Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

THỬ ĐỌC VỊ VĂN CÔNG HÙNG

Vẫn thế, thi sĩ Vân Đình Hùng luôn bấn loạn với chữ, ông đắm đuối và si mê, thần thánh và tỉa tót... với chữ. Nhiều lúc thấy như là ông đang mê trong cơn vô thức. Hehe nói thế bởi mình đọc cái còm của ông xong thấy ông... xuyên tạc thơ mình ghê quá.
Có vài bạn khi đọc BÀI NÀY đã bảo là... tắc tị quá, thì đây, xin mời:
-------------------









VÔ TRI

Văn Công Hùng
                 
Con hạc đêm
bay về mình hạc
trong ánh trăng hoang dại
lao tìm chân lao
ngọn lúa xanh đến nghẹn đòng
hạc đói

Bông hoa cuối vườn
vươn vào kiêu hãnh
một nhúm trắng
                  
Anh đặt mình vào tay em
những ngón rụt rè run rẩy
                  
cuối trời
cơn bão đi rong...

24/4/2007

THỬ ĐỌC VỊ VĂN CÔNG HÙNG
(Ngủ trưa dậy thấy tin nhắn của bác VĐH, "check mail đi", và: "Đọc coment của bác CUA RẬN mới quyết định bỏ cái kết nước ốc nhàn nhạt. Nó phải thế này mới oách xà lách!
Nếu được thì thay luôn entry thì tốt vì vừa mới lên hãy còn ít người đọc. Hì hì ... lại hì hì"...
Đây là bản mới ấy:
------------------

Chữ thơ như thách đố. Con chữ bâng quơ rơi ra, mảnh giấy hứng lấy, hứng chịu những cơn quẫy đạp, những tốc độ đến… nghẹn đòng! Hạc đói.

Đấy là lối viết tung tẩy, cảm xúc tự nhiên như nhiên không giải thích, không chứng minh không bình luận. Nhưng chờ cơn bão đi rồi. Đi rong - người thơ viết thế. Vệt con chữ vẫn còn hằn lại. Người đọc nhọc nhằn dựng nó dậy như dựng lúa nghẹn đòng sau bão. Bão vừa đi qua. Vuốt từng bông, từng khóm, thậm chí buộc que, che chắn như cố giữ lại bằng được thành quả của ngần ấy ngày cày sâu cuốc bẫm, vun bón, tưới chăm. Nào thì sâu bệnh, nào thì bón thúc, nào thì diệt cỏ, nào thì, nào thì… Đấy là việc của nông phu phải làm sau bão nuôi hy vọng vào vụ mùa này năng suất không cao. Người làm thơ với tư duy bác hai lúa cũng tuần tự nhọc nhằn, làm gì mà hạc chẳng đói. Đói dã họng! Như câu độc miệng của dân Kẻ Chợ.

Có lần dự lễ hô thần nhập tượng trên núi Sóc. Thánh Gióng lẫm liệt như đang bay trên thân ngựa. Ánh đồng linh thiêng, ngựa như ngùn ngụt phả ra như máy bay phản lực. Tôi nhìn thấy cái ngùn ngụt kia qua con hạc đồng ăn đêm lười nhác. Nó trơ trơ cong mỏ chờ những tuần nhang nghi ngút khói. Con hạc đêm! Đôi hạc đêm. Đôi hạc đồng cao lừng lững bày trước hương án phía sau chúng mới là tượng đài. Chân tượng đài là sắc áo vàng nam mô vang vọng. Chữ thơ vận vào thi ảnh này trong tôi khi ngồi gõ những lời này. Tôi giật mình đọc: hạc đói. Ừ nhỉ, chắc là thế sao.

Hoa đã ở cuối vườn thì vươn ra chỉ gặp bờ rào. Thế mà kiêu hãnh với một nhúm nắng. Tay viết mà bụng lại nghĩ mà căm cái làng Vũ Đại. Rặt những bọn, những kẻ, những nòi… Hợm!

Còn câu dưới kế tiếp mà thuận ra thì đổi vị trí chữ mình thành tay thì nó đỡ nghịch nhĩ. Đằng này… lại dzư thế, nên cũng cho qua. Nhưng khi dựng khóm lúa sau bão nó lại tuần tự, thành thử tay trước mình sau, nó mới rung rẩy rụt rè.

Trong một cuộc nhậu chơi với bạn thơ, anh bạn thơ tuổi Tý cứ thao thao khi rượu vào. Lời ra thì đủ thứ nhưng thứ này thì hãi! Hắn dẫn thơ Trần Dần và xưng tụng rằng: Bài thơ ngắn nhất mọi thời đại là bài thơ VỢ CHỒNG, nhõn một chữ: XONG! Đọc lại có ba tiếng: Vợ chồng. Xong! Hãi là phải.
Cái khoảnh khắc trên của người thơ chưa phải là vợ chồng. Nếu không, phải XONG, làm gì còn thời giờ mà đi rong.

Đi rong có hai trạng thái. Một là mỹ mãn, xứng ý toại lòng. Một là vân vi, rụt rè run rẩy mà chưa tới, nói toạc ra là chưa mỹ mãn!. Có lẽ vậy mà lảng. Lảng đi rong cho nguội cho vơi cho bớt cái sự kia tiếc nuối. Giá mà… giá mà. Hỉ! (người Huế hay dùng từ này để hỏi, để đồng cảm).

Lại nói về cái sự bão. Tôi cũng có một anh bạn thơ, trước anh dịch thơ, sau anh làm thơ. Thơ ra vài tập tặng bạn bè. Đầu cuộc nhậu thì khen nhau như gì. Cuối cuộc lại thành ra không khen. Thế là nhà thơ kia tức. Lên cơn. Bởi vậy mới có câu thơ này, mà chúng tôi cứ nói đùa, là mang đánh đổi được thành cổ Nhà Hồ: người ta phải chặt cây cho vừa cơn bão. Tôi đọc nó và giật mình. Những vương triều đi qua, những trận bão đi qua - bão táp cung đình cũng có. Tự dưng tôi sợ cho cái phận cây. Đang tươi cành xanh lá là thế. Thế mà… chỉ cần một chữ vừa. Vâng một chữ vừa thôi. Cũng nhõn một chữ. Tư duy một chữ. Hãi! Lại hãi.

Cơn bão của Văn Tiên sinh không cần sự vừa, nó chỉ đi rong. Rong như hát rong suốt đời.

Ngày 15/12/2011_Vân Đình Hùng





14 nhận xét:

CUA RẬN nói...

Bác Vân Đình Hùng nối ý nối chữ rất hay.
Dưng mà nhà em vẫn thích để như của bác Văn Công Hùng hơn. Chênh chao... vô tri... nhưng gợi... Để vậy thì bác Vân Đình Hùng mới ra được cái câu nối ý như trên.
Em dân ngoại đạo nên hóng hớt tý các bác thông cảm. Nhờ có bác Vân Đình Hùng mà hiểu đầy đủ được bài "Vô tri". Trước đấy chỉ thấy hay mà không thể lý giải vì sao mà hay. Cảm ơn hai bác!

Bimbim nói...

Hai bác có tên gần giống nhau làm em suýt nhầm. Loại bỏ thành phần giống nhau là Hùng (hai bác đều hùng cả) thì em phân biệt như sau:
* Bác Vân Đình kiến thức bao trùm từ nơi Thánh Gióng sinh ra cho tới nơi ngài về vui thú điền viên. Bác Vân Đình mô tả bác hai lúa cày cuốc bón phân diệt cỏ diệt sâu tăng năng suất,từ kẻ chợ tới chốn linh thiêng hạc chầu tượng tọa,từ hô thần nhập tượng đến tụng niệm nam mô, từ vợ chồng Chí làng Vũ Đại cho đến Vợ chồng Trần Dần, cho tới Huế, hỉ?
Cuối cùng bác để lại cho hậu thế hai câu thơ triệt tác (nghĩa là với hai câu thơ này thì tác phẩm của bác Văn Công bị triệt hạ).
Cho nên bác Vân Đình xứng đáng được gọi là bác "biết tuốt",có lẽ từ Hán-Việt là hữu tri đa tri gì đó, Hỉ?
* Bác Văn Công thì "Vô tri", nhưng không phải "mít đặc" mà bác làm cho độc giả như em bị mít đặc, hỉ?
Tuy nhiên, mít đặc biết cái hay của Vô tri còn hơn cái gì cũng biết trừ cái hay.Hỉ?

Hậu Khảo cổ nói...

Xin lỗi chủ nhà mình "lạc đề' 1 chút: hôm nay mới đọc được comment của anh bên nhà mình, cám ơn anh nhé :)

Văn Công Hùng nói...

@ Cua Rận:
---------
Bác mà ngoại đạo thì ai "nội đạo" hở bác? Văn xuôi hoành tráng thế ai mà bì kịp hả bác, huhu

Văn Công Hùng nói...

@ bimbim:
--------
Bác Vân Đình Hùng là một một kẻ mang "nòi thi sĩ" với một lối bình thơ rất riêng. Ông lấy cớ thơ để nói ngoài thơ, để cảm nhận cái đẹp. Ông tài hoa nhiều mặt. Và tiếp thu ý kiến Cu Rận, bác ấy đã đổi cái kết. Còn thực ra thơ, ai đọc nấy hiểu thôi, trừ... tác giả, hehe...

Văn Công Hùng nói...

@ Hậu khảo cổ:
----------
Hôm nay là ngày đẹp giời của blog VCH: được Hậu khảo cổ ghé thăm. Phải ghi điều này vào niên biểu để... 5000 năm sau có ai đó tiếp tục khai quật nhé...

Viễn Phương Cao nói...

Văn Công Hùng hay Vân Đình Hùng đều viết rất hay, sâu sắc, thâm thúy mà nếu không đọc kĩ, suy nghĩ kĩ sẽ khó mà hiểu cho tường tận...Hậu bối vô cùng cảm phục và thích thú khi có ý định học hỏi các vị!

lặcdanh nói...

Thơ hay là thơ mà ai đọc cũng khen hay nhưng không hiểu gì cả, ví dụ câu thơ "Lá trúc che ngang mặt chữ điền" của HMT. Cho đến nay nhiều người thơ vẫn cố lý giải hoặc cắt nghĩa hoặc giải mã gì đó vân vân, nhưng càng làm càng tăng thêm sự không hiểu , mà càng không hiểu thì lại càng bảo hay, hay thật...
Có người lại giải thích để khỏi giải thích, rằng thì là nguyên tác nó không phải thế? mà là hoặc phải là...Hóa ra thơ hay rất dễ bị xuyên tạc.huhu

Văn Công Hùng nói...

@ Lặc danh:
--------
Một định nghĩa về thơ hay tuyệt vời, hơ hơ...

Văn Công Hùng nói...

@ Chuyến đò ngang:
----------
Hì hì có gì đâu mà học hỏi?

Hậu khảo cổ nói...

Liều mạng tôm ghé nhà rồng :)) bác ghi lại nhưng nhớ công khai chứ đừng thủ tiêu, khổ con cháu khai quật lại tìm ko thấy ;)))

ptuanha nói...

Sao trước đây không viết là "khóm trúc giữa lối sở đạc điền nhỉ".
Đọc thơ của bác Hùng đau trốc thật

Văn Công Hùng nói...

@ Ptuanha:
----------
Paracetamol nhé.

ptuanha nói...

thực tế thì em không hiểu rõ chân nghĩa của hai câu:
. xanh đến nghẹn đòng
. Trường Sơn xanh vừa dấu hỏi
là như thế nào anh Hùng ạ, tới giờ em vẫn còn lăn tăn mãi