Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

LONG HOẠN LỢN

Cách đây hơn hai chục năm, một ngày mưa tầm tã, có hai người quàng áo mưa lướt thướt đến gõ cửa căn phòng tập thể của tôi. Ngồi vân vi một hồi thì một anh chàng rút từ cạp quần ra một cuốn vở ướt lem nhem, bảo: Em mới ra trường, đang nằm ở nhà khách chờ phân công công tác. Rảnh rỗi chả biết làm gì, em làm... thơ. Hôm qua vô tình em mượn được cuốn Tạp chí Văn Nghệ, biết anh làm ở đây, em mạnh dạn nhờ anh... chỉ bảo. Tôi suýt phì cười vì cái sự lóng ngóng rụt rè và cả cái cách anh ta nhờ tôi... chỉ bảo. Tôi cũng chỉ là kẻ mới ra trường vài năm thì chỉ bảo gì ai.


          Sau khi bài "Hương Đình- lang thang toán và thơ" in trên Văn Nghệ trẻ, rất nhiều người nhắc tôi: Cặp bài trùng sao lại chỉ viết một. Ở Gia Lai quả là nếu bàn đến văn chương, thì đã nhắc đến Hương Đình đương nhiên phải có Phạm Đức Long, và ngược lại. Trong bài viết về Hương Đình, tôi đã kể chuyện ba chúng tôi thành lập một "tổ hợp" để đi... hoạn lợn mà Phạm Đức Long là nhân vật chính. Mà thực thì chúng tôi không chỉ có hoạn lợn mà còn làm nhiều việc khác để có tiền ngồi bù khú với nhau ở cái thời đang còn độc thân và cả nước ăn độn ấy. 

          Tay này lạ và cũng quái kiệt lắm. Kỹ sư nông nghiệp, đúng nữa là kỹ sư chăn nuôi, hoạn lợn và chữa bệnh gia súc rất giỏi, hiện giờ là chi cục trưởng chi cục phát triển nông thôn Gia Lai, công việc ngập đầu, nhưng cứ hở ra là ngồi viết văn làm thơ. Chả quen biết ai ở Nhà xuất bản, nhưng cứ lặng lẽ gửi ra rồi... chờ. Thế mà đến nay đã in đến 10 đầu sách, trong đó 6, 7 đầu là các Nhà xuất bản in bao cấp cho, tức in xong còn có nhuận bút chứ không phải móc hầu bao in sách như nhiều người khác. Năm nay anh lại có 2 tập truyện ngắn mới in ở NXB Kim Đồng và Văn hóa dân tộc, cũng không mất tiền mà còn được mấy triệu nhuận bút, anh đặt mua sách hết để tặng. Tôi vừa có trong tay cuốn "Nhà văn Việt Nam hiện đại", thấy nhiều nhà văn hội viên cũng mới chỉ có vài ba đầu sách. Thế mà một tay mơ, viết văn theo kiểu thích thì viết chứ chả tuyên ngôn cũng như đặt kế hoạch gì, in đến chục đầu sách trong khoảng hơn chục năm trời thì quả là cũng đáng nể. Lại nữa, người ta ra sách, dẫu là lấy tiền vợ để in, thì cũng rùm beng rửa sách, ra mắt, nâng lên đặt xuống ầm ĩ. Đằng này chả thấy động tĩnh gì, tặng sách thì cũng thật rụt rè, gói hai ba lần giấy báo, mang đến đưa rồi rút nhanh. Tôi vừa cùng anh và một số nhà văn nhà báo đi đến mấy đồn biên phòng ở Gia Lai, chả ông nào nhớ mang sách tặng chiến sĩ, trừ anh. Mà cũng không ai trong đoàn biết, chỉ hôm tôi vô tình nghe anh chính trị viên báo với anh đồn trưởng rằng có anh Phạm Đức Long tặng đồn cuốn sách, tôi mới mò tới tủ sách của đồn, thấy tập truyện ngắn "Nài voi", mới in tháng 12 này nằm trang trọng ở đấy. 

          Cách đây hơn hai chục năm, một ngày mưa tầm tã, có hai người quàng áo mưa lướt thướt đến gõ cửa căn phòng tập thể của tôi. Ngồi vân vi một hồi thì một anh chàng rút từ cạp quần ra một cuốn vở ướt lem nhem, bảo: Em mới ra trường, đang nằm ở nhà khách chờ phân công công tác. Rảnh rỗi chả biết làm gì, em làm... thơ. Hôm qua vô tình em mượn được cuốn Tạp chí Văn Nghệ, biết anh làm ở đây, em mạnh dạn nhờ anh... chỉ bảo. Tôi suýt phì cười vì cái sự lóng ngóng rụt rè và cả cái cách anh ta nhờ tôi... chỉ bảo. Tôi cũng chỉ là kẻ mới ra trường vài năm thì chỉ bảo gì ai. Nghĩ thế nhưng mà tôi mừng lắm, có người để chia sẻ rồi. Tôi giữ hai người lại uống rượu nhưng họ nằng nặc đòi về. Đòi về không phải là bận rộn gì, mà vì ngại, sau này Long kể thế. Về thì tôi... uống một mình để tự sướng. Chứ không ư? Có thêm một kẻ mê văn chương ở cái xứ này mình sẽ đỡ lẻ loi đi. Hồi ấy Gia Lai còn hoang vu, người lo kiếm ăn là chủ yếu chứ thời giờ đâu mà thơ với thẩn. Người ta nhìn mấy người làm thơ như nhìn kẻ dở hơi. Thì bây giờ có thêm một kẻ dở hơi đồng bệnh rồi. Quả thực thì cả cái tập thơ chép tay làm hộc tốc trong hơn một tuần ấy nó nhiều khẩu hiệu, nhiều từ to tát, nhiều sáo ngữ lắm. Đại loại là Tây Nguyên hùng vĩ, đất nước tươi đẹp, nhân dân anh hùng... Tây Nguyên thì dứt khoát phải có anh hùng Núp, có kơ nia, có Chư Pông (Thực ra thì không có Chư Pông nhưng vì có một nhà văn đã viết một truyện "Người anh hùng dưới chân núi Chư Pông" từ thời chiến tranh, thế là sau này người ta cứ Chư Pông là... Tây Nguyên)... Nhưng bằng một linh cảm nào đấy mà tôi thấy tay này viết được. Tôi chọn một bài ít... ngợi ca hô khẩu hiệu nhất, bài "cô giáo Tây Nguyên", sửa một số câu, đoạn, xong in ở số Tạp chí mới nhất mà tôi đang làm. Thế là từ đấy y viết như bổ củi, đau đáu, xót xa, da diết. Người hiền khô thật thà, tẩm ngẩm tầm ngầm thế mà một hôm y bảo: Cứ thấy đám cưới là em lại buồn não ruột bác ạ, cứ như là mình vừa mất một cái gì? Ơ, bỏ mẹ, thế thì là thi nhân thứ thiệt rồi. Cũng có nhiều người có cảm giác này, nhưng Long thì tôi ngạc nhiên. Trước hết là trông lão này rất nông dân chân chất, thứ hai là cái cách lão đau khổ, lão buồn nó rất thật thà chứ không làm vẻ làm cảnh. Cơ khổ, mà nào y có dám tơ tưởng gì đâu, chỉ là cứ buồn thăm thẳm thế. Long có rất nhiều thơ viết về.... đám cưới, nhưng là đám cưới người ta. Tập thơ đầu tiên của Phạm Đức Long là tập "Khoảng trời lá thông" có những câu đứt ruột: "Khoảng trời lá thông bạn tôi cũng đói nghèo/ thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ thương nhau giữ tròn lẽ sống/ giữa trắng đen hư thực thăng trầm". Thơ Long dù viết về nỗi đau niềm khổ nhất vẫn thấm đẫm tình người, vẫn da diết với cái đẹp. Đây là viết về Chí Phèo Thị Nở: "Ôi cuộc đời đói no cho được thế/ Bát cháo hành thơm mãi giữa lòng nhau"... Long cùng với Hương Đình, người là giáo viên toán, kẻ là kỹ sư chăn nuôi, thành cặp bài trùng cả trong văn chương lẫn ngoài đời. Tuy thế, phong cách viết thì hoàn toàn khác nhau. Hương Đình tài hoa bóng bẩy điệu nghệ, Phạm Đức Long giản dị sâu lắng thật thà. Điều lạ là ban đầu cả hai cùng làm thơ, đến khi viết truyện thì cả hai lại cùng viết, nhưng vẫn làm thơ, vẫn coi thơ là cái đích. Ra trường cùng năm, làm ở hai sở khác nhau nhưng hoan lộ cũng như nhau. Tên này lên trưởng phòng thì tên kia cũng lên. Hương Đình lên phó giám đốc sở thì Long làm chi cục trưởng, quân đông như quân Nguyên và về nguyên tắc thì bé hơn phó giám đốc sở nhưng thực tế thì... chưa chắc. 

          Thì đang làm thơ ngon trớn như thế, một hôm gã lại chìa ra một xấp giấy viết tay chữ mực tím ngoằn nghoèo như giun. Trời ạ, hai chục cái truyện ngắn cho thiếu nhi. Thì ra thằng con trai đầu trước khi đi ngủ đều bắt bố kể một câu chuyện cổ tích. Long sinh ra ở một làng quê nghèo Quỳnh Lưu Nghệ An, nhưng lại đầy chất cổ tích. Hắn biết nhiều, thuộc nhiều, nhưng kể mãi cũng hết. Thế là hắn sáng tác ra kể cho con. Tối kể cho con ngủ xong, hắn ngồi dậy ghi lại những điều vừa kể. cứ thế rồi nhặt nhạnh gom góp, hắn gửi cho Nhà xuất bản Kim Đồng, là cứ gửi hú họa thế chứ có quen, có biết ai, thế mà rồi được in. Tập "Ẩn sĩ cóc" và "Sơn ca của núi rừng" được in. Thế là hắn chuyển sang văn xuôi. Cũng nói luôn, cái thằng con trai rất mê truyện cổ tích, mỗi đêm đi ngủ đều bắt bố kể một câu chuyện ấy, sau này học rất giỏi, đặc biệt là các môn tự nhiên, từng đi thi olempic tin học quốc gia và được giải. Có sự liên hệ nào chăng? Cái nền tảng văn hóa xứ Nghệ cộng với những điều hắn quan sát, học hỏi trong những ngày lăn lộn với đời sống đồng bào Tây Nguyên với tư cách một cán bộ nông nghiệp mẫn cán giúp Long có một cái nhìn khá thấu đáo về đời sống Tây Nguyên đương đại, phát hiện và lý giải được những điều bí ẩn ở chiều sâu tâm hồn tưởng như giản đơn của người Tây Nguyên. Anh có một sự am hiểu khá sâu về phong tục tập quán cũng như cách sống, ứng xử của người Tây Nguyên hôm nay thông qua sự tự học hỏi. Cũng như xã hội người Kinh, người Tây Nguyên cũng sống bằng nông nghiệp, tất nhiên là nền văn minh nương rẫy này khác xa với nền văn minh lúa nước của người Kinh. Tìm ra sự khác nhau ấy để lý giải vấn đề hòa nhập, tiệm cận lẫn nhau, sự giao thoa, tìm ra bản chất đời sống như nó vốn có là một sự lao động nghiêm túc. Khác với thơ có thể thăng hoa từ những cảm xúc bất chợt, văn xuôi đòi hỏi sự dấn thân kỹ càng hơn. Tập truyện ngắn "Chuyện ở làng ma lai" mà nhà Kim Đồng mới in là một tập đặc sệt Tây Nguyên. Viết với một sự am hiểu Tây Nguyên sâu sắc bây giờ không có nhiều người lắm đâu. Có nhiều người còn viết sai, gán cho Tây Nguyên những điều không có, hoặc do tác giả... nghĩ ra. Phạm Đức Long tránh được điều ấy, tuy vẫn còn những sự hời hợt, vẫn còn nhiều chỗ chưa hết mình, chưa dấn đến tận cùng. Nhưng anh khôn hơn những người khác là những gì không biết thì... lơ đi, miêu tả thoảng qua chứ không xông vào tán như người khác... 

          Đã sống ở Tây Nguyên những ngày khó khó khăn nhất, đã từng làm đủ nghề để sống và viết ngoài nghề chính là công chức mà ở bài về Hương Đình tôi đã kể như đi... hoạn lợn, chữa bệnh cho chó, nuôi gà, chim cút..., Phạm Đức Long giờ đã có thể tạm gọi là ổn định để sáng tác. Nhưng phải nói thật là anh vẫn có chất lãng tử của một người viết nghiệp dư mặc dù đã có đến chục đầu sách. Cái thói lãng tử ấy nó tạo cho anh không bị câu thúc, không bị gò bó, không bị mặc định vào một cái vỏ danh tiếng nào. Nhưng nó cũng khiến con người dễ sinh lười, không quyết liệt đến tận cùng. Mà trong văn chương, cái sự dấn lên một tí nó quan trọng lắm. Nhiều khi chỉ cần lao tâm khổ tứ thêm một chút, lật đi lật lại vấn đề thêm một chút là lại nẩy ra thêm một điều gì đó, nó mở ra một bình diện khác, tầm tư tưởng được nâng lên, hoặc đơn giản là tìm ra được một từ, một chữ lấp lánh hơn, ảo diệu hơn. 

          Khi tôi viết những dòng này thì Phạm Đức Long đang ở dưới các làng dân tộc để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, điện thoại ngoài vùng phủ sóng. Ở giữa bà con dân làng, trông anh cũng chả khác họ là bao. Chỉ khác là anh có cái laptop, tối, trong một góc nhà rông nào đó, anh lại lụi gụi ghi ghi chép chép, lưu lại các suy nghĩ, sự kiện trong ngày. Những tác phẩm ra đời từ những chuyến đi như thế, nó thấm đẫm hơi thở đời sống và ngồn ngộn chi tiết cuộc đời. Có điều cứ ước ao, giá Long đầu tư kỹ hơn nữa, trau chuốt hơn nữa thì dư ba tác phẩm của anh sẽ tỏa rộng hơn. 

          Nghe nói trong cái laptop suốt ngày quàng ở vai kia, Phạm Đức Long đang còn mấy cuốn sách nữa. Quả là một sức làm việc đáng nể trong khi anh vẫn nhận mình là người ngoại đạo nhưng nặng nợ với văn chương...

2 nhận xét:

Đoàn nam Sinh nói...

Bác VCH viết về bạn tha thiết vậy, có khen có mong rằng, như vậy là có thêm một ông hoạn lợn có thể cầm bút nói về cổ tích cũng như văn hóa đồng bào.
Mình nhậu với lão mấy lần say, chưa một lần nghe lão đòi đọc cho nghe thơ choa, đúng là không thấy tật lớn hơn tài.
Uống thì nhỏ nhẽ từng ngụm, im im chẳng tranh phát biểu với ai, thấm rượu lại nhỏ nhẻ xin chén nữa rùi viền.
Lần sau gặp chắc sẽ xin lão mấy tác phẩm để nghiền xem VCH viết thế nào.

Phạm Đức Long nói...

Cảm ơn bác văn Công Hùng và bác Đoàn Nam Sinh đã có nhận xét tốt. Thật ra trước các đại ca thì phải rụt rè thôi! Chẳng phải khiêm tốn gì!