Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2011

MỘT THỜI NÔNG NỔI

Cu Đỗ Tiến Thụy dạo này mang anh em ra... hoạn khá kỹ. Bữa trước hắn oanh tạc một bài trên ĐĐK, MTH la ầm ầm, giờ hắn giảm tông, bôi bác ở đây. Những chuyện sau đây trên ANTĐ là hắn nghe hơi đồ chõ, gắn thằng này vào thằng kia, cứ coi như là chuyện dân gian vậy...



Gánh thơ… hoạn lợn 

 

Chủ nhật 11/12/2011 22:47
ANTĐ - “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ / Nghèo lắm con ơi, bạc lắm con…” 



3 nhà thơ phố núi Văn Công Hùng, Hương Đình và Phạm Đức Long


 
Những tưởng khi đọc câu thơ chua chát của Nguyễn Bính nhiều người sẽ sợ mà tránh thơ, nhiều cô gái sẽ lẩn tránh các nhà thơ. Nhưng thực tế hình như ngược lại. Số lượng người làm thơ vẫn ngày càng tăng. Số lượng các cô gái mê nhà thơ không hề giảm.

 Đầu những năm 80 thế kỉ trước, sau khi tốt nghiệp đại học, Văn Công Hùng, Hương Đình và Phạm Đức Long hăm hở đeo ba lô lên Tây Nguyên lập nghiệp, người làm nhân viên Sở Văn hóa, người dạy toán ở trường Trung học Pleiku, người làm ở Chi cục Thú y Gia Lai-Kon Tum. Ba chàng ba nghề khác nhau, nhưng lại “ríu” vào nhau bởi thơ ca. Chiều nào họ cũng gặp nhau để đọc cho nhau nghe những vần thơ có cánh. 

Rồi một ngày, đang cao hứng đọc thơ thì một người ngất xỉu vì… đói quá! Đến lúc này các chàng mới phát hiện ra một chân lí: Thơ không thể đọc trong khi bụng rỗng. Thế thì phải nghĩ kế. Ba cái đầu ăm ắp thơ thẩn chụm vào nhau bàn bạc, và một ý tưởng lóe lên: Thành lập một gánh… hoạn lợn rong. Theo đó, Phạm Đức Long là kĩ sư chăn nuôi sẽ đảm nhiệm vai trò “bác sĩ mổ chính”, còn hai cử nhân văn và toán chỉ việc… giữ chân lợn mà thôi.

Hoạn lợn là cách gọi của người miền Bắc, còn dân miền Nam gọi là thiến heo. Ngày ấy nhà nhà nuôi heo nên có rất nhiều thợ thiến heo hành nghề. Nhưng bà con rất mến mộ “Gánh thiến heo nhà thơ”,  bởi họ khoái ba chàng mặt mũi thư sinh, nói năng nhỏ nhẹ lễ phép có cách thiến heo bài bản là sát trùng bằng cồn, tiêm thuốc gây tê xong mới mổ, nhoáng một cái đã xong, sau khi khâu lại chống nhiễm trùng vết mổ bằng thuốc đỏ, thả vào chuồng một lúc là con heo đã lại ăn chơi ngoăn ngoẳn.


“Gánh thiến heo nhà thơ” ấy hành nghề rất tài tử, mỗi chiều chỉ thiến đúng 5 con, đủ tiền mua một chai rượu đế và vài gói lạc là dừng để về… đọc thơ.


Nhưng rồi một buổi kia, khi ba chàng đang lúi húi “mổ” ca đầu tiên thì bất ngờ có một giọng chào con gái cất lên trong veo: Em chào thầy ạ! Ba chàng ngẩng lên và… đần người, ước gì có thể độn thổ ngay tức khắc.


Thì ra các chàng đã vào đúng nhà cô học trò của Hương Đình. Bố cô bé thấy vậy lúng túng một hồi rồi cuống quít: “Thôi thôi thôi… Mời các thầy rửa tay vào uống trà”.

Đó là buổi chiều buồn nhất của ba chàng thi sĩ. Bên ly rượu suông, các chàng ngồi im lìm. Mãi sau Phạm Đức Long buồn rầu đọc những câu thơ thấm thía: “Khoảng trời lá thông bạn tôi vẫn đói nghèo/thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/thương nhau giữ tròn lẽ sống/giữa trắng đen hư thực thăng trầm…”.  Nghe xong, cả ba lại ngồi cúi lặng. Gần nửa đêm Hương Đình mới ngẩng lên thẫn thờ tuyên bố: Giải tán gánh hoạn lợn.


Nghe thế Văn Công Hùng bèn rụt rè đề nghị: Hay là… mình “hoạn” thêm một thời gian?


Hai chàng kia nghe thế thì vô cùng ngạc nhiên. Chả lẽ cái nhục chiều nay chưa đủ để “đóng gánh” hay sao? 

 
Phải ấp úng mãi Văn Công Hùng mới trình bày được rằng: Có một cô gái mê thơ tôi. Không chỉ mê thơ mà còn yêu tác giả. Không phải yêu một cách lãng mạn, mà yêu rất thực tế, tức là… dám lấy tôi! Nàng đòi phải cưới ngay. Mà tôi thì làm gì có tiền làm đám cưới…

Hiểu tình cảnh bạn, “Gánh thiến heo nhà thơ” tiếp tục rong ruổi thêm một thời gian nữa để kiếm tiền làm đám cưới cho Văn Công Hùng, chỉ khác là gánh phải đi xa địa bàn thị xã Pleiku để tránh những cuộc gặp gỡ không mong muốn.


Thời bao cấp, đám cưới công chức hầu hết tổ chức theo nếp sống mới, chỉ có trà, thuốc lá và bánh kẹo. Nhưng trong đám cưới của mình chú rể Văn Công Hùng đã ngỏ một lời mời rất… dễ thương: Mời tất cả dùng tiệc mặn. Minh họa cho lời mời, từ nhà bếp cơ quan mùi xào nấu bốc lên thơm quặn ruột. 


Cái gọi là tiệc mặn thực chất chỉ có 2 cân thịt bò xào với rau muống tỏi. Thịt quá ít, những người làm bếp đã đơm rau muống ra đĩa trước rồi mới gắp thịt “lợp” một lớp mỏng lên trên cho… đẹp. Xong xuôi, họ lấy báo đậy những mâm cỗ lại rồi kéo nhau lên hội trường… đọc thơ.


Đến giờ, bạn bè háo hức ngồi vào mâm chờ đợi bữa tiệc mặn hiếm hoi thì bỗng thấy Văn Công Hùng tái dại mặt mày đi từ nhà bếp ra. Mọi người chạy xuống bếp và… chết đứng. Trên bàn ăn chỉ có những đĩa rau xào xanh lét, còn thịt thì đã bay hơi không dấu vết.


Mọi người thầm thì, xì xào. Hàng trăm ánh mắt nghi hoặc xoáy vào chú rể khiến Văn Công Hùng không biết thanh minh làm sao.


Đêm đó, cặp vợ chồng trẻ không còn bụng dạ nào mà động phòng hoa chúc, chỉ  nằm ôm nhau khóc ê chề. Đã thế lũ chuột trên trần đêm ấy lại như muốn trêu ngươi, cứ đuổi nhau rầm rập rồi kêu chí chóe. Quái lạ, bọn này từ trước tới nay đói dài răng, yếu đến nỗi gặp người cũng không thèm chạy cơ mà, sao hôm nay lại rửng mỡ đột xuất như thế? Bực bội, tân lang Văn Công Hùng bèn vùng dậy bật đèn. Và chàng bỗng chết đứng trong đêm khi nhìn thấy hai con chuột to bằng bắp tay đang tình tứ mớm cho nhau những miếng… thịt bò!


Thời gian đã trôi qua hơn ba mươi năm. Ba chàng nhà thơ trong bài viết này hiện đều là những nhà thơ có tiếng ở Tây Nguyên. Nhà thơ Văn Công Hùng đang là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai; Nhà thơ Hương Đình là Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, còn nhà thơ Phạm Đức Long là Giám đốc Chi cục Thú y. Tất nhiên đời sống của họ đã khá lên rất nhiều nhưng mỗi lần gặp nhau là lại mang câu chuyện trên ra kể. Vừa kể vừa cười nhưng mắt ai cũng rân rấn nước. Và bao giờ kể xong họ cũng lại ngơ ngác hỏi nhau: Sao hồi ấy khổ thế mà mình vẫn không bỏ thơ nhỉ? 

 








24 nhận xét:

Mai Thanh Hải nói...

Đọc đi đọc lại, vẫn những câu chuyện - nội dung đăng trên DDK. Tết nhất đến rồi, ai chả phải kiếm nồi bánh chưng cho vợ con. Nên bác cũng phải thể tất cho bạn bè, mang 3 cụ ra làm... món xào xáo. Bên ANTĐ, nhuận bút chắc cao hơn bên Đại mất đoàn kết Hí! Hí!..

Nặc danh nói...

Không thể tin được, khi đó có bom nổ bên cạnh thì Văn Công Hùng cũng không dậy mô...

CUA RẬN nói...

Nằm ôm nhau mà khóc... Hi hi! Sướng nhất bác Hùng. Vậy nên hai công chúa xinh như mộng.
Cái tay "Cao hơn Tây, gầy hơn ta" đang ghen tỵ với tầm vóc của bác nên hắn viết vậy.
Nhưng đọc thấy rưng rưng...

Văn Công Hùng nói...

@ Mai Thanh hải:
--------
Mác gọi đấy là chủ nghĩa tư bản hoang dã đấy, huhu...

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
-----
Hơ hơ...

Văn Công Hùng nói...

@ Cua Rận:
---------
Một thời cả nước đớn đau bác ạ.

La chung nói...

Tôi đoc đi đoc lai ko thấy gi nông nổi hết,chỉ ngạc nhiên là sao cô ấy lại chào mà ko trốn cho biêt tích đi,cô ấy còn nhớ ko nhỉ?có khi nào cô ấy là khách viếng thăm blog này ko nhỉ?.

Dong nói...

Hoạn lợn mà cưới được vợ thì tài quá tài. À, mà cưới bằng rau muống thì cũng xoàng. Nghĩ đời mình còn may hơn nhiều đàn anh, không buồn nữa!

Nặc danh nói...

Có một cô học trò cuả thầy Chiến,ngày ấy lẽo đẽo theo thầy đi nghe bạn thầy đọc thơ.Đến giờ,cô ấy vẫn thuộc thơ của ba bác và vẫn vào blog của các bác đấy ạ.

Văn Công Hùng nói...

@ La Chung:
------
Thì thế mới là... học trò.

Văn Công Hùng nói...

@ dong:
------
cả dân tộc thế, mắc mớ chi buồn, hỉ.

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
--------
Chắc bạn là cái cô học trò mà La Chung nhắc ở trên chăng?

Thái nói...

Nghe nói Hoạn lợn khác Thiến lợn các bác ơi!
-Hoạn đối với con cái, thiến đối con đực.
Đúng không?

Viễn Phương Cao nói...

Em biết nhà thơ Phạm Đức Long qua bài thơ "Khoảng trời lá thông" mà tác giả viết tặng nhà thơ Văn Công Hùng, em được phân tích thơ của thầy Chiến qua bài thơ "Tiếng Vọng"...Và nhà thơ Văn Công Hùng thì em may mắn được theo dõi những xúc cảm của anh trên chính blog này...Rất vinh dự! Chúc cho tìn bạn của ba nhà thơ luôn bền chặt và thắm thiết, chúc thơ các anh luôn tỏa sáng mãi với thời gian!

NGUYỄN QUANG VINH nói...

Chuyện rất cám động, khóc được, không cần biết thật hay bịa. Ba anh chàng hoạn lợn, giờ đã trưởng thành, bọn trẻ lại tiếp tục hoạn quá khứ của anh thành tiền mua thịt lơn nhậu. Chẳng có gì gọi là nông nỗi

NGUYỄN QUANG VINH nói...

Chuyện rất cám động, khóc được, không cần biết thật hay bịa. Ba anh chàng hoạn lợn, giờ đã trưởng thành, bọn trẻ lại tiếp tục hoạn quá khứ của anh thành tiền mua thịt lơn nhậu. Chẳng có gì gọi là nông nỗi

Nguyễn Trọng Tạo nói...

guyen Trong Tao Nhìn ảnh nhớ chúng mày quá. Nhớ Phạm Đức Long mang một bao tải tiền đi đãi rượu. Nhớ Hương Đình kéo cho được bạn bè về nhà để vợ nấu nướng. Và nhớ Văn Công Hùng lôi vợ dậy lúc nửa đêm để nâng ly cùng bạn...

Văn Công Hùng nói...

@ Thái:
------
Hihi hình như nó cùng chỉ một việc là hạn chế tăng dân số như bên người ấy.

Văn Công Hùng nói...

@ Chuyến đò ngang:
----------
Cám ơn bạn nhé.

Văn Công Hùng nói...

@ cu Vinh:
-------
Nhờ biết hoạn lợn mà giờ mới có thể tự... hoạn văn mình, huhu

Văn Công Hùng nói...

@ bác Tạo:
--------
Em lôi còm của bác từ bên facebook về đây cho 2 cu kia đọc. Ở nhà em dùng Dcom nên không vào facebook được, không hiểu facebook có lỗi gì với Dcom Viettel mà nó chặn đứng, sáng nay trong thủ lúc uống cà phê vào mạng VNPT lôi còm về.

Nặc danh nói...

Anh Trịnh Đào Chiến Về Hiệu trưởng Cao đẳng sư phạm rồi mà.
Tự nhiên nhớ bài này của anh Chiến.

NGÀY THƯỜNG

Không gà gáy không chó sủa
phải bắt đầu bằng gì nhỉ
cửa sắt nhà ai kèn kẹt ngái ngủ leng keng đâu rồi
ừ mà hình như lâu rồi
không còn nghe tiếng leng keng buổi sáng

Hình như ta quên tắt đèn ngủ
hình như ta quên cái di động
hình như ta quên cài khuy áo thứ năm
hình như xe máy ta vừa trôi về đâu đó
hàng xà cừ trang nghiêm đồng phục xanh
trời thênh thang rộng trời thản nhiên xanh
xanh cao quá làm sao ta chạm được

Cậu bé ngồi sau xe
chiếc bánh mì quá khổ
đôi mắt bi ve
bi ve ơi bi ve xưa
ta đã xa người

Cơn bão ngủ ngoan trong bọc
mơ đầy túi áo làm sao đây
sương cũng tan thôi nắng đã dày
gọi ta về với trật tự thẳng ngay

Chiều không bạn thì ta về với vợ
bạn chê ta toàn việc cỏn con
ta ít khi say nên ta thường sợ
ta như mũi tên lao đi còn lùng nhùng dây nhợ
chiều chiều ta như con quạ
vừa bay vừa gọi tên mình.

NGƯỜI COMMENT: Ku nguyenphuong

Nặc danh nói...

Chuyện có thật không bác? Không thật, thì tác giả viết về ba bác cũng hay mà có thật, thì càng hay, càng kỷ niệm. Cám ơn bác.

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
-------
Ơ chứ lại chả đúng, có điều "tên nhân vật có thể đã thay đổi"...