Cú
thưởng thức chiêng đầu tiên của tôi là khoảng cuối tháng 11 năm 1981, tại cái
sân sau của Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum ở đường Trần Hưng Đạo, Pleiku.
Hôm
ấy đội chiêng của một làng nào đấy được phòng văn hóa quần chúng của Ty rước
lên để trình diễn đón khách, một bác lãnh đạo rất to từ Hà Nội vào.
Tôi
lính mới toe từ Huế lên, hồi sinh viên học phần văn học dân gian dân tộc miền
núi rất chán, thấy chả liên can gì đến mình, dù cũng vẫn là Sóng Chụ Son Sao,
Đăm San, Xing Nhã vân vân, nhưng cứ thấy nhàn nhạt, thấy nó xa lắc xa lơ, giờ
thấy chiêng Tây Nguyên hiện hữu ngay trước cửa phòng làm việc kiêm phòng ngủ của
mình thì cũng... bắc ghế ngồi xem.
Và
nói thật, tôi thất vọng. Dù tôi nhớ hôm ấy có bác Trần Độ, có họa sĩ Đặng Thị Khuê
và một số người mà tôi kính nhi viễn chi.
Dẫu
chưa phải nhà tầng kính nhôm sáng choang như bây giờ, chưa xanh đỏ tím vàng như
bây giờ, nhưng tôi thấy đội chiêng và xoang giữa cái sân của Ty văn hóa thông
tin nó cứ lạc lõng thế nào ấy, nó không có sinh khí, không có hồn. Tiếng chiêng
rời rạc bay vút lên trời chứ nó không là đà quyến luyến, những cặp chân ngập ngừng,
những khuôn mặt ngơ ngác. Chưa kể, có lẽ hồi đầu ấy ít những cú xuất hiện nghệ
nhân giữa phố thế này nên khá đông người tò mò rồi bình phẩm về trang phục của
các nghệ nhân, khi ấy nam là khố và chân trần, không có áo, nữ là váy và áo ló.
Nhiều người còn chạy tới lấy tay sờ... mông mấy ông nghệ nhân. Mà thật, mấy
thanh niên mông cứ tròn lẳn, căng đét, so với bọn công chức ốm đói đít lép
chúng tôi trong cái quần ka ki rộng thùng thình, họ là những thiên thần thật...
Sau
đấy mươi hôm thì tôi được xuống làng Stơ, xã Nam, và chứng kiến một cuộc chiêng
thực sự.
Đây
là làng của ông Núp, nhân vật chính trong tiểu thuyết "Đất nước đứng
lên", trong sách nó được mang tên là làng Kông Hoa.
Khỏi
phải nói tôi đã háo hức đến như thế nào?
Hình
như ở đây chiêng nó mới thực sự là chiêng.
Hôm
ấy là một cuộc cơm mới (samok) của người Bahnar ở đây.
Hình
như chiêng chỉ là một phần của cái lễ này, người ta có rất nhiều việc để làm, để
chuẩn bị cho lễ, từ chuẩn bị rượu, nước để đổ rượu, cọc để cột rượu, đến làm cốm,
nấu cơm, đốt gà, đập heo vân vân.
Nhưng
khi chiêng ra thì hình như lễ hội mới bắt đầu.
Tôi
không đủ khả năng để phân biệt chiêng nào với chiêng nào, nhưng biết đây là một
cuộc vui, tất cả mọi người, không trừ ai, kể cả mấy kẻ lạ hoắc chúng tôi, đều
trở thành chủ thể của lễ hội, mọi người đều hòa vào nhau, hòa vào không khí ấy,
không ai là khách không ai là chủ, không ai là diễn viên không ai là khán giả.
Tôi
đã say đắm một ngày một đêm ở đấy, say thì lăn ra ngủ, tỉnh thì thấy mình như một
thành viên của làng, cũng bốc cơm ăn, cũng ôm ghè uống, và cũng nâng bầu tu nước
suối, cũng nhún nhẩy theo đoàn chiêng đi từ nhà này sang nhà khác, nhận những bốc
cơm nhét vào miệng, những ống le hút đầy rượu được chủ nhà trao và cố uống hết.
Tôi
lờ mờ hiểu ra không gian chiêng là thế nào?
Đến tận bây giờ, cũng vẫn có
không nhiều người Tây Nguyên bản địa nói được đúng cái danh hiệu mà UNESCO
phong cho không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên. Phần lớn người ta cứ cho rằng
cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đấy
là cái nhầm rất to, bởi cái mà UNESCO phong cho ấy, nó là của không gian văn
hóa kia, cồng chiêng chỉ là một thành tố trong ấy. Trong không gian ấy có
con người, môi trường, có quá khứ, hiện tại và cả tương lai, có lịch sử, có văn
hóa... nó làm thành một không gian cho cồng chiêng tồn tại và phát triển. Chiêng
là một phần của không gian ấy, tương hỗ nhau, vì nhau mà tồn tại.
Không
gian văn hóa ấy, chính là không gian làng, cụ thể ở đây là làng Tây Nguyên.
Và Tây
nguyên có nhiều dân tộc, từng dân tộc có không gian làng khác nhau. Ví dụ người
Sê Đăng thường chọn vùng núi cao, độc đạo để ở. Những con đường lên làng vô
cùng hiểm trở, nhất là mùa mưa. Có người bảo do người Sê Đăng thiện chiến, bao
giờ họ cũng biến làng của họ thành những pháo đài, đối phương muốn tấn công lên
rất khó. Người Bahnar thì ngược lại, hiền hòa, chọn những khu đất thoải và bằng
lập làng, luôn kề suối hoặc những nơi có nước để làm giọt nước cho làng. Nhà
rông của hai tộc người này cũng rất khác nhau, nhà rông Sê Đăng thì cao vút, uy
dũng tạc vào trời xanh, nhà rông Bahnar thì thấp hơn, hài hòa hơn, nhiều đường
cong hơn, gần gũi con người hơn, như con gà mẹ ấp iu bên lũ gà con là những
ngôi nhà sàn lúp xúp xung quanh. Và trong không gian ấy, chiêng của từng dân tộc
cũng khác nhau.
Không
gian sống, tính cách sống, hoàn cảnh sống vân vân quy định luôn tính chất của
chiêng dân tộc ấy. Bật khỏi không gian ấy, chiêng thành một thứ nhạc cụ trình
diễn. Mà trình diễn thì các nghệ sĩ chuyên nghiệp có khả năng hơn rất nhiều.
Mà thủy
tổ của chiêng, hình như không phải là nhạc cụ.
Ban đầu
có lẽ nó mang chức năng thông tin, như tiếng tù và, tiếng mõ ngày xưa. Tiến lên
bước nữa, nó là của cải. Chúng ta vẫn thường nghe chiêng năm trâu, bảy trâu, thậm
chí đổi bằng voi. Mãi gần đây thì phải, nó mới là... nhạc cụ. Nên có những
thanh niên cải tiến cả dàn chiêng thành chỉ một người chơi, và đánh những bài
hát hiện đại, như “Ca ngợi anh hùng Núp”, “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”...
Một điều
lý thú và đáng... ngạc nhiên nữa, là người Tây nguyên không làm ra chiêng,
nhưng họ đã biến chiêng của người Kinh, người Lào, người Mã Lai... thành của
mình, thành thứ nếu rời Tây Nguyên ra thì chiêng không còn là... chiêng.
Là bởi
người Tây Nguyên có những thợ chỉnh chiêng tuyệt vời. Chiêng mua về, qua tay những
con người tuyệt vời này, chiêng lập tức mang máu huyết Tây Nguyên, tâm hồn Tây
Nguyên.
Rồi người
Tây Nguyên biến không gian sống của mình thành không gian chiêng. Trong không
gian ấy, người Tây nguyên “vô tình” hóa thành nghệ sĩ, những nghệ sĩ từ trong
máu, từ trong chính những cuộc đời thầm lặng có phần bí ẩn của mình. Về làng,
ta thường gặp những người Tây Nguyên bản địa ít nói, ngậm tẩu, ôm ghè rượu, lặng
lẽ suốt ngày. Nhưng khi tiếng chiêng cất lên, họ là những con người khác, những
con người nghệ sĩ hơn tất cả những nghệ sĩ, tất nhiên trong không gian làng của
họ...
Bứng ra
khỏi đấy, chiêng mang một tính chất khác.
Nên tôi
nghi ngờ những Festval chiêng mang lên phố biểu diễn. Nghi ngờ những cuộc
chiêng tưng bừng trên sân khấu xanh đỏ tím vàng kim tuyến, đèn màu và son phấn.
Dù nhờ son phấn, con người đẹp và thơm lên biết bao nhiêu?
Muốn bảo
tồn chiêng, có khi lại phải bắt đầu từ làng.
Ảnh nhà cháu, tất nhiên. |
Vẫn ảnh nhà cháu, tất nhiên. |
2 nhận xét:
+Khoảng năm 1969-1972, khắp miền Nam, cả tây nguyên lẫn miền xuôi, đều yêu mến và thường hát khi có cuộc vui tập thể, bài "Một Mẹ trăm con" của nhạc sĩ Phạm Duy,cộm nhất, nhóm hướng đạo sinh các đô thị. Tôi bái phục năng lực tư duy trừu tượng của cố nhạc sĩ. Đi thực tế rất ít. Yêu, gái gú thì nhiều. Nhưng khi múa bút thì hơn cả người từng trải, từng bương bạt. Ta thử nghe:"Khua chiêng lên/ Đập cồng lên/ Tiếng cồng đánh/ Qua mái tranh/ Qua mái tre/ Vào rừng già( lặp: vào rừng già)* Cho con Hua/ Khỉ già Hua/Cho ma quái/ Cho lũ nai/ Ngơ ngác say/Vì nhạc cồng( lặp: vì nhạc cồng). Nhắc chuyện huyền sử mà không hề gượng ép. Tự nhiên. Thật thà. "Năm mươi con/ Vượt đồi non/
Phá rừng núi/ Khai rẫy nương/ Xây đắp buôn/ Làm nhà sàn(lặp: làm nhà sàn). Không theo lối mòn khách khí, hễ lên núi thì phải đối lại xuống biển. Ông viết mà như đang trỏ tay chỉ vẽ: "Năm mươi con/ Dọc Trường Sơn/ Đi xứ Bắc/ Đi xứ Nam/ Xây núi sông/ Lập ruộng đồng( lặp: lập ruộng đồng)...
*Tiếc quá. Sau tháng 4.1975, "Một Mẹ trăm con" không được dùng dù trong chương trình PTTH tiếng Dân tộc ít người.
*Sinh hoạt văn hóa liên quan đến chinh cổ, cồng chiêng thì kinh, thượng đều có.
Nhưng Unesco vinh danh và công nhận ở đây là vinh danh và công nhận cái KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Không có "tiếng cồng đánh/qua mái tranh/qua mái tre/vào rừng già..."thì nhiều lãnh thổ, vùng miền, dân tộc... sử dụng nhạc khí cồng chiêng chứ đâu chỉ riêng tây nguyên của Việt Nam. Hiểu đúng và đừng khờ khạo chạy theo kinh tế, khôn vặt, khôn nhanh mà xóa dần rừng núi, suối đồi. Hãy 'cư an tư nguy'!
*May mắn, tình cờ, ngồi nốc rượu và chuyện trò với Trung tướng Ksor Nham tại Sài Gòn. Tôi ngộ ra lẽ này: Giai đoạn triều Nguyễn trị vì, khi thống kê dân chúng, có lẽ để phục vụ chuyện thuế má, gốc nguồn dân tộc được chú ý để định mức thuế, thuật ngữ dân tộc Kinh, bắt đầu xuất hiện. Kinh? Gốc gác hoặc truy nguyên gốc gác kinh thành, dù người ấy đang làm ruộng, chài lưới, bán buôn xa kinh thành vẫn được ghi"Dân tộc: Kinh". Dần dà từ "Kinh" được biến nghĩa, thậm chí bị hiểu theo nét nghĩa tiêu cực: lém lỉnh, kẽ chợ, khôn vặt, không thật thà...Kinh! Nhưng qua sơ giao với tướng Ksor Nham, trong tôi, nét nghĩa tiêu cực chỉ dành cho người kẽ chợ, gốc gác kinh thành...thì oan quá!
Hihi KINH. CỤ đang lộ diện thêm ạ.
Phạm Duy theo em luôn là số 1 VN ạ, dù có lúc thăng lúc giáng nhưng nhạc cụ nó đặc VN và cũng rất tây.
Đăng nhận xét