Công Hùng: Chia sẻ lớn nhất là
họ rồi sẽ... già, hãy tận dụng hết thế mạnh của trẻ, và tích lũy cho tuổi già.
Thực ra thì mỗi thế hệ có một cách lập ngôn, một giọng điệu, và càng trẻ, càng
về sau, độ vang, sự táo bạo, cách tự chủ... càng rõ rệt hơn... Nó được quy định
bởi tài năng, sự dấn thân, vào sự chín muồi của thế hệ, của đội ngũ, vào cả sự
đào tạo, khách quan và chủ quan, vào ý thức thế hệ và ý thức tự chủ... nên bảo
chia sẻ gì là rất khó, rất dễ sa vào răn dạy. Có một điểm chung cho mọi thế hệ,
ấy là sự đam mê và hy sinh.
-Huỳnh Thạch Thảo: Tôi muốn chia
sẻ cùng các bạn trẻ trên đường văn chương với hai chữ: Đam mê.
·
Xin cảm ơn các anh về cuộc trò chuyện
Phong Điệp thực hiện
---------
Bài đã in Văn Nghệ trẻ số đặc biệt 30/ và 1/5/ 2012
5 nhận xét:
Thưa bác Văn Công Hùng!
Đọc bài phỏng vấn em xin có chút ý kiến thế này, nhưng em phải rào trước rằng em là dân ngoại đạo nên thấy thế nào nói thế, bác đừng chấp nhé:
1- Em thấy bác và Huỳnh Thạch Thảo nói đúng nhưng nghe nó trơn tuột quá, tức là cứ như bình lướt trên bề mặt của vấn đề, nghe cứ giống như một bài nghị luận có tiêu đề “ Hội viên VH-NT địa phương, thực trạng sáng tác và giải pháp phát triển ”.
2- Tạp chí chẳng có mấy trang, lẽ ra dành cho cộng tác viên thì cán bộ chuyên trách cày sới, chiếm chỗ hết rồi. Ông bà Tổng biên tập nào có trách nhiệm, có tấm lòng và tư cách thì còn có bài của các Hội viên, còn không thì phải quen biết để được đăng cho oai. Những ông thích oai thì văn thơ giở lắm, cứ như năm cơm nguội hoặc bát nước ốc, thậm chí xào của người khác rồi đăng. Lãnh đạo còn mất chất ăn cắp bài chứ nói gì cán bộ, cộng tác viên hả bác ?
3- Tạp chí không để bán ra thị trường, nên không cần lượng bạn đọc, không chịu trách nhiệm trước xã hội. Ông A viết, ông B khen chán lắm bác ạ.
4- Để Lãnh đạo tỉnh quan tâm, ủng hộ thì phải gặp được ông sáng dạ một chút, hoặc có tố chất văn nghệ sĩ một chút nếu không thì có khi các ông bà ấy lại là người gửi bài dở òm bắt Tạp chí đăng, không đăng thì xẩy ra điều gì chắc bác biết? Tai nạn nhất là gặp những ông không còn gì đẻ mất, hết khóa này cũng hạ cánh an toàn.
5- Đến Hội nhà văn Việt Nam kết nạp đợt vừa rồi còn có Hội viên mà chính em thấy không biết làm sao lại lẻn vào được Hội Nhà văn nhỉ? Nghe đâ thủ tục khắt khe lắm kia mà. Nhà Văn, Nhà Thơ mà không có độc giả nào thuộc lấy 1 đoạn đầy đủ trong tác phẩm thì văn thơ cái gì hả bác?
6- Đến một người như Võ Thị Xuân Hà ( em biết là thân với bác ) trong chương trình đối thoại ở VTC10 hôm rồi còn bảo thủ trì trệ như vậy, chị ấy đưa cái tôi vượt trần, trong khi chị ấy ở ban sáng tác trẻ của Hội Nhà Văn VN hẳn hoi. Lẽ ra chị ấy phải khuyến khích ủng hộ phổ biến tác phẩm trên mọi kênh tới bạn đọc mới đúng. Đằng này chị ấy cộc lốc rằng chỉ cần viết để thỏa mãn một lượng đọc giả nhất định là tốt rồi, chị Hà tẩy chay đưa tác phẩm lên Internet để quảng bá, giới thiệu thì hỏi rằng ở các tỉnh phát hiện, động viên, quảng bá tác phẩm cho Hội viên thế nào. Hôm đó có Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng tham gia buổi đối thoại, bác Nguyên phát biểu hôm đó thì chuẩn không cần chỉnh, mặc dù em biết bác ấy luôn giữ hòa khí và giữ mặt cho chị Xuân Hà.
Em người Hà Giang, Email: dattroihagiang@gmail.com
@ Em người Hà Giang:
-------
Cám ơn cái còm công phu, nhiều điểm đúng, trúng và thẳng thắn của bạn. Ta lần lượt điểm lại nhé:
1/ Không thể không... trơn tuột như thế khi nói một cách đại thể, nhưng bạn thấy trong trả lời của tôi có rất nhiều "nếu", huhu, quả là rất nhiều lãnh đạo các hội VHNT và tạp chí VN hiện nay rất nghiệp dư, thậm chí được "điều" sang chứ bản thân họ k liên quan và không biết gì văn chương nghệ thuật. Đấy là bi kịch cho nền văn nghệ và bi kịch cho chính họ. Người thường chỉ cần biết đúng sai, dân quản lý Vn phải phân biệt hay dở, tốt xấu nữa bạn ạ.
2/ Điều bạn nói là thực trạng đáng lo ở nhiều tạp chí văn nghê địa phương. Vừa rồi có cái hội nghị báo chí văn nghệ toàn quốc ở Thuận An- Huế, tôi có một tham luận khá căng về việc này, hy vọng có điều kiện tôi sẽ đưa lên đây được.
3/ Cũng có thực trạng là nhiều tạp chí chỉ in vài ba trăm, chả ai đọc, nhưng không phải tất cả đều thế. Nhiều báo, tạp chí văn nghệ khá tốt. Ngay tờ tạp chí mà tôi đang hành nghề, thì theo đánh giá của bạn đọc, nó cũng khá chuyên nghiệp. Còn việc nó không thể in nhiều như báo Công An thì là việc khác, nhưng nếu chỉ in vài ba trăm thì, tôi đã đề nghị trong tham luận, không nhất thiết phải in?
4/ Tôi cũng cho rằng, làm TBT tạp chí văn nghệ địa phương thì việc đầu tiên là phải dũng cảm... chiến đấu với lãnh đạo làm thơ, chiến đấu với thơ dở của hội viên. Tôi tự hào là đã làm được việc ấy ở tạp chí của tôi suốt bao nhiêu năm qua, hì hì...
5/ Tôi tham gia BCH HNV mới khóa này,và tham gia xét kết nạp 2 đợt, thì, theo như đánh giá, ít bị điều tiếng. Tất nhiên không khỏi có những khiếm khuyết này nọ, nhưng chắc là không trầm trọng lắm, có thể sót nhưng ít bị lọt. Là tôi chủ quan và cũng có nhiều người nói thế bạn ạ.
6/ Tôi không xem chương trình VTXH nói, nhưng biết bạn này quyết liệt bảo vệ trẻ và bảo vệ cái mới, nhờ bạn ấy mà vừa rồi khá nhiều hoạt động của người trẻ, văn trẻ diễn ra. Tôi tin là bạn ấy hết mình với văn chương, với trẻ. Tất nhiên, như đã nói, tiếc là tôi khong xem chương trình ấy.
Là "nói lại cho rõ" thế chứ những nhận xét của bạn tôi rất trân trọng và sẽ hết sức lưu ý khi tiếp tục hành nghề bạn ạ. cám ơn và chúc bạn sức khỏe nhé. Mong bạn tiếp tục đọc blog tôi nhé.
Thưa tiếp với bác Hùng!
Là em thốt ra từ cảm giác khi đến toàn soạn Tạp chí văn nghệ địa phương ở mấy tỉnh nên nói liều thế thôi.
Riêng bác thì khỏi phải bàn nhé. Tức là văn chương, chữ nghĩa củ bác cứ như đánh đố người ngoại đạo như em, néu phải bỏ tiền mới được đọc Văn Công Hùng Blog em cũng sẵn sàng. Không phải nịnh bác đâu, vì bác biết em là ai mà phải nịnh. Vấn đề là tất cả dân văn khoa của bác trước khi đổi tên trường và tách khoa thì đều xứng danh cả. Em chưa thấy bác nào dân Văn khoa xịn lại nửa người nửa ngơm như mấy thằng bạn em đang khoe là nhà văn, nhà thơ, chúng nó in danh thiếp loạn xạ lên nữa.
Còn tại sao em dám phát biểu bắng nhắng với bác thế này nhỉ?
Bác cứ nhìn tỉnh Vĩnh Phúc ( quê em ạ ) xem, trụ sở hoành tráng, biên chế ngon lãnh, ngân sách cấp thì nhiều Hội địa phương khác phải thèm muốn; có hồ Đại Lải luôn tập trung anh tài và Văn nghệ sĩ về thưởng ngoạn và phát tiết cảm hứng; có Tam Đảo, Tây Thiên, Đầm Vạc…. Đủ tầm là kho tư liệu sáng tác; có đầy doanh nghiệp hậu thuẫn đăng quảng cáo trên Tạp chí để anh em kiếm thêm ( là em nói kiếm thêm đàng hoàng, đúng nghĩa đấy nhé ) nhưng bác thấy Vĩnh Phúc có Văn nhân nào tầm cỡ vùng miền không ?
Thử vào tay Văn Công Hùng ngự trị mảnh đất màu mỡ này xem. Anh Hữu Thỉnh chẳng mỗi tháng tổ chức giao lưu, sáng tác, hội thảo 1 lần cấp toàn quốc mới lạ.
À bác Hùng này, văn Phong Điệp em thấy tuy bình dị nhưng đọc xong là dư âm mát ngọt đọng lại lâu lắm đấy. Em sợ nhất là các bài viết, tác phẩm cứ trộn trạo cảm giác hàng nhái, hàng đồng nát mà tác gải lại cứ ngộ nhận về mình.
Khi nào có điều kiện em mần 1 bài về bác đấy, em không phải hội viên ở bất cứ địa phương nào, em quan tâm văn chương vì em thường phải viết bài phát biểu cho lãnh đạo, khổ thế đấy bác ạ. Còn khi viết về bác em định chọn 1 trong các tít thế này: “ Mổ xẻ Văn Công Hùng tất hiểu Gia Lai”, “ Cái lão hói sống được bằng nghề văn ”, “ Mỗi tỉnh có 3 người thì nghề văn lên đỉnh”, “ Ai kêu ca, ủy mị hãy đến Gia Lai gặp Văn Công Hùng”.
Chúc bác khỏe, cứ hành nghề thế này vừa sạch, vừa được vô tư cảm nhận dư vị hạnh phúc thật của cuộc đời, vừa có bạn bè tử tế chứ không phải gặp lũ cứ ngọt nhạt anh anh, em em gặp nhau là cười cười, nói nói, nhưng chỉ là nụ cười giả hoặc đằng sau nụ cười ấy là sự ô trọc, đầy mưu mô.
Hẹn có lúc được diện kiến bác.
Người Hà Giang
@ Người Hà Giang:
---------
Tớ vừa đi bệnh viện về, khâu... mũi. Khen tớ lần nữa là hết chỗ khâu đấy nhé...
"-Văn Công Hùng: Điểm yếu có lẽ là họ thiên quá nhiều về cái tôi bản thể, khai thác mình quá nhiều. Họ rất thông minh nhưng hình như thiếu vốn sống. Đến tuổi này tôi mới thấy ký ức đối với nhà văn vô cùng quan trọng. Có vẻ như họ thiếu ký ức. " TRẺ THÌ LÀM GÌ CÓ NHIỀU VỐN SỐNG VỚI LẠI KÝ ÚC HẢ BÁC HÙNG? " Tất nhiên họ lại thừa những điều mà thế hệ tôi không có, và họ hơn hẳn chúng tôi về điều ấy." VÔ THƯỞNG, VÔ PHẠT BÁC HÙNG Ạ!
Đăng nhận xét