Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

KHÔNG THỂ LẠC QUAN

Mình định viết một bài về ông nghị rau muống và nền "học đại" Việt ta hôm nay, nhưng lên quán cà phê tranh thủ online thấy chú ma xó Mai Thanh Hải đưa mấy cái ảnh rùng rợn quá. Chao ơi, chúng ta cứ lo nào đường sắt cao tốc, nào điện hạt nhân, nào đào tạo mấy chục vạn tiến sĩ (ông nghị rau muống và ông nghị Ai Quy hình như cũng trên đại học cả đấy), nào quy hoạch thủ đô to và dài nhất thế giới vân vân mà quên những điều nhỏ nhặt đau đớn đến như thế này ư. Mình có cảm giác không phải quên mà là sự bất lực đến vô nhân đạo...
-----------------



XIN CÁC ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG, NGƯỜI SAPA - LÀO CAI!..

Các cháu bé người Mông ngồi bệt ăn xin, ngủ gật giữa trời mưa, trước cửa Công an Thị trấn Sa Pa (Lào Cai)
Mai Thanh Hải Blog - Mình đã sững sờ khi chứng kiến cảnh những em bé người Mông từ mấy tháng tuổi cho đến 5-10 tuổi vác rá, mang mũ ngồi bệt ven những con đường Thị trấn Du lịch Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), có nhiều khách du lịch ngang qua, để ăn xin. Đợt trước, cách vài tháng mình công tác Lai Châu và có rẽ qua Sa Pa, nhưng chỉ thấy các em lẵng nhẵng "mai phục", "bao vây" du khách, nài nỉ bán vòng tay, mũ đội đầu lưu niệm, như đã diễn ra bao năm nay. Vậy mà trước năm học này, các em lại...
Ven đường cạnh Nhà thờ đá Sa Pa, đoạn lên Khu Du lịch Hàm Rồng

Không chỉ ngồi bệt, chìa tay, mũ, rá xin tiền ở ven đường, các em còn chịu khó leo lên tận Cổng Trời, Sân Mây trên Khu Sinh thái Hàm Rồng, đứng bên lèn đá, co ro dưới mưa lạnh, ngáp mây, đợi du khách đến gần, thò đầu ra xin tiền, khiến không ít người giật thót, suýt ngã...

Rời Sa Pa về Hà Nội, mình đã tìm đọc nhiều, hỏi nhiều và hết thảy đều nhận được câu trả lời: "Chưa sách vở nào viết, chưa nghe người nào kể đến chuyện này", "Trong Lịch sử và phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc miền núi Việt Nam, không có dân tộc nào có nét sinh hoạt... xin ăn"...

Miền núi khó khăn, vất vả nhưng người dân, bao năm qua bám vào nương rẫy, núi rừng để ít nhất, mất mùa ngô lúa, cũng còn khóm măng, củ mài, quả dứa chặt, đào trong rừng, về ăn cầm hơi qua ngày;
Chờ đợi vận may, mặc cho trời mưa to

Đồng bào dân tộc, từ bao năm nay cũng còn giữ nguyên thói quen tương trợ, giúp đỡ, "tối lửa tắt đèn" có nhau (ở địa bàn rừng núi, nhà cửa thưa thớt, có khi mỗi nhà 1 ngọn núi, không lửa đèn cùng nhau, sống sao nổi trước thiên nhiên, thú dữ và sự cô độc; đó là chưa kể đến việc các gia đình trong bản, phần lớn đều có quan hệ huyết thống và việc giúp nhau trong cuộc sống hàng ngày là lẽ đương nhiên)...

Mình cứ lẩn mẩn: Ngày 8/11/1946, Bộ đội ta đánh tan Quân Quốc Dân đảng, giải phóng Sa Pa lần thứ nhất; ngày 3/11/1950, ta giải phóng Sa Pa lần 2 và từ đó, chính thức Sa Pa nằm dưới sự quản lý của những người Cộng sản... Vậy mà hơn 60 năm sau ngày giải phóng, những em bé người dân tộc Mông, có lẽ lần đầu tiên trong sự phát triển của tộc người, từ cuối Thời kỳ Băng hà, đã vác rá ra ngồi ven đường xin ăn - Hình ảnh mà ngay ở những vùng, có "truyền thống ăn xin", ở nhiều phố - chợ, tại các huyện - tỉnh miền xuôi, cũng bị xóa bỏ, từ rất lâu, hàng mấy chục năm nay...
Đứa mũ, đứa rổ và đứa... đổi chỗ

Chứng kiến cảnh các em xin ăn du khách trong và ngoài nước, từ mọi nơi đến ngắm cảnh, trải nghiệm Sa Pa - Vùng Du lịch của Việt Nam, nổi tiếng trên toàn thế giới, mình thực sự xấu hổ. Càng xấu hổ hơn nữa, khi hỏi chuyện "Sao chính quyền không ngăn chặn tình trạng này?", những người dân Sa Pa bán hàng chỉ tay lên những chiếc loa phóng thanh, treo đầy Thị trấn, thi thoảng lại dõng dạc phát đi cái gọi là "Những điều du khách đến Sa Pa cần chú ý", trong đó có câu: "Du khách không cho tiền các cháu bé, để tạo điều kiện cho các cháu cắp sách đến trường"... và bảo mình: "Họ ngăn chặn đấy!".

Ở Trung tâm Thị trấn Sa Pa, ngay giữa Vườn hoa Trung tâm, người ta dựng 1 tấm bia đá to đùng, trên đó có chép lại nguyên văn "Thư Bác Hồ gửi các cháu Nhi đồng Sa Pa", ngày 19/11/1946.

Trước tấm bia đó, ngay kề Trung tâm Hành chính của huyện Sa Pa, người ta cũng mới dựng 1 tấm pano to đùng, xanh đỏ sặc sỡ rất bắt mắt với khẩu hiệu: "Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Sa Pa quyết tâm thực hiện tốt cuộc Vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Phía trên dòng chữ, Cờ Đảng và cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay; Bác Hồ râu tóc bạc phơ, hiền từ nhìn các em bé...
Thư Bác Hồ gửi các cháu Nhi đồng Sa Pa


Lẩn mẩn: Chả mấy huyện trong cả nước, được như Sa Pa, bởi có Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng Khóa XI, tên Hầu A Lềnh đã giữ chức Bí thư Huyện ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, từ cách đây mấy năm, vẫn đang độ "tuổi trẻ - tài cao", chưa đến 40 và hình như Bí thư Lềnh cũng người Mông ta?..

Cứ lẩn mẩn: Các dân tộc trên toàn quốc đang "ghen tỵ" với người Mông, bởi người Mông có chính khách Giàng Seo Phử, mang dòng máu người Mông và sinh ra lớn lên ở ngay Bắc Hà, Lào Cai, hiện là Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Bộ trưởng Phử người Mông đã từng trải qua các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và là Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII...

Và lại lẩn mẩn: Tân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (Bộ quyền thế và to nhất các Bộ) Bùi Quang Vinh khóa 2011-2016, cũng là Ủy viên BCH Trung ương Đảng và cũng gắn bó với Lào Cai hơn 35 năm, mới chân ướt chân ráo rời "mảnh đất người Mông" từ ghế Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai...
Quyết tâm học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác

Mình biết: Học tập Bác khó lắm; học tập Bác tình yêu thương đồng bào còn khó hơn. Thế nhưng, xin các Ủy viên Trung ương người Lào Cai, hãy cố học Bác một lần thôi: Hãy thương những cháu bé người Mông đang xin ăn ven đường phố du lịch Sa Pa, ngay trước mắt bàn dân thiên hạ, khách trong và ngoài nước; để các cháu được yên tâm đi học chăm ngoan, như Bác Hồ đã dặn từ gần 60 năm trước; giúp các cháu không phải lo cơm áo gạo tiền, khi chỉ vài ba tuổi... Quan trọng nhất, là để một dân tộc lớn như dân tộc Mông, giữ được bản sắc, phong tục truyền thống và cùng đoàn kết dưới mái nhà Việt Nam, theo câu nói quen thuộc "54 dân tộc anh em quây quần!".
--------------------------------------------------------------------

HÌNH ẢNH MỘT SỐ CHÁU BÉ NGƯỜI MÔNG, ĂN XIN TRÊN ĐƯỜNG PHỐ SAPA

Ven đường cạnh Nhà thờ đá Sa Pa


Em bé này mới 5 tuổi
2 chị em và 1 bạn, trước cửa Trụ sở Công an Thị trấn Sa Pa


Ngồi sau xe hơi đắt tiền, cũng không che khỏi ướt mưa


Em ngủ, chị ngủ và... bạn hàng xóm cũng ngủ

Công trình đá đặt tấm bia ghi thư Bác Hồ gửi Nhi đồng Sa Pa




Nội dung Thư

Pano áp phích cách đó không xa

----------------------

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đây là điều không bao giờ có ở thiên đường CNXH

ảo vọng nói...

Đây không phải là không biết hay bất lực gì, bởi giải pháp cho vấn nạn này hoàn toàn nằm trong lòng bàn tay các cơ quan chức năng lẫn thiện tâm xã hội. Vấn đề ở chỗ họ sa đà vào tư duy ngộ nhận "ai - qui đỉnh cao" của mình, hoặc là họ quá vô cảm mà thôi. Hoặc cả hai !

Cựu bộ đội Trường sơn nói...

Vậy mà hơn 60 năm sau ngày giải phóng, những em bé người dân tộc Mông, có lẽ lần đầu tiên trong sự phát triển của tộc người, từ cuối Thời kỳ Băng hà, đã vác rá ra ngồi ven đường xin ăn - Hình ảnh mà ngay ở những vùng, có "truyền thống ăn xin", ở nhiều phố - chợ, tại các huyện - tỉnh miền xuôi, cũng bị xóa bỏ, từ rất lâu, hàng mấy chục năm nay...
Đau đến mức này ư?

Yêu đảng nói...

Quán triệt:
Có sách mới áo hoa này nhờ công ơn ...đảng ta,vui tung tăng vang ca có đảng cuộc đời nở hoa .

Dong nói...

Đảng và nhà nước chỉ "lo" vĩ mô thôi, còn chuyện đôi ba đứa ăn mày lặt vặt xin đừng quấy rầy.

lặc danh nói...

Các bác không cần phải no cho dân, mọi việc đã có đảng và chính phủ no rồi. Chỉ cần một bữa nhậu của các vị có tầm vĩ mô là giải quyết được ngay thôi mà,chuyện vặt...

quan lang nói...

May mà các cháu còn gần chợ để đội mưa xin ăn. Mình nhớ đoạn lên dốc cao trước khi vào Sa pa có những người Mông bán táo mèo, công đan giỏ đựng đã quá số tiền bán cả táo, nhưng chẳng ai quan tâm đến họ thì phải.
Âu cũng do số phận họ trót sinh ra làm người thiểu số.

Nặc danh nói...

Một anh cán bộ quân đội bất ngờ đến thăm các chú lính tiểu đội bộ binh, đến nơi thấy các chú đói quá, đào củ mài lên ăn. Giọng ngọng ngụi, ông ta nói: Tôi rất no khi các đồng chí đói. Các đồng chí đói, tôi rất no.