Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2020

CHUYỆN LƯỠI BÚA NGƯỢC



          NHÀ RÔNG MỘT THUỞ. 

          Loài người khi bắt đầu có ý thức xây dựng nhà ở, thì bắt đầu lập làng. Nhiều ngôi nhà của một cộng đồng trong một khu vực chung gọi là làng. Tất nhiên đấy mới là ý nghĩa cơ học. Để gắn kết với nhau còn rất nhiều yếu tố tinh thần, tâm linh để làng thành một khối thống nhất, đến mức mà người Việt có câu "Phép vua thua lệ làng". Một trong những yếu tố quan trọng của làng, cả về vật chất và tâm linh, là đình làng của người Kinh và nhà rông của người Tây Nguyên.

          Bây giờ nhà rông chỉ còn ở vùng người các dân tộc phía Bắc Tây Nguyên, đậm đặc nhất là ở người Jẻ Triêng, người Sê Đăng, K'tu, Bahnar, càng về phía Nam có vẻ như nhà rông càng thoái hóa, nó được thay bằng nhà dài, dù về tính chất nó khá khác nhau, nhà dài là của gia đình, của cá nhân, nhà rông là của làng. Có nhà nghiên cứu giải thích rằng, có thể ngày xưa tất cả các dân tộc sống trên dải Trường Sơn Tây Nguyên đều có nhà rông, nhưng rồi vì nhiều lý do, nó mất dần để rồi chỉ còn ở các làng cư dân Bắc Tây Nguyên. 

          Nhà rông chỉ gắn với làng. Mỗi làng có một nhà rông, một vài làng có 2 nhà rông, nhà rông đực và nhà rông cái. Đực dành cho đàn ông và cái dành cho phụ nữ. Làng càng hùng mạnh thì nhà rông càng lớn. Nó không chỉ là yếu tố vật chất mà còn mang yếu tố tinh thần, yếu tố tâm linh rất lớn, rất quan trọng đối với làng. 

          Không phải ai cũng biết làm nhà rông. Người các dân tộc Tây Nguyên không có các "hiệp thợ" chuyên nghiệp như người Việt, nên yếu tố chuyên nghiệp hoàn toàn không có. Trong đời, ai được tham gia làm vài ba nhà rông là đã may mắn lắm. 

          Già làng là người quyết định việc làm nhà rông. Sau đấy thì có một "nghệ nhân" lĩnh nhiệm vụ chỉ huy. Tất cả mọi thành viên của làng đều phải tham gia, mà việc đầu tiên là vào rừng lấy gỗ, tranh. Có những ngôi nhà rông đến mấy chục cây cột bằng gỗ trắc khổng lồ, vài ba người ôm không khít vòng. 

          Toàn bộ nhà rông chỉ được làm bằng... ước lượng. Không thước tấc, không cưa bào đục. Chỉ có rìu và rựa. Không đinh, thép, xi măng, bù loong đinh ốc vân vân. Và chúng ta đã biết, nhà rông luôn làm ở giữa làng, ở vị trí cao nhất. Mà làng Tây Nguyên thì lại luôn ở trên cao. Thế mà nhà rông được ví như sự trường tồn, sức mạnh của buôn làng. Nó cao vút như lưỡi rìu lộn ngược tạc vào trời xanh, và nó chứa trong lòng nó hàng trăm người lên xuống sinh hoạt hàng ngày. 

          Nhà rông một thời trở thành biểu tượng của Tây Nguyên. Các kiến trúc sư thừa nhận, những người làm nhà rông đã đạt đến tỉ lệ vàng trong kiến trúc, giữa chiều cao, rộng, ngang, giữa thẳng và cong, hiên ngang và trữ tình. Và vì thế mà nó chịu được gió bão. Cái dáng vút cao nhưng lại mềm mại cong của nhà rông khiến nó hóa giải hết những cơn gió quanh năm gầm rú... 

          Bây giờ, nhà rông truyền thống trở thành của hiếm. 

          NHÀ RÔNG VĂN HÓA 

          Một thời, ngành văn hóa có sáng kiến biến các nhà rông thành các thiết chế văn hóa, gọi là nhà rông văn hóa.

          Và việc xây dựng nhà rông văn hóa trên Tây Nguyên trở thành một chủ trương lớn, được cấp rất nhiều kinh phí để thực hiện.

          Trên hai chục năm trước, một ngôi nhà rông văn hóa thường được cấp khoảng hai trăm triệu, hồi ấy là rất lớn. Một trăm là cái nhà rông, một trăm triệu còn lại là cái ruột, là để phục vụ cái nhà rông hoạt động, gồm loa đài máy nổ đầu chiếu video...

          Nhưng chỉ hơn chục năm, các nhà rông văn hóa... chết yểu.

          Sai lầm lớn nhất là việc "mỗi xã một nhà rông", và các nhà rông đa phần là làm ở trụ sở xã, bởi như đã nói, người Tây Nguyên chỉ cư trú theo làng. Làng là một khu vực dân cư khép kín, dù sau này khái niệm làng có giãn ra nhưng nó cũng không thể ngay lập tức như người Việt khi thoát ra khỏi lũy tre.

          Thứ hai là cái mô hình nhà rông ấy nó xa lạ với buôn làng khi ấy đương toàn nhà sàn lúp xúp rất đẹp thoai thoải trên sườn đồi. Nó lợp tôn đỏ, nó bê tông... hết sức xa lạ với buôn làng.

          Thứ 3, quan trọng là, nó không mang yếu tố tâm linh của làng. Mỗi nhà rông truyền thống đều có chỗ để cất những vật thiêng. Thiêng với làng thôi, chứ chúng ta có khi lại thấy nó thường, như bộ răng heo, hòn đá, con rựa vân vân. Nó được trang trọng treo đâu đấy trong nhà rông. Và làng hết sức tôn kính nó.

          Thêm nữa, nó không thể hợp với sinh hoạt của dân làng. Nó không có bếp lửa, sàn kín nên rất mất vệ sinh, không thể để các ghè rượu, không có chỗ... nhổ khi bà con hút thuốc rất nặng. Sàn nhà rông truyền thống hoặc là bằng le, hoặc ván... thì đều có kẽ hở.

          Rồi với bộ "thiết chế" cồng kềnh thế thì ai sẽ nuôi nó, những là tiền xăng chạy máy nổ, tiền thuê băng vân vân và vân vân...

          Trong một hội thảo khá lớn và công phu về nhà rông thời ấy ở tỉnh Kon Tum, bác sĩ Sô Lây Tăng, một trí thức người Jẻ, khi ấy là bí thư tỉnh ủy, đã kết luận, không chi thiết kế phí cho nhà rông. Tức là ông yêu cầu trả nhà rông truyền thống về cho dân làng, nhà nước chỉ ra chủ trương, chứ không trực tiếp. Nhà người ta làm hàng trăm năm nay, giờ anh làm dự án, rồi thiết kế phí, rồi giám sát, thi công búa xua cả lên, trong khi dân làng thì... ngồi nhìn.

          Thế nhưng khi ấy thì nhà rông văn hóa đã lan tràn ở khắp Tây Nguyên rồi, không chỉ ở nông thôn, nó ngự ở cả thành phố, ra cả Hà Nội. Năm nào đấy, tỉnh Gia Lai tặng Hà Nội một cái nhà rông to vật ở công viên Lê Nin. Chả hiểu sao, chắc do không hợp thông thổ, nó bèn... cháy. Cháy không chữa được. Nhà rông văn hóa lúc này không chỉ còn độc quyền là dự án của Bộ Văn hóa nữa, nó còn là quà tặng của các địa phương. Cũng Hà Nội sau đấy tặng lại Gia Lai một cái nhà rông khổng lồ ở xã Gào, thành phố Pleiku. Rồi nó do các dự án đền bù giải tỏa, các khu định canh định cư mới vân vân. Đa phần là... chết yểu, chả ai lên, chả ai dùng, vì nó không phải của người Tây Nguyên, ở tất cả mọi nhẽ...

          VÀ NHÀ RÔNG Ở HÀ TÂY 

          Chả hiểu sao ở Gia Lai lại có 2 cái xã hết sức sâu và xa mang 2 cái tên Hà Đông và Hà Tây. Cũng như đã từng có một chiến khu mang tên "Dân chủ" giữa rừng già K'bang một thời. Và ngay ở thành phố Pleiku cũng có những địa danh như phường Hoa Lư, Yên Đỗ vân vân... Ngày xưa từ Pleiku vào hai xã này phải mất 2 ngày. Nguyên nó là một xã, sau chia ra, Hà Đông thì của huyện Đăk Đoa, Hà Tây của Chư Păh. Nghe nói đi công tác vào đây là... sốt rét, là xác định ăn cơm khỉ. 

          Giờ có đường nhựa vào tận làng. Chiều hôm kia, tôi chạy ô tô từ Pleiku vào Hà Tây hết 1 tiếng. Nó chỉ còn khoảng 60 cây số. 

          Tôi không đi được hết 9 làng của xã, nhưng tới được 3 ngôi nhà rông rất đẹp, được cho là đẹp nhất Tây Nguyên hiện nay của 3 làng Kon Sơ Lăl, Kon Măh và Kon Băh. 

          Vùng sâu vùng xa, nghèo nhưng lại được cái hay là nó chưa bị sự đô thị hóa làm hỏng đi bản sắc của làng, dù làng giờ cũng đã rất nhiều nhà xây. Và nói thật, những ngôi nhà sàn trong làng nó không chỉ mang bản sắc làng, mà nó vệ sinh hơn nhà trệt xây gạch. Không phải không có lý khi hàng ngàn năm nay người dân Tây Nguyên chỉ ở nhà sàn. Nhưng nhờ những nhà gạch nhà nước làm theo chủ trương 134 này mà có một mối tình rất lạ mà tôi vào để gặp, là anh chàng Hải, người Pleiku, theo thầu vào xây nhà 134 đã phải lòng cô gái Bahnar tên là Oăn ở làng này. Và họ liên tục cho ra đời 5 đứa con trong... 5 năm. Mà chồng thì sinh năm 1986, vợ năm 1985. Thế thôi, tình yêu mà, có kể gì dân tộc tuổi tác, quan trọng là trái tim. Có điều 2 trái tim này... mắn đẻ quá, và lý do tôi vào là một cô bạn tôi ở Hà Nội nhờ tôi mang ít tiền vào cho vợ chồng họ, vì xem trên chương trình "Cặp lá yêu thương" thấy họ khổ quá. 

          Thì xong việc tôi tha thẩn ra ba ngôi làng có ba cái nhà rông "đẹp nhất Tây Nguyên" này ngắm nghía. Nó là công sức của cả dân làng, mỗi người một tay. Tất nhiên là có nhà nước. Nhưng cái nhà rông cũ ấy, toàn gỗ trắc, hoán đổi gỗ ấy thì làm phủ phê rồi (có người gạ mua mỗi cái nhà rông 4 tỉ, có người gạ mua 100 cái xe máy tay ga cho mỗi hộ một cái và xây cho làng cái nhà rông bê tông). Vấn đề là, nó không cần "thiết kế", nó được làm từ những đôi tay, khối óc và trái tim dân làng. Nó đẹp đến không muốn rời đi. Và buổi chiều, khi tôi vào nhà rông thì rất nhiều thanh thiếu niên đang vừa nằm vừa ngồi tránh nắng, xem phim. Nó khác hẳn hàng loạt nhà rông văn hóa khác giờ cứ ngơ ngác trong nắng trong gió Tây Nguyên, và... chờ sập... 

          Cái gì của dân thì nó sẽ mãi trường tồn...

Bài đăng trên báo Cảnh sát toàn cầu, phát hành hôm nay.

Nhà Rông ở làng Kon Slah, Hà Tây.

Ôm thử

Thanh niên đang xem ti vi trong nhà rông

Nhà rông ở khu du lịch Một Thoáng Việt Nam ở Củ Chi


Vẫn ở Củ Chi, hì.

                                                                       
         


2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Búa, nét nghĩa chính của nó là vật dụng dùng để đóng, đập. Rìu, nét nghĩa chính của nó là vật dụng dùng để xâm lấn sâu vào thân gỗ. Muốn thế, phần va chạm của búa phải có bề mặt và dày; phần va chạm của rìu(lưỡi) phải mỏng, sắc, rắn. Hình mái nhà rông như chiếc rìu ngược giữa trời xanh thì sẽ chuẩn hơn "lưỡi búa ngược". Đành rằng, trong dân gian, khái niệm khác nhau giữa búa-rìu có thể chưa tách bạch. Góp lời thế cho vui. Thân ái.

Văn Công Hùng nói...

Vầng cụ, trong bài nó là lưỡi rìu ạ. Cái tít ban đầu nó khác, nó là "chuyện nhà rông", sau đổi thành búa cho nó kinh, hihi, chứ trong bài nó là rìu ạ. Khiếp, cụ tinh quá cơ hihi. Cái rìu nó hơi giống, thậm chí nó chính là, cái búa bổ củi ạ, nhưng búa bổ củi dầy hơn... Còn búa đóng thì gọi là búa đinh. Nhưng ví lưỡi rìu là đúng nhất ạ.