Một hồi, lâu rồi, tự nhiên
tôi nhận một cuộc điện thoại, giọng nữ trong và nhẹ, chuẩn Bắc, giới thiệu em
là như thế như thế, sắp tới dẫn một đoàn học sinh và phụ huynh đi thực tế, sẽ
ghé Gia Lai và Kon Tum, lâu nay đọc anh, biết anh có chút hiểu biết đường đi lối
lại ở đấy, nhờ anh giúp.
Gần như tôi chưa bao giờ từ
chối giúp ai việc gì, huống gì là việc này.
Nhưng tiếp xúc thì hết sức ngạc
nhiên là bởi, cô này tên
là Bình, làm nghề khí tượng, không liên quan gì tới giáo dục, nhưng lại ham
dạy, tập hợp một lũ trẻ ở Hà Nội từ lớp 3 đến lớp 8, dạy thêm cho chúng từ lịch
sử, địa lý đến văn hóa, môi trường, cách sống... thay vì chỉ nhăm nhăm toán lý
hóa ngoại ngữ đến chai mông và cả chai mắt...
Và điều quan trọng là, phụ huynh ủng hộ.
Mỗi năm cứ vừa nghỉ hè là lại tổ chức một chuyến đi, như đi thực tế, đến những
vùng miền đặc trưng của đất nước. Chuyến đi có cả phụ huynh tham gia, thậm chí
cả gia đình. Họ đã đến rất nhiều nơi, những là Huế, Mỹ Sơn, Hội An, Nam Bộ, cao
nguyên cực bắc, và lần này họ vào Tây Nguyên... Và không phải đi như du lịch,
mà là đi khám phá, đi tìm hiểu, đi học. Chuyến đi tôi được nhờ ấy có gần 6 chục
người, ba chục học sinh láu tháu, còn lại là phụ huynh.
Rồi chúng tôi
quen nhau, thi thoảng có việc gì cần thì cô ấy lại nhắn tin.
Thực ra thì tôi
chả hiểu gì về cái nghề khí tượng cả. Nhớ hồi nhỏ xem phim, cái phim đình đám
là "kén rể" mà ông Trần Tiến nổi từ đấy, có nhân vật nghêu ngao
"Đàn bà nói nắng là mưa/ nói bão cấp tám là chưa có gì". Rồi sau đấy
cứ nghe trên đài "Tầm nhìn xa trên 10 ki lô mét" chả hiểu là nó ra
làm sao. Sau được đi biển mới hiểu. Rồi các cơn bão ập vào, đa phần là dự báo
thời tiết... sai, có năm nào đấy báo một đằng nó còn đi một nẻo nữa.
Đến khi biết cô
Bình này, hay đọc trang của cô ấy thì mới thấy, ơ té ra nghề khí tượng thú vị
phết. Cái thời "nói bão cấp tám là chưa có gì" nó qua rồi, bởi phương
tiện quá thô sơ, lạc hậu. Chứ giờ, có thể nói, chính xác một trăm phần trăm thì
chưa, nhưng cũng tới 90 phần trăm là đúng. Và mới té ra, lặng lẽ Sa Pa mới chỉ
là một góc của nghề khí tượng.
Mới nhất tôi nhận cái tin thế này từ
Bình:
"Trường Đại
học Tài nguyên và môi trường có đào tạo khoa Khí tượng, gần đây ít học sinh
đăng ký học. Thật ra trường ở thành phố, mà thành phố thì học sinh có nhiều cơ
hội khác nên các cháu không đăng ký có thể là đúng, tuy nhiên nếu ở các tỉnh xa
xa như Tây Nguyên hoặc miền núi, học xong ra đi làm ở các đơn vị khí tượng tại
các tỉnh thì em nghĩ phù hợp. Em thấy các thầy cô tuyển sinh vật vã mãi nên em
đang tư vấn cho các thầy cô làm bản giới thiệu. Nghề này Covid ko bị mất việc, làm
cũng không quá vất vả, như cái đài ở Pleiku hay mấy trạm quanh chỗ anh đấy. Cơ
sở vật chất ngành em tốt hơn ngành giáo dục.
Giờ dân thành phố học rồi lại không muốn đi vùng xa, thanh niên làm gì
có lý tưởng như thời các anh. Nên là phải tuyển tại các tỉnh xa đi học rồi họ về
làm ở vùng đó có lẽ phù hợp nhất. Và ai
cũng hình dung như nghề ấy là một phiên bản của Lặng lẽ Sa Pa buồn buồn nhưng
lãng mạn. Cám ơn ông nhà văn Nguyễn Thành Long đã cho ngành khí tượng một "Lặng
lẽ Sa Pa", nhưng lại cũng tai hại là ai cũng nghĩ học khí tượng xong chỉ
lên núi ngồi như thế, nên giờ bọn trẻ nó chẳng vào. Chết cái là "Lặng lẽ
Sa Pa" mô tả về ngành khí tượng lãng mạn quá, ai cũng nghĩ học khí tượng rồi
làm mấy công viêc giản đơn trên núi nên... hết ham."
Và té ra, khí
tượng nó không như tôi, và nhiều người nghĩ lâu nay. Nó thú vị phết. Và cũng té
ra, tôi biết về nó cũng từ... ngày xưa.
Thì hồi bé đọc
"Tam quốc diễn nghĩa", đọc lắt nhắt nhảy cóc thôi, mượn được gì đọc nấy,
thì thấy trong ấy rất nhiều vị tài tình hô phong hoán vũ, mà tài nhất là Khổng
Minh. Ông này nhìn trời đoán mưa đoán bão. Rồi từ đấy mà bày binh bố trận. Trời
không cho thì ông tự làm. Thú vị vô cùng. Sau này tốt nghiệp đại học, lên Tây
Nguyên làm việc chả liên quan gì đến khí tượng, lại gặp một ông... tổ nghề khí
tượng, là ông vua lửa. Vua lửa nhưng không làm ra lửa mà lại làm ra mưa, hạn
quá ổng bày đàn cúng, thế là... mưa về. Và nhờ thế mà ổng là Pơ tao. Thế ổng chả
là tổ nghề khí tượng là gì? Cách đây chừng chục năm, lại nhớ có một ông nào đấy,
tuyên bố là có thể... đuổi bão. Mà không chỉ một ông, thời ấy có đến 2 ông
tuyên bố làm được như thế. Ông thì đổi hướng bão, ông thì đuổi mưa để ngày 2/9
khu Ba Đình không mưa vân vân...
Không đi sâu
vì không phải chuyên môn của mình. Nhưng rõ ràng, chuyện khí tượng không đơn giản
chỉ là... nói nắng là mưa, là tầm nhìn bao nhiêu cây số, mà nó hết sức bí ẩn
nhưng lại cũng rành mạch nguyên lý.
Thế mà hiện
nay, một cán bộ khí tượng yêu nghề, nhiều kỹ năng như cô Bình lại phải báo động
về cái sự cạn kiệt nguồn nhân lực bổ sung, báo động về sự học sinh không vào học
ngành này.
Vẫn
là thư cô Bình: "Khí tượng vốn là lĩnh vực khó, học khá nhiều toán lý. Hiện
giờ mỗi năm có khoảng dăm chục sinh viên vào học các trường liên quan tới khí
tượng. Hầu hết những sinh viên này trừ có bố mẹ trong ngành còn hiểu biết về
ngành, số còn lại là không đỗ vào trường mong muốn thì mới vào học khí tượng. Học
thế thì tâm lý không ổn định, đôi khi học dở chừng có thể bỏ đi làm hoặc đi học
ngành khác. Thú thực cách đào tạo đại học hiện nay hết năm 1, 2 học sinh học
toàn các môn cơ bản, rất mông lung không biết ra trường sẽ làm gì nên sẽ dễ
chán. Như vậy khoảng 10 năm nữa thì nhân lực khí tượng chất lượng tốt lấy đâu
ra? Ở đây chất lượng tốt không đòi hỏi quá xuất sắc, chỉ là học cỡ trung bình
khá, hoặc khá, chăm chỉ, có mục tiêu và đam mê. Điều đó chỉ có thể có khi các
em biết rõ mình ra trường có thể làm những việc
gì". Tức là một mặt cần phải thay đổi cách dạy cách học, mặt nữa, cần
thêm vài tác phẩm như "Lặng lẽ Sa Pa", nhưng nó không lặng lẽ nữa, mà
nó náo nhiệt. Có thể chỗ ngồi làm việc thì lặng lẽ nhưng anh lại đọc được hết
những náo nhiệt tưng bừng trên trời, dưới... âm ti. Trung tâm Dự báo khí
tượng thủy văn Quốc gia là nơi luôn sôi động. Các tầng luôn sáng đèn 24h/ngày
và 365 ngày/năm, nhất là khi có mưa bão, thiên tai nơi đấy đông đúc nhộn nhịp
ngay cả nửa đêm.
Giờ không chỉ nhà nước tuyển dụng nhân lực khí
tượng, mà cả các doanh nghiệp cũng kinh doanh khí tượng được rồi, như
Agrimedia, Weather News. Hàng không Việt Nam có hẳn 1 phòng dự báo khá lớn vì họ
cung cấp dịch vụ dự báo thời tiết cho các chuyến bay, hoặc bên hải quân cũng có
một phòng tương tự…
Cả
thế giới đang sống trong thời biến đổi khí hậu, đang tồn tại theo... thời tiết.
Ngày xưa có cái từ thời tiết biến thể cũng hay, ví dụ định làm gì đấy nhưng
nghe ngóng "thời tiết" xem sao, có thể là thời tiết chính trị, thời
tiết kinh tế, thời tiết giá cả, và cả thời tiết từ... vợ, vân vân. Thiên
tai ngày càng nhiều, các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông… đang phụ thuộc rất
nhiều vào thời tiết, cho nên thông tin khí tượng ngày càng quan trọng, nhu cầu
sử dụng thông tin khí tượng ngày càng có đòi hỏi cao nên tương lai càng cần
nhân lực cao...
Ôi giời, tôi
nói thật, mình già mất rồi, chứ không thì, sau khi nghe cô Bình này nói chuyện,
tôi sẽ thi vào... khí tượng. À nhưng mà, cái lý do của cô Bình khi chọn tôi nói
chuyện là vì, cô muốn qua tôi, mong các nhà văn viết thêm nhiều "Lặng lẽ
Sa Pa" nữa, dù vì nó mà nhiều người mặc định khí tượng là... lặng lẽ, là hẻo
lánh...
Và mới thấy
nhà văn đàn anh Nguyễn Thành Long giỏi thật, tài thật. Và mới thấy nữa, té ra
văn chương không phù phiếm như một số người nghĩ...
Bài đăng Reatimes, Ở ĐÂY. Ảnh chả liên quan.
2 nhận xét:
+Duy Xuyên-Quảng Nam là nơi Nguyễn Thành Long sinh ra. Ấu thời và cả cuộc đời, Ông gắn với gia đình ở Qui Nhơn-Bình Định, với nam Trung Bộ (Bình-Phú), với Hà Nội. Một người đã từng cộng tác với báo Thanh Nghị những năm 1943, đã từng dịch giả một ít tác phẩm tiếng Pháp nổi tiếng, nhưng, khi sống và viết dưới chế độ CS, cũng không thể tránh khỏi cái hành lang phải men theo trên hành trình của của nhà văn 'mới'. "Lặng lẽ Sa Pa" là một điển hình kiểu ngợi ca con-người-mới-xã-hội-chủ-nghĩa. Ôi! Biết bao phận người, phận đời đã, đang và sẽ là những Nguyễn Thành Long...
+Gọi ngành Khí Tượng cho gọn, vì ai nghe cũng đều hiểu đối tượng nghiên cứu, khảo sát, nắm bắt, thông báo, thông tin của nó là cái gì. Chinh xác, đầy đủ, phải gọi ngành "Khí Tượng-Thủy, Hải Văn". Dù sao, trước nay, các anh chị trong ngành này đều vượt khó khổ, không điều tiếng và làm tròn nhiệm vụ. Xin trân trọng.
+Chị Bình dạy, mà dạy gộp, dạy ghép những 30 học sinh từ lớp 3 đến lớp 8, được sự cho phép, chấp nhận của cơ quan quản lý giáo dục nơi Chị sinh sống, nghĩ cũng là việc lạ. Theo tôi,ít ra, các em học sinh này cũng có cái gì cá biệt(?).
Hihi cô Bình chính xác là ngoại khóa cho các cháu bác ạ. Giáo dục ta giờ rất kém phần kỹ năng và thực tế. Cô này bù một phần việc ấy cho các cháu. Bác có thể tham khảo thêm link này. Ở commet bog này nó không cho link sống nên bác chịu khó cop rồi dán lên thanh công cụ ạ: http://reatimes.vn/lop-hoc-co-binh-37591.html
Đăng nhận xét